Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 10/05/2017, 13:53 PM

Ký sự Huế rộn ràng trong mùa Phật đản

Thành phố Huế, đất “thần kinh”, trung tâm của Phật giáo miền Trung đang rộn ràng trong mùa Phật Đản. Có mặt tại Huế trong những ngày tháng Tư (Âm lịch), chúng tôi mới cảm nhận được không khí náo nức không chỉ của mỗi tăng ni, phật tử, mà dường như của mỗi người dân thành phố.

Bắt đầu từ đầu tháng, nhất là bước vào tuần lễ Phật đản (bắt đầu từ 18 giờ tối 8/4 đến hết Rằm tháng 4), khắp thành phố được trang hoàng đẹp đẽ, từ các tuyến phố chính cờ Phật giáo, băng rôn, đèn lồng được treo lên, nhiều nhà dân cũng tự trang trí cửa nhà mình bằng cờ, đèn lồng, nhiều gia đình thậm chí còn trang trí lễ đài, với tôn trí tượng Phật Đản sinh.

Đoạn sông Hương từ trước bến Phu Văn Lâu đến cầu Phú Xuân dựng 7 đóa sen khổng lồ bồng bềnh trên sóng nước. Được biết, dự án “Bày đóa sen vàng nâng gót tịnh” này do một nhóm tăng ni trẻ của thành phố thực hiện nhiều năm nay, với 7 đóa sen khổng lồ, mỗi cánh sen cao 2m, rộng 1,8m, nặng 270kg, mỗi đóa sen khổng lồ cách nhau khoảng 20m... Trong mỗi đóa sen được lắp một máy phát điện 3kw, để mỗi đóa sen sẽ rực sáng về đêm. Đoạn sông Hương chảy qua thành phố vốn yên bình này, trong những ngày này càng lung linh huyền ảo, thiêng liêng, ấm áp hơn. Trên cầu Tràng Tiền treo hoa sen, trên cầu Phú Xuân treo cờ Phật giáo, đường Lê Lợi, cũng như nhiều tuyến phố chính tràn ngập cờ, và băng rôn.

Trưa 9/5 (14/04/Đinh Dậu), tại chùa Ba La Mật, chúng tôi chứng kiến không khí rộn ràng chuẩn bi cho Đại lễ Phật đản tổ chức vào buổi tối, và khi vừa bước ra cổng chùa, lúc đó là khoảng 10 giờ trưa, một số phật tử nhìn lên trời vào cùng reo lên thích thú khi thấy bầu trời có quầng sáng tròn, như cầu vồng quang mặt trời. Một số người quả quyết, trong vòng tròn sáng đó họ đã “nhìn thấy Phật”, một số khác thì bảo thấy “7 đóa sen”... Giữa trưa nắng gắt, một số người đeo kính mời nhìn kỹ được, còn lại thì phải “nheo mắt”, có phải vậy không nên mỗi người có một nhận định khác nhau? Và, quầng sáng quanh mặt trời lúc giữa trưa ấy, theo giải thích khoa học chỉ là hiện tương khúc xạ, hay tán xạ của vật lý, tuy rất là hiếm có.
Ảnh phapluatplus.vn
Tuy vậy, hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp này, lại xảy ra vào mười bốn ngày rằm, ngày mà hàng triệu người con Phật đang hân hoan chào đón thời khắc đấng Từ Phụ Thích Ca ra đời, làm ai cũng xúc động trào dâng. Bởi lẽ, chúng sinh nói chung cũng như con người vì vô minh, mê muội nên trầm luân. Đức Phật giáng sinh nên thế gian có đường đi, và không còn tăm tối mịt mờ nữa, như vầng mặt trời kia như được khúc xạ to hơn. Điều nữa là, hiện tượng trên chỉ xuất hiện bầu trời ở Huế và mấy huyện phụ cận - mảnh đất từng là kinh đô của Đàng Trong của các chúa Nguyễn, cũng như triều đình nhà Nguyễn của nước Việt Nam trước kia - khi ấy đạo Phật được quan tâm và rất là hưng thịnh - trong một tư duy khá cởi mở về tư tưởng.

Phát quà từ thiện, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài Thánh Tử Vì Đạo... Một trong những trọng tâm trong chuỗi các sự kiện Phật Đản do BTS GHPGVN tỉnh tổ chức là vào tối 14/4/Đinh Dậu, đoàn xe hoa 32 chiếc rước Phật cầu “quốc thái dân an, thế giới hòa bình, đạo pháp trường tồn, chúng sinh an lạc” từ chùa Diệu Đế đến Tổ đình Từ Đàm. Tăng ni, phật tử tập trung làm lễ ở chùa Diệu Đế (100 Bạch Đằng), khi xong nghi thức “tắm Phật”, đoàn xe 32 chiếc được trang hoàng lộng lẫy nhất của các đơn vị cúng giảng đã bắt đầu chuyển bánh dần đi qua đường Trần Hưng Đạo, qua cầu Tràng Tiền... đi về chùa Từ Đàm, trụ sở GHPGVN tỉnh sẽ diễn ra đại lễ Phật Đản chính thức của Phật giáo tỉnh vào hôm sau.

Chúng tôi cùng đi chầm chậm cùng đoàn xe, 32 xe, mỗi xe đẹp một vẻ, đây là sự cố gắng của mỗi “nghệ nhân” đã đầu tư tạo tác để cho xe rước Phật của đơn vị mình là đẹp nhất để dâng lệ cúng giàng chư Phật. Lất phất mưa, và khi đoàn xe chuyển bánh thì trời mưa to hơn. Đúng là “mưa Huế”- dai dẳng, nhưng đoàn người vẫn không “bỏ cuộc”, đưa rước tượng đức Phật Đản sinh đến chùa Từ Đàm. Tưởng mưa thì đưa rước vất vả, nhưng chính mưa thì mỗi người con Phật như chính mình cũng được gội nhuần, như là trời đã tắm ông Phật pháp thân của mình vậy.

Chùa Diệu Đế, bên cạnh là chùa Phú Xuân, chùa Bảo Quốc..., những ngôi chùa cổ nhất xứ Huế - được lập lên cùng với việc chọn nơi đây làm kinh đô của các chúa Nguyễn, cũng như nhà Nguyễn sau đó. Thế mới biết đạo Phật luôn đồng hành với dân tộc: Việc mở nước về phương Nam, người Việt ở đâu đạo Phật có mặt ở đó - người ta tìm thấy bình an nơi mảnh đất mình ở bằng cách bình an trong tâm hồn - đạo Phật làm được điều đó. Có mặt tại chùa Diệu Đế từ sớm, chúng tôi chứng kiến tấm lòng thành của người dân Huế, như người con với đấng Cha lành khi người Đản sinh về cõi nhân gian.

Huế, có cái sự thâm trầm, cái sự kiêu hãnh của một vùng dân cư có một chiều sâu văn hóa cung đình coi trọng nghi lễ, mọi cái phải ngăn nắp chu đáo từ những việc nhỏ nhất. Tôi thấy được điều này, khi Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó ban TT BTS GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Thiên Minh, khi ngài quang lâm đến nhưng không đến thẳng nơi đón tiếp nhà khách, mà ngài nán lại hồi lâu với những “nghệ nhân” ở ngoài đường còn đang chuẩn bị những xe hoa. Ngài quan sát, và ngài mỉm cười với tất cả. Mắt ngài cũng cười, nụ cười ẩn trong cặp kính trắng. Mọi công việc chỉnh chu, hài lòng... ngài thong dong bước, bước chân chậm rãi, như đếm nhẹ trên nền của cõi vô thường. 

Thấy Ngài, thấy những Chư tôn thạc đức hàng Giáo phẩm đang chèo lái con thuyền Bát Chánh nơi đây, mới thấy cơ đồ của Phật giáo nơi đất thần kinh này còn đang hưng vượng lắm.

Hà Quang Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm