Lợi ích của an cư kiết hạ
Sau khi Đức Phật thành đạo, trên bước đường vân du hóa độ, những người đầu tiên theo Phật có căn lành rất lớn, quyết chí tu hành, nên gặp được Phật, là đắc quả liền. Điều này được Phật giáo Đại thừa gọi là "Nhựt xuất tiên chiếu”, tức mặt trời vừa mọc chiếu sáng trên đỉnh núi.
Đến khi Đức Phật vang danh uy đức thì có hàng ngàn đồ chúng theo Ngài, hàng vua chúa cũng như những giáo chủ nổi tiếng của hàng ngoại đạo thời bấy giờ đều phải kính nể Ngài, theo học với Ngài. Và khi có quá nhiều người theo Phật thì thành phần đồ chúng không phải chỉ thuần là các vị Thánh Tăng như thời kỳ đầu nữa, mà có cả những người nghèo đói đi theo Phật để cầu thực, khác với những vị cầu đạo trước kia. Người cầu đạo thì không nghĩ đến ăn, mặc, ở, kể cả mạng sống cũng không màng đến. Còn người cầu lợi dưỡng luôn coi trọng việc ăn, mặc, ở, coi trọng thân ngũ uẩn; cho nên cuộc sống của họ bị vật chất chi phối rất nặng nề.
Và khi hàng vạn người đi theo Phật, thì tất yếu dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc tu hành; vì sự ăn mặc bị thiếu thốn, bởi thí chủ không thể cúng dường cho quá nhiều người, ngoài ra, vì phàm phu nên việc ốm đau, bệnh hoạn dễ xảy ra, lại gặp mưa to gió lớn trong mùa mưa bão ở Ấn Độ rất khủng khiếp cũng gây rất nhiều trở ngại, khó khăn cho việc du hành, người bị bệnh nặng phải chết, hay bị nước cuốn trôi chết, bị mất y bát, v.v… Vì vậy, Đức Phật mới chính thức ban bố luật an cư cho chúng Tăng và Đức Phật cũng an cư, không du hành. Tuy nhiên, việc an cư cũng phải có nguyên tắc.
Như vậy, qua thời kỳ thứ hai, gọi là "Nhựt thăng phổ chiếu”, thì số người thường tùy theo Phật đông, trong đó hầu hết các vị Thánh hiền, mỗi vị đều tìm hang động ẩn cư; còn số đồ chúng đa nghiệp không du hành khất thực được, mà ở yên một chỗ để tu và có Phật tử cúng dường, gọi là "đàn việt tống thực". Vì vậy, Đức Phật khuyến hóa chư Tăng phải an cư và Phật tử tại gia cúng dường hộ đạo.
Điều Phật dạy đàn việt hiến cúng để chư Tăng ở một chỗ tu hành trong ba tháng an cư có trái với luật Phật dạy trước kia là phải đi khất thực hay không ?
Lúc khởi đầu, Phật thuyết pháp ở Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như, Ngài có chỉ đạo rõ rằng các Tỳ kheo không được đi khất thực, duy nhất một mình Phật đi khất thực. Sau đó, Kiều Trần Như đắc quả A la hán, Phật cho phép ông cùng với Phật đi khất thực, 4 Tỳ kheo còn lại phải ở yên tu hành, thấp nhất là phải đắc được quả Tu đà hoàn mới được đi khất thực. Vì Tu đà hoàn là vị đã tự tại đối với hoàn cảnh bên ngoài và nội tâm bên trong, nghĩa là không còn bị thiên nhiên chi phối và không bị phiền não quấy rầy. Người tu còn bị sự tác động của thiên nhiên và phiền não thì đi khất thực sẽ có hại hơn là có lợi. Khất thực đúng pháp không phải vì ăn mà đi xin, nhưng sử dụng duyên khất thực như là một phương tiện để giáo hóa mọi người; còn vì ăn mà đi xin là ăn mày thực sự. Mà muốn giáo hóa người thì phải giáo hóa mình trước. Vì vậy, giáo pháp Phật là tam chuyển Pháp luân, tức thị chuyển, chứng chuyển và khuyến chuyển. Thị chuyển là nói giáo pháp, chứng chuyển là nói việc tu hành của mình, phải đắc đạo mới đem thành quả tốt đẹp này dạy cho người được, là khuyến chuyển. Còn học giáo lý mà không thực hành, rồi dạy người, chỉ là nói suông. Tu hành phải được mức tối thiểu là không bị thiên nhiên chi phối, không sợ đói khát, nóng lạnh, nước cuốn, mưa bão và tâm đứng yên, phiền não không khởi, dù gặp việc gì, lòng cũng không dao động. Chư Thiên đến cúng dường cũng không mừng, Dạ Xoa nuốt cũng không lo. Đó là trạng thái của người đắc sơ quả, các thầy đi khất thực phải nhớ điều này, không sợ, không mừng, không lo, không giận, không có gì có thể đe dọa mình. Ráng giữ được tâm đó thì mang thân giải thoát và tâm thanh tịnh đi vào đời khất thực, quần chúng trông thấy sẽ phát tâm. Tổ sư Minh Đăng Quang xưa kia cũng ở trạng thái này, thiết nghĩ ít nhất Ngài cũng đắc sơ quả, nên Ngài không sợ bệnh hoạn, không sợ đói khát và không sợ chết chóc. Chính sở đắc của Tổ đã tác động đến những vị đệ tử đầu tiên gặp Ngài tự nhiên không thiết gì đến cuộc đời này và nhất định đi tu. Các vị khất sĩ du Tăng ngày nay phải học cốt lõi này để đạt cho được y bát chân truyền theo ý của Tổ đề xướng.
Về sau, khi cả năm anh em Kiều Trần Như đắc quả La hán, Đức Phật mới phân công cho mỗi người đi một phương. Điểm này gợi chúng ta nhớ rằng phải đắc La hán mới đi một mình được; vì tâm các vị La hán đã thanh tịnh, thân đã giải thoát, ví như con tê giác một sừng thẳng đường tiến tới, không sợ và không có gì cản trở được. Chưa đắc quả, các sư không nên một người đi một phương. Trước kia, Phật nói mỗi người một phương; nhưng đến thời kỳ thứ hai, Phật dạy khi đi, các thầy phải hai người cùng đi. Vì đối với các vị Thánh La hán, tâm vô nhiễm, nên các Ngài đi giáo hóa rất tuyệt vời, không có gì có thể tác hại các Ngài. Còn về sau, những vị theo Phật nhưng không đắc quả mà đi một mình rất nguy hiểm, thậm chí Phật còn khuyên các thầy không nên đi chung với phụ nữ, vì sẽ khiến cho người khác nghi ngờ.
Hai Tỳ kheo cùng đi sẽ bảo vệ cho nhau, giúp tránh được hành động xấu của người ngoài, hoặc một người bị sa ngã thì cũng có bạn cứu thoát. Không có bạn đồng tu hỗ trợ rất nguy hiểm trên bước đường tu; nhất là ngày nay các thầy trẻ ở am cốc một mình, hoặc những vị lớn tuổi mà chưa đắc Thánh quả ở một mình nên cẩn thận. Chừng nào đắc La hán mới không sợ. Chưa đắc quả, phải nương chúng Tăng, không sống riêng. Riêng tôi, trải qua hơn 60 năm tu hành, không bao giờ tôi sống riêng. Sống với đại chúng, chúng ta cảm thấy an toàn.
Mới tu, sống chung với đại chúng, bị phê bình, cảm thấy bực mình, khó chịu; nhưng nhờ như vậy chúng ta mới phát hiện ra nghiệp và phiền não của mình rất nhiều. Phải biết rằng còn bực bội, còn khó chịu là còn ác nghiệp, phải sám hối, không thì uổng cả cuộc đời xuất gia. Đến bao giờ các anh em đồng tu không phê phán thì biết mình tương đối được; đến bao giờ tâm đứng yên, không bị lợi danh tình ái chi phối là mình được giải thoát. Nhờ người chung quanh phê bình, chúng ta kiểm chứng được chính bản thân mình. Vì vậy, Phật dạy con mắt của Tăng quan trọng, vì đó là con mắt của tập thể; nói cách khác, những người cùng tu thấy chính xác và chỉ ra những lỗi lầm, chúng ta nên lóng nghe để tự sửa mình, vì mình ít thấy được lỗi mình.
Theo luật an cư, Phật dạy các Thầy đều phải đối thú an cư, tức phải nương nhau tu. Nương nhau về thân mạng, nương nhau về tu tập và nương nhau về tình cảm. Theo kinh nghiệm riêng tôi, trải qua nhiều năm hành đạo, tôi thấy việc an cư có nhiều lợi ích vô cùng, chưa nói đến lợi lạc về tu tập. Nhờ an cư, chúng ta mới có cơ hội sống chung với chư Tăng ở khắp nơi tập hợp về, nên trước nhất chúng ta học với nhau phong tục tập quán của các nơi, để sau này làm du Tăng khất sĩ, chúng ta không bị trở ngại trong việc hành đạo. Tôi thuyết giảng được nhiều nơi là nhờ có nhiều bạn đã cùng an cư. Thật vậy, khi tập hợp lại, có điều kiện gặp gỡ và trao đổi với các vị cao Tăng, chúng ta học được ở các Ngài rất nhiều điều thiết thực. Tôi ra miền Bắc mở đạo tràng thành công, nhờ biết rõ miền Bắc là cái nôi của Phật giáo, nên tôi đến đảnh lễ Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận, đắp y thưa thỉnh Ngài chỉ giáo, thì Ngài thương mình có tấm lòng thành thật, Ngài mới kể cho tôi nghe về hành trạng của các vị Tổ miền Bắc, về những điều không có trong sách vở. Chư Tổ đắc đạo mới có khả năng làm cho vua chúa đương thời phải kính nể, nên việc hành đạo của các Ngài thành công rực rỡ, ghi lại dấu ấn vàng son cho lịch sử Phật giáo nước nhà. Ngày nay, nếu chúng ta áp dụng được điều này, chắc chắn hành đạo sẽ không gặp khó khăn. Và Hòa thượng còn dạy tôi rằng ở miền Bắc đang xây dựng xã hội chủ nghĩa thì Thầy thuyết giảng những gì không chống trái lại mới được và muốn Phật giáo phát triển ở miền Bắc, ta nên khuyến khích Phật tử làm tròn bổn phận công dân là tăng gia sản xuất và chúng ta càng làm được nhiều việc lợi ích cho xã hội càng tốt.
Hoặc muốn lên Tây Nguyên giáo hóa, chúng ta hỏi thăm về đời sống đồng bào ở đó như thế nào, đời sống kinh tế ra sao, để chúng ta có thể thích nghi với hoàn cảnh sống nơi đó và biết dạy người dân địa phương những gì họ cần, tức cho những cái họ cần, không phải cứ nhất định cho cái ta có là giáo lý. Giả sử họ cần thức ăn, chúng ta cho họ thức ăn kèm theo giáo lý; nhưng giáo lý đó không phải là ta thuyết pháp như ở thành phố, mà giáo lý này là thân giáo và ý giáo, tức tình thương của chúng ta mới quan trọng. Nghĩa là chúng ta bố thí, giúp đỡ thức ăn, vật dụng với tất cả tấm lòng từ bi. Họ cảm tâm của chúng ta, nên sanh ra tâm kính mến chư Tăng, kính trọng đạo Phật và muốn tìm hiểu giáo lý; bấy giờ, chúng ta mới giảng dạy giáo lý.
Hoặc về miền Tây hành đạo, chúng ta hỏi thăm các sư nào thành đạt nhất, cảm hóa được dân miền Tây, chúng ta học theo. Ở miền Tây có đạo Hòa Hảo phát triển song song với đạo Phật, nhờ họ phổ biến những bài kinh bằng văn vần lục bát dễ học, dễ hiểu, dễ chấp nhận. Các sư về đó nên lưu ý điều này. Ngoài ra, chúng ta phải thực tập cho được pháp đồng sự nhiếp, không sống cách biệt với người dân địa phương để chúng ta có thể chia sẻ được với họ, mới dễ cảm hóa họ.
Trong thời kỳ các vị Hòa thượng miền Trung đi theo người di dân vào miền Nam, các Ngài sống với họ và chỉ dạy họ phương cách sản xuất để tăng năng suất cao và các Ngài cũng biết chữa bệnh bằng cây thuốc. Phải nói lúc bấy giờ, Phật giáo miền Namphát triển không do giáo lý, nhưng do các Hòa thượng làm thầy thuốc Đông y rất giỏi, chữa khỏi bệnh cho dân chúng. Vì vậy, họ kính phục, thương mến, mới tin theo và phát tâm xây dựng từ chùa nhỏ đến chùa lớn, khi đời sống của họ khá lên.
Trên bước đường tu, tôi sang Nhật tham vấn một số thiền sư và các vị tu pháp môn khác nhau, tôi được các Ngài chỉ dạy rằng ăn uống ngủ nghỉ như thế nào và tu làm sao để bảo đảm được sức khỏe tốt, để làm việc không mệt mỏi. Người tu mà không học kinh nghiệm của người trước để phạm sai lầm, bệnh liên miên, thì đạo quả không thành được. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ, khi còn là Sa di, tôi đọc giới không ăn chiều, và nghĩ rằng mình thọ giới rồi, mà ăn chiều, nên trong lòng cảm thấy bất an, tôi quyết định không ăn chiều. Một thời gian sau, tôi bị đau bao tử mãn tính, cảm thấy khó chịu và cũng khó tu. Bác sĩ mới nói rằng muốn tu cũng cần có kiến thức khoa học để bổ sung cho việc giữ gìn sức khỏe. Ông nói tôi còn quá trẻ, cơ thể đang phát triển nên cần chất dinh dưỡng rất nhiều, mà lại tự hạn chế việc ăn uống, không ăn chiều, sẽ thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, coi chừng bệnh rồi chết. Không ăn chiều, cảm thấy đói, vì dịch vị tiết ra để tiêu hóa chất béo, nhưng không có chất béo thì dịch vị sẽ gặm nhấm bao tử và phá hư bao tử, làm cho bị đau lâm râm là vậy. Và khi đói, nhìn thấy thức ăn, hay nghe mùi thức ăn, nước miếng chảy ra, mà nước miếng có tác dụng tiêu hóa tinh bột hay thức ăn nói chung. Nước miếng tiết ra thì mình nuốt vô, nó cũng sẽ bào mòn bao tử thêm nữa, làm cho đau hơn nữa. Vì vậy, bác sĩ khuyên tôi phải ăn chiều, không ăn, nhất định phải chết. Tôi mới hỏi Hòa thượng Thiện Hòa việc này. Ngài dạy tôi rằng cơm chiều là thuốc để chữa bệnh đói cho mình và chữa bệnh bao tử. Còn đói là còn bệnh, thì phải chữa và tự thấy mình có bệnh nghiệp này, không bằng các thầy tu khác, nên khi chúng ta ăn chiều, phải sanh tâm hổ thẹn vì ăn để không bệnh, được mạnh khỏe để tiến tu đạo hạnh, không phải tham ăn.
Tóm lại, điều cơ bản nhất đối với tất cả chúng ta, những người xuất gia tu hành chưa đắc quả Tu đà hoàn, phải tập hợp an cư; nhờ đó, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm mà các vị tu hành ở khắp mọi nơi đã trải qua, nay họ về cùng tu với chúng ta. Thậm chí chúng ta cũng có thể học được với những vị tu sĩ ở nước ngoài về thăm quê hương trong ba tháng hạ, học hỏi cách sống, cách hành đạo như thế nào và họ đã làm được gì, để khi có duyên hành đạo ở những nơi đó, chúng ta cũng đã có được phần nào những kiến thức cần thiết giúp mình được lợi lạc.
Chưa đắc Thánh quả, chúng ta học hỏi những kinh nghiệm sống bình thường với các pháp lữ đồng tu, hoặc chia sẻ kinh nghiệm của mình cho họ. Ngoài ra, điều thứ hai cao hơn là tập chúng an cư, chúng ta được sống với những vị Tỳ kheo có 5,10, 20, hoặc 30 tuổi hạ. Họ đã trải qua quá trình tu hành dài lâu, nên có được những sở đắc và cũng có cả những việc thất bại. Chúng ta đảnh lễ để các Ngài thương mà chỉ dạy cho chúng ta kinh nghiệm tu hành rất quý báu mà các Ngài thiết thân thể nghiệm, thậm chí có nhiều điều các Ngài phải trả giá rất đắt trong cuộc đời tu mới biết được. Chúng ta học kinh nghiệm tu hành vô giá đó, chứ không phải học kinh nghiệm sống bình thường, mới có thể khắc phục được nội chướng lẫn chướng duyên bên ngoài, để bảo vệ được giới thân huệ mạng của chính mình.
Cầu mong tất cả hành giả an cư học hỏi và thực tập được nhiều điều lợi lạc cho việc thăng hoa trí tuệ và đạo hạnh của mình, để sau ba tháng, mang hành trang là Thánh tài vô tận, trở về bổn xứ, cảm hóa được nhiều người cùng làm việc tốt đẹp cho xã hội, lợi lạc cho đạo pháp, xây dựng được Tịnh độ trên nhân gian này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm