Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 20/04/2013, 09:46 AM

Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963: Cần tổ chức trọng thể, quy mô, xứng tầm lịch sử

Quan điểm truyền thông cho Phật giáo Việt Nam, khẳng định diện mạo Phật giáo Việt Nam hiện đại cũng là một quan điểm cần được chú ý trong hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn.

Bài viết này hướng đến mục tiêu xác định những quan điểm căn bản làm cơ sở cho việc triển khai, tổ chức kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963.

Trước hết, cần đề cập đến quan điểm nêu cao tinh thần hộ pháp. Phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo của Phật giáo miền Nam Việt Nam trong Pháp nạn lịch sử năm 1963 là sự kiện hộ pháp hùng tráng, oanh liệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, lịch sử Phật giáo thế giới nói chung.

Nó cho thấy sức mạnh mãnh liệt của tinh thần đấu tranh bất bạo động của Phật giáo. Nó cũng có ý nghĩa khẳng định sự trường tồn của đạo pháp, vượt qua mọi sóng gió, cam go, nguy nan, thử thách. Nó cũng còn có ý nghĩa khẳng định chính nghĩa ngời sáng của Phật giáo Việt Nam trước những mưu ma chước quỷ tiêu diệt Phật giáo của tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vì vậy, quan điểm nêu cao tinh thần hộ pháp trong hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 phải là quan điểm được xác định trước tiên.

                                    Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức

Pháp nạn lịch sử năm 1963 là sự kiện thể hiện cao độ và điển hình tinh thần từ bi, trí tuệ, hùng lực của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, quan điểm hoằng pháp với nội dung tinh thần  bi trí dũng của Phật giáo Việt Nam cần là một trong những quan điểm nền tảng của hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963. Tinh thần của đợt kỷ niệm long trọng này là tinh thần bi trí dũng, kết tinh trong sự kiện lịch sử 50 năm trước đó. 

Quan điểm gắn kết Phật giáo với dân tộc, thiết tưởng, cũng là một quan điểm căn bản của hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963. Thời điểm Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam cũng là thời điểm đen tối trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính sách kỳ thị, đàn áp, ngược đãi Phật giáo của chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm là một chính sách phản dân, hại nước, đi ngược lại với quyền lợi của Tổ quốc. Trong khi đó, thời điểm khốn khó, nguy nan của Phật giáo miền Nam Việt Nam cũng là thời điểm đen tối của lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự kiện pháp nạn năm 1963 thể hiện sự gắn kết mật thiết vận mệnh giữa Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, kỷ niệm Pháp nạn lịch sử năm 1963 cũng phải trên tinh thần của sự gắn kết đó.

Kế thừa truyền thống luôn là quan điểm căn bản của dịp kỷ niệm lịch sử trọng đại. Kế thừa truyền thống là một mục tiêu của hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử năm 1963, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy việc xúc tiến hoạt động kỷ niệm nói trên. Ở đây, xin nhấn mạnh đến khía cạnh kế thừa truyền thống là động lực thúc đẩy hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn, và do đó, là quan điểm nền tảng của hoạt động kỷ niệm này.

Từ quan điểm kế thừa truyền thống lịch sử, Phật giáo Việt Nam đương nhiên sẽ đi đến quan điểm khai thác các giá trị lịch sử phục vụ cho việc xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam hiện đại. Quá khứ luôn là vấn đề thời sự nếu quá khứ luôn được ý thức một cách trọn vẹn. Lịch sử không bao giờ là câu chuyện trôi qua và mất hút khi những người kế tục biết khai thác những giá trị bất hủ của nó.

Kỷ niệm Pháp nạn lịch sử năm 1963 với tinh thần như thế, Phật giáo Việt Nam chúng ta rõ ràng đã không làm việc “tìm cầu quá khứ” mà đang tích cực quan tâm giải quyết các vấn đề hiện tại. Đó là các vấn đề vai trò, vị trị “kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (“kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam” là chữ dùng trong thông tư hướng dẫn về việc “Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì Pháp thiêu thân (1963-2013)), thúc đẩy tinh thần vì đạo pháp của Tăng Ni Phật tử Phật giáo Việt Nam, nâng cao ý thức đoàn kết Phật giáo Việt Nam, tăng cường nỗ lực xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam. Những vấn đề như thế là những vấn đề có tính chất thời đại, hết sức cấp thiết.

Nội dung phân tích ở trên cho thấy đoàn kết Phật giáo Việt Nam cần là một quan điểm quan trọng trong hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963. 50 năm trước, vào những ngày tháng bi thương của Pháp nạn, Tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam đã đạt đến đỉnh điểm của sự đoàn kết, kề vai sát cánh đồng sức, đồng lòng đấu tranh vì sự trường tồn của đạo pháp, không ngại gian khổ hy sinh.

Nay, kỷ niệm sự kiện lịch sử thần thánh đó chính là việc làm khơi gợi tinh thần đoàn kết tuyệt đối của Phật giáo Việt Nam. Các tổ chức, hệ phái, tông môn Phật giáo Việt Nam đã vượt qua mọi sự khác biệt, thống nhất trong cuộc đấu tranh chung bảo vệ Phật giáo, cùng gánh chịu nỗi đau thương, khổ ải của những ngày tháng Pháp nạn. Nay, nếu Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 50 năm Pháp nạn bằng chính tinh thần đoàn kết Phật giáo, thì hiệu quả của nó sẽ hết sức có lợi cho mục tiêu đoàn kết Phật giáo. Trong tinh thần kỷ niệm Pháp nạn chung đối với Phật giáo Việt Nam, tăng ni Phật tử Việt Nam sẽ có dịp nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, vượt qua mọi khác biệt, phân hóa, chia rẽ. Đây thực sự là một cơ hội mà truyền thống lịch sử mang đến cho Phật giáo Việt Nam.

Quan điểm về tình yêu đạo pháp cũng là điều cần được nhấn mạnh. Thời điểm Pháp nạn 50 năm trước là thời điểm tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam bộc lộ tình cảm không bờ bến của mình đối với Phật giáo Việt Nam qua hành động dấn thân bảo vệ đạo pháp. Trong hoàn cảnh khốc liệt Pháp nạn, đã nảy sinh nhiều tấm gương hy sinh sáng ngời tình yêu đạo pháp. Vì vậy, hiện nay, Phật giáo Việt Nam nên lấy chính tình yêu đạo pháp làm nền tảng tinh thần cho hoạt động kỷ niệm Pháp nạn, từ đó, mang lại những giá trị thiêng liêng cho hoạt động kỷ niệm Pháp nạn, khơi gợi, nung nấu ở tăng ni Phật tử tình cảm nồng nàn, sâu sắc đối với Phật giáo Việt Nam.

Chấn hưng Phật giáo cũng cần là một quan điểm động lực cho việc tổ chức hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963. Bởi cuộc đấu tranh của Phật giáo trong Pháp nạn lịch sử 1963 và kết quả của cuộc đấu tranh giải trừ Pháp nạn là những sự kiện gắn liền với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam, bắt đầu khoảng 40 năm trước Pháp nạn 1963. Nhờ có công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam mới có đủ thực lực để chịu đựng, đương đầu, vượt qua và giải trừ Pháp nạn. Kết quả giải trừ Pháp nạn lịch sử năm 1963 là một biểu hiện hết sức cụ thể và sống động của kết quả chấn hưng Phật giáo Việt Nam.Vì vậy, kỷ niệm Pháp nạn lịch sử năm 1963 không thể tách rời với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, một công cuộc cần tiến hành liên tục, thường xuyên, hướng đến một Phật giáo Việt Nam hưng thịnh, phát triển vững mạnh.

Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 là một cơ hội để khẳng định tinh thần chấn hưng Phật giáo, tiếp tục cuộc vận động chấn hưng Phật giáo không ngừng nghỉ. Đó cũng là một cơ hội để khẳng định một Phật giáo Việt Nam hiện tại đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong bối cảnh chính trị xã hội thuận lợi.

Quan điểm truyền thông cho Phật giáo Việt Nam, khẳng định diện mạo Phật giáo Việt Nam hiện đại cũng là một quan điểm cần được chú ý trong hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn. Việc tổ chức lễ kỷ niệm cần được cân nhắc, tính toán trên quan điểm sao cho, qua đó, mọi người, trong nước và trên thế giới, có thể thấy được tầm vóc Phật giáo Việt Nam ở cái mốc thời gian nửa thế kỷ sau Pháp nạn lịch sử năm 1963. 

Cũng cần chú ý đến quan điểm vì chư vị tôn tức tăng ni và Phật tử là chứng nhân lịch sử của Pháp nạn lịch sử năm 1963 hiện nay đã rất cao tuổi. Một trong những vị lãnh đạo Phật giáo thời kỳ pháp nạn 1963 còn hiện tiền nay đã gần 100 tuổi. Các vị tăng ni Phật tử thời kỳ Pháp nạn khi đó là những người trẻ tuổi đến nay đã ở lứa tuổi trên dưới “Thất thập cổ lai hy”.

Vì vậy, đây có thể là dịp tổ chức long trọng cuối cùng theo đơn vị tròn một chục năm đối với rất nhiều vị. Nghĩ đến điều này, Phật giáo Việt Nam cần xác định trách nhiệm phải tổ chức một dịp kỷ niệm 50 năm trọng thể, quy mô xứng tầm.

Minh Thạnh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ninh "quản lý hòm công đức" và một góc nhìn!

Ý kiến – Diễn đàn 13:37 09/11/2018

Vậy thì, trước khi ban hành Công văn số 489/UB-VX1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được chủ sở hữu tài sản “ủy quyền” định đoạt hoặc ủy quyền được tham gia định đoạt tài sản chưa? Đã có trong tay quy định nào từ văn bản luật làm căn cứ pháp lý ban hành chưa? Nếu “chưa” thì rõ ràng là không ổn rồi!

Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công

Ý kiến – Diễn đàn 15:30 07/11/2018

Pháp Luân Công, một tổ chức ngụy trang Phật giáo, đã bóp méo giáo lý của Phật giáo. Cộng đồng Phật giáo phản đối việc đăng ký của Pháp Luân Công cũng là để làm sáng tỏ và bảo vệ Phật giáo chính thống thì lại bị buộc tội không coi trọng nhân quyền. Ai là kẻ vi phạm nhân quyền, phá hoại tôn giáo khác và ai mới là người bảo vệ tôn giáo chính thống?

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Ý kiến – Diễn đàn 15:10 11/10/2018

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.

Nhà Phật có cấm đánh ghen không?

Ý kiến – Diễn đàn 05:15 09/10/2018

“Tinh tinh”... tiếng chuông tin nhắn vang lên. “Nhà Phật có cấm đánh ghen không mày?”, đọc tin cô bạn thân gửi mà tôi vừa thấy buồn cười lại vừa lo lắng. Tôi vội nhấc điện thoại hẹn gặp bạn ngay để hỏi thăm tình hình, phòng trường hợp bạn “giận quá mất khôn”.

Xem thêm