Lợi ích thiết thực của Tam quy Ngũ giới
Tam quy Ngũ giới với nếp sống đạo đức, có giới hạnh để mang lại lợi ích cho tự thân và xã hội trong hiện tại và cả tương lai luôn là nếp sống của những người con Phật.
Tam quy là gì?
Tam quy nói cho đủ là quy y Tam bảo. Quy y: Quy là trở về, quay đầu. Y là nương tựa. Quy y là trở về nương tựa. Tam bảo: Tam là ba, bảo là báu. Tam bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.
Quy y Tam bảo là quay về nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng. Như người con vì si mê đã bỏ cha mẹ đi hoang, bị cuộc đời vùi dập, chịu biết bao đau khổ, đói rách; nay quay về nương tựa cha mẹ để được che chở, thương yêu và hạnh phúc. Như người lái xe đi lầm đường, quay đầu trở lại đi đúng đường. Như người bị đắm thuyền, trôi dạt trên biển cả, bỗng gặp chiếc thuyền khác đến cứu mạng, trong lúc sắp chết chìm giữa lòng đại dương được thuyền đến cứu vớt, được sống yên ổn trên thuyền, được đưa vào bờ an toàn sinh mạng thì còn niềm vui nào lớn hơn.
Thọ trì Năm Giới nhưng tại sao lại cần thọ Tam Quy?
Tại sao Tam bảo lại quý báu?
Đức Phật là người nhận thức nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết của con người, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, dứt bỏ hưởng thụ ngũ dục, chẳng ham vương vị quyền thế, vào rừng tu hành khổ hạnh, tìm cầu chân lý để cứu độ chúng sinh. Ngài chứng được Tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh. Thiên nhãn minh là nhìn thấu suốt quá khứ của chúng sinh từ một kiếp đến vô lượng kiếp về trước. Túc mạng minh là biết được quá khứ của mình từ một kiếp đến vô lượng kiếp về trước. Lậu tận minh là dứt sạch tất cả mọi phiền não, cấu uế.
Ngài luôn tỉnh giác, làm chủ ba nghiệp. Thân, khẩu, ý trong sạch không có tỳ vết. Thân tướng trang nghiêm với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Có đầy đủ phước đức, trí tuệ. Có khả năng hướng dẫn chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử, đạt đến giác ngộ, giải thoát rốt ráo.
Pháp có nhiều nghĩa, đôi khi chỉ quy luật nhân quả nghiệp báo, các điều kiện nhân duyên tạo sinh các sự vật và hiện tượng giới, bao gồm các hiện tượng tâm lý và vật lý. Nhưng nghĩa căn bản và truyền thống nhất là chỉ giáo pháp, những lời dạy của đức Phật. Ý nghĩa của Pháp đôi khi được khái quát hóa như con đường, con đường an lạc, giải thoát hoặc miêu tả tính chất của lời Phật dạy là vô tham, vô chấp, buông bỏ, xả ly, an lạc, giải thoát…
Tăng cũng có nhiều nghĩa, đôi khi chỉ toàn bộ cộng đồng Phật giáo, gồm Tăng Ni và Phật tử; chỉ cho những ai đã trực ngộ tánh không của vạn pháp, bất luận tu sĩ hay cư sĩ Phật tử. Nhưng nghĩa căn bản và truyền thống nhất là chỉ cộng đồng những người xuất gia tu học theo giáo pháp của đức Phật. Cộng đồng này là hiện thân của sự hòa hợp và thanh tịnh.
Ý nghĩa của sự quy y vượt ra ngoài ngôn ngữ
Tựu chung lại, Phật được ca ngợi là đấng Lưỡng Túc tôn vì đầy đủ phước huệ. Pháp được gọi là Ly Dục tôn vì có thể khiến cho hết thảy chúng sinh thoát ly dục lạc. Tăng được xưng là Chúng Trung tôn vì làm bậc thầy, là khuôn mẫu cho chúng sinh noi theo, là bậc tôn quý trong đại chúng. Công đức của Phật, Pháp, Tăng rất nhiều. Ở thế gian này, vàng bạc, ngọc ngà, châu báu tuy quý, nhưng chỉ giúp chúng ta được an vui hạnh phúc tạm thời, không thể giúp ta thoát khỏi sinh tử luân hồi, đau khổ trong sáu đường. Phật, Pháp, Tăng có đủ năng lực hướng dẫn chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, đến chỗ an vui giải thoát rốt ráo. Cho nên, Tam bảo là quý báu, chúng ta cần phải nương tựa.
Lợi ích của quy y Tam bảo
Muốn trở thành một người Phật tử, bước đầu chúng ta cần phải quy y Tam bảo. Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng được xem như ba chỗ nương tựa vững chắc nhất cho mình. Khi phát nguyện quy y trước Tam bảo, năng lực thanh tịnh của chư Phật và sự chứng minh trang nghiêm của chư tôn đức hiện tiền sẽ giúp chúng ta tinh tấn giữ trọn lời nguyện. Có những người sống không quen với những phép tắc, giáo pháp của nhà Phật, nghĩa là họ sống một cuộc đời tự do theo bản năng và dục vọng. Nhưng từ khi phát nguyện quy y, họ tự ý thức được mình đã quy y Tam bảo, nên trong cuộc sống thường ngày, họ luôn luôn biết dè dặt, biết cẩn trọng hơn trong từng lời nói, việc làm.
Đời nay, chúng ta được làm người là nhờ đã gieo nhiều nhân lành ở quá khứ. Điều này trong nhà Phật thường nói tới, đó là luật nhân quả. Nghĩa là chúng ta gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Ví dụ, mình gieo nhân xấu chắc chắn sẽ bị quả xấu, gieo nhân tốt sẽ được quả tốt. Cũng như muốn vài năm nữa có cam để ăn, ngay hôm nay, chúng ta phải biết gieo hạt cam. Luật nhân quả Phật dạy rất rõ ràng, không có gì mơ hồ cả. Nếu biết quy y Tam bảo đời này, đời sau chúng ta sẽ không bị đọa vào những đường dữ. Do nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích như vậy, chúng ta nhất định phải quy y, phải nương tựa vào Tam bảo.
Quy y hai lần, Pháp danh nào chính?
Còn một điều quan trọng nữa là, nếu ai biết quy y Tam bảo, biết trở về dưới ánh sáng trí tuệ và từ bi của Phật, Pháp, Tăng thì hiện đời sẽ có cuộc sống hết sức bình yên, ngày sau chắc chắn sẽ tiến dần lên quả vị Chánh giác.
Có quy y Tam bảo rồi, bước tiếp theo, chúng ta mới có thể thọ trì Ngũ giới.
Ngũ giới là gì?
Sau khi chúng ta quy y Tam bảo, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử. Khi đã quy y Tam bảo, chúng ta chính thức là đệ tử của Phật. Đệ tử Phật phải học theo hạnh Phật, con phải giống cha. Phật là người đạo đức mẫu mực, chúng ta cũng phải có đạo đức. Đạo đức có từ oai nghi giới luật. Do vậy, người Phật tử phải giữ gìn năm giới cấm căn bản là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Năm giới cấm này là nền tảng xây dựng tòa nhà hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Các giải pháp rút ra từ Ngũ giới cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Phần lớn các giới điều trong Phật giáo đều bắt đầu bằng chữ “không”, trong đó có năm giới, tạo cảm giác tiêu cực, ép buộc hay cấm đoán mất tự do. Do vậy, thay vì nói “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm không nói láo, không dùng các chất làm say gây nghiện”, theo lời đức Phật giải thích, ta có thể mượn văn phong của thiền sư Nhất Hạnh diễn dịch năm giới thế này:
Giới thứ nhất: không sát sinh.
“Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con”.
Giới thứ hai: không trộm cắp.
“Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật cua con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và muôn loài”.
Giới thứ ba: không tà dâm.
“Ý thức những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa”.
Cách tu tập vượt thắng ngũ giới để có cuộc sống an vui
Giới thứ tư: không nói dối.
“Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể”.
Giới thứ năm: không dùng những chất làm say và gây nghiệm.
“Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù và sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội”.
Để giữ gìn hạt giống trí tuệ, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, đức Phật dạy người Phật tử không được uống rượu. Đó là giới thứ năm người Phật tử cần phải giữ.
Vì sao Đức Phật chế ngũ giới cho Phật tử tại gia?
Lợi ích của việc giữ gìn ngũ giới
Năm giới mà hàng Phật tử tại gia phát nguyện vâng giữ, thọ trì là nền tảng đạo đức căn bản để kiện toàn nhân cách của người con Phật. Sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến tấn thọ trì năm giới: Không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu nhằm trau dồi đạo đức, trưởng dưỡng đạo tâm, xây dựng cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, người nào tuân thủ trọn vẹn năm nguyên tắc đạo đức này thì luôn gặt hái nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống. Trước hết là giữ gìn được tiền bạc, tài sản do công khó làm ra. Tiền bạc tuy không phải là yếu tố chính quyết định hạnh phúc nhưng thiếu hụt cũng gây ra khốn đốn nhiều bề. Thế nhưng, do tập khí phóng dật, người ta thường để hao tán của cải vì đam mê rượu chè, cờ bạc và chi tiêu vô bổ.
Người có đạo đức, sống giữ giới thì mọi người đều yêu thương, tôn trọng và kính nể. Không chỉ có uy tín trong cộng đồng, tiếng tốt đồn xa, người sống có giới đức luôn thanh thản, tự tin với chính mình và mọi người. Họ không hề phân vân, hổ thẹn hay sợ hãi khi gặp gỡ bà con, bè bạn hay đi tới những chốn đông người. Quan trọng hơn, người một đời sống đạo đức khi lâm chung sẽ ra đi trong tỉnh giác, không mê loạn, không hối hận ăn năn về những việc ác đã gây tạo trong đời. Nhờ tâm thanh thản và thanh tịnh nên họ sẽ tái sinh vào cõi lành.
Vì vậy, sống đạo đức, có giới hạnh để mang lại lợi ích cho tự thân và xã hội trong hiện tại và cả tương lai luôn là nếp sống của những người con Phật.
Năm giới cấm này là nền tảng của trí tuệ, đạo đức, tình thương và giải thoát. Người có nhận thức rõ ràng nhân quả tội báo mới giữ giới luật được, nên gọi là người có trí tuệ. Người không phạm vào các hành động trộm cắp, tà dâm, uống rượu là người có đạo đức. Người không giết hại thú vật để ăn thịt là người có tình thương. Người giữ giới luật nghiêm túc sẽ không gây tạo ác nghiệp, không bị quả báo luân hồi trong ba ác đạo, là nhân của giải thoát, vì có giới sẽ có định, có định sẽ có huệ. Giới, định, tuệ là nền tảng của giải thoát. Như vậy, người giữ giới luật đầy đủ là người có trí tuệ, có đạo đức, có tình thương và giải thoát. Một người giữ trọn vẹn năm giới này là một người an vui hạnh phúc. Một nhà giữ trọn vẹn năm giới này là một nhà được hạnh phúc. Một xã hội giữ trọn vẹn năm giới này là một xã hội hạnh phúc. Một đất nước giữ trọn vẹn năm giới này là một đất nước hạnh phúc. Cả thế giới giữ được năm giới này thì thành Tịnh độ.
Xuất phát từ nhận thức bằng kinh nghiệm tự thân ấy, chúng ta tự động nguyện không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dói, không dùng các chất làm say gây nghiện. Từ đây năm giới không còn được ngộ nhận như những điều ràng buộc, cấm đoán mất tự do nữa mà chính là giềng mối của đạo đức, của nếp sống an lạc giải thoát.
>Xem thêm video: "Đức Phật vô tình hay hữu tình":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm