Khoa học & Đạo Phật

Là một người Việt lớn lên trong truyền thống đạo Bụt, tôi không thể không tự hỏi đạo Bụt chú ý tới những khái niệm này như thế nào.

Với tư cách một nhà vật lý thiên văn học nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa của những thiên hà, công việc làm tôi không ngừng tự vấn về những khái niệm về thực tại, vật chất, thời gian và không gian. Là một người Việt lớn lên trong truyền thống đạo Bụt, tôi không thể không tự hỏi đạo Bụt chú ý tới những khái niệm này như thế nào. Thế nhưng, lập luận dựa vào việc đối chiếu khoa học và đạo Bụt chưa chắc sẽ có ý nghĩa. Nhất là ở phương diện thực tập của đạo Bụt, con đường giúp đạt tới sự hiểu biết về cái ngã, phát triển tâm linh hoặc trở thành một con người tốt đẹp hơn.

Các nhà khoa học nói gì về Đức Phật?

Đối với tôi, đạo Bụt trước hết là con đường đưa đến sự Giác Ngộ, một thứ kỷ luật tinh thần, hướng cái nhìn chủ yếu vào nội tâm. Khoa Học và đạo Bụt sử dụng những phương pháp nghiên cứu thực tại hoàn toàn khác nhau. Trong khoa học, tri thức và luận lý nắm giữ vai trò then chốt. Bằng việc phân chia, xếp loại, phân tích, so sánh và đo lường, khoa học diễn giải những quy luật của tự nhiên theo ngôn ngữ trừu tượng của toán học. Dĩ nhiên trong khoa học, trực giác không hẳn không có chỗ đứng, nhưng nó chỉ hữu ích khi nào được hệ thống hóa trong một cấu trúc toán học chặt chẽ.

dao phat va khoa hoc

Ngược lại, trực giác – hay kinh nghiệm nội tâm – đóng vai trò đầu tiên trong quá trình suy tư, quán chiếu. Thay vì chẻ nhỏ thực tại thành những phần riêng biệt, Phật giáo dùng phương pháp tiếp cận toàn bộ sự vật để hiểu chúng như một tổng thể. Đạo Bụt không nhờ cậy vào bất kỳ dụng cụ đo lường nào cũng như những quan sát biện luận, vốn là xương sống của nền khoa học thực nghiệm. Những phát biểu (của đạo Bụt) mang bản chất định tính hơn là định lượng. Mục tiêu chính yếu của khoa học là tìm hiểu về bản chất của thế giới hiện tượng, trong khi đó, điều này không phải là mối quan tâm chính của đạo Bụt.

Đạo Bụt đã mô tả thực tại với ba khái niệm chính: tương tức, không và vô thường. Ba khái niệm cơ bản này tương ứng như thế nào với sự mô tả thực tại của khoa học hiện đại?

Đầu tiên, chúng ta hãy xem xét đến khái niệm về Tương Tức (duyên khởi). Đối với đạo Bụt, tương tức là cốt lõi trong sự biểu hiện những hiện tượng : không có gì có thể tồn tại một cách tự thân hoặc do bởi chính nó. Một cái gì đó chỉ được xác định bằng tên gọi của những cái khác, và hiện hữu trong quan hệ với những thực thể khác. Nói cách khác, cái này có bởi vì cái kia có. Theo đạo Bụt, chúng ta có một thế giới được tạo thành từ những hiện tượng riêng biệt phát sinh từ những nguyên nhân và điều kiện riêng biệt, nhận thức đó được gọi là ‘sự thật tương đối’ hoặc ‘sự thật giả lập’. Kinh nghiệm sống hàng ngày khiến chúng ta cho rằng mọi sự vật có một thực tại khách quan độc lập, có vẻ như là chúng hiện hữu bởi chính nó với những bản sắc tự thân. Tuy nhiên, đạo Bụt nhấn mạnh rằng cái cách nhìn thế giới hiện tượng như vậy chỉ là một sản phẩm của tâm thức. Sự vật sự việc chỉ có thể xảy ra khi có sự liên hệ và phụ thuộc với những yếu tố khác. Một vật chỉ có thể tồn tại khi nó liên kết, bị ảnh hưởng và làm ảnh hưởng lên cái khác. Một thực thể tồn tại riêng biệt với tất cả mọi sự mọi vật thì nó hoặc là phải tồn tại mãi mãi, hoặc là không tồn tại chút nào cả. Nó không thể tác động lên bất cứ một cái gì và không có cái gì có thể tác động lên nó. Thực tại không thể được định vị cũng không thể được cắt rời từng mảnh nhỏ mà phải được xem xét như một tổng thể toàn diện.

Nhiều thử nghiệm vật lý đã cho chúng ta thấy được tính tổng thể này của thực tại. Trong thế giới nguyên tử và hạ nguyên tử, những thí nghiệm thuộc loại EPR cho chúng ta biết rằng thực tại là ‘không thể tách rời’, hai hạt ánh sáng tác động qua lại lẫn nhau thì tiếp tục thuộc về cái một và thuộc cùng một thực tại; cho dù có tách rời chúng ra một khoảng cách như thế nào thì chúng cũng hoạt động tương liên ngay lập tức mà không có bất kỳ một sự truyền đạt thông tin nào. Về phần thế giới vĩ mô, tính toàn thể của nó đã được chứng minh bằng quả lắc Foucault, trong đó, cách hoạt động của nó tương ứng với nhau không chỉ trong môi trường cục bộ mà còn ở toàn thể vũ trụ. Những cái đang hoạt động ngấm ngầm trên quả đất nhỏ bé của chúng ta quyết định cái bao la của vũ trụ.

Khái niệm tương tức cho rằng không thể định nghĩa mọi vật một cách tuyệt đối, mà chỉ là tương đối với một cái gì đó khác. Về cơ bản, đó cũng là ý tưởng đã định nghĩa ‘nguyên tắc về tính tương đối của những chuyển động vật lý’, được trình bày lần đầu tiên bởi Galilée, sau đó đã được mổ xẻ lại và phát triển ở mức độ cao hơn bởi Enstein. Galilée cho rằng : ‘Sự chuyển động thì giống như là không có gì cả.’ Qua đó, ông ta muốn nói rằng sự chuyển động của một vật thể không thể được xác định một cách tuyệt đối, mà chỉ là chuyển động so với chuyển động của một vật thể khác. Giả sử có một hành khách trong một toa xe lửa đang di chuyển, không có một tiếng động nào, vận tốc không đổi và tất cả những màn cửa được che lại thì không có một thí nghiệm hoặc một phép đo nào có thể thực hiện được để cho phép người đó nói rằng toa tàu đang đứng yên hay chuyển động. Chỉ có cách mở những màn cửa sổ ra và nhìn những cảnh vật đang trôi qua bên ngoài thì người hành khách mới có thể giải thích được điều đó. Hễ bên ngoài không có bất kỳ cái gì để qui chiếu thì chuyển động cũng bằng với không chuyển động. Mọi vật không tồn tại bởi chính nó mà chỉ trong sự liên hệ với những sự vật khác - đạo Bụt nói như vậy. Sự chuyển động chỉ có tính thực tế khi so với cảnh vật đang trôi qua bên ngoài, đó là nguyên tắc của tính tương đối.

Thời gian và không gian cũng mất đi đặc tính tuyệt đối như Newton đã thử nghiệm. Enstein cho chúng ta biết rằng thời gian và không gian chỉ có thể được xác định một cách tương đối so với sự chuyển động của quan sát viên và so với cường độ của vùng trọng lực đang chứa đựng chúng. Tại những vùng rìa của lỗ đen vũ trụ, không gian cực kỳ đặc biệt, ở đó trọng lực mạnh kinh khủng đến nỗi ánh sáng không vượt qua được và một giây có thể là vĩnh cửu. Cũng giống như đạo Bụt, thuyết tương đối nói rằng hướng đi của thời gian, với một quá khứ đã đi qua và một tương lai sẽ đến, chỉ là một ảo tưởng, bởi vì tương lai của tôi có thể là quá khứ của một người khác và là hiện tại của một người thứ ba : tất cả phụ thuộc vào những chuyển động tương đối của chúng ta. Thời gian không đi qua, nó chỉ đơn giản là có đó.

Phát sinh trực tiếp từ khái niệm 'Tương tức' còn có khái niệm về ‘Không’, nhưng không có nghĩa là hư không, mà là vắng mặt một sự tồn tại riêng biệt. Bởi vì tất cả đều tương tức với nhau nên không có gì có thể tự xác định cũng như tự hiện hữu. Cái ý tưởng về những phẩm tính có thể hiện hữu do và bởi chính mình cần phải được buông bỏ. Nhưng hãy coi chừng! Đạo Bụt không nói rằng sự vật sự việc không hiện hữu. Không có chủ thuyết về hư vô mà chúng ta thường hay gán một cách sai lầm. Thuyết ‘Không’ khẳng định rằng sự tồn tại này không phải là độc lập mà là tương tức, cũng như cần tránh quan điểm về vật chất thực dụng. Nó chấp nhận vị trí trung gian mà theo đó một hiện tượng không tồn tại đơn độc nhưng cũng không phải là không có mặt, mọi thứ tác động qua lại và vận hành theo quy luật nhân quả : đó là cái mà đạo Bụt gọi là ‘Con đường trung đạo chân chính’.

Hơn nữa, khoa học lượng tử cung cấp cho chúng ta một cách diễn đạt tương tự đáng ngạc nhiên. Theo Bohr và Heisenberg, chúng ta không thể nói về nguyên tử và điện tử bằng như những thực thể có thực mang những đặc tính được xác định, như vận tốc hoặc vị trí. Chúng ta phải xem chúng như là bộ phận của một thế giới được cấu thành từ những năng lượng tiềm tàng chứ không phải là những vật thể hay sự kiện. Phẩm chất (đặc tính), cũng giống như vật chất và ánh sáng trở thành một trò chơi của những liên hệ tương tức qua lại: nó không còn là cái gì bên trong, mà có thể bị thay đổi do sự tác động qua lại giữa người quan sát và vật được quan sát. Bản chất này không phải là đồng nhất mà là đối ngẫu và bổ sung. Cái mà chúng ta gọi là ‘hạt phân tử’ có dạng sóng khi chúng ta không quan sát chúng và khi ta tắt hết những thiết bị đo đạc và quan sát thì chúng có dạng hạt. Nói về một thực tại bên trong đối với một hạt phân tử - một thực tại tồn tại khi chúng ta không quan sát nó – là một điều vô nghĩa, đó là bởi vì chúng ta không bao giờ nắm bắt được nó. 

Trở lại với khái niệm samskara của đạo Bụt (có nghĩa là ‘sự kiện’), ngành cơ học lượng tử đã duyệt xét lại một cách kỹ càng hơn cái ý niệm của chúng ta về một vật thể, khi cho nó phụ thuộc vào sự đo lường, hay nói cách khác, vào một sự kiện. Hơn nữa, lượng tử bất định cũng đặt ra một giới hạn cơ bản về tính chính xác của các phép đo lường thực tại này: luôn tồn tại một sự không chắc chắn nào đó, hoặc về vị trí, hoặc về tốc độ của một hạt phân tử. Vật chất bị mất đi chất của nó.

Khái niệm tương tức của đạo Bụt thì đồng nghĩa với ‘Không’ và ‘Không’ thì đồng nghĩa với Vô Thường. Thế giới giống như một luồng những sự kiện và những dòng lưu động vĩ đại kết nối tất cả những cái này với cái khác và tương tác qua lại một cách liên tục. Khái niệm về sự biến đổi không ngừng và có mặt khắp nơi (của đạo Bụt) rất tương ứng với vũ trụ luận hiện đại. Tính bất di bất dịch của những bầu trời theo Aristot và vũ trụ tĩnh của Newton không còn tồn tại nữa. Tất cả đều chuyển dịch, tất cả đều thay đổi, tất cả đều không vĩnh cửu, từ những hạt cơ bản cực nhỏ cho đến vũ trụ toàn thể, kể cả những thiên hà, những ngôi sao và cả nhân loại.

Vấn đáp: Phật giáo có trái với khoa học không?

Sau vụ nổ nguyên thủy, vũ trụ bị xung lực ban đầu thúc đẩy và không ngừng giãn nở. Tính chất động này được diễn giải trong những phương trình của thuyết tương đối. Lý thuyết Big Bang đã làm cho vũ trụ có một lịch sử. Có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Vũ trụ sẽ hủy diệt trong một lò lửa nóng chết người hoặc trong một trạng thái băng giá. Toàn bộ cấu trúc của vũ trụ - hành tinh, ngôi sao, thiên hà hoặc những dãy thiên hà – trong một sự vận động vĩnh cửu, đang tham dự vào một vở múa ba lê hoành tráng của vũ trụ : chúng xoay chung quanh trục của mình, quanh những tinh thể khác, tiến ra xa hay lại gần cái này với cái kia. Những thành phần này cũng có một lịch sử là : được sinh ra, tiến hóa và hủy diệt đi. Những ngôi sao tuân theo những vòng luân hồi được tính bằng triệu thậm chí tỷ năm.

Thế giới nguyên tử và hạ nguyên tử cũng không bất động ở đó. Tất cả đều vô thường. Những hạt có thể tự thay đổi bản chất của nó: những hạt (đơn vị cơ bản của vật chất) có thể đổi gia hệ (famille) hoặc thay đổi ‘hương vị’ (saveur), một proton có thể trở thành một neutron bằng cách phóng thích một positon (phân tử đối cực của điện tử) và một neutrino. Vật chất và phi vật chất (antimatière), bằng những tiến trình phân rã hoàn toàn có thể biến thành năng lượng tinh nguyên. Năng lượng chuyển động của một hạt có thể chuyển hóa vào trong một hạt khác hoặc ngược lại. Nói cách khác, phẩm tính của vật chất có thể biến đổi thành vật chất. Do tính lượng tử bất định của năng lượng, không gian quanh ta sinh sôi nảy nở ra một số lượng không thể tưởng những phân tử gọi là ‘phân tử tiềm tàng’, tồn tại rất hư ảo và ngắn ngủi. Xuất hiện và biến mất trong những chu kỳ sinh - diệt cực ngắn. Chúng được ví dụ cho sự vô thường ở những mức độ vi tế nhất.

Ở đây, trong khi trình bày những cái thấy tập trung này về thực tại, tôi không có ý định sơn phết lên khoa học một xu hướng thần bí cũng không chống đỡ cho đạo Bụt bằng những khám phá của khoa học. Khoa học vận hành một cách tốt đẹp, hoàn hảo và đạt tới mục đích mà nó muốn đạt tới (là hiểu được những hiện tượng) mà không hề cần sự yểm trợ của triết học đạo Bụt hay bất kỳ một tôn giáo nào khác. Ngược lại, chính đạo Bụt, là khoa học của sự Tỉnh Thức và cho dù trái đất quay xung quanh mặt trời như thế nào hoặc đảo ngược lại cũng không có ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, bởi vì cả khoa học cũng như đạo Bụt đều khao khát đi tìm chân lý và để đạt được mục tiêu này, cả hai đều sử dụng những tiêu chuẩn mang tính xác thực, chặt chẽ và logic (hợp lý), vì vậy, những cách thức riêng của mỗi bên không thể đưa đến một sự đối lập không thể khoan nhượng, mà ngược lại, có thể bổ sung hài hòa cho nhau. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà vật lý học Werner Heisenberg khi ông phát biểu: ‘Tôi xem cái tham vọng vượt qua những đối nghịch, gồm một sự tổng hợp cả sự thấu hiểu thuần lý tính lẫn kinh nghiệm thần bí về cái nhất thể, là ‘mythos’ (mythos: danh từ Hy Lạp mà tác giả dùng trong bài viết, có nghĩa là thần thoại) - dù có được nói ra hay không được nói ra, của thời đại chúng ta. »

Qua những buổi trao đổi của tôi với Matthieu Ricard*, tôi phải nói lên sự ngưỡng mộ của mình về cách mà đạo Bụt phân tích thế giới hiện tượng. Đó là một cách thức rất sâu sắc và độc đáo. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của khoa học và đạo Bụt không giống nhau. Khoa học không ngừng nghiên cứu và diễn giải những hiện tượng, trong khi mục đích của đạo Bụt là sự trị liệu. Bằng việc nắm bắt được bản chất thật của thế giới vật chất, chúng ta có thể tự giải phóng mình khỏi những đau khổ do dính mắc một cách sai lầm vào thực tại biểu kiến của thế giới bên ngoài và tiến lên con đường tỉnh thức. Khoa học, chính nó, là trung tính : nó không vướng bận vào tinh thần hay đạo đức học. Những áp dụng kỹ thuật của nó có thể gây nên những hệ quả xấu hay tốt đối với đời sống thể chất của con người. Ngược lại, thiền quán có mục đích chuyển hóa nội tâm và làm phát triển trong ta lòng từ bi để có khả năng giúp đỡ những người khác. Khoa học sử dụng những công cụ ngày càng hoàn hảo. Còn trong thiền quán, tâm là công cụ độc nhất. Hành giả quán sát những tư tưởng của mình được đan kết lại cùng nhau như thế nào và dính mắc vào y ra sao. Y khảo sát cái cơ chế vận hành của hạnh phúc và đau khổ để từ đó cố gắng khám phá ra những tiến trình tâm linh nhằm nâng cao sự an bình nội tâm, làm cho cõi lòng mình rộng mở hơn đối với tha nhân để giúp họ cùng phát triển, cũng như từ đó thấy rõ được những tiến trình gây ra những hệ quả độc hại để loại bỏ chúng. Khoa học mang lại cho chúng ta nhiều thông tin nhưng không giúp được cho những tiến bộ tâm linh cũng như chuyển hóa nội tâm. Ngược lại, thiền quán có thể giúp ta có được một sự chuyển hóa tự thân sâu sắc, thể hiện qua cách mà chúng ta tiếp nhận cuộc sống chung quanh để dẫn đến ứng xử và hành động. Hành giả đạo Bụt bớt dính mắc vào những sự vật khi ý thức được rằng chúng không có một hiện hữu tự thân nào cả, do vậy mà giảm đi được những đau khổ. Đối với cùng nhận định này, nhà khoa học lại tạm bằng lòng xem đó như một sự tiến bộ về trí năng để sử dụng vào những công trình nghiên cứu khác, sự khám phá này không làm thay đổi cái nhìn cơ bản của họ đối với thế giới và cách thức mà họ hướng dẫn đời sống của mình.

Đối diện với những vấn đề đạo đức cấp bách – ví dụ như trong lĩnh vực di truyền học – khoa học cần một sự trợ giúp của tâm linh để không quên đi tính nhân bản. Enstein đã phát biểu một câu nói rất đáng tán thưởng : «Tôn giáo của tương lai là một tôn giáo toàn vũ. Nó phải vượt thoát được cái ý niệm về một Thượng đế tồn tại như một con người, cũng như phải tránh những lý thuyết và giáo điều. Bao phủ lên cả khoa học tự nhiên lẫn tâm linh, tôn giáo đó phải đặt nền tảng trên một ý thức tôn giáo được phát khởi trên kinh nghiệm về tất cả mọi sự mọi vật, khoa học tự nhiên lẫn tâm linh, được xem như một sự hợp nhất có ý nghĩa… Đạo Bụt trả lời được cho sự mô tả này. Nếu có tồn tại một tôn giáo nào có thể đáp ứng được với những đòi hỏi của khoa học hiện đại, thì đó là đạo Bụt.»

* Tôi đã gặp Matthieu Ricard (sinh năm 1946) lần đầu tiên ở trường đại học Andorre mùa hè năm 1997. Mathieu là một người lý tưởng để có thể đề cập đến những câu hỏi này. Không những có được một sự đào tạo về khoa học, đã nhận bằng tiến sĩ về sinh học phân tử ở viện Pasteur, mà ông ta còn rất am hiểu về triết học và những kinh văn đạo Bụt, sau đã trở thành một tu sĩ Phật giáo và sống ở Népal từ ba mươi năm nay. Chúng tôi đã có những buổi thảo luận say mê trong những cuộc dã ngoại dài giữa khung cảnh hùng vĩ của dãy Pyrénées. Cuộc thảo luận của chúng tôi rất bổ ích cho cả hai. Nó đã gợi lên cho chúng tôi những câu hỏi mới, những cái nhìn mới mẻ, những tổng hợp bất ngờ đã và đang đòi hỏi một sự đào sâu và làm sáng tỏ thêm. Quyển sách ‘Cái vô tận trong lòng bàn tay’ đã ra đời từ những cuộc trao đổi thân tình giữa tôi, một nhà vật lý thiên văn có nguồn gốc Phật giáo, muốn đối chiếu những hiểu biết về khoa học của mình với những nguồn gốc triết học, với Matthieu, một nhà khoa học Tây phương đã trở thành tu sĩ Phật giáo, mà những kinh nghiệm cá nhân đã đưa ông đến việc so sánh hai hướng tiếp cận thực tại.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu

Nghiên cứu 23:14 20/12/2024

Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.

Nguyện giải thoát ngay hiện tiền

Nghiên cứu 13:41 18/12/2024

Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.

Đời tu của tôi

Nghiên cứu 09:32 18/12/2024

Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.

Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh

Nghiên cứu 11:12 17/12/2024

Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.

Xem thêm