Lê Thần Tông, Phật giáo Đàng ngoài, An Đông Nội Đạo Tràng và Tam Tứ phủ
Những phức hợp của Phật giáo Bắc bộ hiện nay không đến từ quan niệm do từ ngoài truyền vào nên phải hòa quyện với tín ngưỡng bản địa ngay từ đầu mà mọi chỉ dấu đều hướng về triều đại của Lê Thần Tông (1607 – 1662).
Giai đoạn này, Phật giáo trên đà phục hưng do dòng Lâm Tế Chuyết Công truyền vào tiếp sức, có Nội Đạo Tràng An Đông nổi danh Thượng Sư pháp thuật cao cường, có cả Tín ngưỡng Mẫu vùng Thiên Bản, Tín ngưỡng mẫu vùng Thanh Hoa bị Nội Đạo ra tay tiễu phạt, sự manh nha của Thiên Chúa giáo truyền vào đã mấy mươi năm thậm chí cả tín ngưỡng của các dân tộc Mường, Thái… qua các sắc dân lẻn vào cung phủ qua các cung nhân…
Tất cả các biến động chính trị, xã hội và văn hóa đó đã tạo nên cho tôn giáo tín ngưỡng dần thành thế chân vạc Phật giáo, Nội Đạo và Tam Tứ phủ. Các nhánh tín ngưỡng kia cũng thờ Phật nhưng vẫn khác biệt về hành sự, thế chân vạc này còn kéo dài đến tận cuối đời Nguyễn.
1. Lê Thần Tông, Phật giáo
Chỉ riêng bộ tượng truyền thần của Vua và cung Phi tại chùa Mật Thanh Hóa đã cho thấy sức phức tạp của xã hội đương thời, một vì vua áo mão ngự tòa sen với xung quanh là bà Hậu đeo tràng hạt đội mũ Bảo Quan, một bà Thái, một bà Mường, một bà Tây… tất cả những gì Đạo giáo, Phật giáo, Tây, Ta, Mường Mán như hội tụ về cả gia đình nhà vua. Đến ngay tên hiệu Thần Tông cũng cho thấy sự khác người của vua, nó là một sự ghi nhận về cuộc đời đậm chất huyền hoặc, xu hướng tinh thần tôn giáo mạnh mẽ mà ngoài ông ra chỉ có duy nhất Lý Thần Tông (1116 – 1138) vị vua nửa thánh nửa vua và cả 2 đều mọc lông…Cọp phải nhờ pháp sư chữa lành?
Lê Thần Tông lên ngôi khi cơ bản nhà Mạc đã được dẹp yên, nhà nước Đàng ngoài dưới tay của hai Chúa Trịnh nổi danh bậc nhất là Trịnh Tùng (1550 – 1623) và Trịnh Tráng (1577-1657), cả hai đều là ông ngoại và cậu ruột của Vua.
Chúa Trịnh bấy giờ giao tranh ác liệt với chúa Nguyễn nhưng vẫn tranh thủ giao thương với phương tây để tạo thế mạnh, Vua Thần Tông thậm chí còn lấy cả con gái của viên Phó toàn quyền Fomosa khi đó là người Hà Lan. Các công trình chùa chiền lớn của thời này còn lại đến hiện nay chứng tỏ đây là thời kỳ kinh tế phát triển.
Nhưng đời sống tinh thần thì lại không phản ánh như vậy, nó rất bất ổn!
Câu chuyện đáng kể ra khi đó là chuyện bất an khiến chúa Trịnh phải thỉnh cầu Đại Sư Chuyết Chuyết Viên Văn (1590 -1644, đời 34 tông Lâm Tế) lập đàn Thủy Lục trong 21 ngày để cầu an và cầu siêu, cũng chính nhờ sự thành công này mà PG lại được hưng thịnh với sự truyền bá của dòng Lâm Tế.
Ủng hộ chính cho Phái Phật giáo này là Mợ của Vua – Bà chúa Mụa Trần Thị Ngọc Am (1580- 1647, vợ chúa Trịnh Tráng), Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595-1660, vợ vua và là hành giả kiệt xuất của phái này), Thái Uý Trịnh Khải.
Nhưng bất ổn về tinh thần này đến từ đâu? đó chính là sự thiệt mạng của các cuộc chiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn, những cuộc tàn sát đảo chính thời Trịnh Tùng, tất cả tang thương này như bầu u ám lên cả nhân dân và quý tộc đương thời nên ở đó pháp cầu siêu như một phương tiện khiến Vua Chúa phát tín tâm ủng hộ Phật giáo.
Chuyết Công Hòa Thượng sau đó được ban tặng Đông Đô Thủy Tổ, Phật giáo đàng ngoài phát triển đến độ sau này Lê Hy Tông (1663-1718) đã ra lệnh hạn chế nhưng sau đó lại được nhị tổ Tông Diễn (chùa Hòe Nhai) hóa giải.
Qua ghi chép về đám tang vua lê của các học giả nước ngoài thì chất Phật giáo rất đậm như việc bố thí thức ăn cho chư tăng trong đám ma hay việc linh cữu vua từ Hoàng cung ra bến đò sông Hồng về Lăng cả đoạn đường dùng lụa tím để che, lụa này sau khi có tân quân phải đem hết cho sư may áo thì thấy Phật giáo rất có chỗ đứng thời đó chứ không hẳn bị hạn chế hay phải nương nhờ tín ngưỡng bản địa. Phật giáo đã trở lại trên nền một xã hội nhiều trăm năm dùng làm quốc giáo và thu phục ở tầm quốc gia với các nghĩ quỹ đàn tràng của riêng họ, ở mức độ hoàng gia là các bà chúa phát tâm tu hành thực sự chứ không phải là dạng tín chủ xây chùa hay bỏ tiền mua hậu…
2. Tín ngưỡng Mẫu Phủ Nấp, Phủ Dày
Hệ phái này khi đó còn chưa hợp nhất với phái Sùng Sơn Thanh Hóa, người bảo trợ phái này là chính là một cô thôn nữ vùng đó, cũng chính là Mợ của vua Thần Tông, Bà Chúa Thông Khê Trần Thị Ngọc Đài (1577, vợ chính phi của Trịnh Tráng). Bà Thông Khê này rất tín ngưỡng Mẫu phủ dày và tin rằng bà được phú quý chính là do mẫu, bà chính là người sáng tác nên lễ Hoa Côn dùng cuốc xẻng xếp chữ để tạ mẫu.
Nhìn chung phái này khi đó chưa rõ ràng và không nặng về đạo thuật vì vị mẫu này hành trạng chủ yếu xây chùa, đắp đê, giúp dân, tu Phật… Bà Mẫu ở đây là dạng phúc thần, hậu Phật được thờ ở nhiều chùa địa phương do công đức tu tạo lúc còn sống. Sự phân tách ra tương đối với phe Thanh Hoa chỉ nhằm cho thấy sự ly hợp biến đổi diện mạo sau trận Sùng Sơn.
Khái niệm mẫu của phái này thực ra không phải Tam Tòa Thánh Mẫu mà là Tam Tòa Quốc Mẫu hay Quốc Chúa hoặc Vân Hương tam thánh Mẫu gồm toàn nhân thần.
Bà Chúa Ngọc Đài lấy đến ba đời chồng mà vẫn là chính cung và cả bà Chúa Kim Cương Hoàng Hậu Ngọc Trúc lấy đến 2 chồng vẫn làm hậu cho thấy thời đại này khá cởi mở trong khái niệm về Mẫu Nghi và Quốc Mẫu.
3. Nội Đạo Tràng ở An Đông
Ba chữ “Nội Đạo Tràng” chính là thủ bút của Thần Tông viết biển tặng cho phái này, một dòng phù thủy chuyên trừ tà chữa bệnh do Trần Lộc đứng đầu. Địa phương phát tích là An Đông nên còn gọi nội đạo An Đông. Hiện nay vẫn còn cơ sở thờ tự của dòng tại Mẫu Xương, Quảng Xương Thanh Hóa. Thời đỉnh cao phái này rải rộng khắp xứ Thang Mộc Thanh Nghệ và tràn ra cả miền bắc, được ghi chép trong lịch sử và cả sách Tang Thương Ngẫu Lục, đến đầu thế kỷ XX vẫn còn hàng vạn tín đồ tập chung ở giảng Võ để hành pháp.
Truyện cổ Phật giáo: Vua A Xà Thế sám hối
Phe phái chính trị bảo trợ cho phái này là cả Vua Lê và Chúa Trịnh, ở cấp độ cá nhân thì đạo sĩ phái này chữa bệnh mọc lông cọp cho Thần Tông và cứu sống con của chúa Trịnh đã chết cả 2 ngày…
Ở cấp độ nhà nước thì Trần Ngọc Lành (Trần Lộc, Trần Toàn) quê Thanh Hóa đất thang mộc của bản triều, lại nổi danh Phù Lê chống Mạc không ra làm quan về nhà làm phép chữa bệnh hộ quốc, giúp triều đình làm công tác tư tưởng vùng biên địa với Đàng Trong.
Được biệt đãi đến mức Nội Đạo qua truyện dân gian và ghi chép thì có một đội tín đồ đông đảo và dường như “bán vũ trang” như một thứ quân đội không chính quy bản bộ của họ có thể kéo đi đánh dẹp các phái bất đồng.
Ông Trần Ngọc Lành có 3 con trai là Tả quân thánh, Tiền Quân Thánh, Hữu Quân Thánh tựa như chia làm 3 đạo quân (mặc dù họ có lẽ nói là quân âm) nhưng nó có vẻ của kết cấu của các tôn giáo ở trung quốc gần đó như Minh giáo, Bạch Liên giáo nơi mà tôn giáo tín ngưỡng hòa trộn, tín đồ và quân lính vũ trang hòa trộn, nơi lãnh tụ tôn giáo và lãnh tụ chính trị cũng hòa trộn…
Tuy là nội đạo nhưng phái này vẫn thờ đức Dược Sư làm thầy của pháp sư Trần Ngọc Lành, nó cho thấy tầm ảnh hưởng của Phật giáo sau hàng trăm năm làm quốc giáo Đại Việt, dù sau này không được chính quyền nhà lê biệt đãi như trước nhưng các tín ngưỡng về sau vẫn lấy làm chỗ dựa. Chuyện ông Trần Ngọc Lành xưng học được phép từ Phật cũng cho thấy phái này có ảnh hưởng bên trong của đạo giáo qua motip truyện đời Hán ông Trương Đạo Lăng thiên sư nhận mình đã gặp Lão Tử và được truyền dạy. Nhà Lê Trịnh về sau cũng hạn chế đạo giáo, đạo sĩ vô tình hay hữu ý đã giúp phái này có thêm một khoảng trống quần chúng nhân dân để phát triển. Tuy nhiên qua thực tế về các đạo quán bị cải sang chùa chứ không biến thành phủ hay đền nội đạo cho thấy tin ngưỡng Phật giáo vẫn chiếm ưu thế. Nếu nói có tín ngưỡng mang màu sắc bản địa nào ảnh hưởng và được ghi nhận ở tầm quốc gia trong thời Lê Trung Hưng thì đó phải là Nội Đạo An Đông.
4. Tín Ngưỡng Mẫu Sòng
Cũng tại Thanh Hoa, xuất hiện muộn hơn phái Nội Đạo là phái của Chúa Liễu Hạnh ở sòng sơn, cũng là một phái theo hướng đạo giáo phù thủy, khi đó phái này không hề có nhân vật chính trị nào bảo trợ. Thực tế khi đó chuyện 3 lần giáng sinh của Chúa Liễu chưa xuất hiện, hình thái này là Mẫu Tam Phủ của người dân tộc ở vùng đó (chỉ sau này mới phát triển lên Tứ Phủ).
Phái này ban đầu cũng phát triển mạnh nên gây ra sự chú ý đối với Nội Đạo và Triều đình vì đất thanh nghệ có vai trò an ninh quốc phòng rất lớn với Đàng Ngoài khi đó. Câu chuyện Hoàng tử con vua bị trêu ghẹo khiến triều đình phải phái Tam Thánh Nội Đạo vào sòng sơn đánh dẹp cho thấy có ai đó đã tấu lên triều đình về sự uy hiếp của phái này với tiền đồ của nhà Vua.
Dù sau này chuyện được viết thành chúa Liễu ngang tài ngang sức với Tam thánh và chỉ thua vì sơ ý nhưng thực tế là phái này đã thua khi đó. Sự thất bại này không hẳn ở sự lôi kéo quần chúng mà nằm ở sự thiếu vắng chính danh. Cũng chính sau thất bại này họ đã chuyển hóa thành một phái khác như hiện nay. Để tiến nhập sâu vào trung thổ họ đã gắn kết với Tín ngưỡng mẫu Phủ dày thông qua chuyện 3 lần sinh hóa của chúa Liễu, mặc dù chuyện thì có rồi nhưng vẫn còn đó hai hình ảnh, một vị nữ ở Thiên bản phúc hậu nết na như hình ảnh phụ nữ đồng bằng bắc bộ, còn một vị tại Thanh Hoa thì mang nhiều tính chất của nhiên thần ban phúc giáng họa khó lường.
Phái ở phủ Nấp, Dày đã gắn kết với Phật giáo từ trc đó do tín ngưỡng của Mẫu phủ dày lúc còn sống nên mới có chuyện bà được thờ ở chùa, hàng năm lên chùa thỉnh kinh… Chi tiết được Quan Âm cứu và cho áo cà sa tu hành của mẫu sau sùng sơn đại chiến chính là sự được cứu bởi 1 tín ngưỡng đồng dạng giới nữ và liên quan đến Phật giáo này.
Học hỏi kinh nghiêm phát triển của Nội Đạo, phái Mẫu cũng dùng hình ảnh Phật cho họ, bên nội đạo dùng Phật Dược Sư như sự gần gũi về công việc chữa bệnh, trừ tà thì phái Mẫu lại chọn đức Quan Âm như một vị gần gũi với Thánh Mẫu của họ. Quan Âm thậm chí được tạo hình rất lớn ở trên tranh thờ Tứ Phủ, Tam Phủ Hàng Trống, theo quan niệm chính phụ khi vẽ tranh thần thánh thì Ngài được vẽ nhất và ngồi trên cùng, Ngài cũng được tôn là Đô Đàn giáo chủ trong các khoa cúng của bên Mẫu.
Từ việc Nội Đạo vững như bàn thạch trong mắt nhà Lê Trịnh vì việc người lập phái là cựu thần không theo nhà Mạc quyết bỏ về quê, thì tín ngưỡng Mẫu cũng tạo nên sự chính danh với triều đình bằng cách quy nạp một loạt nhân vật Phù Lê, Lê Triều Thái Tổ Trung Hưng… dù chả rõ nhân vật nào trong sử sách nhưng vẫn xì xào kháo nhau ông này là Vua Lê ông kia là tướng Vua Lê,… hệ thống nhân thần tham gia vào tín ngưỡng khiến nó hình thành thêm một phủ thành Tứ Phủ khác với tín ngưỡng Tam phủ của người miền ngược trước đó. Các nhân vật từ thời Hai Bà Trưng cũng được gắn kết cho thêm phần bề dày lịch sử.
Qua hệ thống tượng pháp (các tượng hoàng đội khăn xếp…) các bản văn chầu đầy những yếu tố hiện đại đủ các loại như: Tam Thiên Đại Thiên, Sắc Giới, Vô Sắc, Đế Thích, Ga kép, Bến nghé, Thủ Thiêm… tìn tín ngưỡng này được hoàn thiện về bộ thuộc đình thần vào cuối đời Nguyễn, Pháp thuộc, sự kém ảnh hưởng của tín ngưỡng này trong đời sống nam trung bộ cũng cho thấy những dân di cư khai khẩn đàng trong ko có nhiều ý niệm về loại hình này vì đơn giản nó ko phát triển hoặc chưa xuất hiện ở thời điểm đó.
Và tín ngưỡng này không phải là nhân tố để các tôn giáo khi truyền vào miền Bắc phải vay mượn vì đơn giản nó còn chưa hoàn thiện trong cấu trúc thờ tự cũng như chưa có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thậm tất cả Đạo giáo hay Phật giáo còn được tín ngưỡng này vay mượn về.
Một minh chứng khác đó là Thiên Chúa giáo truyền thẳng vào Nam Định từ năm 1533 (thậm chí còn sớm hơn sự xuất hiện của mẫu) các đợt tiếp theo và đời Nguyễn, Pháp thuộc khi tín ngưỡng Mẫu đã phát triển mà họ cũng chẳng cần vay mượn gì từ đó, chỉ đến gần đây sau 400- 500 năm họ mới cho dân được phép thờ cúng gia tiên.
Kết luận
Những tín ngưỡng nội sinh trong lòng Việt Nam chủ yếu được hình thành muộn ở thời hậu Lê khi mà Phật và Đạo bị nhà nước hạn chế tạo nên khoảng trống tinh thần trong dân chúng và các tín ngưỡng này đều có xu hướng “Quy Phật” để tạo chính danh và thu hút quần chúng, điều này khác với một số nhận thức về việc Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian để thu hút tín đồ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Việt Nam qua tư liệu của người phương Tây: Tang lễ của vua Lê, Samuel Baron “Description du Tonquin” (Mô tả xứ Bắc Kỳ) in năm 1685.
– Mối quan hệ giữa mẫu Liễu Hạnh và Nội Đạo tràng (TS. Đỗ Lan Phương).
– Nội đạo tràng của Tiến sĩ Bùi Quang Thanh đăng trên tạp chí Nghiên cứu tôn giáo.
– Hành trình truyền bá tông Lâm Tế của Chuyết Chuyết ra Đàng Ngoài, NNC Nguyễn Đại Đồng.
– Khái quát về lịch sử truyền giáo và phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam Btgcp.gov.vn.
Tác giả: Vô Uý Đà La
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm