Chính sự đau khổ cùng cực này, khiến tác giả vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: “Tình trạng tuyệt vọng của hành tinh này đang dần dần đánh thức mọi người tỉnh dậy để thấy sự cấp thiết phải thay đổi trên một phạm vi rộng lớn có tính cách toàn cầu”.
Chiến tranh, khủng bố, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội chắc chắn đều bắt nguồn từ những tâm thức hỗn loạn trên?
Vậy điều mà Phật Giáo khẳng định là, bên trong của con người như thế nào thì thế giới bên ngoài sẽ giống như vậy.
Khi vua Lý Thái Tông lên núi Thiên Phúc thuộc huyện Tiên Du thăm Thiền Lão Thiền sư, nhà vua hỏi Thiền sư:
- Lão tăng hằng ngày làm gì ở đây?
Thiền sư đáp:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chơn
Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng soi mây bạc hiện toàn chơn
(Nguyễn Lang dịch)
Qua hai câu kệ trên ta có thể tạm hiểu rằng, khi nội tâm đã được chuyển hóa thì sự phân chia đối đãi bên trong cũng liền được chấm dứt. Vậy thì lấy đâu ra cái thường gọi là sự vật bên ngoài, như thiên nhiên chẳng hạn để ta nuôi giấc mộng chiếm hữu hay chinh phục?
Kinh Địa Tạng đã được trì tụng ở khắp các nước khu vực thuộc Bắc Tông từ bao nhiêu thế kỷ nay. Riêng ở Việt Nam cũng thế, danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, chẳng những được niệm vang lên vào buổi tối mà người dân quê Việt Nam thường gọi rất cung kính là thỉnh chuông U Minh tại các chùa, các Thiền viện u tịch mà danh hiệu cũng như đại nguyện vĩ đại của Ngài được đức Phật ca tụng trong Kinh Địa Tạng cũng được trì tụng liên tục tại những nơi có người chết, nghĩa là những nơi nào có đau khổ, thì nơi đó đều lập tức nghe danh hiệu của Ngài vậy.
Từ Kinh Địa Tạng, một bộ kinh được tụng cho người chết này, tôi liên tưởng đến một tác phẩm cũng nói về cái chết của một Thiền sư Tây Tạng, Thiền Sư Sogyal Rinpoche, tác phẩm có tên là Tạng thư sống chết, do cố ni trưởng Trí Hải dịch. Tác phẩm mà mỗi lần đọc tôi đều được nhắc nhở rằng tôi phải nhìn vào bên trong (nội quán) thay vì cứ nhìn ra ngoài như Thiền Sư Sogyal Rinpoche đã cảnh giác: “Chúng ta đã quá ghiền nhìn ra ngoài đến nỗi ta hầu như hoàn toàn mất liên lạc với bản thể sâu xa của chính ta”.
Nhân mùa Vu Lan xin được nhắc qua tác phẩm
Tạng thư sống chết như một nén hương để tưởng nhớ đến ni trưởng, một người mà tên tuổi hầu như đã gắn liền với sự phát triển văn hóa và tư tưởng của
Phật giáo Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua.
Mở đầu tác phẩm, tác giả nhớ lại cái chết của những người thân thiết, lúc tác giả khoảng chừng 7, 8 tuổi từ cái chết của Samten, một cái chết “không dễ dàng cho lắm” đến cái chết của Lạt Ma Tsenten “chết một cách phi phàm”, và Thiền Sư Sogyal Rinpoche cũng còn nhắc đến cái chết trong nghĩa bóng của chính mình nữa: “Thế là tôi đã khởi sự giáp mặt cái chết và những hàm ẩn của nó khi tuổi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng phải trải qua biết bao nhiêu là cái chết dồn dập, hết cái chết này đến cái chết khác. Cái chết mất nước Tây Tạng sau khi bị ngoại xâm chiếm đóng. Cái chết bị lưu đày. Cái chết mất mọi thứ mà gia đình tôi đã sở hữu”.
