Thứ tư, 09/08/2023, 16:00 PM

Hòa thượng Tôm - Bồ tát nghịch hạnh

Trong cảnh giới phàm thánh đồng cư mà chúng ta là người trần mắt thịt nên khó mà biết được mật ý của các ngài. Vì thế không nên có thái độ xem thường, khinh suất trước những việc làm có tính nghịch hạnh.

Hòa thượng Tôm tên thật là Trí Nghiễm ở chùa Tĩnh Am, Hoa Ðình (Trung Quốc). Một hôm, vào ngày rằm tháng Bảy, dân làng tổ chức lễ Vu lan nên Tăng chúng trong chùa được thỉnh đi hết, chỉ còn một mình sư ở chùa. Rồi gia đình vị thôn trưởng đến chùa thỉnh Tăng, vì không còn ai nên sư nhận lời. Sư bảo:

- Hãy về trước sắp đặt, ta sẽ đến sau.

Sư lên thuyền, giữa đường thấy người câu tôm, sư bảo người chèo thuyền ghé lại mua một đấu rồi xin nước và ăn tôm sống, nuốt trọng mà không nhai. Ăn xong, sư bảo người câu tôm rằng:

- Ta đi dự đám, lúc về sẽ trả tiền.

Rồi giục người chèo thuyền chèo mau kẻo trễ. Ðến làng, người chèo thuyền nhịn không nổi, kể lại cho mọi người nghe. Nhà đám nghe được, khinh bỉ không mời sư ngồi trên, trải chiếu dưới đất, có cơm mà không cúng dường để làm nhục. Sư vẫn tỉnh tuồng, vui vẻ như không có gì xảy ra. Lúc về, gặp người câu tôm, sư cười nói:

- Xui quá! Hôm nay dự trai mà không có tiền, biết tính sao đây?

Người câu tôm nói:

- Không tiền thì trả tôm lại cho tôi!Sư đáp:

- Việc này dễ thôi!

Rồi sư xin nước uống, ọe ra tôm sống đầy một đấu, đem trả lại. Mọi người thấy vậy vô cùng kinh ngạc, nhân đó gọi sư là Hòa thượng Tôm (Hà Tử Hòa thượng, hà tử chữ Hán nghĩa là con tôm).

Cuộc đời Hòa thượng Tôm được người dân địa phương truyền tụng với nhiều chuyện ly kỳ. Ðến lúc sắp tịch, sư lượm cỏ bồ kết thành xâu hơn vạn dây, treo ở hiên nhà, nói với mọi người:

- Ta muốn gieo duyên với quý vị.

Nói rồi bèn ngồi kiết già thị tịch. Mọi người tranh nhau đến cúng tiền đầy hết các dây treo. Số tiền ấy được dùng để xây dựng điện Phật. Ðến nay, chùa vẫn được gọi là Ðạo tràng Hà Tử.

Theo Cao Tăng dị truyện. 

Đề Bà Đạt Đa là một vị đại Bồ Tát ứng dụng nghịch hạnh?

01

Bài học đạo lý: 

Thật là một sự trùng hợp thú vị khi ở nước ta có Hòa thượng Cua (Cáy) với đức hạnh cao vời, và ở Trung Quốc cũng có Hòa thượng Tôm hành tung kỳ bí, siêu phàm ít ai sánh được. Những vị thiền sư hành hóa trong dân gian với nghịch hạnh, trái ngược các chuẩn mực thông thường không phải là hiếm thấy trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền.

Không ai mà chẳng biết Lục tổ Huệ Năng ít chữ, đọc kinh không trôi. Ấy vậy mà ngài đã khơi nguồn tuệ giác cho dòng thiền Tào Khê luôn rạng ngời và tiếp nối đến tận ngày nay. Phải chăng ngài hiện tướng “mù chữ” chỉ để khẳng định một điều chữ nghĩa chẳng qua là phương tiện ban đầu nhập đạo. Hành giả cần phải buông bỏ chữ nghĩa và tri thức mới mong đạt đến sự chứng ngộ tự tánh.

Tế Điên Hòa thượng lại càng kỳ quái hơn khi Tăng chẳng ra Tăng mà tục cũng chẳng ra tục. Tuy vậy, hành tẩu của ngài thật phi phàm, dự liệu việc chưa đến như thần. Dù hành vi và nói năng thô tháo nhưng mỗi mỗi đều có tác dụng cứu nhân độ thế.

Những ai chưa một lần tìm hiểu về cuộc đời và hành trạng của thiền sư Hư Vân thì khó hình dung được một vị xuất gia được tôn xưng là Tổ sư Thiền mà có giai đoạn tóc dài xõa ngang vai, phải ẩn dật trong núi rừng như thổ phỉ. Phải chăng nhờ hiện tướng tiều phu ẩn náu nơi miền sơn cước mà thiền sư vượt qua pháp nạn để duy trì và truyền thừa mạng mạch Phật pháp trong thời ly loạn?

Gần đây thôi, khi Bồ-tát Quảng Đức xây dựng rất nhiều ngôi chùa mà không trụ, tiếp tục ra đi và lại xây cất thêm chùa mới khiến nhiều người thời bấy giờ không hiểu nổi. Có người thắc mắc thì ngài trả lời dung dị rằng bây giờ đủ duyên thì xây chùa, sau này chưa biết ra sao. Về sau ngẫm lại việc làm của Bồ-tát thật vô cùng thậm thâm vi diệu.

Cũng như Hòa thượng Tôm, ngài hiện tướng không chay tịnh. Ăn tôm đã là phạm trai mà ở đây sư còn ăn cả tôm sống và ăn thiếu chờ trả tiền sau mới hãi! Điều đáng nói là dù đã ăn vào bụng cả ngày rồi nhưng khi cần thì sư lại nôn ra tôm còn sống trả lại cho người bán. Đến đây thì… miễn bàn, vì hành tung này không phải của người phàm. Cũng nhờ vậy mà về sau mọi người kính thờ sư như Phật sống, luôn vâng lời ngài bỏ ác làm lành, quy hướng Tam bảo.

Trong cảnh giới phàm thánh đồng cư mà chúng ta là người trần mắt thịt nên khó mà biết được mật ý của các ngài. Vì thế không nên có thái độ xem thường, khinh suất trước những việc làm có tính nghịch hạnh. Bởi một khi đã tỏ ngộ chơn tâm thì dù cho các ngài hành hoạt thế nào cũng tràn đầy trí tuệ và từ bi, đều “vì an lạc, lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật

Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024

Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm