Khuyên người học Phật (P.11)
Ngoài ra, một số phương pháp hành trì, phát nguyện, hồi hướng… Quý vị tham khảo một số luận giải, sớ sao của chư Tổ và nghi thức tụng niệm để được rõ hơn.
Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có đức tướng, trí tuệ Như Lai nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc”. Vì vậy, Phật dạy vô lượng pháp môn là vì những căn cơ sai biệt của chúng sanh. Pháp môn nào cũng là diệu pháp, là thuốc lành trị bệnh chấp trước, vọng tưởng và nhằm mục đích là để chúng ta có thể khôi phục trở lại chân tâm, tự tánh thì cũng sẽ viên mãn thành Phật như Phật đã thành.
Tuy có rất nhiều pháp môn như: Thiền, Tịnh, Mật v.v… Riêng Thiền cũng có nhiều loại như thiền tứ niệm xứ, thiền chỉ quán, thiền tông… Nhưng lần này, chúng ta chỉ tìm hiểu hai pháp môn. Đó là: Thiền tông và Tịnh Độ tông.
Sau này, Pháp Bảo Đàn Kinh cũng được xem như một bộ Kinh trọng yếu của thiền tông. Trong Kinh này, (HT Thích Thanh Từ dịch), Lục Tổ dạy rất rõ: “Sao gọi là Toạ Thiền? Trong pháp môn này không chướng ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng khởi gọi là toạ, trong thấy tự tánh chẳng động gọi là thiền. Sao gọi là Thiền Định? Ngoài lìa tướng gọi là Thiền, trong chẳng loạn gọi là Định”.
Lục Tổ còn dạy: “Này thiện tri thức, trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết bản tâm, nếu biết bản tâm tức là gốc của sự giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát-Nhã Tam muội, tức là vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước ấy là vô niệm, dụng tức khắp tất cả chỗ, cũng không dính mắc tất cả chỗ, chỉ thanh tịnh nơi bản tâm, khiến sáu thức ra sáu cửa đối trong sáu trần không nhiễm, không tạp, đi lại tự do, thông dụng không kẹt, tức là Bát-Nhã Tam muội, tự tại giải thoát gọi là vô niệm hạnh.
Nếu trăm việc chẳng nghĩ, chính khi đó khiến cho niệm bặt đi, ấy là pháp phược, ấy gọi là biên kiến. Này thiện tri thức, người ngộ được pháp vô niệm thì muôn pháp đều thông, người ngộ được pháp vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật. Người ngộ được pháp vô niệm thì đến địa vị Phật…”
Tâm lượng rộng lớn khắp cả pháp giới, dụng tức rõ ràng, phân minh ứng dụng liền biết tất cả, tất cả tức một, một tức tất cả, đi lại tự do, tâm thể không bị ngăn ngại tức là Bát-Nhã.
Này Thiện tri thức tất cả Bát-Nhã đều từ tự tánh sanh, chẳng từ bên ngoài vào, chớ lầm dụng ý nên gọi là chân tánh tự dụng. Một chân thì tất cả chân, tâm lượng rộng lớn không đi theo con đường nhỏ, miệng chớ trọn ngày nói không mà trong tâm chẳng tu hạnh này, giống như người phàm tự xưng là Quốc Vương trọn không thể được, không phải là đệ tử của ta…”
“Trong nhà có báu” ở đây là chỉ chân tâm bổn tánh, Phật tánh xưa nay của mỗi chúng ta mà ai ai cũng đã sẵn có với hằng sa diệu dụng và bình đẳng như Phật.
Thế nào là Vô tâm? Gần đây có người cho rằng Bát-Nhã chấp “Không”, cái gì cũng huyễn nên chẳng muốn làm gì cả. Người thế gian lại nói người tu về vô tâm sẽ trở thành gỗ đá sao? Trước hết, Bát-Nhã không chấp có, chẳng chấp không mà chỉ phá chấp trước. “Vô tâm” là đối cảnh mà không sanh tâm chấp trước phải quấy, yêu ghét… Vọng tưởng không còn thì chân tâm sẽ hiện tiền.
Người tu sẽ khôi phục lại tự tánh vốn đầy đủ Tam minh và Lục thông với hằng sa diệu dụng không thể nghĩ bàn thì sao lại gọi là “Không” được? Kinh dạy:“Bất trụ sắc sanh tâm, bất trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” chính là đây vậy!
Trên đường đến giảng đường nơi Phật ngự, ông có tìm một số hoa cúng dường. Biết được nhân duyên đã đến, Phật bảo: “Ông buông xuống đi!”. Phạm Thiên liền buông hoa bên tay trái xuống. Phật nói tiếp! “Ta bảo ông buông xuống đi!”. Phạm Thiên liền buông tiếp hoa tay phải.
Phật vẫn nói: “Ta bảo ông buông xuống hết đi!”. Phạm Thiên không hiểu gì cả vì mình đã buông hết hoa rồi tại sao Phật còn bảo buông? Ngay đó, Phật dạy: “Ta chẳng phải bảo ông buông hoa. Ta bảo ông phải buông xả hết. Ngoài là lục trần, trong lục căn, giữa là lục thức nhất thời phải xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ngay đó chính là chỗ giải thoát sinh tử của ông”. Phạm Thiên ngay đó liền đại triệt đại ngộ pháp vô sanh và lễ lạy dưới chân Phật.
Như vậy, qua đây cho chúng ta thấy “Buông” chính là buông ở trong tâm niệm. Không phải nói buông lục căn, lục trần là phải huỷ hoại căn, trần hay phải bịt tai bịt mắt... hết lại. Kinh Viên Giác cũng đã dạy: “Sắc tức là Không. Không phải sắc diệt hết mới là không hoặc phải làm cho nó thành không mới là không mà bản tánh của nó vốn không, cũng đồng với huyễn hoá.
Biết pháp huyễn hoá, tức lìa”. Sắc “có” chỉ là trên giả tướng, duyên hợp nhưng không có chủ thể. Nghĩa là phải quán như huyễn thì tâm sẽ không còn dính mắc, không kẹt vào hình tướng của sáu trần. Ngay tướng mà lìa tướng và lìa luôn cả cái “ý niệm lìa”. Ấy gọi là chân lìa, chân buông xả vậy! Cũng gọi là không trụ. Và cũng không lấy chỗ không trụ làm trụ thì mới thật sự viên mãn.
Ngược lại, không nên dùng sự hiểu biết các công án làm chỗ sở đắc và đem ra hý luận thì chẳng những ngã tướng dẹp không xong mà còn tăng thêm phần ngã mạn, tà kiến... lại trở thành nhân duyên chướng Đạo (Sở tri chướng). Phật pháp không có định pháp, tuỳ bệnh cho thuốc, hết bệnh phải bỏ thuốc. Vì vậy, khi thì các Ngài từ chân đế, khi từ tục đế, khi đứng trên thể, khi lại trên dụng…
Đều là phương tiện nói, không có cố định. Cốt chỉ để làm sao cho đệ tử hay người hữu duyên đối diện ngay lời nói hoặc hành động tức thời ấy mà nhận ra chỗ còn bị kẹt, còn chấp và giúp họ nhận được chân tâm tự tánh, pháp thân bất sanh bất diệt.
Như khi nhìn thấy người đi trên đường ngã bên trái, các Ngài liền giúp cho họ về bên phải và ngược lại nếu thấy họ ngã qua phải thì dìu họ sang bên trái để làm sao cho họ có thể tự trở về với sự thăng bằng, bình thường. Tâm bình thường ấy chính là Đạo.
Vì phàm phu thế gian thường có tâm phân biệt chấp trước: Hoặc có, hoặc không, hoặc đúng, hoặc sai. Đây gọi là biên kiến và cũng là nguyên nhân của vọng tưởng, luân hồi.
Vì vậy, Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ cũng đã dạy 36 pháp đối để tuỳ thời nói năng, phá chấp và không làm mất bản tông. Tổ dạy rằng, nếu có người hỏi Có dùng Không đáp, hỏi Sáng dùng Tối đáp, hỏi Niết-bàn dùng Sanh tử đáp và hỏi Phàm thì dùng Thánh đáp… (Ví dụ hỏi thế nào là Phật? Chúng ta nên trả lời: Lìa tâm chúng sanh tức Phật). Vì vậy, khi học công án, đừng nên kẹt trên văn tự, ngôn ngữ các Ngài.
Vì đó cũng chỉ như là tấm bảng hiệu, là ngón tay chỉ mặt trăng. Chúng ta phải nương theo đây để nhận thấy mặt trăng thật (Phật tánh) của mình. Lại nữa, có khi các Ngài nói: “Đói thì ăn, mệt thì ngủ” đó là dụng công, hay “ Tuỳ thời ăn cơm, mặc áo. Có việc gì phải làm nữa!”…
Thật trông chẳng khác gì người thường. Nhưng nếu chấp chặt vào lời này mà sanh tâm dãi đãi thì thật quá sai lầm. Xét về ngôn ngữ thì đồng, nhưng hạnh các Ngài thì khác xa với phàm phu một trời một vực. Phàm phu thì chưa đói đã lo ăn, khi ăn thì không chịu ăn vì đòi món này món nọ, chấp trước ngon dở… Lúc ngủ thì không chịu ngủ, nghĩ tới nghĩ lui, so đo tính toán đủ điều cho đến khi mê mệt mới chợp mắt?
Vì vậy, đây chỉ mới là giai đoạn đầu tạm gọi là ngộ. Một khi đã ngộ rồi thì chúng ta phải biết buông xuống để thật sự đi vào dụng công phu, không thấy lỗi người thường sửa lỗi mình, phải thiểu dục và tri túc, diệt trừ phiền não, tập khí, hoặc nghiệp thì mới mong có thể khôi phục lại tự tánh và khế nhập với cảnh giới ấy. Ai cũng biết mình có “Của báu” nhưng làm sao thọ dụng được thì mới là điều quan trọng.
Kinh Pháp Hoa cũng đã nói: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” là có bốn giai đoạn rất rõ ràng. Phật tri kiến ấy, chính là ngay trong mỗi chúng ta chứ không từ nơi nào khác. “Khai, thị” là chư Phật, chư Tổ đã vì chúng ta mà làm rồi. Nay đã “Ngộ” thì phải tiến đến “Nhập” thì mới viên mãn, “Của báu” ấy mới thọ dụng được. Còn nếu dừng lại ở “ngộ” thì chỉ như “Ăn bánh vẽ” mà Phật đã từng cảnh báo. Trọn không có lợi ích chân thật vậy!
Phải cố gắng! Cố gắng! Xét nét kỹ càng. Chỉ việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm, người được như thế, liền vào Niết-bàn, chứng vô sanh pháp nhẫn, cũng gọi là pháp môn bất nhị, cũng gọi là vô tránh, cũng gọi nhất hạnh tam muội. Vì cớ sao? Vì cứu cánh thanh tịnh, không ngã không nhân, chẳng khởi thương ghét, là hai tánh không, là không có chỗ thấy, tức là hoàn tất cái chân như vô đắc”…
Quý vị và các bạn quan tâm nên tìm đọc quyển luận này, suy ngẫm và tuỳ duyên tu tập sẽ có lợi ích. Chúng ta có thể tìm đọc luận này trong sách “Thiền Đốn Ngộ” của HT.Thích Thanh Từ, hoặc trong một số sách khác có trích dẫn. Xét về lượng, tuy chưa nhiều, khoảng 45 trang nhưng nội dung quyển luận là rất sâu và tập trung nhiều cốt lõi của thiền tông. Đây quả thật là một trong những pháp bảo quý báu trong thiền tông vậy!
Bên cạnh đó, như đã nói ở phần Bát-Nhã là khi tu thiền, chúng ta cần phải hết sức chú ý đến ngã tướng ở khía cạnh rất vi tế mà thường thì rất khó nhận ra, đó là pháp chấp. Thông thường, sau khi hiểu rõ ngũ dục, lục trần và các pháp thế gian đều là vô thường, khổ, vô ngã thì người tu có thể xa lìa và tìm đến chỗ yên tĩnh để tịnh tu.
Nhưng sau đó lại khởi tâm thích “cái bỏ” và mến cái chỗ thanh tịnh ấy thì xem như đã trở lại nuôi thêm gốc ái và đều rơi vào cái chỗ vi tế hơn của ngã và ái.
Hơn nữa, việc khởi tâm đắm chấp cái tịnh kia thì lại là trở thành chướng ngại. Vì bản chất của nó là: “Vốn tự thanh tịnh”, nếu chấp tịnh thì lại là trở thành tịnh vọng. Chấp giác cũng lại như thế, thành ra vọng giác. Tất cả đều là chướng ngại nên chưa có thể nhập được với tánh Đại Viên Giác Như Lai. Giác, tịnh là chỉ phương tiện lúc còn tu trong vòng đối đãi với mê, động.
Khi mê đã hết rồi thì cái tịnh và giác ấy không nên thiết lập nữa thì mới thật sự là chân tịnh, chân giác. Ngoài ra, cầu chứng cầu đắc, cầu cảm ứng, thần thông đều là pháp chấp, nên chưa hết năng sở. Chẳng những chưa dứt ngã tướng mà đây còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các ma sự.
Hoặc vi tế hơn nữa, như Kinh Viên Giác dạy, là khi có người đến tán thán pháp tu của mình thì liền sanh tâm vui mừng (tâm tham) và muốn tế độ họ. Ngược lại, nếu chê bai chỗ sở đắc của mình thì liền sanh tâm không thích (tâm sân).
Đây cũng là chỗ mà người tu đã rơi vào pháp chấp và ái pháp vi tế. Như vậy thì tâm ái lại thêm tăng trưởng. Hết ái ngũ dục và lục trần thì bây giờ lại qua ái pháp nên cái gốc của luân hồi vẫn chưa có thể dứt, vì Kinh dạy: “Ái là gốc của luân hồi”.
Tuy nhiên, sợ chúng ta lại bị kẹt, nên Lục Tổ đã từng từ bi nhắc nhở: “Chính pháp phải truyền trao, không được giấu kín” nhưng phải với hàng: “Đồng kiến, đồng hành” thì mới truyền trao hoặc luận bàn. Nếu không thì chỉ “Chắp tay khiến hoan hỷ” để không hại ta, hại người và “Không làm tổn hại tiền nhân kia, cứu kính vô ích”. Đây là điều rất vi tế, chỉ có trí tuệ mới có thể thấy biết rõ.
Được như vậy thì vẫn có thể tuỳ duyên tự lợi, lợi tha truyền pháp độ sinh trên tinh thần vô tướng và không bị rơi vào pháp chấp mà sinh ra hai tánh nghịch yêu, ghét.
Vì vậy, nếu không suy xét kỹ thì mặc dù công phu tuy đã rất cao nhưng vẫn chưa rời được ngưỡng cửa của “Ái” thì vẫn chưa thể hết ngã tướng rốt ráo. Nhẫn cho đến nếu sanh tâm chấp trước hữu vi vô vi, phàm thánh, sanh tử niết- bàn… Thì vẫn còn kẹt hai bên nên chưa thể khế nhập cảnh giới Đại Viên Giác Như Lai.
Trọn không thể thành tựu được các Thánh quả”. Và người tu như vậy thì: "Chỉ sinh về cõi thiện hữu vi cao hơn, đều là luân hồi nên không thành Thánh đạo”. Đạo lý này cùng với việc chỉ rõ cội gốc vô minh, bốn tướng vi tế, cũng như làm thế nào để dùng huyễn tu huyễn, lìa huyễn và lìa cái “ý niệm lìa” cùng một số bệnh trong thiền như: Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt đã được Đức Phật dạy rất cụ thể trong Kinh Viên Giác.
Vì vậy, ngoài Bát-Nhã Tâm Kinh, Kim Cang v.v… chúng ta cần phải nên thọ trì Kinh Viên Giác. Đây quả là con mắt tuệ sáng ngời mà Đức Thế Tôn đã khai mở cho tất cả chúng ta và chúng sinh đời sau nhằm phá sạch tận gốc rễ vô minh và không bị rơi vào tà kiến để yên tâm và thẳng tiến một đường vào biển Diệu trang nghiêm của mười phương Như Lai, viên mãn quả Bồ đề và Đại Niết bàn về Vô sở đắc.
Hành giả nên trụ tâm tại điểm môi trên và giữa hai lỗ mũi nơi hơi thở ra vào. Mắt nhắm tự nhiên, miệng khép và chỉ thở bằng mũi. Bắt đầu nhiếp tâm theo dõi và đếm hơi thở từ 1 đến 10. Sau đó, bắt đầu đếm lại theo những chu kỳ khác. Giữa chừng nếu quên, phải xả bỏ để đếm lại từ đầu và theo nhiều chu kỳ. Qua làn gió nhẹ nơi xúc chạm, hơi thở đang ra, ta biết rõ nó đang ra, đang vào biết rõ đang vào. Hơi thở ngắn biết ngắn, dài biết dài, hoặc ra ngắn vào dài, ra dài vào ngắn…
Đều biết rõ như thể một người gác cổng rất nghiêm túc vậy! Nên nhớ là không nên tác ý điều chỉnh hơi thở dài ngắn mà cứ để tự nhiên như thể nó đang là. Trong quá trình theo dõi và đếm hơi thở, nếu có tâm niệm lăng xăng nào khởi lên thì liền giác biết ngay để không còn chạy theo chúng. Nên quán rằng:“Đó không phải là việc lúc này” và liền nhiếp tâm trở lại theo dõi ngay hơi thở.
Sau này, nếu đã có phần định tâm rồi thì không cần phải đếm nữa mà chỉ cần theo dõi hơi thở. Cho đến khi thật vi tế thì có lúc sẽ cảm giác như không còn hơi thở.
Nhưng đừng lo vì thật ra nó vẫn hoạt động bên trong nhưng vì quá vi tế nên không thể nhận ra. Khi đã thành thục thì ngay trong cảnh động của sáu trần chúng ta vẫn có thể đạt được trạng thái tâm thanh tịnh. Đến lúc này, thân tâm sẽ vô cùng khinh an.
Pháp này có thể thực hiện không chỉ tư thế ngồi mà còn cả bốn oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi. Vì vậy, nếu chỉ nghĩ khi ngồi mới là thiền thì chưa thể viên mãn và không nên có ý niệm xả thiền sau khi ngồi mà vẫn phải tiếp tục giữ chánh niệm, tỉnh thức trong mọi oai nghi và tất cả thời thì mới có thể đạt đến hiệu quả thiết thực.
Cứ như thế mà hành trì đến một thời gian thì tâm quá khứ, vị lai sẽ hạn chế tối đa. Tâm sẽ trụ nơi chánh niệm vô cùng an lạc ở hiện tại. Nội tâm sẽ đi đến an định và tĩnh lặng. Tuy nhiên, hành giả đừng nên tự mãn và dừng lại chìm đắm miên man tại đây để thụ hưởng sự thanh tịnh và an lạc ấy mà phải tiếp tục dụng công để đi sâu vào những tầng định cao hơn thì trí tuệ chân thật mới có thể phát sinh.
Công phu sâu pháp này, hành giả có thể sẽ tiến đến cảnh giới đức Phật đã khai thị trong bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Tâm Minh dịch): “Các ông ngồi đạo tràng, tiêu diệt các vọng niệm, niệm đó nếu hết, thì tâm ly niệm sáng tỏ tất cả, động tĩnh không rời, nhớ quên như một.
Đương khi an trụ chỗ đó mà vào Tam-ma-đề thì như người tỏ mắt, ở chỗ rất tối tăm, tính biết được diệu tịnh, nhưng tâm chưa phát ra trí sáng suốt, thế thì gọi là phạm vi của Sắc ấm. Nếu con mắt sáng tỏ, mười phương mở rộng, không còn tối tăm nữa, thì gọi là hết sắc ấm. Người đó mới có thể vượt khỏi kiếp trược…”
Còn các loài kia đều được năm thứ thần thông trừ lậu tận thông, đương luyến tiếc cảnh trần lao, làm sao lại để cho ông phá hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỷ thần, Thiên ma vọng lượng yêu tinh, trong lúc ông tu pháp Tam Muội đều đến quấy phá ông”.
Ông như nước sôi, bọn kia như băng cứng, tạm gần hơi nóng thì không bao lâu sẽ tiêu tan, chúng nó luống ỷ nơi thần lực, nhưng chỉ làm người khách, nếu chúng có thể phá rối được là do người chủ ấm trong tâm ông, nếu người chủ mê lầm thì khách mời được dịp khuấy phá.
Đương lúc tu thiền, giác ngộ không lầm thì các ma sự kia không làm gì ông được. Khi năm ấm đã tiêu trừ vào tính sáng suốt thì bọn tà ma kia là kẻ tối tăm. Sáng phá được tối, đến gần tự phải tiêu mất, làm sao còn dám ở lại khuấy phá thiền định. Nếu chẳng tỏ ngộ bị ngũ ấm làm mê, thì ông A-Nan ắt phải làm con của ma và thành người ma…”.
Kinh Đại Tập cũng luận về tướng của ma nghiệp. Không riêng gì đối với hành giả tu thiền mà hành giả tu tịnh độ trong quá trình nhập thất cũng vô cùng cần thiết. Kinh này chúng ma rất căm ghét vì Phật đã nói ra hầu hết các bộ mặt thật và thủ đoạn của chúng. Kinh Pháp Diệt Tận, đức Phật đã huyền ký là đời mạt pháp các tà ma kia sẽ sôi nổi trong thế gian. Kinh điển sẽ dần dần diệt mất mà trước tiên sẽ là Kinh Thủ Lăng Nghiêm này. Là đệ tử Phật chân chính, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm phát tâm thọ trì, đọc tụng, ấn tống và hoằng dương bộ Kinh Phật vô cùng quý báu này.
2. Tịnh Độ tông (Pháp môn Niệm Phật): Pháp môn niệm Phật cơ bản thì gồm có: Quán tưởng, Quán tượng, Thật tướng và Trì danh niệm Phật. Ngày nay, do vì tâm chúng sanh thô nặng, nghiệp dày nên pháp quán tưởng, quán tượng và thật tướng rất khó thành tựu, lại dễ rơi vào tà ma. Do vậy, đa số tu Pháp môn Trì Danh Niệm Phật mà ở đây chính là chuyên trì niệm Danh hiệu Đức Phật A Di Đà cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Kinh A Di Đà cũng dạy, người niệm Phật được vô số Phật trong nhiều phương hộ niệm. Thật là một pháp môn không thể nghĩ bàn! Đối với người nghiệp nặng, tán tâm mỗi khi đối cảnh mà gặp điều bất an, sợ hãi hay những tập khí xấu, bất thiện phát khởi. Hoặc gặp người khinh chê, chửi mắng nhưng chưa đủ trí tuệ quán thật tướng thì liền nên nhiếp tâm thầm niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì những tâm niệm kia ắt sẽ tiêu tan. Nếu một niệm chí thành, tha thiết thì ngay trong niệm ấy sẽ được Tam Bảo gia trì. Song, muốn được như vậy mọi người phải biết bỏ ác làm lành và giữ giới thật tinh nghiêm thì bên cạnh chúng ta còn có Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm… Thì người con Phật còn gì phải lo sợ nữa? Tuy nhiên, mục đích duy nhất của việc niệm Phật là để cầu sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Ngày nay, có lẽ do vì chưa nắm chắc về pháp môn này nên có người còn cho là dễ dàng, chỉ dành cho kẻ hạ căn. Đây quả là những lời nhận xét chưa hoàn toàn chính xác. Trong Kinh A Di Đà (HT Thích Trí Tịnh dịch), Phật dạy rất rõ: “Không thể dùng chút ít thiện căn, phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi kia”. Hoặc là: “Niệm Phật hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, cho đến hoặc bảy ngày một lòng không tạp loạn, đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tinh thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà”. Và chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một đoạn trong Kinh Vô Lượng Thọ (HT.Thích Đức Niệm dịch) mà nhiều người thường hay đọc tụng sẽ thấy tiêu chuẩn để vãng sanh là rất cao. Phật dạy: “Thế nào gọi là hành thiện bậc nhất? Phải tự tịnh tâm, chánh thân, tai mắt mũi miệng đều phải đoan chánh, thân tâm thanh tịnh, cùng thiện tương ưng, đừng theo thị dục, không phạm điều ác, ngôn sắc hoà diệu, thân hành chuyên cần, hành vi cử chỉ bình tĩnh từ tốn, vội vàng hấp tấp không suy xét chín chắn sẽ hư hỏng hối hận về sau, uổng phí một đời”. Và tiếp theo Phật lại dạy: “Cõi nước Cực Lạc kia vi diệu an lạc thanh tịnh như vậy, há còn phương pháp nào hơn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tự nhiên thành tựu, xuất nhập cúng dường, quán Kinh tu đạo, pháp hỷ vẹn toàn, trí huệ sáng suốt, tâm không thối chuyển, ý không dãi đãi, ngoài hiện an nhàn, trong lại tinh tấn, dung cách trùm cả thái hư, đạt đến trung đạo, trong ngoài tương ưng, tự nhiên nghiêm chỉnh, hành động chánh trực, thân tâm khiết tịnh, không tham nhiễm ái, chí nguyện cương định, không tăng chẳng giảm, cầu đạo hoà chánh, không bị tà tâm khuynh đảo, tuân lời Phật dạy quyết không trái phạm, nếu đã quyết tâm thì phải kiên trì không nghĩ gì khác, không lo nghĩ ưu buồn, an nhiên vô vi, tâm rỗng như hư không, không lập một pháp, bình thản không tham dục, trọn thành thiện nguyện, dốc lòng cầu tiến, từ bi ai mẫn, lễ nghĩa gồm đủ, sự lý viên dung, đạt đến giải thoát, tự tánh bản nhiên hoàn toàn thanh tịnh, chí nguyện vô thượng, thân tâm tịch định an lạc. Hốt nhiên tâm khai đạt lý giác ngộ triệt để, thấy được thật tướng các pháp, bản thể vũ trụ, quang sắc xen nhau, tất cả chỉ là như như, biến chuyển vô cùng. Uất đơn việt thành thất bảo, nắm rõ vạn vật, sáng sạch hiển lộ tột đẹp vô cùng không gì sánh được, rõ ràng không trên dưới, thông suốt không ngằn mé. Vậy phải hết sức siêng năng tinh tấn, tu tập quyết chắc được vãng sanh về cõi vô lượng thanh tịnh Phật A Di Đà, chấm dứt năm thú, đóng kín ác đạo, đạt đạo không khó, vãng sanh há lại không được sao! Cõi kia không trái lẽ, thuận theo tự nhiên, bỏ tất cả như hư không, siêng năng niệm Phật cầu sanh quyết đến Cực Lạc, thọ mạng an lạc không cùng há lại tham đắm thế sự, toàn là vô thường sầu khổ cả?”...
Với pháp môn này, chánh niệm chính là trụ tâm nơi câu niệm Phật (trong tu chỉ thì trụ nơi hơi thở hoặc câu thoại đầu). Sau khi đã hàng phục tâm quá khứ và vị lai, nếu là hàng thượng căn, cũng có thể tiến đến chỗ cứu kính rốt ráo mà Kinh Kim Cang đã dạy: “Quá khứ tâm không thể được, hiện tại tâm không thể được, vị lai tâm không thể được”. Đại Sư Ngẫu Ích nói: “Nếu chứng được rốt ráo tam tâm thì sinh trong cõi Thường Tịch Quang”. Kinh cũng dạy: “Nếu ai chỉ niệm A Di Đà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền”. Ngoài ra, niệm Phật cũng là chân thật hành lục độ Ba-la-mật vậy!
Đối với hành giả xét thấy mình chưa được khả năng và căn cơ trực chỉ ấy thì hãy phát lòng Tin sâu, Nguyện thiết và cầu sanh về Cực Lạc theo ba bậc chín phẩm mà Quán Kinh đã dạy. Đại Sư Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không là do tín nguyện có hay không, phẩm vị thấp hay cao là do hành sâu hay cạn”. Vì vậy, chúng ta nên phát nguyện sâu rộng đến Thượng phẩm Thượng sanh, phát tâm Vô thượng Bồ-đề mà tinh tấn hành trì. Kinh Vô Lượng Thọ cũng dạy, vãng sanh về Cực Lạc thì liền đầy đủ Lục thông, chứng Bồ-tát bất thối chuyển, gặp Phật, nghe pháp và tiến tu một đời sẽ thành Phật. Đây là pháp khó tin:“Nan tín chi pháp”. Vì thế giới Tịnh Độ chư Phật là thế giới của hiện tiền, phi không gian, phi thời gian và rời tất cả tướng hý luận thế gian. Còn thế giới ngũ trược của chúng ta là thế giới của nhân duyên, chu kỳ… Vì vậy, thế gian rất khó tin. Nếu dùng tư tưởng sanh diệt kiến giải thì không thể được.
Vì vậy, nguyện vô cùng quan trọng. Nếu không phát nguyện thì sẽ không thể vãng sanh về Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Trong pháp môn này nếu xét về hạnh thì gồm có: Chánh Hạnh và Trợ Hạnh. Chánh hạnh là chỉ chuyên tâm niệm Phật không gián đoạn, không xen tạp, không hoài nghi. Trợ hạnh là phải đoạn mười ác, tám tà, tuỳ duyên hành thập thiện lợi ích chúng sinh và cũng là nhằm loại bỏ những tập khí xấu ác tiềm ẩn trong tâm.
Trong nhà Phật cũng có một số câu chuyện cận tử nghiệp và những tâm niệm cõi trần không buông xả hết được lúc lâm chung rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Kinh đã dẫn ra câu chuyện: Có một lần khi đi khất thực theo thứ lớp, Đức Phật dừng trước nhà một người. Gia chủ đã đi vắng, chú chó chồm ra sủa dữ dội. Đức Phật nhìn thẳng vào chú chó và nói: Thôi hãy nín đi! Và nó đã sợ sệt, buồn bã chạy vào nhà. Một lát sau, chủ nhà tên là Su-ka trở về thì nhìn thấy chú chó buồn rầu nên hỏi người giúp việc và được biết, lúc nãy có vị sa-môn Gotama đến khất thực trước cổng. Chó sủa và vị ấy đã nói điều gì đó. Su-ka tức giận đến tịnh xá Kỳ Viên gặp Phật vì nghĩ rằng Phật đã làm gì đó để cho chú chó phải buồn bã. Đức Phật quán thấy nhân duyên đã đến, liền bảo: Này thiện hữu! Ông đừng vội tức giận! Hãy trở về phòng ngủ đào đất nơi dưới giường lên sẽ thấy một hủ vàng mà cha ông đã cất giấu từ lâu không cho ai biết, thì chú chó sẽ hết buồn. Chú chó ấy, kiếp trước chính là cha ông đó! Khi lâm chung chính vì tâm niệm sợ không ai giữ của báu này mà ông ấy tái sinh về làm thân chó giữ của. Su-ka vô cùng kinh sợ nhưng cũng đã làm theo lời Phật và quả thật là như vậy! Sau này, Su-ka còn nói thêm, là từ khi chú chó này sinh vào nhà mình thì suốt ngày đêm chỉ nằm chỗ này. Người trai trẻ liền đến sám hối Đức Phật và phát tâm Quy Y Tam Bảo.
Cho đến trước khi ngủ cũng niệm Phật. Nếu trong nhà có bàn thờ Phật thì đến trước bàn thờ, trước hình tượng Đức Phật A Di Đà. Nếu chưa thì quay mặt về hướng Tây, hoặc sao cho thuận tiện và bắt đầu tịnh tâm niệm Phật. Niệm thành tiếng, niệm thầm đều được, nhưng phải liên tục trong mười niệm không để bất cứ vọng niệm nào khác xen tạp.
Bước đầu, nên đếm số từ 1 đến 10. Nửa chừng nếu có vọng niệm, phải đếm lại từ đầu và hành theo nhiều chu kỳ như thế đến khi thành thục thì không cần đếm nữa. Hành lâu ngày không thối lui thì cũng có thể đạt: “Không niệm mà tự niệm”. Tiếng niệm Phật một khi đã đầy trong A-lại-da (tàng thức) thì tự chúng sẽ trào ra một cách hồn nhiên, an lạc. Lúc đó, ta có cảm giác như trên không trung có tiếng niệm Phật.
Nếu giữ được như vậy, đặc biệt là ngay lúc lâm chung, phải buông hết tất cả niệm trần (người thân, của cải…) mà chỉ một lòng niệm Phật. Phải xác định trước rằng, dù có nghĩ về họ cũng không thể nào thay đổi được gì, mà chỉ một việc cần làm lúc này là nhớ Phật, niệm Phật và nguyện tha thiết được vãng sanh ắt sẽ được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc thành bậc Bồ-tát. Sau đó mới đầy đủ năng lực để hoá thân về lại cứu độ họ cùng vô lượng chúng sanh cũng từng là ông bà, cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp.
Tuy nhiên, trong trì danh niệm Phật, cao tột hơn hết vẫn là phương pháp: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của ngài Đại Thế Chí Bồ-tát trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Trong sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì ý căn là quan trọng nhất. Đối với hàng thượng căn, thì họ chỉ cần đi vào ý căn là đủ.
Đối với hàng hạ và trung căn, chúng ta phải biết phương tiện dùng một căn phù hợp mà đi vào thì năm căn còn lại lần lượt sẽ được nhiếp theo. Thông thường, sau ý căn thì nhãn căn và nhĩ căn là nhạy cảm hơn hết. Nhãn căn thì khi ngồi tĩnh toạ đã được khép lại rồi.
Vì vậy, chúng ta có thể dùng nhĩ căn để đi vào và nhiếp niệm các căn kia. Lúc đầu, hành giả ngồi tĩnh toạ, buông xả và bắt đầu niệm Phật thành tiếng, bốn hay sáu chữ đều được, chỉ còn duy nhất một câu Phật hiệu trong tâm. Khi chưa thuần thục, đôi khi có vọng niệm cũng không cần quan tâm đến vì biết đó là vọng, đừng theo thì đến lúc chúng sẽ tự lặn.
Sau một thời gian tinh tấn công phu, không niệm bằng miệng nữa, mà cố gắng lắng lòng nghe lại tiếng niệm Phật trong tâm. Đi, đứng, nằm, ngồi trong mọi oai nghi và tất cả thời đều trì niệm chỉ một câu Phật hiệu. Lúc đều đặn, lúc chậm, lúc nhanh tuỳ vào trạng thái của tâm là an lạc, căng thẳng hay hôn trầm.
Tổ Ấn Quang dạy, kể cả trong phòng vệ sinh, tắm rửa hay trong lúc nằm, ngủ, nghỉ… chớ nói là không được niệm Phật, nhưng những lúc như thế chỉ nên niệm thầm hoặc niệm trong tâm vì niệm thành tiếng sẽ bất kính. Hơn nữa, khi nằm mà niệm thành tiếng sẽ tổn khí, phí sức và dễ sanh bệnh.
Như vậy, nên nhớ lúc nào cũng phải trì niệm trong tâm đừng để gián đoạn. Nếu gián đoạn ắt khó thành. Như thể khi đun nước sôi vậy! Phải đầy đủ lửa cho đến khi nào nước sôi mới xong.
Nếu câu Phật hiệu trong tâm có lúc mờ nhạt đi thì hãy tự khởi niệm lại bằng miệng. Sau đó niệm bằng tâm, nghe lại tiếng Phật hiệu đó từng câu, từng câu rõ ràng, rành mạch. Cứ như thế mà hành trì không gián đoạn, không xen tạp đến một lúc sẽ đạt đến chỗ thành phiến gọi là: “Không niệm mà tự niệm”. Lúc này, câu niệm Phật cứ tự nhiên tuôn chảy trong tâm vô cùng an lạc.
Và cứ tiếp tục tinh tấn như thế, nhẫn cho đến nhất tâm cũng không mong cầu. Vì nếu còn mong cầu nhất tâm thì tâm mong cầu đó lại trở thành vọng niệm, xen tạp nên sẽ chướng ngại nhất tâm. Nếu còn niệm mong cầu nhất tâm thì nhất tâm sẽ khó đến. Nên hiểu rõ, một câu niệm Phật khởi lên từ chân tâm, ngay sau niệm đó tuyệt đối không để cho bất cứ một niệm nào khác xen tạp vào.
Lại nữa, không nên mong cầu cảm ứng, hay thấy cảnh giới này nọ. Vì do cầu mà thấy thì có thể cảnh giới không thật, dễ lạc vào đường tà.
Nếu không cầu mà tự thấy thì có thể là cảm ứng đạo giao không thể nghi bàn. Nhưng không nên tham đắm, chấp trước sau này sẽ dễ bị ma cảnh lợi dụng. Một khi mây mù mà tan hết thì mặt trời quang minh ắt sẽ hiển lộ soi khắp thế gian. Ví như lau gương, khi bụi hết, gương sẽ trong sáng. Sum la vạn tượng đều hiện rõ. Việc nhất tâm cũng lại như thế! Chỉ một câu niệm Phật niệm đến cùng. Một khi nhân duyên hội đủ, ngã nhân đều không, vọng niệm sạch hết, ắt sẽ khế nhập. Lúc đó không cầu nhất tâm, nhất tâm cũng sẽ đến.
Như thể trái cây vậy, khi còn xanh chúng ta muốn chín cũng không thể được. Khi đủ duyên rồi, dù không mong muốn trái vẫn tự chín. Chư Tổ dạy, nếu đạt nhất tâm thì cảnh giới cao tột. Hành giả có thể sanh về đến Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Tổ Ấn Quang có dạy: “Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý thật tướng sẽ hiển lộ toàn thể, diệu cảnh Tây Phương triệt để phô bày trọn vẹn, tức là trì danh mà chứng được thật tướng, chẳng quán tưởng mà thấy cùng tột cảnh Tây Phương”. Lâm chung được Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện tiền tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc, thoát khỏi luân hồi, chứng bất thối Bồ-tát, gặp Phật nghe pháp và tiến tu một đời thành Phật, viên mãn Bồ-đề về Vô sở đắc.
Vì vậy, ở giai đoạn đầu, vọng tưởng về nhiều chưa hẳn là điều xấu, mà cho thấy tâm chúng ta đã bắt đầu thanh tịnh. Do đó, đừng nên chán ngán và bỏ cuộc sẽ rất đáng tiếc! Nếu sanh tâm chống đối, trốn chạy thì sẽ càng nhiều. Cổ nhân dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Chúng ta không cần phải đuổi mà chỉ cần giác biết chúng là hư vọng, chẳng phải thật, không theo thì đến lúc chúng sẽ tự lặn mất.
Ví như cây to, nếu nghiêng về Tây, ngày kia khi đổ ắt sẽ ngã về Tây vậy!”. Nếu đầy đủ Tín Nguyện Hạnh và hành đúng pháp ắt sẽ thành tựu như tổ Vĩnh Minh và tổ Thiện Đạo đã từng nói: “Vạn người tu thì vạn người về”. Yên tâm một đời này có thể vượt thẳng Tam Giới, liễu thoát sinh tử, không một ai không có phần. Tổ thứ tám của Tịnh Độ tông - Ngài Liên Trì Đại Sư nói: “Người nào không có phần ư? Người không tin thì không có phần”…
Còn nữa...
Tác giả Quảng Huy
Trích từ cuốn Khuyên người học Phật
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo
Sách Phật giáo 07:16 23/11/2024Có cuốn sách nhỏ gọn, rất phù hợp để giới thiệu trong một sáng cuối tuần thế này - “Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo” của tác giả Vân Nguyễn (Nxb Phụ nữ Việt Nam).
Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật
Sách Phật giáo 16:32 20/11/2024Phật pháp là những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học vô cùng sâu sắc cho nhân thế.
Vì sao nên đọc "Logic học Phật giáo"?
Sách Phật giáo 16:23 16/11/2024Đại đức Thích Vạn Lợi, đại diện Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm - đơn vị liên kết NXB Dân trí ấn hành cuốn sách "Logic học Phật giáo" cho biết đây là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo.
Nhà sư Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche ra mắt sách "Độc hành"
Sách Phật giáo 21:01 14/11/2024Nhà sư và học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Độc hành" và triển lãm cùng tên với các bức ảnh ông chụp, sáng 14/11 tại Hà Nội.
Xem thêm