Rồi tác giả còn ghi lại những lời đầy cảm động tại một tu viện ở Nepal, Thiền sư Dilgo Khientse Rinpoche, vị Thiền sư mà theo tác giả “Tất cả chúng tôi đều ngước lên mà chiêm ngưỡng con người vĩ đại như núi Tuyết ấy, một bậc học giả, thi sĩ, và hành giả Mật Tông đã trải qua hơn 25 năm trong đời để nhập thất ẩn cư. Ngài dừng lại và đưa mắt nhìn xa xăm, rồi Ngài dạy rằng:
“Ta nay đã già 78 tuổi, đã trông thấy quá nhiều việc trong đời. Bao nhiêu người trẻ tuổi đã chết, bao nhiêu người già đã chết. Nhiều người ở trên cao đã tụt xuống thấp. Nhiều người ở dưới thấp đã vượt lên cao. Nhiều xứ sở đã biến đổi. Đã có bao nhiêu biến động đau thương. Bao nhiêu chiến tranh, tật dịch, bao nhiêu tàn phá trên khắp thế giới. Tuy thế tất cả những biến chuyển kia không thực gì hơn là một giấc mộng chiêm bao. Khi ta nhìn thật sâu xa, ta nhận ra rằng không có một cái gì trường cửu miên viễn, không có một cái gì, cả đến một sợi lông măng trên thân thể ta. Và đây không là một lý thuyết, mà là điều bạn có thể thực sự chứng nghiệm, thấy biết bằng chính mắt bạn”.
Có lẽ nhờ chứng kiến nhiều cái chết từ thuở ấu thơ, đến những lời giảng của các bậc Thầy về những cái chết ấy, nên thay vì sợ hãi, tác giả Tạng thư sống chết lại thấy rằng sự vô thường chóng qua của cuộc đời, tự nó cũng thơ mộng và đẹp làm sao: “Mỗi khi tôi nghe tiếng thác đổ, hay tiếng sóng vỗ vào bờ, hay tiếng tim tôi đập, tôi lại nghe tiếng của vô thường. Những thay đổi ấy, những cái chết nhỏ ấy là những móc nối sống động giữa ta với sự chết. Đó là mạch nhảy của Thần Chết, là nhịp tim của Thần Chết, nhắc ta buông mọi sự mà ta đang bám víu”.
Bởi vậy, tất cả những nỗ lực của Thiền, theo tác giả cũng không gì hơn là: “Khơi dậy trong bạn cái nhận thức Vạn Pháp điều huyễn hóa, như mộng, bạn hãy duy trì nhận thức ấy trong lòng sanh tử. Một bậc Thầy vĩ đại đã nói, "Sau khi thực tập Thiền định, người ta phải trở thành đứa con của huyễn hóa”.
Tác giả Tạng thư sống chết nói rằng, hồi còn ở Tây Tạng ông cứ thắc mắc tại sao khi có một người nào đó đến xin học Đạo thì các Thiền sư thường hỏi một câu “Bạn có tin đời sau không?”.
Sau này tác giả mới ý thức được rằng: “Nếu người ta tin có đời sau, thì toàn bộ nhân sinh quan của họ sẽ khác, họ sẽ ý thức rõ về trách nhiệm cá nhân và về đạo đức. Những gì các bậc Thầy phải hoài nghi là, với những người không tin đời sau, thì có nguy cơ là họ sẽ kiến tạo một xã hội chỉ nhắm đến đoản kỳ. Không cần suy nghĩ nhiều về hậu quả hành động. Phải chăng điều này có thể là lý do tại sao chúng ta đã tạo nên một thế giới tàn bạo như hiện nay, một thế giới ít có lòng bi mẫn thực sự?
Chính vì lý do đó mà Phật Giáo Tây Tạng đã có riêng một tác phẩm mà theo tác giả là “Để chỉ lộ trình những trạng thái sau khi chết, cốt để một bậc Thầy hay bạn đạo đọc cho một người sắp chết và sau khi chết”.
Tác phẩm này được một dịch giả người Mỹ là Evans-Went đã phỏng theo nhan đề một tác phẩm danh tiếng của Ai Cập có tên là Tử thư Ai Cập. Nhưng theo tác giả “Tên thật của quyển sách là Bardo Todrol Chenmo, có nghĩa là Sự giải thoát lớn do nghe trong cõi trung gian chứ không phải là Tử thư Tây Tạng như mọi người vốn gọi như vậy.
Dù đó là tác phẩm riêng của Phật Giáo Tây Tạng nhưng nó vẫn phù hợp với giáo lý nguyên thủy của Phật Giáo vì theo tác giả “Thông điệp chính của Giáo lý Phật vẫn là, nếu ta có chuẩn bị thì có hy vọng tràn trề ở trong đời sống cũng như vào lúc chết. Giáo lý ấy cho ta thấy cái khả tính về một sự giải thoát vô giới hạn, mà ta phải đạt đến ngay bây giờ trong đời này, sự giải thoát làm cho chúng ta có thể chọn lựa cái chết của mình và bởi thế, chọn lựa sự sinh ra của mình. Đối với một người có chuẩn bị và thực tập, thì cái chết đến với họ không phải như một chiến bại mà là một chiến thắng, cái giờ phút vinh quang nhất của cuộc đời”.
Có lẽ chính vì được nuôi dưỡng trong một bối cảnh văn hóa như vậy, một nền văn hóa đã dạy con người chẳng những đừng tránh né cái chết mà còn xem cái chết như một chiến thắng, một giờ phút vinh quang nhất của cuộc đời như vậy, nên ta chẳng có gì ngạc nhiên khi tác giả lần đầu tiên đến Tây Phương vào đầu những năm 70, tác giả nhận thấy “bất cứ ở đâu tôi đến tại Tây Phương, tôi đều kinh ngạc trước nỗi đau khổ tinh thần lớn lao do sự sợ chết phát sinh, dù họ có chấp nhận nỗi sợ ấy hay không?”.
Nhưng nguy hiểm hơn nữa là, theo tác giả xã hội ấy cung cấp cho con người quá nhiều phương tiện để con người cứ ảo tưởng rằng họ có thể tránh né được cái chết, “Nhịp điệu đời sống chúng ta rộn ràng tới nỗi ta không có thời giờ để nghĩ đến cái chết. Ta ém nhẹm những sự sợ hãi thầm kín của ta về vô thường bằng cách bao vây quanh mình thêm nhiều đồ đạc, của cải, tiện nghi, chỉ để tự thấy mình biến thành nô lệ cho chúng”.
Nhìn cái xã hội cố ém nhẹm về cái chết ấy, tác giả đau lòng tự than thở trong nỗi cô đơn của chính mình: “Thế giới này có vẻ chắc ăn một cách kỳ tuyệt cho đến lúc Thần Chết giật sập ảo tưởng và đuổi ra khỏi chỗ ẩn nấp. Vậy cái gì sẽ xảy đến cho ta nếu ta không có một cái mốc của thực tại sâu xa hơn, để mà bám víu?”.
Tất nhiên ai trên đời này mà chẳng khao khát được hạnh phúc, nhưng tác giả Tạng thư sống chết đã nói rất đúng rằng: “Chúng ta muốn có hạnh phúc, nhưng chính cái cách ta đeo đuổi hạnh phúc lại quá vụng về đến nỗi nó chỉ đem lại nhiều phiền muộn mà thôi”.
Nhưng chính sự đau khổ cùng cực này, khiến tác giả vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: “Tình trạng tuyệt vọng của hành tinh này đang dần dần đánh thức mọi người tỉnh dậy để thấy sự cấp thiết phải thay đổi trên một phạm vi rộng lớn có tính cách toàn cầu”.
Cho nên theo tác giả một xã hội văn minh đúng nghĩa không chỉ có chạy đua chế tạo võ khí hay đưa người lên Mặt Trăng mà thôi, trong khi lại để đồng loại của mình dưới Mặt Đất chết trong cô đơn và đau khổ. Bởi vậy tác giả tin rằng đã đến lúc con người phải xét lại nền văn minh của chính mình, “Phải chăng một trong những quyền chính của bất cứ xã hội văn minh nào, là để mỗi người trong đó có quyền được chết trong sự săn sóc phần tâm linh một cách toàn hảo nhất. Có phải chúng ta chỉ thực sự văn minh khi điều này trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận? Có nghĩa gì các nền kỹ thuật đưa người lên Cung Trăng, khi mà không biết cách nào giúp đồng loại của mình chết có tư cách và hy vọng?”
Chính vì lý do đó tác giả hy vọng rồi cuối cùng con người cũng nhận ra rằng, sự săn sóc tâm linh cho con người cũng thiết yếu như các quyền dân sự khác:
“Một lý tưởng dân chủ thực sự phải bao gồm sự săn sóc tâm linh có thể thừa nhận đối với mọi người, kể như một trong những quyền thực sự thiết yếu nhất”.
Cố ni trưởng Trí Hải còn có một dịch phẩm nổi tiếng nữa, ký tên là Phùng Khánh và người em ruột là Phùng Thăng được Nhà xuất bản Lá Bối phát hành giữa những năm cuối thập niên 1960, vừa phát hành thì lập tức đã trở thành tác phẩm “gối đầu giường” của nhiều thanh niên trí thức tại các thành phố miền Nam trước 1975, đó là tác phẩm Siddhartha (Câu chuyện dòng sông) của văn hào Đức Hermann Hesse, người đã đoạt giải Nobel Văn chương năm 1946. Điều đó chứng tỏ rằng cố ni trưởng không chỉ là một dịch giả tài hoa mà còn có một tâm hồn nhạy bén với cái nhìn tinh tế mới thấy được những khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ thời đại.
Sở dĩ tác phẩm Câu chuyện dòng sông chinh phục được trái tim của giới trẻ nhiều như vậy là vì theo tôi, họ đã tìm thấy hình bóng đích thực của chính họ qua nhân vật chính Siddhartha (Tất Đạt), một con người luôn luôn khát khao vượt lên khỏi mọi giới hạn tầm thường của cuộc đời để đi tìm hương sắc của cuộc đời trong chính nội tâm của mình.
Xin trích lại sau đây một đoạn tiêu biểu về cuộc đối thoại giữa Tất Đạt, nhân vật chính, mà cũng là một Sa Môn vừa từ núi xuống với một thương gia luôn luôn tự mãn về sự giàu có của mình. Tôi nghĩ rằng nội dung cuộc đối thoại này sẽ cần thiết cho giới trẻ Việt Nam hiện nay hơn là giữa những năm cuối thập niên 60 ấy, vì chưa bao giờ những giá trị vật chất lại được đề cao như lúc này:
“Tôi được nghe Ngài là một Bà La Môn học thức, nhưng muốn đi tìm việc với một thương gia. Vậy thì Ngài túng thiếu lắm sao, nên đi tìm kiếm việc làm?
Tất Đạt trả lời:
- Không, tôi không thiếu, và chẳng bao giờ thiếu gì. Tôi đến từ những vị Sa Môn mà tôi đã chung sống từ lâu.
- Nếu Ngài ở trong đoàn Sa Môn, làm sao Ngài lại không thiếu thốn? Các vị Sa Môn há không phải hoàn toàn vô sản sao?
- Tôi không có gì cả, Tất Đạt nói, hiểu theo ý ông. Dĩ nhiên là tôi vô sản, nhưng do tôi tự nguyện, vì thế tôi không thiếu thốn.
- Nhưng làm sao Ngài sống nếu không có tài sản?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, thưa ông. Tôi không có gì cả đã gần ba năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về việc phải sống bằng cách nào.
- Nghĩa là Ngài sống trên tài sản của kẻ khác?
- Bề ngoài thì như thế. Người thương gia cũng sống trên tư hữu của kẻ khác.
- Cũng đúng, nhưng người thương gia không lấy không. Họ cho lại hàng hóa của họ để trao đổi.
- Điều đó thành như một định luật. Mọi người đều có cho, có nhận. Cuộc đời là như vậy mà.
- Ồ, nhưng nếu Ngài không có gì, thì làm sao mà cho?
- Mỗi người cho cái mà mình có. Người lính cho sức mạnh, người thương gia cho hàng hóa, người thầy cho kiến thức, người làm ruộng cho lúa gạo, người chài lưới cho cá.
- Phải lắm, nhưng Ngài có thể cho gì? Ngài đã học được gì để cho?
- Tôi có thể suy tư, chờ đợi và nhịn đói.
- Chỉ có thế?
- Tôi nghĩ chỉ có thế.
- Nhưng những thứ ấy dùng để làm gì? Ví dụ như nhịn ăn để làm gì?
- Nó có giá trị lớn lắm, thưa ông. Khi một người không có gì để ăn, nhịn đói là điều khôn ngoan nhất. Chẳng hạn nếu tôi không học cách nhịn, thì tôi phải tìm việc làm hôm nay, hoặc với ông, hoặc nơi nào khác, vì cơn đói hướng dẫn tôi. Nhưng bây giờ tôi có thể chờ đợi một cách bình thản. Tôi không vội vàng, không thiếu thốn, tôi có thể nhịn rất lâu và xem thường sự đói. Vì thế nhịn đói là hữu ích, thưa ông.
– Thưa Sa Môn, Ngài dạy rất phải”.
Vậy cho nên chúng ta phải bình thản mà chờ đợi mọi sự, kể cả cái chết. Như một Thiền sư ở thời Lý của quê hương chẳng hạn. Thiền sư đã chờ đợi cái chết một cách thơ mộng nhưchờ đợi mùa Thu đến thì con chim nhạn cũng tự nhiên mà bay về vậy:
Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian đổng phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ, tác kim sư.
(Thị tịch cáo đại chúng)
Đại ý Thiền sư nói rằng, mùa Thu đến không báo mà bầy chim nhạn cũng vẫn bay về. Ta cười nhạt cho người thế gian cứ phát sinh buồn thương nhớ tiếc. Nay ta bảo các người đừng thương tiếc gì nữa. Vì chẳng phải trước đây ta đã từng làm Thiền sư, thì bây giờ ta cũng đang làm Thầy giảng dạy cho các người đó sao?
Vậy là Thiền sư Từ Đạo Hạnh của thời Lý cũng như biết bao nhiêu bậc thánh tăng khác đã đến rồi ra đi trên mặt đất này, đã nhìn thấy suốt dòng sanh tử như nhìn vào lòng bàn tay mà Thiền sư Sogyal Rinpoche của Phật giáo Tây Tạng đã nói trong Tạng thư sống chết vậy.
Mùa Vu Lan PL.2548
Hoà thượng Thích Phước An