Loài rồng trong kinh Hoa Nghiêm
Theo Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký của Tổ Hiền Thủ thì loài rồng có mối liên hệ khá mật thiết với kinh Hoa Nghiêm. Bản Hoa Nghiêm chúng ta đang có đây thuộc về Hạ bản và Lược bản trong 6 bản Hằng bản, Đại bản, Thượng bản, Trung bản, Hạ bản và Lược bản.
>>Những giáo lý Phật giáo đáng suy ngẫm
Xuất xứ kinh Hoa Nghiêm
Theo Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký của Tổ Hiền Thủ thì loài rồng có mối liên hệ khá mật thiết với kinh Hoa Nghiêm. Bản Hoa Nghiêm chúng ta đang có đây thuộc về Hạ bản và Lược bản trong 6 bản Hằng bản, Đại bản, Thượng bản, Trung bản, Hạ bản và Lược bản.
Hằng bản không thể kết tập, không thể giới hạn số kệ tụng nhiều hay ít. Không phải là chỗ mà các hạng vị dưới có thể thọ trì. Tất cả vạn pháp trong pháp giới như cây cối, hình tượng… đều có thể là nơi chuyển pháp luân như luận đã nói: “Nơi mỗi đầu lông, niệm niệm thường thuyết pháp không dứt”.
Đại bản là chỗ thọ trì của các đại Bồ-tát có lực Đà-la-ni, không thể ghi chép trên bối diệp. Bối diệp, là lá cây bối đa. Ngày xưa kinh được ghi trên lá bối đa. Kinh này không thể theo lệ thường đó.
Thượng bản là bản thượng trong văn kiết tập.
Tương truyền rằng: Bồ-tát Long Thọ gặp được hai người con của Long vương. Họ đã dẫn Long Thọ xuống Long cung theo lời yêu cầu của Long phụ với một sự trao đổi: Loài rồng sẽ giúp đỡ việc xây dựng chùa chiền và tạo tinh dầu trầm cho bức tượng của nữ Bồ-tát Tara, bù lại Long Thọ dạy pháp cho loài rồng. Long Thọ đã xuống Long cung, tiến hành nhiều lễ cúng dường và giảng pháp tại đó.
Tại Long cung, Bồ-tát Long Thọ đã bắt gặp kinh Bất Tư Nghì Giải Thoát, có ba bản. Bản thượng có số kệ nhiều như bụi trong Thập tam thiên đại thiên thế giới, có số phẩm nhiều như bụi trong Tứ thiên hạ. Trung bản thì có 498.800 bài kệ và 1200 phẩm. Hai bản này vẫn còn cất giữ tại Long cung, vì hai bản này, lực của người Diêm phù đề không thể thọ trì, nên không lưu truyền ở cõi này.
Hạ bản có 100.000 bài tụng và 38 phẩm. Đây là bản mà Bồ-tát Long Thọ mang về lưu truyền ở Tây Thiên Trúc. Chính là kinh Bách Thiên với 100.000 bài tụng. Tây vực tương truyền trong núi nước Vu Điền và Nam-già-câu-bàn đều có bản này. Bồ-tát Long Thọ mang Hạ bản về, tạo ra luận Đại Bất Tư Nghì cũng có 100.000 bài tụng để giải thích kinh này.
Lược bản là bản 60 quyển được lưu truyền ở đời. Vào thời ngài Hiền Thủ, trên tháp Đại Từ Ân, phát hiện bản Hoa Nghiêm bằng tiếng Phạn có ba bộ. Đối chiếu sơ với bản Hán lúc đó thì thấy rất nhiều chỗ tương đồng, số tụng cũng tương tợ.
Thời Đông Tấn có sa môn Chi Pháp Lĩnh ở nước Vu Điền cùng với Bồ-tát người Bắc Thiên Trúc là thiền sư Phật Đà Bạt-đà-la (Con cháu của vua Cam Lộ Phạn, từng đến cung trời Đâu-suất theo Di Lặc vấn nghi) lập riêng pháp đường Hộ Tịnh tại chùa Tạ Tư Không ở Dương Châu để dịch kinh này. Lúc đó, trước pháp đường có một hồ sen, mỗi ngày có hai đồng tử áo xanh từ trong đầm đến pháp đường vẩy nước quét dọn pháp đường. Chiều tối mới trở lại đầm. Tương truyền, do kinh này ở tại Long Cung đã lâu, giờ thấy kinh được truyền bá lưu thông, Long vương vui mừng mà tự cho người đến giúp. Từ đó, tên chùa được đổi thành Hưng Nghiêm Tự.
Cũng tương truyền rằng: Pháp đường Phổ Quang - nói trong phẩm Danh Hiệu Như Lai (bộ 60 quyển) - cũng do loài rồng làm ra cúng dường Phật. Khi Phật mới thành đạo, các rồng thấy Phật ngồi lộ thiên dưới cây bồ-đề mới vì Phật làm ra pháp đường đó.
Loài rồng trong kinh Hoa Nghiêm
Chúng trong các hội của kinh Hoa Nghiêm, số nhiều như thập Phật vi trần, không có tướng phần hạn, tương nhập trùng trùng như lưới châu của trời Đế - thích. Hội I của kinh Hoa Nghiêm có 55 chúng. Không phải chỉ có trời, người mà còn có các bộ quỉ, thần, súc sinh…Từ Bồ-tát Phổ Hiền đến Ma-hê có 34 chúng. Từ Thiện Hải về lại Phổ Hiền là 18 chúng. Chúng Tỳ-lâu-ba-xoa Long vương là một trong 18 chúng đó.
Tỳ-lâu-ba-xoa, Trung Hoa gọi là Tạp Ngữ Chủ, cách gọi mới là Xú Mục, thống lãnh hai bộ chúng ở phương tây. Một là Phú-đa-na, tức Nhiệt quỉ bệnh. Hai, là tất cả rồng.
Theo kinh Tu-di Tạng, báo thân rồng có 5 thứ:
1. Thiện Trụ Long vương, là tất cả Long vương có hình voi.
2. Nan-đà Long vương, còn gọi là Hoan Hỉ, là tất cả Long vương có hình rắn.
3. A-na-bà-đạt-đa Long vương, Trung Hoa gọi là Vô nhiệt não, còn gọi là Thanh lương, là tất cả long vương có hình ngựa. Theo kinh Báng Phật, loại Long vương này xa lìa được ba thứ họa của các loài rồng: Cát nóng không thể rơi vào đầu; Không dùng thân rắn hành dục; Không sợ loài Kim xí điểu.
Còn lại các loài rồng khác ở Diêm-phù-đề đều có 4 thứ khổ. Ba thứ vừa nói cộng với gió thổi vào y báu thì lộ thân mà sinh khổ. Chỉ có loài Long vương này là không bị các thứ phiền não đó, nên nói thanh lương. Theo luận Đại Trí Độ, loài Long vương này là Bồ-tát Thất trụ.
4. Bà-lâu-na Long vương, đây gọi là Thủy long vương, là Long vương có hình cá.
5. Ma-na-tu-bà-đế Long vương, đây gọi là Từ tâm, cũng gọi là Cao ý, vì có uy đức và tâm ý cao hơn các rồng khác. Loài này có dạng như ễnh ương. Trong luật nói có bốn thời chúng không thể biến hình: mới sinh, lúc chết, ngủ và hành dục. Các thời còn lại đều có thể biến hình.
Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng Tỳ-lâu-ba-xoa này có 10 vị đắc pháp:
1. Tỳ-lâu-ba-xoa Long vương: Nhờ tu pháp môn “Nhất thiết long thú trung trừ diệt sí nhiên khủng bố cứu tế” mà được tự tại. Là ở trong tất cả các loài rồng mà trừ diệt nóng bức, cứu cái khổ cát nóng cho rồng. Ngoài ra còn cứu cái khổ sợ hãi do Kim sí điểu gây ra. Nhờ thực hành công hạnh đó mà được tự tại. Đây là ứng vào tướng mà nói. Ứng vào thật thì “Trừ diệt sí nhiên” chính là trừ đi ác tâm, cứu cái nhân của ác đạo. “Cứu tế” là cứu cái quả của ác đạo.
2. Hải Long vương: Nhờ pháp môn “Nhất niệm trung năng chuyển nhất thiết bất khả tư nghì long thân” mà được tự tại. Là trong một niệm, có thể chuyển tất cả thân rồng không thể nghĩ bàn.
Nói “không thể nghĩ bàn” là vì các việc sau: Có thể chuyển thân rồng thành sắc thân ứng với các căn cơ cùng với Phật tịnh đức; Trong một niệm có thể làm được việc đó; Hiện nơi một lỗ lông; Thân rồng chính là thân Phật nên lỗ lông của Phật hiện gọi là chuyển thân rồng.
3. Vân Lạc Diệu Tràng Long: Nhờ pháp môn “Nhất thiết hữu thú chuyển thanh tịnh luân văn thanh” mà được tự tại. Là nhờ vào thanh âm diễn nói thâm pháp. Trong các cõi đều nghe. Nên được tự tại.
4. Tu–di Phổ Tràng Long: Nhờ pháp môn “Nhất thiết chúng sinh thị đại công đức hải” mà được tự tại. Là chỉ cho tất cả chúng sinh thấy công đức hải trong lỗ lông của Phật. Sau, là nhiếp chúng sinh nhập đại công đức hải. Nhờ công đức đó mà được tự tại.
5. Đức-Xoa-già Long: Trung Hoa gọi là Đa Thiệt, vì có nhiều lưỡi. Cũng vì ham nói mà gọi là Đa Thiệt. Còn gọi là Năng Tổn Hại, vì loài Long vương này khi nổi sân, người nhân gian nếu gặp phải khí giận của nó thì đều mất mạng. Loài Long vương này nhờ pháp môn “Ly khủng bố thanh tịnh” mà được tự tại. Là nhờ tịnh quang của Phật trí, có thể cứu được cái khổ của khủng bố.
6. Vô Lượng Bộ Long: Nhờ pháp môn “Thị hiện nhất thiết chúng sinh vô lượng vân siêu độ vô lượng kiếp trụ thọ” mà được tự tại. Là Phật thân hiện hình Phật ở mười phương, ngậm mưa tưới thắm mọi căn cơ và nhiều kiếp trang nghiêm quốc độ.
7. Diễm Nhãn Thiện Trụ Long: Nhờ pháp môn “An lập nhất thiết thế giới phân biệt vô lượng Phật pháp thị hiện phương tiện” mà được tự tại. Lỗ lông hiện các quốc độ gọi là “an lập tất cả thế giới”. Ở tại đó thuyết pháp nên nói “phân biệt vô lượng Phật pháp thị hiện phương tiện”.
8. Ly Cấu Thể Sắc Long: Nhờ pháp môn “Nhất thiết chúng sinh ly cấu hoan hỉ tri túc nhập phương tiện” mà được tự tại. Là dùng pháp ứng hợp với căn cơ khiến họ được hoan hỉ. Đó là vì ly nhiễm, biết đủ và khéo chứng.
9. Phổ Hạnh Quảng Thánh Long: Nhờ pháp môn “Nhất thiết thiện ác âm thanh cụ mãn bình đẳng quán” mà được tự tại. Là y vào tính bình đẳng đối với các âm thanh thiện ác mà được tự tại. Với tất cả chúng sinh đều như vậy.
10. A-na-bà-đạt-đa Long vương: Nhờ pháp môn “Đại bi vân ấm phú nhất thiết chúng sinh ly khổ”. Là dùng mây đại bi che chắn cho tất cả chúng sinh giúp họ lìa khổ. Long vương này thuộc loài có vảy mai, ngày đêm chuyển các dòng nước không để bị cạn, cứu chúng sinh cõi Diêm-phù-đề.
Đó là mười vị Long vương đắc pháp, được đạo tự tại trong kinh Hoa Nghiêm.
Trong kinh Hoa Nghiêm, mọi loài đều có thể đắc pháp và được đạo. Dù là súc sinh hay ngạ quỉ, đều có thể là hàng Bồ-tát đắc pháp. Long vương Đức-xoa-già mỗi khi nổi giận, khí giận mạnh đến nỗi có thể làm chết người, nhưng vẫn được pháp tự tại.
Điều đó cho thấy, ai cũng có thể tu hành được đạo, chỉ là chịu tu hay không. Cũng như ai cũng có thể là Bồ-tát dù với thân tướng nào. Cho nên, trong nhà thiền có câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha dắc”. Nương đó tu hành để khỏi tổn mình hại người.
Chân Hiền Tâm (Thiền Viện Thường Chiếu)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Xem thêm