Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 31/08/2014, 14:48 PM

Khái quát lịch sử Như Lai Tạng

Như Lai Tạng là một thuật ngữ Phật giáo xuất hiện rất sớm trong văn hiến Phật giáo, tuy nhiên sự hình thành nên tư tưởng Như Lai Tạng là cả một quá trình chịu sự tương tác của các yếu tố nội tại và ngoại tại. Trong phạm vị của một bài viết dành cho Tạp chí, chúng tôi xin được trình bày khái quát sự hình thành của tư tưởng Như Lai Tạng.

1. Định nghĩa danh từ “Như Lai Tạng”

Như Lai Tạng theo nghĩa thông thường là chỉ cho tất cả tạng kinh do đức Phật tuyên thuyết. Kinh Tăng nhất A-hàm nói: Người nào chuyên tâm trì tụng kinh Tăng nhất tức là tổng trì như Lai Tạng. Ở đây “Như Lai Tạng” là một thuật ngữ hình thành thời kỳ Phật giáo phát triển mà ý nghĩa của nó được hiểu như sau:

“Như Lai Tạng” (S.Tathàgata-garbha): Chỉ cho pháp thân Như Lai xưa nay vốn thanh tịnh (tức là tự tính thanh tịnh) ẩn tàng trong thân phiền não của hết thảy chúng sinh, nhưng không bị phiền não làm ô nhiễm, bản tính vẫn tuyệt đối thanh tịnh và vĩnh viễn bất biến. Mặt khác, tất cả hiện tượng ô nhiễm và thanh tịnh đều duyên theo Như Lai Tạng mà sinh khởi, gọi là Như Lai Tạng duyên khởi. Trong các Kinh luận, tư tưởng này thường được dùng để nói rõ về ý nghĩa mê và ngộ đối lập trong con người.

Chương “Pháp thân” trong kinh Thắng man nói: “Pháp thân Như Lai không lìa phiền não, ẩn tàng trong phiền não, gọi là Như Lai Tạng”

Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng cũng nêu 9 thí dụ như: Trong hoa sen có hóa Phật, mật ngọt trong rừng rậm ở núi cao, vàng ròng rơi vào chỗ nhơ bẩn, tượng vàng bọc trong giẻ rách, cô gái hèn mang thai quí tử... để giải thích rõ ý nghĩa Như Lai Tạng ẩn giấu trong phiền não. 

Phẩm “Như Lai Tạng”trong Phật tính luận quyển 2, ghi “tàng” có 3 nghĩa: 

1. Sở nhiếp tạng: Hết thảy chúng sinh đều được thu nhiếp vào trong trí như lai. 

2. Ẩn phú tạng: Pháp thân như lai bất luận ở nhân vị hay quả vị đều không thay đổi, nhưng chúng sinh bị phiền não che lấp nên chẳng thấy được.

3. Năng nhiếp tạng: Quả đức như lai đều thu nhiếp trong tâm phàm phu. 

Phẩm “Tự thể tướng”của Phật tính luận quyển 2 và chương “Tự tính thanh tịnh” trong kinh Thắng Man cho rằng “tạng”có 5 nghĩa: 

1. Tự tính: Muôn vật đều là tự tính như lai, đó là nói theo nghĩa tự tính, nên gọi là như lai tạng. 

2. Nhân: Tàng này là đối cảnh do Thánh nhân tu hành chính pháp mà sinh ra. Đó là nói theo nghĩa trở thành nhân của cảnh giới, nên gọi là chính pháp tàng, hoặc Pháp giới tàng. 

3. Chí đắc: Tin tưởng tạng này có thể đạt được quả đức pháp thân như Lai. Đó là nói theo nghĩa chí đắc (đạt được), nên gọi là Pháp thân tàng.

4. Chân thật: Tạng này vượt ra ngoài tất cả sự hư dối của thế gian. Đó là nói theo nghĩa chân thực nên gọi là Xuất thế tàng, hoặc Xuất thế gian thượng thượng tạng. 

5. Bí mật: Tất cả pháp nếu thuận theo tàng này thì được thanh tịnh, trái lại thì trở thành ô trọc. Đó là nói theo nghĩa bí mật, nên gọi là Tự tính thanh tịnh tàng. 5 nghĩa của “tàng”nêu trên được gọi là ngũ chủng tàng.

Theo Đại thừa chỉ quán pháp môn, (quyển 1), thì ‘tàng’ có 3 nghĩa: Năng tàng, Sở tàng và Năng sinh. 

Theo Viên Giác Kinh Lược Sớ quyển thượng thì nêu 3 nghĩa: Ẩn phú, Hàm nhiếp và Xuất sinh, gọi là Tam chủng Như Lai Tạng. 
 
“Chương Không nghĩa ẩn phú chân thật” trong kinh Thắng man cho rằng Như Lai Tạng có thể chia làm 2 loại: 

1. Như Lai Tạng vượt ngoài phiền não, hoặc chẳng giống với phiền não, cũng tức trong Như lai tạng, phiền não là không, gọi là Không Như lai tạng. 

2. Như Lai Tạng đầy đủ tất cả pháp mà chẳng lìa, chẳng thoát, chẳng khác với phiền não, gọi là bất không Như lai tạng. 

Chương “Pháp thân” kinh Thắng man ghi: Như Lai Tạng còn có thể chia làm 2 loại: 

1. Tại triền: Ở trong trạng thái bị phiền não trói buộc (triền), bao hàm Không Như lai tạng và Bất Không Như Lai Tạng.

2. Xuất triền: Trạng thái đã thoát ra khỏi sự trói buộc (xuất triền) của phiền não. 

Luận Đại Thừa Khởi Tín ghi: “Chân như có 2 mặt là Như thực không và Như thực bất không. Thể tướng của giác nếu được ví dụ bằng 4 tấm gương thì tức là: 1. Gương Như thực không: Tức Không Như lai tạng. 2. Gương Nhân huân tập: Tức Bất không Như lai tạng. 3. Gương Pháp xuất li. 4. Gương Duyên huân tập. Hai ví dụ trước là Tại triền, 2 ví dụ sau là Xuất triền. 

Luận Thích ma ha diễn, quyển 2 qui nạp các thuyết kể trên mà lập ra 10 loại Như lai tạng: Đại tổng trì Như lai tạng, Viễn chuyển viễn phược Như lai tạng, Dữ hành dữ tướng Như lai tạng, Chân như chân như Như lai tạng, Sinh diệt chân như Như lai tạng, Không Như lai tạng, Bất không Như lai tạng, Năng nhiếp Như lai tạng và Ẩn phú Như lai tạng”. 

Từ định nghĩa của Phật Quang đại từ điển có thể đúc kết thành 3 điểm:

- Rất nhiều kinh luận đề cập đến Như Lai Tạng, điều này chứng tỏ học thuyết Như lai tạng là một trong những cốt tủy của giáo lý Đại thừa.

- Tuy xuất sinh nhiều quan điểm tùy thuộc vào nhiều góc độ khác nhau để phán định về Như Lai Tạng, nhưng nhìn chung là đại đồng tiểu dị và đồng lập cước trên nguyên nghĩa: thể tính thanh tịnh hay Phật tính luôn hàm tàng trong mỗi một chúng sinh, dù chúng sinh đó hiện hữu bất kỳ trong trạng huống nào thì bản chất ấy cũng không mất đi.

- Có thể xem học thuyết như Lai Tạng là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề về nhân sinh quan và vũ trụ quan trong Phật giáo. Để làm rõ hơn vấn đề này, dưới đây người viết sẽ trình bày quá trình phát triển của học thuyết như Lai Tạng.

2. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Như lai Tạng

Như Lai Tạng (tathāgata-garbha) là từ kết hợp của tathāgata và garbha, hai từ vốn đã có nguồn gốc từ thần giáo Ấn Độ được Phật giáo thâu nhận và phát triển thành hệ tư tưởng đặc thù. Như đã trình bày ở phần dẫn nhập, thuyết Như Lai Tạng hình thành vào thời trung kỳ Phật giáo Đại thừa, đó là một quá trình thừa kế, phát huy và hoàn thiện trong lịch trình diễn tiến tất yếu của lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại thừa nói chung và học thuyết Như Lai Tạng nói riêng, có thể khái lược như sau: Thuyết Như Lai Tạng lấy Như Lai làm vấn đề trọng tâm. Như Lai ban đầu chỉ cho Đức Phật Thế Tôn sống động ở nhân gian mà hàng đệ tử được ở chung, được nghe ngài thuyết pháp. Sau khi Như Lai diệt độ, các đệ tử kính nhớ chỉ còn biết nương tựa vào giáo pháp và giới luật làm thầy dẫn đường và xem giáo pháp là pháp thân, là thân bất diệt của Như Lai. Kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Thầy của chúng ta là Đức Thế Tôn xuất hiện với thọ mạng ngắn ngủi ở thế gian, nhục thân của Ngài tuy đã mất, nhưng Pháp thân của Ngài vẫn còn.” Thời kỳ phân chia bộ phái, một phần của Thượng Tọa bộ (Sthavira)và Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvāstivādin) đã có lập trường khá kiện toàn về Phật thân bao hàm cả hiện thực và lý tánh. Họ cho rằng sắc thân là hữu lậu và pháp Bồ-đề là vô lậu, pháp bồ-đề chính là pháp thân. Quan niệm về Như Lai của hệ Đại chúng bộ (Mahāsā-ghika), cũng trong quá trình phát triển vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính lý tưởng. Họ cho rằng: “Đức Như lai sinh ra và lớn lên trong thế gian, hoặc đi, hoặc đứng… đều không bị pháp thế gian làm ô nhiễm.

Do vậy nên biết rằng thân của đức Như Lai cũng là vô lậu.” Dị bộ tông luân luận cũng đã có một kết luận thâu tóm và làm rõ chi tiết này: “Chủ trương căn bản của Đại chúng bộ, Nhất thiết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê dận bộ là giống nhau, cho rằng: Chư Phật Thế tôn đều là những bậc xuất thế gian, tất cả Như lai đều không có pháp hữu lậu.”. những quan điểm về thân như Lai như thế có thể nói là một sự lý tưởng hóa nên khó trách khỏi siêu thực vì thế gặp phải những vấn đề hiện thực khó giải đáp thỏa đáng chẳng hạn như vấn đề đại tiểu tiện từ nhục thân của như Lai. Tiếp nhận tư tưởng này, thời kỳ đầu của Đại thừa chưa có sự phân biệt chi ly về nhục thân và pháp thân nhưng về sau đã phân biệt Pháp thân và Hóa thân (và sau nữa còn phân biệt 3 thân, 4 thân…)tư tưởng thân như Lai tiếp tục phát triển theo trào lưu của Đại thừa đến thời kinh Kim cang bát-nhã đã có quan điểm rõ ràng và khẳng định: 

“Nếu từ sắc thấy ta
Từ âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai”

Và còn mạnh hơn xác quyết: “Nếu thấy các tướng đều chẳng phải là tướng, đó là thấy được Như Lai”.

Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu đã có những thành tựu nhất định như đã chỉnh đốn và đưa giáo lý Đại thừa thành hệ thống, đồng thời biểu hiện thành Giáo hội, tuy nhiên trên phương diện lý luận còn có một số điểm cần kiện toàn:

- Mối quan hệ căn bản giữa vọng tâm và tịnh tâm cũng như sự vận hành của chúng?

- Quan điểm hết thảy chúng sinh đều thành Phật vẫn chưa có hệ thống lý luận rõ ràng.

- Lập luận về Phật-đà còn nhiều chỗ khuyết điểm, nhất là quan niệm về pháp thân chưa được hoàn bị. 

Mặt khác nhằm để thích ứng với đà phát triển tư tưởng của Thượng Tọa bộ, Đại Chúng bộ cũng như chủ trương của Phệ-đàn-đà (Vedanta) hay Số luận (Sàmkhyà), vì thế vào thời kỳ giữa Đại thừa đã xuất hiện những học thuyết mới như học thuyết Như Lai Tạng, A-lại-da, Phật tính và pháp thân thường trụ…tuy nói rằng mới nhưng những học thuyết đó chính là thừa kế và phát huy trên nền tảng của tư tưởng trước đó. Đến thời kỳ này khái niệm và học thuyết Như Lai Tạng mới được hình thành. Danh từ “Như Lai Tạng”có thể được xuất hiện sớm nhất trong kinh Thập Địa, nhưng đến khi kinh Như Lai Tạng xuất hiện mới làm rõ về khái niệm và phôi thai cho một học thuyết. Tư tưởng Như Lai Tạng được phát triển ngày càng tinh mật rõ ràng qua các kinh Bất Tăng Bất Giảm; kinh Thắng-man, kinh Đại Niết-bàn, kinh Vô Thượng Y; kinh Giải Thâm Mật và có thể nói cho đến kinh Lăng-già thì triết học Như Lai Tạng đã phát triển đến chỗ hoàn bị.

Tóm lại có thể nói rằng lịch sử hình thành tư tưởng Như Lai Tạng bắt đầu từ ý niệm về sự vắng bóng của nhục thân Như Lai phát triển thành pháp thân thường trụ và không bao lâu đã chuyển tiến đến quan điểm Phật thân thường trụ, thế rồi tiếp tục phát triển thành quan điểm Phật tính thường trụ và tiềm ẩn nơi mỗi một chúng sinh, tuy nhiên không dừng lại ở đó mà phát triển thành học thuyết Như Lai Tạng và điểm cực mỹ của học thuyết này là tư tưởng kinh Lăng-già và kinh Mật-nghiêm đã điểu hòa và kết hợp tư tưởng Như Lai Tạng và A-lại-da nâng triết lý Đại thừa cao lên một bậc giải quyết trọn vẹn cả 2 chiều giải thoát quan và sinh tử quan. Chính vì thế mà Lữ Trừng đã nhận định: “Lăng-già kinh và Mật-nghiêm kinh xuất hiện, dùng thái độ điều hòa 2 thuyết kể trên nói rằng A-lại-da và Như Lai Tạng chỉ có tên gọi bất đồng còn pháp thể là một, nghĩa lý cũng là một, cho rằng A-lại-da không chỉ có nhiễm mà còn có tịnh, như thế là có ý đem hai thuyết tổng hợp lại.”

Thích Quảng An
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4 năm 2014
-
Tài liệu tham khảo:
1. Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, HT Thích Quảng Độ dịch, Tập I,II,III, NXB Tôn Giáo, năm 2012.
2. Lữ Trừng, Ấn Độ Phật học nguyên lưu lược giảng, HT. Thích Phước Sơn dịch, NXB Phương Đông, năm 2011. 
3. Kinh Lăng-già, Tỳ-kheo Thích Duy Lực dịch, Thành Hội Phật Giáo HCM xuất bản, 1994.
4. (CBETA)
5. Từ điển điện tử Babylon
6. http://www.jiexinglin.com/List.asp?ID=888 truy cập: 5/8/2013 
7. http://www.a202.idv.tw/a202-big5/Book1029/Book1029-4.htm truy cập: 5/8/2013
8. http://www.fomen123.com/fo/new/bore/9023.html truy cập: 5/8/2013 
9. http://www.yinshun.org.tw/books/22/yinshun22-17.htm truy cập l5/8/2013 
10.http://thuvienhoasen.or/D_1-2_2-77_4-7481_5-50_6-1_17-45_14-1_15-1/ truy cập 5/6/2013 
11. http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn/compo-nent/content/article/38-phat-hoc/152-i-cng-kinh-lng-gia.html. Truy cập Saturday, June 08, 2013.





CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm