Thứ sáu, 11/11/2022, 09:06 AM

Huyền lực từ những trang kinh

Lịch sử tư tưởng và tôn giáo của nhân loại có lẽ sẽ đánh dấu một bước ngoặt vào ngày đức Phật, theo truyền thuyết, khi vừa đản sinh đã bước đi bảy bước trên tòa sen để tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn.”

Chúng ta không cần phải thắc mắc về tính hợp lý của sự kiện và câu nói đó, vì chúng chỉ mang tính biểu tượng, như nhiều sự kiện trong mọi tôn giáo khác, mà chỉ nên lưu ý rằng trong suốt 49 năm thuyết pháp của đức Phật, nội dung câu nói đó được thể hiện trong tất cả những trang kinh.

Ngã ở đây, theo thiển ý của tôi, hoàn toàn không có liên quan gì đến khái niệm Ngã thông thường trong kinh điển, và đối lập với nó là khái niệm Vô Ngã. Trong tư tưởng Phật giáo, liệu có một cái Ngã nào tồn tại trong chủ trương “tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu”? Hay có một cái Ngã nào đứng vững trước cơn lốc phủ định toàn triệt bằng “vô, phi, bất” trong Bát Nhã Tâm Kinh? Ngã ở đây là cái Tâm Minh Linh hay Tuệ Giác, phát sinh từ cảnh giới thánh trí tự chứng. Đây là ánh sáng chiếu ra từ cảnh giới “căn bản triệt ngộ” (mũlamantra) xua tan hết những bóng đêm huyền thoại về những giá trị tối linh trong cõi thế.

Khi trong tâm vẫn “còn lại đôi dòng chân kinh”, nghĩa là khi ta vẫn còn tiếp nhận được nguồn huyền lực từ những trang kinh Phật...

Khi trong tâm vẫn “còn lại đôi dòng chân kinh”, nghĩa là khi ta vẫn còn tiếp nhận được nguồn huyền lực từ những trang kinh Phật...

Những giá trị tối linh trong các tôn giáo luôn được xác lập do thiên khải hay từ một thế lực siêu nhiên, để đảm bảo tính chất phi phàm của chúng. Đấng tiên tri Moses của Thiên Chúa giáo nhận lãnh giáo huấn và luật pháp từ Thiên Chúa trên đỉnh núi Sinai; đấng tiên tri Muhammad của Hồi giáo thì dựa vào sự khải thị của thánh Allah để thuyết lại kinh Qur’an; đến cả một triết gia trần tục nhất là Khổng Tử của Trung Quốc cũng phải dựa vào hình tượng Nghiêu, Thuấn, Chu Công… Chỉ đức Phật là đấng duy nhất tuyên bố mình là người tìm ra chân lý bằng tuệ giác, và đem chân lý ấy phổ biến cho khắp cõi thiên nhân. Ánh sáng từ tuệ giác đó phổ chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới để con người nhìn ra cấu trúc vĩ đại toàn bích của vũ trụ theo thuyết duyên khởi, và khai mở hết thảy những điều huyền mật của nhân sinh. Những giá trị siêu nhiên, những thứ từng đem thần thánh phủ bóng lên trí não nhân loại, bị đẩy hết vào quá khứ, để Trí Tuệ Viên Mãn được toàn nhiên thị hiện. Cảm nhận được điều đó ta mới nhận ra được diệu nghĩa trong thông điệp “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn!” Ở một góc độ nào đó, ta có thể so sánh Ngã trong thông điệp này với sự xuất hiện của Lý Tính, mở đầu cho Thời kỳ Khai Sáng (Age of Enlightenment) ở Châu Âu vào đầu thế kỷ 18, xua tan bóng đêm thời Trung Cổ. Thông điệp của đức Phật cũng xua tan hết những bóng tối u ám của thần linh, để mở ra những phương trời bao la của giác ngộ.

Cảnh giới thánh trí tự chứng trong đạo Phật có thể ví như một ngọn lửa. Ngọn lửa đó có thể được thắp sáng bằng cả một rừng cây, một thân cây, một bếp lửa, một ngọn đèn, hay thậm chí chỉ bằng một que diêm… nhưng hễ lửa còn cháy thì tính lửa kia không mất. Chính cảnh giới thánh trí tự chứng mới đem lại huyền lực cho kinh điển Phật giáo. Kinh điển Phật giáo chỉ được thắp sáng bằng ngọn lửa trí tuệ, chứ không phải bằng một thứ gì khác. Tất cả những thứ khác đều là “quách nhiên vô thánh”, theo tinh thần của Tổ Đạt Ma trả lời Lương Võ Đế, một khi ta chưa cảm nhận được huyền lực từ những trang kinh. Huyền lực đó được nuôi dưỡng bằng cảnh giới thánh trí tự chứng. Đó là cảnh giới tối thắng của “duy Ngã độc tôn.”

Một khi đã cảm nhận được huyền lực từ những trang kinh thì sự tu học của một hành giả sẽ không còn bị câu nệ vào những hình thức khô cứng. Một ngôi chùa chân chính được nuôi dưỡng bằng huyền lực từ những trang kinh sẽ tự nhiên biến thành một đạo tràng thuần tuý để tu học. Đó sẽ là nơi trang nghiêm của Trí Tuệ để con người nương theo lời Phật dạy mà tìm cầu giải thoát, chứ không phải là địa điểm du lịch hay tổ chức từ thiện, ma chay…Tôi có chút cơ duyên với Phật pháp nên thường tìm đọc, dịch kinh điển, để học hỏi và tĩnh tâm. Và mỗi khi đọc, dịch tôi thường cảm nhận được huyền lực từ từng câu kinh. Mỗi chữ đều là cam lồ, mỗi câu đều là pháp bảo. Khi đang dịch bộ Lăng Già được hơn một nửa thì tôi mang bịnh nặng. Tôi cầu Tam Bao gia hộ cho tôi đủ sức khỏe để hoàn tất công trình. Những đêm gượng đau để dịch kinh, tôi thấy tâm lạc lạ thường, dù thân không an lắm. Dịch đến đoạn đức Phật cũng phải bao phen chịu khổ nạn, tự nhiên tôi thấy bệnh tật như tan biến hết, thân tâm thư thới. Tôi tin rằng huyền lực đó đến từ những trang kinh, khi ta đọc kinh bằng cả tâm nguyện “tín, giải, thọ, trì.” Từ đó, tôi lại thêm tin vào sức mạnh của kinh điển. Mỗi trang kinh, thậm chí mỗi câu kinh, không chỉ mở rộng tâm thức ta ra trước những phương trời tư tưởng bất khả tư nghì, mà còn có sự tác động vi tế đến thân tâm. Khi dich xong cuốn kinh Lăng Già, và được một nhà xuất bản nhận in, thì tác phẩm L’Enseignement de Vimalakīrti – bản dịch cuốn kinh Duy Ma sang Pháp ngữ từ Tạng ngữ – của Étienne Lamotte lại cuốn hút tôi. Và tôi lại bắt tay vào dịch bộ kinh phương đẳng kỳ diệu này. Vì dịch kinh có nghĩa là đọc kinh thật kỹ qua từng câu chữ. Tôi xem đây như là một Cuộc Chơi Chuyển Nghiệp khi tiếp cận bến bờ sinh tử, và làm một bài thơ: 

Gượng đau ngồi dịch Lăng Già

Xong, lại mơ cõi Duy Ma phiêu bồng

Để mai về bến sương hồng

Trong tâm còn lại đôi dòng chân kinh

Bước chân qua cõi tử sinh

Khi trong tâm vẫn “còn lại đôi dòng chân kinh”, nghĩa là khi ta vẫn còn tiếp nhận được nguồn huyền lực từ những trang kinh Phật, tôi tin rằng ta vẫn có thể an nhiên tự tại để có thể một mình đi suốt cõi sinh tử luân hồi.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Xem thêm