Hòa thượng Thích Trí Quang dưới góc nhìn của nhà báo Jerrold Schecter
Hòa thượng Thích Trí Quang là bậc danh tăng của Phật giáo Việt Nam. Quý trọng những công hạnh mà ngài đã phụng hiến suốt cả cuộc đời cho Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, tác giả Thích Hoằng Trí đã khảo dịch một bài viết của nhà báo Hoa Kỳ, được ấn hành cách đây hơn 50 năm.
Jerrold Schecter sinh năm 1932 tại thành phố New York và tốt nghiệp Đại học Wisconsin năm 1953. Ông từng là nhân viên thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ năm 1953 đến 1957 khi ông tham gia Tạp chí Wall Street với tư cách là một thông tín viên. Năm 1958, ông chuyển sang làm việc cho Tạp chí Time với vai trò là cộng tác viên tại New York, và sau đó ông tham gia Tạp chí Time-Life chuyên trách các vấn đề về Đông Nam Á tại Hồng Kông từ năm 1960 đến 1963. Ông là một nghiên cứu sinh theo chương trình học bổng dành cho giới báo chí tại Đại học Harvard niên khóa 1963-1964, và là chánh văn phòng của Tạp chí Time-Life tại Tokyo từ tháng 8 năm 1964.
Tác phẩm Diện mạo mới của Đức Phật - Phật giáo và sức mạnh chính trị ở Đông Nam Á (The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southest Asia) xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1967, do Jerrold Schecter trước tác khi ông đang làm chánh văn phòng cho Tạp chí Time-Life tại Tokyo từ năm 1964. Ông đã đi khắp các nước Đông Nam Á để phỏng vấn những nhà cải cách Phật giáo. Tác phẩm trình bày tổng quan về cuộc đời Đức Phật và Phật giáo; Phật giáo với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Cộng sản; diện mạo Phật giáo của các nước châu Á như Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản, Việt Nam. Riêng Phật giáo Việt Nam, ông dành 4 chương, gồm 107 trang (từ tr.145 đến tr.252), để lần lượt trình bày về tinh thần của các Tăng nhân, giới Phật giáo đồ trước những rào cản của Chính quyền Ngô Đình Diệm, sự lật đổ Chính quyền Diệm và xây dựng tổ chức Giáo hội mới, mối bất đồng giữa các Tăng sĩ và tổ chức Phật giáo thất bại trước Chính phủ Thiệu - Kỳ.
Theo quan điểm của người phương Tây, Phật giáo là một tôn giáo thụ động, dễ bảo; Phật giáo dạy con người cần phải từ bỏ quyền lực và lòng đam mê, mưu cầu lối sống trung đạo để hướng đến hạnh phúc tuyệt đối. Đây là một ý niệm khiếm khuyết trong tư duy của người phương Tây khi họ nghĩ về Phật giáo. Phật giáo ở châu Á thế kỷ XX là niềm tin mãnh liệt vào ánh sáng chân lý và sức mạnh chính trị mà rốt cuộc phương Tây cũng phải cúi đầu chấp nhận trước hiện thực này. Tông phái Soka Gakkai của Nhật Bản nhấn mạnh vai trò nhập thế tận tụy với việc kiến tạo hòa bình, phát triển văn hóa và giáo dục; thái tử Sihanouk ở Cam-pu-chia và Hòa thượng Thích Trí Quang ở Việt Nam là những Phật tử thế hệ mới, những người con Phật mang quyền lực mới ở châu Á.
Hòa thượng Thích Trí Quang là linh hồn của Phật giáo Việt Nam
Phật giáo là một tôn giáo mang đầy đủ hai yếu tố: Từ bi và Trí tuệ. Khi các Tăng sĩ và cư sĩ tham gia hoạt động chính trị, thì liệu Phật giáo có còn giữ vững được truyền thống vốn có của nó từ thời Đức Phật hay không? Phật giáo ở các quốc gia vùng Đông Nam Á sẽ tự thích nghi với chủ nghĩa dân tộc và đáp ứng được những khát vọng của con người thời hiện đại đối với sự tiến bộ và phát triển vật chất, liệu những yếu tố ấy có trái ngược với tông chỉ Phật giáo hay không? Bằng quan sát và trải nghiệm trong cuộc đời làm phóng viên của mình, Jerrold đã thu thập những nét tinh hoa của Phật giáo các nước khu vực Đông Nam Á để ghi lại từ những điều mắt thấy tai nghe. Từ những hoạt động thực tiễn của Phật giáo các nước khu vực đã làm sáng tỏ tính nhập thế tích cực của một tôn giáo vì hòa bình có lịch sử hàng ngàn năm đang nỗ lực đóng vai trò là một lực lượng nòng cốt phù hợp với niềm đam mê, sức mạnh và tiềm năng của thời đại.
Trong bài viết này, người viết chỉ dựa vào chương 8 Tinh thần của các Tăng nhân (The Minds of the Monks) (từ tr.145 đến tr.165) của tác phẩm để ghi lại những nỗ lực của Đại sư Thích Trí Quang trong vai trò là người tranh đấu cho Phật giáo Việt Nam trường tồn với những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc qua nhãn quan của ký giả Jerrold. Nội dung của chương này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc và mới mẻ về yếu tố “lợi tha” của Phật giáo Đại thừa qua tâm lượng và hành động thiết thực của các Tăng nhân Phật giáo, đặc biệt là Đại sư Trí Quang. Diện mạo mới của Đức Phật được trình bày theo quan điểm của Jerrold về sự thay đổi mới mẻ đối với vai trò chính trị và xã hội lâu đời của Phật giáo trong nền chính trị các nước châu Á. Từ đó, độc giả sẽ thấy được tinh hoa đạo Phật không những mang yếu tố tôn giáo và triết học, mà còn mang đậm chủ nghĩa dân tộc, ý thức hệ và nguồn gốc của các giá trị phổ quát ở châu Á.
Đại sư Trí Quang khẳng định vai trò của Phật giáo Việt Nam
Mở đầu chương 8 Tinh thần của các Tăng nhân, Jerrold Schecter giới thiệu một nhân vật lãnh đạo tinh thần Phật giáo Việt Nam thời cận đại: “Ấn tượng đầu tiên là ông ấy trông rất đa nghi, nhưng ông mỉm cười. Nụ cười làm nổi bật hai gò má cao và đôi lông mày rậm của ông, làm mềm mại đi đặc trưng quyết liệt của ông và xua tan trạng thái căng thẳng. Khuôn mặt ông sau đó gần như giống trẻ con. Thích Trí Quang, vị Thượng tọa mang Trí tuệ Tỏa sáng, dường như không được thoải mái đối với những người ngoại quốc. Ông mới ra nước ngoài chỉ một lần, khi ông tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ 2 được tổ chức tại Nhật Bản năm 1952. Phần lớn cuộc đời ông sống ở những ngôi chùa tại Huế và Hà Nội để giảng dạy và nghiên cứu Phật pháp, sống cho chủ nghĩa dân tộc và quyền lực. Trí Quang là người Việt Nam đích thực, đây là sở trường và cũng là nhược điểm của ông. Ông là nhà lãnh đạo, người có thể tập hợp quần chúng và chỉ huy lực lượng nòng cốt và phong cách của ông có chút gì đó giống như những giới luật và quy tắc thường được áp dụng ở các tu viện. Trí Quang là người con xứ Huế, cố đô của Việt Nam, và con người ông đã phản ánh được tính cách và phẩm chất của người miền Trung Việt Nam. Ông thông minh, uy nghiêm và đầy bí ẩn. Sự phản bội của người ngoại quốc lẫn người trong nước đối với dân tộc của ông đã khơi gợi trong ông khả năng tranh đấu thiên tài. Thanh kiếm của ông là quần chúng, tấm khiên của ông là tấm áo ca-sa của nhà sư và giáo lý đạo Phật. Những đặc trưng này, ông nhấn mạnh, không hề mâu thuẫn với chân lý và giáo nghĩa của đạo Phật”.[tr.145].
Khi Jerrold muốn tìm hiểu tính cách các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, ông trực tiếp đến chùa Từ Đàm và được diện kiến Đại sư Trí Quang đang ngồi trên ghế mây đặt cạnh một chiếc bàn thấp tại chùa “trông thân thiện nhưng khá cách biệt. Ông không cố gắng tạo thiện cảm nhưng phần nào con người ông lại tỏa sáng năng lượng quyền uy”. [tr.145]. Mở đầu cuộc đối thoại, Đại sư rút cây bút bi trên một cuốn sổ và bắt đầu vạch ra các nẻo đường truyền bá giáo lý của đạo Phật. Phật giáo Đại thừa từ Ấn Độ truyền tới Trung Quốc và Việt Nam, Phật giáo Thượng tọa bộ từ Ấn Độ truyền tới Sri Lanka, Thái Lan và Myanmar. Ngài giải thích: “Nét đặc trưng chủ yếu của Phật giáo Đại thừa là đồng nhất hóa với đặc trưng mang tính quốc gia mà nó truyền nhập. Nó đồng nhất hóa với người dân và trở thành tâm lý mang tính dân tộc”. Đại sư khẳng định: “Phật giáo là ý thức mang tính dân tộc và là bản chất trong nhân cách người Việt Nam. Nền tảng cho đạo đức và hành động nằm ở đạo Phật”.[tr.146].2
Qua lời giải thích của Đại sư Trí Quang, Phật giáo không thụ động tiêu cực với lối sống yếm thế và tự phát, mà Phật giáo tồn tại với chân lý mang tính chất có lợi ích cho xã hội. Đó là một đạo Phật đang hiện hữu được hình thành không phải trong sự thầm lặng của các thiền viện, mà từ ước vọng của một nước Việt Nam tự do dưới sự đô hộ của người Pháp, tự do từ ảnh hưởng của phương Tây, tự do để mưu cầu hạnh phúc cho vận mệnh của dân tộc mình, tự do để giải thoát khỏi ách đô hộ 80 năm của thế lực thuộc địa và tiến lên thời đại huy hoàng của thời đại Lý-Trần để bước vào một tương lai của dân tộc Việt Nam. Đại sư Trí Quang nói: “Phật giáo đã dạy rằng, bạn hạnh phúc khi bạn giúp người khác hạnh phúc. Nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn khi bạn chịu đựng sự tổn thất để giúp cho người khác hạnh phúc. Điều đó giải thích ý nghĩa rốt ráo về trách nhiệm của những Tăng sĩ Phật giáo cần mang lại sự sống còn cho người dân xung quanh”. [tr.146].
Mối quan tâm đặc biệt của giới Tăng nhân Phật giáo Việt Nam đối với quần chúng được Đại sư giải thích rõ: “Đại đa số người dân Việt Nam hồn nhiên trong cách nhìn nhận vì chưa được giáo hóa sâu và còn khá chất phác. Quần chúng hưởng ứng theo trực giác và không có suy nghĩ sâu sắc, nhưng không bao giờ liên đới với các hành động phi pháp hoặc phi đạo đức. Bất cứ khi nào phải đấu tranh cho những giá trị đạo đức thì họ sẽ đấu tranh, thậm chí họ còn phải chịu tổn thất”. [tr.146]. Những Tăng nhân khi đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo thì họ càng quan tâm hơn tới đời sống thường nhật của người dân. Phật học càng cắm rễ sâu vào tâm thức các nhà sư thì sự quan tâm đối với đời sống thường nhật của người dân càng lớn. Ngài khẳng định: “Trong Phật giáo không có nhà lãnh đạo và không có các môn đồ. Chỉ có người gánh vác trách nhiệm, và đối với quần chúng, họ chấp nhận những người lãnh đạo. Những người lãnh đạo được tin theo chỉ khi nào họ đáp ứng được những khát vọng của quần chúng”. [tr.146].
Sở dĩ quần chúng tin theo các Tăng nhân và sát cánh bên các nhà lãnh đạo Phật giáo là vì giới Tăng lữ “không quan tâm đến những điều kiện sống của mình và luôn giữ tâm trí mình tự do khỏi những mưu đồ, hơn thua và bất tịnh… Nếu có bất cứ mưu đồ nào cho lợi ích cá nhân, thì người đó sẽ bị quần chúng loại trừ”. [tr.147]. Nhờ sống đạm bạc và khổ hạnh trong chốn tùng lâm, nhờ không sở hữu bất cứ tài sản cá nhân nào, luôn quan tâm đến vận mệnh chung của dân tộc nên ngài là điểm tựa tinh thần vững chắc cho quần chúng tin theo. Đại sư luôn ca ngợi chủ nghĩa dân tộc gắn liền với quá khứ vẻ vang của người Việt qua quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt thời đại Lý - Trần tồn tại 400 năm với tinh thần yêu nước sâu sắc nhờ duy trì đời sống Phật giáo. Ngài theo con đường phụng sự nhân sinh của tư tưởng Phật giáo Đại thừa “gánh vác lấy trách nhiệm để thực hiện hành động cho người khác được cứu độ”. Và nhờ thiên hướng căn bản này, Đại sư đã khẳng định rõ mối quan hệ không thể tách rời giữa quần chúng với giới Tăng lữ.
Khi tiếp xúc với ký giả Jerrold, Đại sư viết vài chữ Hán nguệch ngoạc trên tấm danh thiếp của vị khách nước ngoài này. Gương mặt ngài thay đổi trạng thái cảm xúc theo những suy nghĩ mang sự cuốn hút và khát vọng. Đó là khát vọng dành những ưu tiên cho dân tộc Việt Nam và dành cho những lý tưởng được đặt trên nền tảng giáo lý đạo Phật. Khi trả lời ký giả nước ngoài, ngài không bao giờ đi thẳng vào vấn đề hay khẳng định chắc chắn điều gì mà luôn trả lời bằng ngụ ý hoặc bằng những ý kiến tương tự. Ngài không bao giờ cố tìm sự chính xác ngoài những phát biểu với các ngôn từ trừu tượng. Ngài không cho phép trao đổi một vấn đề nào đó đi thẳng vào trọng tâm hay đánh giá chính xác về các ý tưởng và lập trường, quan điểm của mình. Những gì không cần thiết phải giải thích hoặc bảo đảm độ chính xác khi trả lời phỏng vấn, ngài đều phớt lờ cho qua một cách nhẹ nhàng. “Ông tự tin về bản thân mình, chỉ thoáng một chút mệt mỏi khi phải giải thích và tự điều chỉnh bản thân. Điều này luôn luôn là bộ khung đạo đức của Phật giáo và của mối quan hệ giữa ông với quần chúng đối với những điều ông tin cậy. Từ đó, ông nhận thấy được sức mạnh của mình; và từ ông, quần chúng cũng tìm thấy được sự kính trọng và ý thức về tính cách ông”. [tr.148-149]. Do đi nhiều nơi, tiếp xúc với các sắc thái Phật giáo vùng Đông Nam Á nên Jerrold cũng có sự so sánh tính cách Tăng nhân của các nước khác nhau trong khu vực. Jerrold mô tả về Đại sư Trí Quang: “Đầu của Trí Quang đang mọc lên những mẩu tóc đen lún phún và ông cần được cạo tóc. Áo nhật bình dài màu lam của ông là vải cotton mỏng. Ông mặc một bộ quần áo giống như bộ pijama trắng bên trong áo nhật bình và đi đôi dép da. Đôi bàn tay ông nhỏ nhắn và bên góc bàn tay phải ông có một vết bớt đỏ màu dâu tây. Có một phẩm chất thâm thúy về con người ông và áp lực căng thẳng, đối nghịch hoàn toàn với thái độ hòa nhã, trầm lặng của các nhà sư Phật giáo Nguyên thủy ở Thái Lan và Lào”.[tr.147].
Đại sư Trí Quang luôn nhắc nhở quần chúng rằng, nhân dân có sức mạnh tiềm tàng và trưng ra những minh chứng về sức mạnh của Phật giáo trong lịch sử Việt Nam. Ngài gợi lại những năm tháng của triều đại nhà Lý (1009-1225), triều đại có cả nền độc lập và Phật giáo được vận dụng song hành. Dưới triều Lý và tiếp sau đó là triều đại nhà Trần (1225-1400), người Việt Nam đã quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông và giữ hòa bình với Trung Quốc. Đại sư nói: “Từ triều đại nhà Lý, Phật giáo đã là tinh thần bất biến của Việt Nam”. [tr.148]. Dưới triều Lý, sự hợp tác giữa giới Tăng lữ Phật giáo và hoàng triều đã đạt đến mối quan hệ khắn khít mà chưa có triều đại nào sánh kịp. Bằng cách bày tỏ của mình và theo ngôn ngữ hiện đại, Đại sư Trí Quang cố gắng tìm kiếm sự ảnh hưởng của Phật giáo lên chính quyền hiện tại ở Việt Nam. Với những hình ảnh của quá khứ, ngài hy vọng sẽ tạo ra một tương lai cho miền Nam Việt Nam.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch, di huấn không lập bàn thờ, phúng điếu
Đại sư Trí Quang cá tính của một trí thức Phật giáo thời tao loạn
Nhân cách của từng cá nhân người Việt Nam luôn có ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của cộng đồng dân tộc. Người Việt không làm tổn hại những giá trị được xem là truyền thống, chuẩn mực và quy phạm. Những ngày ở Việt Nam, Jerrold đã nghe một nguồn tin từ người bạn đang làm việc trong Chính quyền Việt Nam Cộng hòa về chính phủ cách mạng của tướng Nguyễn Cao Kỳ và mười thủ lĩnh trong quân đội của ông cũng không tránh khỏi tệ nạn tham nhũng. Có hai người muốn chen chân vào ghế tỉnh trưởng nên hối lộ cho vợ tướng Kỳ từ 6.000 USD đến 6.500 USD. Sau khi hối lộ, tỉnh trưởng có thể kiếm lại được rất nhiều số tiền khác từ viện trợ của người Mỹ mà họ vẫn cho là “tiền sạch” và việc rút ruột tiền viện trợ của Mỹ đối với họ vẫn được nhìn nhận là “lương thiện”. Jerrold thắc mắc về điều này thì được người bạn giải thích: “Ồ, rất đơn giản! Tỉnh trưởng chỉ việc dùng mánh khóe với ngân sách cứu trợ của Mỹ mà ông ta nhận được. Sau đó ông ta không bòn rút bất kỳ thứ gì từ người dân thuộc tỉnh đó. Như vậy là ông ta vẫn lương thiện”. [tr.153].
Lấy tiền viện trợ không liên quan tới đạo đức, đặc biệt nếu quỹ đó được lấy đi một phần rất nhỏ thì không ảnh hưởng gì tới sự vận hành của tỉnh ấy. Đó là một kiểu tham nhũng có thể tiên liệu mà người Việt Nam sẵn sàng chấp nhận. Ở Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, có một quan điểm đặc biệt về khoản tiền hối lộ và ma trận tiền trả, những thứ có thể được định nghĩa là tham nhũng có thể tiên liệu và tham nhũng không thể tiên liệu. Tham nhũng có thể tiên liệu tồn tại ở những quốc gia, nơi mà các cơ quan hành chính và luật pháp chưa phát triển. Có người trả tiền cho quan chức chính phủ hoặc cho người có quyền hành để giải quyết và dàn xếp phương thức giao dịch kinh doanh. Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc là những ví dụ cho các nước nơi mà tham nhũng được tiên liệu tồn tại. Mọi người biết rõ phải trả bao nhiêu và phải đưa cho ai, và kết quả sẽ sẵn sàng. Tham nhũng mang tính hệ thống xã hội có giới hạn.
Với tham nhũng không được tiên liệu, không quan trọng là người ta trả bao nhiêu, mà luôn luôn có bàn tay của kẻ khác mở rộng ra. Ma trận tiền trả không được phá vỡ. Không có sự chắc chắn về kết quả. Bộ máy hành chính và bộ phận lãnh đạo quá yếu đến nỗi ma trận tiền trả sẽ tự kết thúc hơn là một cách thức để đền bù cho những sai lầm của hệ thống phân phối và quyền lực. Những quốc gia mà tham nhũng không được tiên liệu đang tồn tại ở châu Á là Indonesia, Philippines và miền Nam Việt Nam. Viện trợ của Mỹ đã cung cấp một xung lực lớn cho việc tham nhũng không được tiên liệu ở Việt Nam vì sự kiểm soát gặp nhiều khó khăn và những điều kiện không ổn định làm gia tăng nhu cầu này. Sự lợi dụng viện trợ của Chính quyền miền Nam Việt Nam đã được Chính quyền Washington báo cáo đầy đủ; phản ứng của Mỹ coi đó là sự vi phạm trắng trợn, rằng những đồng thuế kiếm được khó khăn kia đã bị tiêu xài hoang phí.
Người Việt Nam, đặc biệt là những tầng lớp cao cấp Phật giáo, nhìn thấy tiền viện trợ bị phung phí bởi một nhóm nhỏ những người trong quân đội, khi những người này đã tiêu phí một khoản tiền lớn cho Pháp hàng tháng. Một nhà báo Việt Nam nổi tiếng đã nói: “Cho đến khi giới Phật tử quan tâm, họ nhìn ra được sự khổ đau và nghèo đói của vùng nông thôn ngày càng gia tăng, và họ cảm thấy chắc chắn phải có sự mâu thuẫn giữa sự viện trợ của Mỹ và sự thất bại của khoản viện trợ để đến được tay người dân. Họ đổ lỗi cho chính quyền tại Sài Gòn”. [tr.153].
Giới Phật giáo như Đại sư Trí Quang nhìn thấy sự viện trợ của Mỹ trong giai đoạn này là sự góp phần vào nỗi đau khổ của người dân Việt Nam, và họ nhìn thấy nỗ lực của người Mỹ tại Việt Nam là nhằm lấn át người Việt Nam. Do sự viện trợ sẽ phá vỡ nền kinh tế và khuyến khích tham nhũng ở mọi tầng lớp, nên giới Phật giáo không xem sự bảo hộ của Mỹ như là lợi ích. Vào năm 1965, trong khi máy bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Đại sư Trí Quang đã chỉ ra một dãy các máy bay phản lực F-105 của Mỹ và nói với sự hiểu biết: “Mỗi chiếc máy bay đó có giá mà cả đời của ít nhất một người Việt Nam kiếm được”. [tr.154].
Hòa thượng Thích Trí Quang: Mười điều tâm niệm
Nguồn gốc xuất thân của Đại sư Trí Quang phần nào đó giúp cho ngài có khả năng lĩnh hội bao quát hơn. Ngài sinh vào tháng 11 năm 1922, gần thị trấn Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình, phía Bắc của kinh đô Huế. Ngài tên thật là Phạm Văn Bồng. Jerrold giải thích tên gọi của Đại sư Thích Trí Quang bằng tiếng Anh là Venerable Enlightened Wisdom (tạm hiểu: Thượng tọa Trí Sáng).
Đại sư Trí Quang theo học trường tiểu học gần Đồng Hới, và khi lên 13 tuổi, ngài xuất gia làm Tăng sĩ tại chùa Báo Quốc ở Huế. “Ông nhanh chóng tạo được thanh danh như một thiên tài nhưng là một chú tiểu bất trị. Trí tuệ mẫn tiệp và trí nhớ siêu việt giúp ông dễ dàng hiểu đến nơi đến chốn những kinh điển Phật giáo khó nhất, nhưng ông quá sôi nổi và rất đam mê các trò đùa nghịch ngợm nên ông thường bị đuổi ra ngoài bờ rào của tu viện. Người ta kể rằng, ông đã bị trục xuất một lần, nhưng thầy của ông, Thích Trí Độ, là Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ, đã khởi lòng thương xót và cho phép ông quay trở lại. Ông dần dần đi vào khuôn khổ với các quy định nghiêm khắc và tu học theo chuẩn mực của người xuất gia. Những xuất bản thời đó gợi lại Trí Quang là ‘con chim hoang đã bị nhốt trong một khuôn phép cứng nhắc’. Nhưng Thích Trí Độ cũng khen ngợi ông nặng lòng với chủ nghĩa dân tộc nhiệt huyết và những quan điểm chính trị cách mạng đã xuất hiện trong Chiến tranh thế giới thứ II”. [tr.155].
Đại sư Trí Quang tốt nghiệp khóa Phật học dành cho Tăng sĩ năm 1944, xếp hạng thứ 2 trong lớp có 6 học tăng. Người xếp hạng thứ 3 là Đại sư Thích Thiện Minh (1921-1978), vị pháp đệ trung thành và cũng là người tham mưu nhằm thực thi chiến lược tài tình của Đại sư Trí Quang. Đại sư Thích Thiện Minh đã đại diện cho Đại sư Trí Quang tại Sài Gòn và lãnh đạo nhóm Tăng sĩ tranh đấu ở đó.
Đại sư Trí Quang chưa bao giờ ưa thích thứ gì, mà chỉ quen sống đơn giản trong việc ăn uống đạm bạc và chỗ ở bình thường của một vị xuất gia. Vào đầu năm 1946, ngài tháp tùng Đại sư Thích Trí Độ ra Hà Nội, nơi đây ngài được bổ nhiệm làm giảng sư ở một Phật học đường. Những ngày tháng Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tạo ra những làn sóng của chủ nghĩa dân tộc chống lại người Pháp. Đại sư Trí Quang nhanh chóng nhận thấy sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa tôn giáo và quyền lực, rồi những cuộc đấu tranh đầu tiên cho nền độc lập của người Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách của ngài.
Khi cuộc chiến nổ ra giữa Việt Minh và Pháp vào tháng 12 năm 1946, ngài vội vã rời bỏ Hà Nội để tới ngôi làng nhỏ Trung Nghĩa và tìm đường trở về Huế vào tháng 7 năm 1947. Ngài là thành viên của Hội Phật giáo Cứu quốc (Buddist Organization to Fight Colonialism) và được biết đã bị người Pháp bắt giữ vào năm 1948 với lời buộc tội là nhân viên mật vụ của Cộng sản, nhưng được phóng thích sau đó 10 ngày và ngài bị đặt dưới sự giám sát của Pháp. Ngài được bổ dụng làm giảng sư tại Đà Lạt trong thời gian sau đó và tới năm 1952 mới được quay lại Huế, nơi ngài đã từng giảng dạy Phật pháp và biên tập Tạp chí Phật giáo Viên Âm.3 Ngài liên tục bị người Pháp theo dõi, nhưng được phép rời khỏi đất nước năm 1952 trong 28 ngày để tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới nhóm họp tại Nhật Bản. Năm 1953, người Pháp âm thầm nới lỏng lệnh quản chế đối với ngài và ngài được phép tự do đi lại ở miền Trung và vùng Tây nguyên Việt Nam. Ngài bắt đầu xuất bản hai tác phẩm mới về Phật giáo4 và tiếp tục công việc giảng dạy Phật pháp. Đại sư là một trong những người sáng lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Vietnamese Buddhist Association) và Tổ chức Hướng đạo sinh Việt Nam (The Vietnamese Boy Scouts Association).
Những người biết rõ ngài đã nói rằng, tính cách của Đại sư Trí Quang được tôi luyện trong chiến tranh chống Pháp. Một người bạn cũ nói: “Thầy là một người đầy đam mê. Thầy đã dành hết đam mê của mình để hy sinh cho sự tranh đấu, và khi cuộc tranh đấu đó kết thúc thì thầy đã thay đổi từ một cậu bé chơi trò nghịch ngợm sang một người đàn ông không có ai sánh được trong lịch sử hiện tại”. [tr.156].
‘Tâm tang’ Hòa thượng Thích Trí Quang
Năm 1954, sau khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại để lên nắm chính quyền, lời của Đại sư Trí Quang đã được thuật lại là “Cuộc sống sẽ trở nên nguy hiểm hơn dưới thời Diệm so với thời Pháp. Chúng ta sẽ sống trong những năm tháng tồi tệ hơn”. [tr.156]. Đại sư Trí Quang cũng là thành viên của Phong trào Vận động vì Hòa bình (Movement for Peace) năm 1954. Tháng 11 năm 1954, ngài bị bắt giữ và sau đó được phóng thích. Từ năm 1954 đến 1957, ngài làm Chủ tịch Giáo hội Phật giáo miền Trung Việt Nam tại Huế. Ngài bị bệnh hen suyễn và tự chữa trị từ năm 1958 đến 1962 “bằng thiền định và tĩnh dưỡng”.
Năm 1963, Đại sư Trí Quang làm Chủ tịch Giáo hội Phật giáo miền Trung và là người âm mưu bậc thầy trong cuộc vận động lật đổ Ngô Đình Diệm. Nhưng tháng 3 năm 1966, khi được hỏi về vai trò của ông khi chống Diệm, ngài giải thích: “Tôi đã làm những gì mà hiện tại tôi đang làm. Tôi chống lại bất kỳ thứ gì đối nghịch với điều tốt đẹp cho dân chúng. Nếu không phải là tôi, thì hoặc là ai sau đó ở vị trí này sẽ làm những điều tương tự”.[tr.156-157].
Tháng 6 năm 1966, Đại sư Trí Quang tin rằng chính phủ được lãnh đạo bởi hai tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu, mà theo quan điểm của ngài là một chính phủ tồi tệ và cần phải bị loại trừ. Đại sư Trí Quang không bao giờ thừa nhận bất kỳ một tham vọng cá nhân nào về quyền lực, cũng như ngài không thừa nhận khát vọng cho giới Phật giáo đóng vai trò cố vấn hoặc tham mưu cho chính phủ. Hơn nữa, Đại sư Trí Quang tranh đấu trong vai trò là người dân vô tội chịu nhiều bất công trong một chính phủ tồi tệ chứ không mong cầu sự “có chân” trong chính phủ. “Khi được mời giữ chức vụ như một người tham mưu cho tướng Dương Văn Minh sau cuộc lật đổ Diệm tháng 11 năm 1963, Trí Quang thẳng thừng từ chối giữ vai trò như một thành viên trong chính phủ, nhưng ông cho biết rằng ông sẽ luôn sẵn sàng cho vai trò cố vấn. Trí Quang dường như luôn nhận biết được những giới hạn về quyền lực của giới Phật giáo, ông đã tuyên bố: ‘Chúng tôi [những người con Phật] chưa bao giờ muốn bất kỳ thứ gì, và nói rằng Phật giáo muốn thứ này hoặc thứ kia là không đúng sự thật. Tất cả những thứ mà chúng tôi muốn là chính phủ chớ đàn áp tín đồ Phật giáo’”. [tr.157].
Đại sư Trí Quang muốn duy trì quyền lực phủ quyết của giới Phật giáo đồ trong bất kỳ chính phủ nào, và ngài rất bực mình khi cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn để hậu thuẫn cho Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ. Với Đại sư Trí Quang, người Mỹ có những ý định tốt nhưng “họ chú ý quá nhiều tới các viên chức chính phủ và không quan tâm đúng mực đối với quần chúng nhân dân”. [tr.158]. Khi được hỏi liệu ngài có muốn người Mỹ rời Việt Nam không, ngài đã trả lời: “Trên phương diện của nỗi thống khổ và số nạn nhân thương vong hàng ngày, người Việt Nam không muốn tiếp tục chiến tranh. Nhưng họ sẽ không chấp nhận tình trạng như của nước Lào vì điều đó có thể là hợp thức hóa chiến tranh”. [tr.158]. Ký giả Jerrold cho rằng câu trả lời này mang nhiều nội dung bí ẩn và khó hiểu đối với ông.
Khi được yêu cầu ngài vui lòng giải thích thêm về điều đó, Đại sư Trí Quang nói rõ: “Nếu bạn đặt thân phận mình là người Việt Nam, bạn có thể hiểu được rằng việc muốn chấm dứt chiến tranh nhưng không thừa nhận sự dàn xếp như nước Lào, điều đó khiến cho những người nổi loạn công kích nhà cầm quyền đã được dựng lên trong một đảng phái chính thống. Sự dàn xếp đó đã hợp pháp hóa các bên tham chiến và sẽ không bao giờ được các tín đồ Phật giáo chấp nhận”. [tr.158].
Để trở thành một người lãnh đạo Phật giáo trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, dân tộc hứng chịu tổn thất, Phật giáo bị kỳ thị, Đại sư phải là người tinh thông mọi việc, vừa có trí tuệ nhìn xa trông rộng nhưng đồng thời cũng phải có trái tim từ bi của một hành giả phụng sự lý tưởng giải thoát của Đức Phật. Thế nhưng, một người ngoại quốc như Jerrold, ông chỉ nhìn việc làm của Đại sư ở bề mặt biểu hiện theo như những gì ông đã quan sát: “Ông không được giáo dục những gì nằm ngoài hệ thống kinh luận Phật giáo và kinh điển Nho học, cùng sự tôi luyện bởi chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam. Sự nhiệt huyết của ông dường như cuối cùng là trực tiếp hướng đến quyền lực hơn là hướng đến mục đích xây dựng quốc gia. Ông có thiên hướng kêu gọi cho những cuộc biểu tình dẫn tới bạo lực với những mối quan hệ không rõ ràng về những mâu thuẫn mà họ đặt ra với giáo lý đạo Phật”. [tr.158].
Hòa thượng Thích Trí Quang là linh hồn của Phật giáo Việt Nam
Tuy nhiên, trong lúc ngồi phỏng vấn và quan sát phong thái của Đại sư, Jerrold cũng nhận định khá thâm thúy về một người tu hành làm chính trị: “Trí Quang có liên hệ với những người mà họ vượt thoát chủ nghĩa hoài nghi và họ nhìn thấy phong thái trong cuộc sống tu hành của ông như tấm gương mà họ có thể tin tưởng. Nguồn gốc về thế lực của Trí Quang là nhờ nhiều năm ông sống ở Huế với tư cách là một nhà sư và là người theo chủ nghĩa dân tộc. Một người phụ nữ luống tuổi mang đến cho ông hoa và trái cây như là vật phẩm cúng dường. Trong những giây phút bình yên, ông khuyên bảo các gia đình có phát sinh những vấn đề về cá nhân và khuyên răn những người con của họ”. [tr.158].
Mọi chỉ trích về đời sống cá nhân đối với Đại sư là con số không, mà thay vào đó là sự kính trọng hết mực về một bậc tu hành chính đạo. “Cuộc sống cá nhân của Trí Quang luôn luôn vượt lên trên những điều chỉ trích, và điều đó đã mang đến cho ông sự kính trọng ở Huế. Mặc dù ông khao khát quyền lực trong lĩnh vực chính trị, nhưng ông không mưu cầu bất cứ chức vụ cụ thể nào đi kèm với quyền lực. Ở Huế, ông sống khổ hạnh tại chùa Từ Đàm. Ông không hút thuốc và chỉ ăn chay với những Tăng sĩ đồng tu của ông. Căn phòng ông có máy điều hòa để giúp ông phòng bệnh hen suyễn. Chỉ có một vật trang trí duy nhất trong căn phòng ông là bức chân dung màu của Thích Quảng Đức, nhà sư đầu tiên tự thiêu”. [tr.158-159].
Người lãnh đạo tinh thần tranh đấu nhưng không quên bổn phận tu hành
Thời khóa biểu sinh hoạt trong ngày của Đại sư Trí Quang cũng được Jerrold ghi chép cẩn thận: “Thông thường, một ngày của Trí Quang bắt đầu lúc 4g30 hoặc 5g sáng, khi đó ông ngồi thiền và cầu nguyện cho đến khi ánh sáng mặt trời rọi xuống bàn tay ông, và đó là thời gian để dùng bữa ăn đầu tiên trong ngày. Ông dành cả ngày để họp hành, tổ chức và tu thiền. Bữa ăn cuối của ngày vào khoảng giữa trưa, và ông thường đi ngủ lúc 11 giờ đêm. Thỉnh thoảng ông dậy vào giữa đêm cho thời khóa tu thiền thứ ba, lúc đó ông quán chiếu lại những việc làm trong ngày, lập kế hoạch cho ngày mai và cầu nguyện (mục đích của việc cầu nguyện là để ngăn ngừa cảm xúc về bản ngã của mình) rằng, ông sẽ phát nguyện không gây nên lỗi lầm. Ông nói: ‘Một tu sĩ đừng bao giờ hành động dựa trên sự yêu hay ghét, mà chỉ xuất phát từ tuệ giác của mình về điều đó đúng hay sai’”. [tr.159].
Sức mạnh của Đại sư Trí Quang được xây dựng bởi những pháp lữ trung thành với mình, những người đã thực hiện và phát triển chiến lược của ngài. Người quan trọng nhất với Đại sư Trí Quang là bạn cùng lớp - Thích Thiện Minh - ở Phật học viện tại Huế. Thích Thiện Minh là nhà chiến thuật của Đại sư Trí Quang và là người lãnh đạo đoàn thể, nhà tổ chức, nhà đàm phán và người thực hiện kế hoạch của một nhà sư dày dạn. Đại sư Thiện Minh là người phát ngôn cho Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo (Buddhist Intersect Committee), người đã đàm phán với Tổng thống Diệm và lãnh đạo phái đoàn miền Nam Việt Nam tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Sarnath, Ấn Độ vào tháng 12 năm 1964.
Một người bạn của Jerrold đã quen biết Đại sư Trí Quang trong 20 năm qua chia sẻ: “Sự tinh thông kinh điển Phật giáo của Trí Quang ở Việt Nam không ai sánh kịp. Ông là người đầy đam mê, và ông dành cả sự đam mê của mình cho sự thanh đạm. Ông ấy là bạn tôi và tôi yêu quý ông ấy, nhưng chúng tôi không bao giờ chuyện trò với nhau như hầu hết các bạn bè thường làm. Ông không bao giờ luận bàn về gia đình, tuổi trẻ, hoài bão hoặc những khát vọng của ông. Thực tế là ông không biểu lộ bất kỳ khát vọng nào - ngoại trừ khát vọng về quyền lực. Ông không thích cả âm nhạc lẫn thơ ca. Ông không bị thu hút bởi màu sắc, hội họa, nữ sắc, rượu bia hoặc hưởng thụ bất kỳ thứ gì khác. Ông chẳng quan trọng về chuyện ăn uống. Chiếc áo nhật bình của ông được may từ loại vải rẻ tiền nhất. Không như Thiện Minh, ông [Trí Quang] có thái độ coi thường sự xa hoa. Ông sử dụng xe kéo để đi lại trong khi Thiện Minh có tài xế đưa đi bằng Mercedes. Trí Quang ưa thích chủ nghĩa khổ hạnh. Lực lượng quần chúng ủng hộ ông được xây dựng trên cơ sở thực tế rằng, ông thực sự lo nghĩ tới quần chúng... Ông là bậc thầy của cả tính logic và khả năng khéo léo thiên bẩm, mặc dù khả năng khéo léo của ông mạnh hơn logic. Ông tài giỏi trong chiến lược, nhưng Thiện Minh là nhà chiến thuật thực sự. Trí Quang vừa đơn giản nhưng cũng vừa phức tạp. Ông rất giàu và cũng rất nghèo. Nhưng ông không sở hữu bất kỳ thứ gì”. [tr.160].
Tưởng niệm Đại lão HT.Thích Trí Quang tại chùa Ấn Quang
Về mối quan hệ với những người đồng tu, Đại sư biểu hiện rõ một người tu sĩ nghiêm trì giới luật giữ gìn hạnh lợi tha. Ngài biết yêu thương đồng đạo và săn sóc, chia sẻ từ vật chất đến tinh thần đối với những vị đau ốm. “Nếu một trong số bạn bè của ông bị ốm, Trí Quang sẽ biếu tiền ngay cho họ và chăm sóc họ. Ông là minh chứng sống của người đức hạnh, nhưng ông không thực sự là một con người của hành động. Thiện Minh là người thực hiện những ý tưởng của ông. Trí Quang là người không bao giờ nghỉ ngơi, luôn tìm kiếm mưu cầu để áp đặt lên bản thân. Ông không bị quyến rũ bởi bất kỳ điều gì, không đam mê bất cứ thứ gì ngoài quyền lực, và ông đã hy sinh mọi thứ cho quyền lực. Trong 20 năm qua, tôi [bạn của Jerrold] vẫn chưa thể hiểu được con người của ông. Đến giờ ông vẫn còn là một bí ẩn đối với tôi như lần đầu tiên tôi gặp ông. Ông ấy không dựa theo các mô hình có sẵn theo thói quen, nhưng cuộc sống của ông được khép mình theo những giới luật nghiêm ngặt. Giống như các thầy tu của Tòa án dị giáo (the priests of the Inquisition), ông biểu lộ khuynh hướng khiến cho cuộc sống trên trái đất này thật phù phiếm, thật vô nghĩa, thật rỗng rang của một tầng lớp coi cái chết dường như sự lùi bước được đón nhận với tinh thần lành mạnh. Ông có kiến thức thiển cận về thế giới dựa trên những kinh sách chữ Hán. Thực sự ông không am hiểu về kinh tế, xã hội học hoặc lịch sử thế giới, nhưng ông có sự hiểu biết phi thường về cách sử dụng quyền lực”. [tr.161].
Là những người con của miền Trung Việt Nam, Đại sư Trí Quang và Đại sư Thiện Minh đã đại diện cho các nhân vật quan trọng trong cơ cấu tổ chức giáo hội Phật giáo từ trên xuống dưới. Tính thống nhất trong các hoạt động Phật giáo không chỉ dựa trên biểu tượng thông thường của chiếc áo ca-sa màu vàng và những năm tháng ở tu viện, mà còn cao hơn nữa là lòng trung kiên. Đại sư Trí Quang là một người con trung kiên của vùng đất cố đô Huế, cũng như những tu sĩ Phật giáo khác đại diện cho nhiều tính cách khác nhau của các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng, các Phật giáo đồ có thể tìm cách thống nhất tạm thời, nhưng một trong các lý do làm cho sự thống nhất này tan rã là lòng trung kiên mang tính vùng miền của Việt Nam chiếm ưu thế hơn lòng trung kiên mang tính tôn giáo của họ. Cố gắng giải thích sự lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam, một quan chức chính trị người Mỹ trẻ tuổi thuộc Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã nói: “Họ không bao giờ nói ra ý kiến thẳng thắn về cuộc sống của họ. Họ trước hết là người Việt Nam, chứ không phải là tín đồ Phật giáo trước tiên. Đặc điểm của họ là tính tốt và tính xấu của tính cách người Việt Nam, không phải bản chất của Phật giáo”. [tr.161- 162]. Do vậy, họ là người Việt Nam trước khi họ trở thành tín đồ Phật giáo, và họ là người Việt Nam cũng đồng nghĩa rằng họ mang lòng trung kiên với gia đình của họ và với vùng miền tổ quốc nơi họ sinh ra.
Chú thích:
(1) Giảng viên cơ hữu Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
(2) Tất cả những đoạn trích dịch này có ghi kèm số trang được ghi chú từ số trang của nguyên tác The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southest Asia.
(3) Chỗ này tác giả Jerrold ghi nhầm Viên Âm thành Việt Âm rồi mở ngoặc giải thích “The Sound of Vietnam”. Nguyệt san Viên Âm số ra đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1933 của Hội An Nam Phật học.
(4) Jerrold không ghi tên của hai tác phẩm này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Quang (1895 - 1953)
Chân dung từ bi 08:42 25/12/2024Hòa thượng Thích Thiện Quang, pháp húy Hồng Xứng, là đệ tử của Tổ Chí Thiền - Như Hiển (1861-1933), tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Xem thêm