Theo lời giới thiệu của sư Thầy Thích Nữ Trí Minh, trụ trì chùa Khánh Hưng, chúng tôi có dịp trở về mảnh đất còn nghèo khó xã Văn Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương khi cái nắng oi ả giữa tháng 7 đang ngập tràn nơi đây.
Ngồi thụ nước và ngắm cảnh sắc của chùa trong không gian tĩnh mịch, Thầy Trí Minh buồn rầu cho biết: “Gia đình chiến sĩ hải quân Trường Sa Nguyễn Văn Dậu ở làng này khổ quá con ạ! khi cùng lúc phải gắng gượng nuôi vợ bệnh tật và người con gái 6 tuổi bị mù hai mắt, câm điếc bẩm sinh và mang trên mình căn bệnh quái ác trong những tiếng thở dài cầu cứu”.
Theo đường chỉ dẫn của Sư thầy Trí Minh, chúng tôi phải mất thời gian khá lâu mới tìm đến được nhà anh Dậu nằm sâu trong ngõ nhỏ. Mới đến đầu ngõ chúng tôi đã nghe thấy tiếng khóc thét không thành tiếng của cháu Phượng cùng với hình ảnh bé gái đang lần sờ, trên mình đầy mụn nở loét, mẩn ngứa đang lăn lóc trên nền sân. Bên cạnh đó là tiếng khóc xụt xịt của bà Nguyễn Thị Tuyên – bà nội cháu Phượng. Ngồi trong căn phòng hôi hám, nóng bức nồng nặc mùi tạp úa và đống quần áo cáu bẩn, bà Tuyên đang cho bé Phượng ăn, lúc thì bé Phượng cười, lúc thì khóc, lúc thì ngã lăn ra nền nhà giãy giụa. Những hình ảnh về bé Phượng đã đưa chúng tôi đến với câu chuyện buồn, thương tâm của gia đình.
Khi vừa tròn 18 tuổi, anh Nguyễn Văn Dậu hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và sau đó được biên chế vào bộ đội hải quân đóng tại Cam Ranh – Khánh Hoà thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2013 anh Dậu được đơn vị cho về ra quân. Với bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ lại trải qua những tháng ngày vật lộn với sóng to gió lớn ở Trường Sa đã rèn cho anh ý trí kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Trở về địa phương sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân đội giao phó. Anh đi làm thuê để có tiền phụ giúp gia đình trong những ngày tháng khó khăn. Tháng 4 năm 2003 thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của anh bộ đội Trường Sa, chị Bùi Thị Chuẩn người cùng quê đã xây dựng gia đình.
Do hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng anh Dậu ra Quảng Ninh lập nghiệp với nghề phụ hồ, vợ nấu cơm thuê. Dành dụm được ít tiền nào, hai vợ chồng đều gửi về cho người mẹ già ở quê. Tuy nhiên trong cuộc sống không bao giờ bằng phẳng. Khi mới lấy vợ được 6 tháng, chị Chuẩn luôn có biểu hiện bất thường trong người. Sau khi đi khám tại bệnh viện K Hà nội được các bác sĩ kết luận chị bị bệnh khô gan, u sơ tuyến giáp, u vú. Vì không có tiền điều trị, nên chị chỉ mua thuốc về uống cầm cự. Đến lúc bệnh tái phát càng nặng, không còn cách nào khác, gia đình anh phải đi vay lãi để chữa bệnh cho vợ. Từ năm 2011 đến năm 2014, chị Chuẩn đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật tại bệnh viện tốn hàng trăm triệu đồng mà bệnh tình hiện nay vẫn không thuyên giảm. Nợ nần chồng chất nợ lần, không cam tâm để vợ ở nhà một mình với bệnh tật hành hạ, anh Dậu đưa vợ ra Quảng Ninh để tiện chăm sóc và chữa bệnh.
Câu chuyện buồn về đôi vợ chồng nghèo là lính hải quân được người mẹ già khắc khổ chia sẻ với chúng tôi. Trong suốt câu chuyện đó, chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi tiếng khóc, tiếng cười vô hồn và những cơn động kinh hà hạ bé Phượng. Ngắt câu chuyện, bà Tuyết lại quay sang vỗ về cho cháu. Nhìn đứa cháu nội mù loà đang lần sờ trên nền nhà với ánh mắt trắng đục ngây dại và mụn lở loét khắp người, bà Tuyết nói giọng chua xót: “ Năm nay cháu 6 tuổi rồi mà như đứa trẻ lên 3. Bệnh tật khắp người, không nói, không nghe và không nhìn thấy được. Nếu cháu tốt phúc thì năm nay vào lớp 1 rồi anh ạ! Nhìn con cháu họ bằng tuổi, khoẻ mạnh được cắp sách tới trường, tôi lại khóc…”.
Khi chị Chuẩn mang thai cháu Phượng không có biểu hiện gì bất thường. Nhưng do gia đình khó khăn, lao động quá sức lại không đủ chất dinh dưỡng, nên khi thai nhi được 6 tháng tuổi chị Chuẩn đã phải sinh non mổ cấp cứu. Vừa mới chào đời, bé Phượng đã bị viêm phổi, tắc đường tiểu nên phải điều trị trong lồng kính tại Bệnh viện Nhi Hải Dương 2 tháng. Khi được 3 tháng, gia đình phát hiện cháu Phượng xuất hiện một số biểu hiện bất thường như: không nhìn thấy mọi vật xung quanh, không nghe được âm thanh. Sau đó được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xác định cháu bị khô võng mạc, tai không có khả năng nghe và không thể nói được.
Ôm đứa con dứt ruột đẻ ra còn đỏ hỏn, hai vợ chồng anh Dậu như chết lặng. Bao nhiêu tình thương yêu, tương lai và niềm hi vọng giành cho người con gái bé bỏng bỗng trở nên mù mịt. Vốn trong người đã mang trọng bệnh, nên khi biết được bệnh tình của con, chị Chuẩn lại càng suy sụp tinh thần vì sẽ không có khả năng cứu chữa cho con và lấy tiền đâu để mổ cho bản thân. Bao nhiêu tháng ngày hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.
Cứ tưởng ngần ấy nỗi đau đổ sụp xuống gia đình chị sẽ dừng lại. Nhưng cuộc đời không phải vậy. Vẫn trong tiếng khóc ai oán, xót thương của bà Tuyết cho biết: “ Khi sinh được mấy ngày, trên vai trái của cháu Phượng có xuất hiện một nốt màu đỏ to bằng đầu tăm. Dần dần vết đỏ đó lan ra khắp cơ thể cháu, tạo thành bọc mủ rồi vỡ ra khắp người, đặc biệt bộ phận sinh dục của cháu cũng có, nên mỗi khi đi vệ sinh cháu luôn đau. Và cháu không thể mặc được quần áo. Vào mùa hè các của cháu càng nặng hơn khi suốt ngày các mụn bưng mủ và vỡ, nên cháu lúc nào cũng quấy khóc và đau đớn”. Bệnh này được các bác sĩ kết luận bệnh nấm đỏ. Đây là loại bệnh không thể chữa khỏi mà chỉ có thuốc uống cầm cự.
Để duy trì sự sống và chữa bệnh cho con, gia đình anh Dậu đưa cháu Phượng đi hết bệnh viện này, bệnh viện khác, từ lấy thuốc đông y, tây y nhưng bệnh đều không khỏi, tốn hàng trăm triệu đồng. Trong khi vết loang của bệnh nấm đỏ tạo nên các bọc mủ, khi vỡ lại bị đóng màng, lúc nào trên người cháu cũng ngứa, mẫn đỏ. Năm nay cháu phượng 6 tuổi nhưng hàm răng của cháu đều bị sâu hết. Nên cháu không ăn được gì ngoài uống sữa và ăn cháu. Hàng tháng tiền mua thuốc điều trị cho con và vợ hết trên 10 triệu đồng và hơn 5 tháng nay anh Dậu không biết xoay sở thế nào để có tiền cho con và vợ chữa bệnh. Đau đớn nhìn vợ và con bị bệnh hành hạ và sự sống mong manh, anh nhắm mắt để cháu Phượng ở nhà cho bà nội trông, anh đưa vợ ra Quảng Ninh vừa làm vừa mong có tiền chữa bệnh cho vợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Quyền – Chủ tịch UBND xã Văn Giang cho biết: “ Từ trước tới nay, hoàn cảnh về gia đình cựu quân nhân Trường Sa Nguyễn Văn Dậu vừa phải nuôi vợ bệnh tật và con tật nguyền đã được địa phương báo cáo với cấp trên. Bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ để làm cho cháu thuộc đối tượng khuyết tật. Địa phương cũng đã chỉ đạo các ngành đoàn thể tặng quà cho gia đình vào những dịp lễ tết. Tuy nhiên sự khó khăn của gia đình cựu quân nhân Trường Sa hiện nay vẫn vô cùng khó khăn”.
Lúc này đây cuộc sống của người vợ và người con gái bé bỏng của anh Dậu đang lâm vào cảnh bế tắc, khó khăn. Và rất cần những tấm lòng hảo tâm của các phật tử, những mạnh thường quân, nhà hảo tâm và mọi người hãy chung tay góp sức cứu giúp bé Phượng và chị Chuẩn thoát qua những tháng ngày khổ hạnh, gian khó. Không chí ít cũng là những món quà tinh thần để động viên gia đình cựu quân nhân hải quân Trường Sa – Nguyễn Văn Dậu.
Mọi sự giúp đỡ gia đình xin gửi về, Bà Nguyễn Thị Tuyết, đội 7, thôn 3, xã Văn Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Số điện thoại: 0974871622
Đức Tuỳ