Vị đệ tử tiết lộ về tiền kiếp của Hoà thượng Hư Vân
Có thể xem cuộc đời Hòa thượng Hư Vân là một truyền kỳ: Từng trải qua năm đời hoàng đế nhà Thanh là Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống, chứng kiến gần một trăm năm chiến loạn cùng những biến cố thăng trầm của Trung Hoa.
Năm 112 tuổi, Hòa thượng Hư Vân nhiều lần bị đánh đập tàn nhẫn nhưng ông vẫn sống sót và phục hồi như một kỳ tích, khiến những kẻ bạo hành “không sợ trời, không sợ đất” đều khởi tâm kính vì. Ngay trong những ngày hoạn nạn ấy Hòa thượng Hư Vân được vân du Phật quốc, tận mắt thấy tôn nhan của Đức Phật Di Lặc.
Sự ra đời phi phàm
Hòa thượng Hư Vân họ Tiêu, là hậu duệ của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn. Cha ông là Tiêu Ngọc Đường, từng làm quan ở châu Vĩnh Xuân trong thời nhà Thanh, còn mẹ ông là phu nhân Nhan Thị. Nhà họ Tiêu hiếm muộn, hai vợ chồng đến hơn 40 tuổi vẫn chưa có con nên trong tâm vô cùng lo lắng. Một ngày, bà Nhan Thị đến chùa cầu xin đức Quan Âm ban cho một mụn con, đồng thời phát nguyện trùng hưng lại chùa và cầu đường Đông Quan.
Đêm ấy, bà Nhan Thị nằm mộng thấy một lão nhân râu dài, mình khoác áo bào xanh, đỉnh đầu có tượng Quan Âm, thân cưỡi hổ mà đến, sau đó liền nhảy lên trên giường. Sáng sớm hôm sau bà kể lại giấc mộng cho chồng, ông Tiêu Ngọc Đường nghe xong kinh ngạc nói: "Tôi cũng mơ thấy hệt như thế! Xem ra, việc cầu tự đã có hy vọng rồi".
Đúng như mong đợi, bà Nhan Thị mang thai không lâu sau đó. Nhưng đứa trẻ ra đời lại khiến cả nhà giật mình kinh hãi. Vì sao vậy? Bởi vì quấn trong tã không phải là em bé sơ sinh mà là một “cục thịt”. Bà Nhan Thị thấy vậy thì khiếp sợ vô cùng, nghĩ rằng từ nay về sau không còn hy vọng nữa nên uất khí mà chết. Chỉ trong một ngày hỷ sự bỗng biến thành tang sự, mọi người đều cho rằng quái thai mang đến điềm rủi, định bụng sẽ đem vứt bỏ đi. May thay có một ông lão bán thuốc đến nhà thăm hỏi, rồi như thể đã biết rõ sự tình, ông lão liền lấy dao rạch cục thịt, bế ra một em bé bụ bẫm trắng trẻo.
Đứa trẻ ấy chính là Hư Vân sau này.
“Biên niên tự thuật của Thiền sư Hư Vân” kể rằng:
Hư Vân từ nhỏ đã thông minh dĩnh ngộ, nhưng ông không muốn theo con đường kinh sử, cũng không màng danh lợi thế gian. Năm 17 tuổi, ông từng lén xuất gia đi tu, nhưng giữa đường bị người nhà ngăn cản nên buộc phải trở về.
Vì để ràng buộc con Hư Vân, cụ Tiêu Ngọc Đường ép con trai phải cưới liền hai cô vợ là Điền Thị và Đàm Thị. Ông không thể làm trái lời cha, nhưng cũng không hề có ý thỏa hiệp. Vào đêm tân hôn, ông hoằng dương Phật Pháp cho hai vị tân nương, họ đều là người có huệ căn nên cũng có chỗ lĩnh ngộ. Và giống như tôn giả Đại Ca Diếp và Diệu Hiền năm xưa, ông cùng hai cô Điền, Đàm chỉ mang danh nghĩa vợ chồng, nhưng thực tế lại sống như những người bạn thanh tu.
Một năm sau, Hư Vân viết tặng hai người vợ bài “Bì đại ca” (bài ca túi da). Lời ca mộc mạc, giản dị, chỉ ra rằng thân người chẳng qua chỉ là một cái túi da, đừng nên tham luyến danh lợi thế gian, tu đắc chính quả mới là điều quan trọng nhất. Sau đó ông vào chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn, Phúc Châu xuất gia làm tăng. Một thời gian sau, hai người vợ của ông cũng lần lượt quy y.
“Bì đại ca” có đoạn:
Thoát thai trâu, vào bụng ngựa
Thay hình đổi mặt nào ai khóc
Thêm điều ác, chẳng tu phúc
Chết uổng sống hoài thật vô ích
Nhập tam đồ, đọa địa ngục
Đắng cay muôn khổ vì quỷ súc
Cổ Thánh hiền, đã nhiều lời
Sáng chiêng chiều trống động tâm can
(...)
Túi da hề! Túi da hề!
Đã mang hình chẳng lụy vì hình,
Coi đời huyễn, giả danh, đối đãi
Sớm hồi tâm tự tại an nhiên.
Là danh nhân Tô Đông Pha chuyển thế
Hòa thượng Hư Vân có học vấn uyên thâm, trước khi xuất gia ông từng sống đời thanh tu như tôn giả Đại Ca Diếp, do đó có người phỏng đoán rằng ông chính là Đại Ca Diếp chuyển sinh. Tuy nhiên, theo Kinh Phật, Tôn giả Đại Ca Diếp lĩnh ý chỉ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không nhập luân hồi mà vẫn ở lại nhân gian đợi chờ Phật Di Lặc, do đó không thể nói Hòa thượng Hư Vân là chuyển sinh của Ngài.
Một đệ tử của Hư Vân hòa thượng là trưởng lão Tịnh Huệ tiết lộ rằng, lão sư phụ chính là một trong tứ đại cao tăng thời nhà Minh – Hàm Sơn đại sư. Vì sao ông biết được điều ấy?
Vào năm Dân quốc thứ 23 (năm 1934), trong lúc tu sửa lại “Tào Khê Tổ Đình” Nam Hoa Tự, hòa thượng Hư Vân từng thắp hương đứng trước tượng nhục thân của Hàm Sơn đại sư và đọc bài kệ như sau:
“Kim đức thanh, cổ đức thanh
Kim cổ tương phùng hoán liễu hình
Phật Pháp hưng suy thính thì tiết,
Nhập lâm nhập thảo bất tằng đình”
Tạm dịch:
Nay Đức Thanh, xưa Đức Thanh
Xưa - nay gặp gỡ đổi hình dong
Phật Pháp hưng suy theo thời tiết
Vào núi vào rừng chẳng nghỉ ngừng.
Đức Thanh là pháp hiệu của Hàm Sơn đại sư, trùng hợp cũng là pháp hiệu của Hư Vân lão hòa thượng. Trong luân hồi đời đời kiếp kiếp, mỗi đời mang một khuôn mặt và dáng hình khác nhau nhưng pháp danh không đổi. “Đức Thanh nay” còn sống đang đứng trước nhục thân bất hoại của “Đức Thanh xưa”, thực là “Xưa - nay gặp gỡ đổi hình dong”.
Năm ấy, Hàm Sơn đại sư đi Nam Hoa Tự, ông lấy thân phận của một người đang chịu thụ hình đến chùa Nam Hoa chấn hưng Lục Tổ Đạo tràng. Hôm nay lão Hòa thượng Hư Vân lại đến Nam Hoa Tự, lần nữa chấn hưng đạo tràng này, ấy thực là “Phật Pháp hưng suy theo thời tiết, Vào núi vào rừng chẳng nghỉ ngừng”.
Một lần, có người cầm cuốn “Lăng Già Kinh chú giải” đến xin thỉnh giáo Hòa thượng Hư Vân, lão hòa thượng buột miệng thốt lên rằng: Đó là khi ta ngồi trong thủy lao mà viết ra. Nhưng Hư Vân hòa thượng chưa từng ngồi thủy lao, mà là Hàm Sơn đại sư vì mang tội “tự ý xây chùa” mà bị sung quân đến Nam Hải, chịu hình phạt ngồi trong thủy lao. Hàm Sơn đại sư phải đứng trong thủy lao tám tiếng một ngày với mực nước cao trên đầu gối, sau khi trở về ông lại viết “Lăng Già Kinh chú giải”.
Do đó có thể nói, Hư Vân hòa thượng đã tiết lộ tiền kiếp của chính mình.
Lai lịch của Hàm Sơn đại sư cũng không hề tầm thường. Trong “Mộng du tập - Thị Linh châu kính thượng nhân”, ông từng kể rằng, ông đã leo lên đỉnh Diệu Cao Phong ở Hải Môn, trong lúc thiền định ông tiến nhập vào cảnh giới thâm sâu quảng đại, nhìn thấy Tô Đông Pha đi qua đi lại. Sau này ông mới biết rằng đây là tín tức lưu tồn từ tiền kiếp. Khi Hàm Sơn du lịch đến nơi Tô Đông Pha từng cư trú năm xưa, lần giở từng trang thơ của đại thi hào, ông không ngừng cảm thán. Vạn Pháp như mộng như ảo, nhân sinh cũng như huyễn hóa trong giấc mộng vậy.
Người đời sau căn cứ vào những lời tự thuật của Hàm Sơn đại sư mới biết ông chính là chuyển thế của đại văn hào Tô Đông Pha thời Bắc Tống, mà Tô Đông Pha lại là Ngũ Giới hòa thượng chuyển sinh. Qua đó có thể thấy rằng, Hư Vân hòa thượng đã nhiều đời tu Phật Pháp, có Phật duyên sâu xa.
Những chuyện thần kỳ không thể giải thích xung quanh Hư Vân hoà thượng
Sau khi khai ngộ, Hòa thượng Hư Vân đã trải qua rất nhiều sự việc thần kỳ, đó đều là những điều mà khoa học hiện đại không thể giải thích được.
Cầu tuyết trị dịch cho dân
Vào năm Dân Quốc thứ 10, tức mùa thu năm 1921, dịch bệnh bùng phát ở Vân Nam cướp đi sinh mệnh của hàng ngàn người. Đến cuối xuân năm sau tình hình dịch bệnh vẫn không thuyên giảm, số ca tử vong càng tăng thêm. Không chỉ vậy, Vân Nam còn xảy ra hạn hán, nhiều tháng liên tiếp không có mưa. Một tướng lĩnh quân phiệt tên là Đường Kế Nghiêu đã đến Hoa Đình Tự xin Hòa thượng Hư Vân lập đàn cầu mưa.
Chùa Hoa Đình nằm bên bờ tây của hồ Côn Minh, vì lâu năm không tu sửa nên đã bị bán đi, sau được Đường Kế Nghiêu mua lại rồi giao cho hòa thượng Hư Vân làm trụ trì và khởi công tái thiết. Sau này người ta đào được tấm bia cổ chôn sâu dưới đất, trên mặt khắc hai chữ “Vân Thê”, do đó chùa được đổi tên thành Vân Thê Tự.
Hòa thượng Hư Vân lập đàn cầu mưa ba ngày, quả nhiên trời giáng cơn mưa lớn giải hạn, nhưng dịch bệnh thì vẫn cứ lan tràn. Đường Kế Nghiêu bèn nói: “Tôi nghe nói tuyết có thể ngăn ngừa bệnh dịch, nhưng giờ đã là cuối xuân, làm sao còn có tuyết nữa đây?”.
Hòa thượng Hư Vân đáp: “Tôi sẽ lập đàn thờ, nhưng vẫn cần Ngài phải toàn tâm toàn ý hết lòng cầu nguyện thì mới được”.
Đường Kế Nghiêu tắm gội trai giới, cung kính nghe Hòa thượng Hư Vân tụng kinh. Hôm sau trời giáng trận tuyết lớn dày hơn một thước, trận tuyết đã ngăn không cho ôn dịch lan tràn. Dân chúng trong vùng đều cảm ân sâu sắc và càng thêm tin tưởng vào uy lực của Phật Pháp.
Vân du Phật quốc, chết rồi hồi sinh
Vào năm 1949, Hòa thượng Hư Vân đã 110 tuổi, và đang tu hành trong chùa Vân Môn ở Quảng Đông.
Năm 1951, Hư Vân hòa thượng đăng đàn chủ trì việc truyền giới vào mùa xuân, người đến cầu giới rất đông, trong chùa Vân Môn có hơn 120 người. Thời điểm ấy cũng đúng vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch “trấn áp phần tử phản cách mạng” trên toàn quốc. Thấy Hòa thượng Hư Vân là vị cao tăng đức cao vọng trọng đã dành cả đời hồng dương Phật Pháp, lại thấy dân chúng đều tín Phật nên chính quyền Trung Quốc lúc đó này muốn tìm cơ hội dẹp trừ. Họ lấy lý do là chùa Vân Môn tàng trữ quân giới, điện đài, vàng bạc… rồi phái đến bao vây chùa.
Trước hết, chính quyền bắt giam hòa thượng Hư Vân vào phòng phương trượng, và cắt cử người giám sát, tiếp đó nhốt các tăng nhân vào thiền đường và pháp đường. Họ bắt đầu tùy tiện lục soát khắp từ dưới lớp gạch lát sàn cho đến tận mái đại điện, các bức tượng Phật Tổ, kinh tạng, và Pháp khí đều bị hủy hoại. Sau hai ngày lùng sục mà không có kết quả, họ liền bắt chư tăng và dùng các nhục hình tàn khốc để bức cung. Chỉ trong vòng vài ngày, có 26 người bị bắt, trong đó có một người bị đánh tử vong. Liên tục như vậy suốt 10 ngày vẫn không tìm thấy gì, họ trút giận vào Hòa thượng Hư Vân.
Ngày 1 tháng 3, Hoà thượng Hư Vân bị nhốt vào một căn phòng khác, khóa chặt cửa ra vào và cửa sổ, không cung cấp đồ ăn thức uống, cũng không cho đi nhà vệ sinh. Đến ngày 3 tháng 3, mười kẻ xông vào phòng, bắt ép lão Hòa thượng phải giao nộp vàng bạc và khí giới. Hòa thượng Hư Vân đáp là “không có”, bèn điên cuồng đánh đập, lúc đầu dùng gậy gỗ, tiếp đó lại dùng gậy sắt, đánh đến mức mặt ông bê bết máu, khắp mình thương tích, xương sườn cũng bị đánh gãy. Nhưng dẫu bị đánh đến bầm dập, Hòa thượng Hư Vân vẫn gắng gượng ngồi dậy, đả tọa nhập định, mắt nhắm không nhìn, miệng ngậm không nói, cũng không kêu la hay than vãn lời nào. Những kẻ ác nhân ấy đánh đập ông bốn lần như thế, cuối cùng đạp ông ngã xuống đất. Khi thấy ông đã bị trọng thương, sinh mệnh chỉ còn thoi thóp, chúng tin rằng lão Hòa thượng sẽ chết bèn kéo nhau bỏ đi.
Đến ngày 5 tháng 3, phát hiện lão Hòa thượng vẫn còn sống, bọn họ lại tiếp tục đánh. Đến tối, một đệ tử chạy đến đỡ ông ngồi lên chiếc giường đã sập, hòa thượng Hư Vân ngồi đó trong trạng thái nhập định. Buổi sáng ngày 10 tháng 3, ông từ từ nằm xuống giống như khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn. Sau một ngày một đêm vẫn không có động tĩnh gì, người đệ tử liền đốt cọng rơm hơ trước mũi xem có hơi thở không, phát hiện ông không còn thở nữa. Cậu lại sờ nắn mạch tượng hai tay phải và trái, cũng không thấy mạch đập. Nhưng điều kỳ lạ là trông sắc mặt của ông vẫn tươi tỉnh như trước, thân thể vẫn mềm và ấm.
Đến sáng sớm hôm sau, vị đệ tử đột nhiên nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của sư phụ, cậu chạy vào đỡ ông ngồi dậy và kể lại rằng ông đã ngồi nhập định nhiều ngày rồi. Hòa thượng Hư Vân nói: “Thầy tưởng những tai biến này chỉ mới vài phút thôi. Thầy nghiệm biết số mình sắp hết rồi”.
Sau đó, ông kể lại:
“Thầy vừa mộng thấy mình đến nội viện cung trời Đâu Suất, nơi đó rất trang nghiêm kỳ diệu, trên thế gian không có nơi nào giống như thế. Thầy gặp Bồ Tát Di Lặc đang ngồi trên tòa cao thuyết pháp, trong chúng hội có vài mươi vị, vốn là pháp hữu thuở xưa của thầy. Thầy cung kính chắp tay rồi được chư vị chỉ tay ra hiệu bảo ngồi bên phía đông, nơi một tòa ngồi trống trải thứ ba, tôn giả A Nan cùng ngồi kế cận thầy. Đại chúng cùng nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết Duy Thức Định. Đang giảng, đột nhiên Ngài Di Lặc dừng lại, chỉ tay về hướng thầy và nói: ‘Con hãy trở về đi!’.
Thầy đáp: ‘Đệ tử nghiệp chướng nặng nề, không dám trở về’.
Ngài Di Lặc bảo: ‘Nghiệp duyên của con chưa dứt, nay hãy đi về, rồi sau này trở lại’”.
Những thần tích đã triển hiện của Hư Vân khiến đám bức hại ông đều cảm thấy kỳ lạ. Chúng hỏi các tăng nhân: “Tại sao lão già kia bị đánh nhừ tử như thế mà không chết?”.
Các tăng nhân đáp: “Lão Hòa thượng vì chúng sanh chịu khổ, lại vì muốn tiêu trừ tai nạn cho chư vị, nên tuy bị đánh đập tàn nhẫn mà không chết. Đợi đến sau này rồi chư vị sẽ hiểu”.
Kể từ đó, chúng không còn dám tra tấn đánh đập ông nữa.
Sau khi người bên ngoài biết về biến cố xảy ra tại chùa Vân Môn, chính quyền Trung Quốc khi ấy mới tạm thời dừng tay đối với Hòa thượng Hư Vân. Sự việc này được gọi là “Vân Môn sự biến”.
Để lại xá lợi
Đệ tử cuối cùng của Hòa thượng Hư Vân tên là Thiệu Vân. Trong “Thiệu Vân pháp sư khai thị lục”, ông từng kể về những năm cuối đời của hòa thượng Hư Vân:
Từ năm 1956 đến năm 1958, Hư Vân hòa thượng thường ốm đau. Vết thương cũ từ hồi “Vân Môn sự biến” thường xuyên đau nhức mãi không ngừng, những lúc ấy lão Hòa thượng lại nằm trên giường rên rỉ. Dù vậy, khi có người đến thăm viếng ông liền lập tức ngồi dậy, tinh thần minh mẫn, có thể trò chuyện với họ ba, bốn tiếng đồng hồ mà không mệt, dáng vẻ cũng không hề giống như người đang có bệnh. Nhưng ngay khi khách vừa rời khỏi, ông lại nằm xuống rên rỉ mãi.
Một đệ tử cảm thấy kỳ lạ, liền thỉnh giáo ông đây là chuyện gì? Hòa thượng Hư Vân đáp: “Đây là nghiệp chướng. Diêm Vương không quản ta được, vậy nên ta muốn dậy thì dậy, muốn không dậy thì không dậy nữa”.
Sau năm 1958, Hư Vân hòa thượng nói với đệ tử rằng ông muốn rời đi. Chúng đệ tử rất tiếc thương, liền hỏi sư phụ vì sao lại muốn đi. Hư Vân đáp: “Các con không biết đó thôi, sau này còn có mười năm tội khổ, rất khó khăn mà!”.
Mọi người đều không hiểu mười năm tội khổ ấy là gì, mãi đến khi xảy ra Đại Cách mạng Văn hóa họ mới biết lão hòa thượng sớm đã biết trước sự việc này.
Đến năm 1959, bệnh tình bắt đầu trầm trọng thêm, đến tháng 3 năm ấy, ông chỉ ăn được một bát cháo nhỏ. Có người mời bác sĩ đến, nhưng ông đều xua tay và nói: “Thế duyên sắp hết rồi”.
Ngày 12 tháng 9 năm 1959, Hư Vân hòa thượng viên tịch. Từ hơn một tháng trước đó, rất nhiều tăng nhân đều nhìn thấy một quầng sáng chói phát ra từ túp lều cỏ đi về hướng đại điện, sau đó mới dần dần biến mất. Ngày 19 tháng 9 quan tài được đưa vào lò hỏa táng, dự kiến ba ngày nữa sẽ mở lò lấy tro cốt. Nhưng chỉ ngay hôm sau, vùng ngoại ô Triệu Châu xảy ra hỏa hoạn, trên núi có gần 100 người sinh sống.
Các tăng nhân nghe tin đều đi cứu hỏa, trong chùa chỉ còn lại vài tăng nhân già yếu, trong đó có Hòa thượng Khoan Hoài và Hòa thượng Khoan Khắc cùng một số người khác. Khi đến lò hỏa táng, họ thấy tro cốt của lão Hòa thượng vẫn ngồi nguyên không đổ, trông như thể người sống đang ngồi tại đó. Cảm thấy quá kỳ lạ, họ bèn tiện tay nhặt một mảnh sành ném vào tro cốt, toàn bộ tro cốt liền đổ sụp xuống. Khoan Hoài vươn tay vào trong nắm một nắm tro, bỗng phát hiện có vài viên xá lợi sáng lấp lánh, ông không khỏi mừng rỡ reo lên.
Một lúc sau, những tăng nhân đi cứu hỏa lần lượt trở về, nghe nói trong tro cốt có xá lợi tử, họ liền tới tấp chạy đến, ai cũng cố nắm lấy một nắm tro rồi chạy đến chỗ vắng vẻ trên núi. Có người tìm được trong nắm tro vài viên xá lợi, ít thì cũng có một hai viên, lớn nhỏ khác nhau, màu sắc cũng không đồng nhất, đa số là màu trắng và trong suốt như pha lê. Vì mọi người đều làm như vậy nên trong tro cốt của Hư Vân hòa thượng có bao nhiêu xá lợi tử thì rốt cuộc cũng không cách nào tính được.
Rất nhiều người từng nhìn thấy trong những hạt xá lợi có hình ảnh Hư Vân hòa thượng ngồi đả tọa, trong đó có một viên còn hiện rõ ràng cả lông mày của ông. Hiện nay những hạt xá lợi ấy vẫn còn được cất trong tháp Xá Lợi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Xem thêm