Kính lạy Đức Bồ tát lắng nghe
Lắng đọng cõi lòng để tưởng niệm về Ngài trong ý niệm cung kính, thiết tha. Hạnh nguyện của Bồ-tát đã vì chúng con (những chúng sinh u mê) mà ở lại cõi Ta-bà hóa độ.
Hình ảnh cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ tát
Vậy mà chúng con cứ mãi như một viên sỏi vô tri - lăn lóc bên lề đường, mặt tình cho mưa gió, cát bụi cứ mãi vùi dập và đưa đẩy về những phương trời vô vọng.
Con muốn được là hoa, để tô điểm cho cuộc đời, để nở rộ sắc hương, dù biết rằng ngày mai nó sẽ héo úa và rơi rụng. Một lần được hi sinh, được cống hiến và học theo đức hạnh của Đức Bồ-tát Lắng Nghe, còn hơn cả đời cứ mãi thờ ơ, buồn khổ, hẹp hòi và sống với những tháng ngày ích kỷ như một viên sỏi vô tri bên lề đường.
Phải chăng, con đã khép lại cánh cửa của tâm hồn, con sợ hãi, hốt hoảng, lo lắng về mọi chuyện buồn vui giữa cuộc đời. Con sợ mất mọi thứ: tiền tài, danh lợi, vật chất… trong khi Bồ-tát đã chỉ dạy tất cả chỉ là mật ngọt trên lưỡi dao.
Biết là thế, nhưng sao con cứ mãi tìm kiếm, ném thử… để rồi bị lưỡi dao chém vào lưỡi đau đớn. Con xin thành tâm cúi lễ, sám hối với Ngài, bằng tấm lòng thiết tha nhất!
Kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm
Ý nghĩa cành Dương liễu và Tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát
Ngước nhìn Ngài, nét đẹp từ hòa, nụ cười khả ái… Ngài đã dạy cho chúng con phải biết nhẫn nhục, chịu đựng, và chấp nhận đau thương trong muôn trùng sanh diệt.
Quán niệm về Ngài, câu thánh hiệu thiêng liêng, với vô vàn tôn kính… và nhớ là Ngài đã dạy cho chúng con phải biết trở về với tỉnh thức, chân tâm, và quên đi mọi sầu khổ giữa thế trần, bởi tất cả chỉ là huyễn mộng!
Đảnh lễ Ngài, đấng từ bi vô lượng, bậc thầy lắng nghe… Ngài đã dạy cho chúng con phải biết yêu thương, san sẻ tình người, và nở một nụ cười bao dung, tha thứ.
Gần bên Ngài, bậc Bồ-tát vĩ đại của nhân-thiên… Ngài đã dạy cho chúng con cần phải vươn mình đứng dậy từ những vấp ngã, học từ thất bại, và chẳng ngại khó khăn để tiến bước.
Kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm
Sau những khi con say mê trong ngũ dục của thế gian (tài-sắc-danh-thực-thùy)… con lại quên đi hình ảnh cao quý của Ngài. Bởi vì, chúng con quá hèn yếu, bạc nhược để cho những ham thích đời thường kéo lôi.
Chúng con như một người đi trong sa mạc rộng lớn đã bỏ cuộc trong chuyến hành trình vì đói khát, mặc tình cho cát gió phủ lấp toàn thân. Và chúng con không đủ nghị lực để đi tiếp khi gần phía trước là một dòng suối mát, đầy đủ hoa tươi và trái ngọt.
Những lúc đứng trước Ngài, tâm thành cung kính chắp hai tay, để dâng lên những nguyện cầu tha thiết, những tâm sự đời thường hay những lời than thở đau thương…, dù con có nói bao nhiêu đi nữa, Ngài cũng chỉ im lặng, nở một nụ cười khả ái, bất diệt, rưới cho con những giọt nước cam lồ tươi nhuận bằng chính công hạnh "lắng nghe, cứu khổ" của mình. Khi ấy Ngài đã thuyết cho con bài pháp - phải tự nghiệm lại mình: “Tại sao con lại cứ mãi khổ đau, thù oán, trách móc sự đời mà không nở một nụ cười trong im lặng để quên đi mọi thứ, quán sát nhân quả để chấp nhận và tiến bước.
Con lắng nghe và cảm nhận chỉ khi có khổ đau mới nhận diện được đầy đủ giá trị của hạnh phúc, có thất bại mới thấy thành công là điều đáng quý, có sanh-già-bệnh-chết của kiếp người thì mới chợt tỉnh cơn mê giữ trốn hồng trần mà quay về bến giác…
Sự hóa hiện của đức Quán Thế Âm Bồ Tát để ban vui, cứu khổ
Kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm
Có lúc con muốn đêm sẽ dài hơn ngày để dừng lại sự tất bật, bon chen, hơn thua từng miếng ăn, lời nói, trong bộn bề lợi danh.
Có lúc con muốn ngày sẽ dài hơn đêm để không phải lặng nhìn những số phận đau thương nằm ngủ giữa lề đường trong cơn đói rét.
Có lúc con muốn ngày sẽ bằng đêm để con được có thêm thời gian mà truyền tải thông điệp yêu thương, giá trị tình người cho những mảnh đời bất hạnh, những con người còn lắm tham-sân-si.
Nhưng, quy luật tuần hoàn tạo hóa, mãi là như thế và không bao giờ thay đổi, khi chính con một ngày nào đó cũng phải tự an ủi mình trong những cơn đau nhói tim khi bệnh tật, phải mắt mờ tai điếc lúc tuổi già với chuỗi thời gian ngồi lặng thinh bên một góc nhà lạnh lẽo. Và đến lúc sẽ có một giấc ngủ dài để từ giã cuộc đời này mà ra đi mãi mãi.
Ý nghĩa danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát
Vậy, con phải làm gì khi có thể, cho cuộc đời này? Câu hỏi để con thức tỉnh và biết mình sẽ làm gì, khi thời gian và tuổi trẻ trôi qua thật mau. Rằng, con hiểu là con không nên mơ ước hảo huyền, không sống với quá khứ dù là êm dịu hay đau thương, cũng không mộng tưởng, lao chen về phía tương lai xa tít mù. Con nguyện sẽ an trú ngay đây, trong hiện tại mầu nhiệm và thiêng liêng - hiện tại chứa đựng chất liệu của giải thoát, an vui mà con đã từng bỏ quên, từng loanh quanh đi hết kiếp này tới kiếp khác để bây giờ vẫn còn lẩn quẩn tử-sanh, chưa biết về chốn nào...
Xin cúi lạy trước tôn dung Ngài, sám hối và nguyện như thế. Nam mô Bồ-tát Quán Thế Âm...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm