Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 02/06/2023, 19:21 PM

Lời từ biệt trí tuệ và giác ngộ của Đại sư Tinh Vân

"Thuở nhỏ, gia cảnh tôi nghèo xơ nghèo xác, nhưng lạ lùng thay, thay vì nghĩ rằng mình là đứa trẻ nghèo khó thì trong tâm trí tôi lại cảm thấy mình cực kỳ giàu có và đầy đủ", Đại sư Tinh Vân nói trong lời từ biệt.

> Đại lão Hoà thượng Tinh Vân viên tịch

Gửi lời chào đến quý vị và chúng đệ tử!

Lời đầu tiên tôi muốn gửi đến mọi người lời cáo biệt, sau đó là những lời giải bày chân thành, xin mọi người cho tôi được nghỉ phép, thật tình cảm ơn!

Cả cuộc đời của tôi, hầu như ai cũng nghĩ rằng tôi có rất nhiều tiền, nhưng không đâu, thật ra tôi luôn lấy thanh bần làm chí hướng. Thuở nhỏ, gia cảnh tôi nghèo xơ nghèo xác, nhưng lạ lùng thay, thay vì nghĩ rằng mình là đứa trẻ nghèo khó thì trong tâm trí tôi lại cảm thấy mình cực kỳ giàu có và đầy đủ. Đến khi già yếu rồi, đại chúng đều nghĩ rằng tôi rất sung túc, có biết bao nhiêu thứ từ trường lớp, nhà xuất bản, bằng cấp học vị cho đến thành lập các tổ chức, hội, quỹ, v.v... Tuy vậy, riêng tôi luôn rõ biết rằng bản thân mình hoàn toàn trắng tay, bởi vì tất cả mọi thứ đều thuộc về mười phương, đều của đại chúng, chứ không phải thuộc quyền sở hữu cá nhân tôi.

Đại sư Tinh Vân.

Đại sư Tinh Vân.

Mặc dù nhìn trên khắp thế giới tôi đã xây dựng được nhiều ngôi già-lam, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ xây cho cá nhân mình một ngôi nhà một căn phòng nào cho riêng mình, cũng chưa từng tăng thêm cho mình một chiếc bàn một chiếc ghế nào cả. Tài sản của tôi trên không có lấy một mảnh ngói, dưới không đủ một tấc đất nào. Bởi vì vật phẩm của chư tăng Phật giáo đều thuộc của chung mười phương, đâu có thứ gì thuộc cá nhân ai? Tuy vậy, nội tâm của tôi vẫn luôn cảm thấy toàn bộ thế giới này đều thuộc về mình.

Cả cuộc đời tôi chưa từng sở hữu bất kỳ từ chiếc bàn làm việc, cũng chẳng có riêng tủ chứa đồ gì cả. Mặc dù chúng đệ tử vẫn tận tâm thiết trí giúp tôi, nhưng thú thật là tôi chưa dùng qua bao giờ.

Lời đầu tiên tôi muốn gửi đến mọi người lời cáo biệt, sau đó là những lời giải bày chân thành, xin mọi người cho tôi được nghỉ phép, thật tình cảm ơn! Cả cuộc đời tôi tính ra chưa dạo phố được đôi ba lần, hay mua sắm vật dụng gì. Cả đời chẳng có tiền tích góp, tất cả những gì tôi có chỉ là đại chúng, là Phật Quang Sơn. Tất cả đều thuộc của thường trụ, của xã hội cả. Nên tôi muốn khuyên mọi người cũng nên học cách “hiến dâng trọn đời mình cho Phật giáo”, sống một cuộc đời tùy duyên tự tại.

Cả cuộc đời tôi, người ta đều nghĩ rằng tôi dạy đồ chúng khéo léo giỏi giang. Sự thật thì nội tâm tôi vô cùng vắng vẻ và tĩnh mịch, bởi vì tôi chẳng thích nhất một ai, cũng chưa từng ghét nhất một ai. Ai cũng cho là tôi có biết bao nhiêu đệ tử, tín đồ, nhưng tôi chưa từng quan niệm họ thuộc về tôi, chỉ thật tâm hy vọng mỗi người đều có nơi để nương tựa và quay về dưới bóng đại thụ của Phật giáo.

Tôi chẳng có bất kỳ tài sản cá nhân nào để phân chia cho mọi người, chẳng có một xu một hào nào phân cho người này, cũng chẳng có phòng ốc đất đai nào chia cho người nọ, lại càng không có vật lưu niệm gì để phân phát cho ai. Nếu đại chúng muốn, sách nhiều như thế, tùy ý các vị ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể mang về một cuốn để làm kỷ niệm. Nếu đại chúng không cần, dẫu tôi có bao nhiêu lời hay ý đẹp gì cũng đều vô dụng. Tôi chỉ có “Phật giáo nhân gian” cung cấp cho các vị học tập, chỉ có đạo tràng tạo điều kiện cho các vị hộ trì và gìn giữ.

 Xá lợi của Đại sư Tinh Vân (ảnh/video)

Tôi chẳng nghĩ ai tốt, ai xấu, trong thường trụ đều có quy củ chế độ sẵn, muốn thăng tiến cũng có tiêu chuẩn nhất định cả. Mà pháp thế gian khó có thể công bằng, xét về thăng tiến có sự nghiệp, học vấn, đạo nghiệp, công lao thành tựu, v.v… Trong đó lại phân cao thấp, lớn nhỏ, có không, v.v. còn phải xem tiêu chuẩn khác biệt nhau của mỗi người và mối liên quan của phúc đức, nhân duyên nữa. Do đó, việc mọi người có thăng tiến hay không chẳng phải điều nằm trong tầm chi phối của cá nhân tôi. Đây cũng là điều tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc đến với toàn thể đồ chúng, bởi vì tôi không thể tiếp tục vì các vị thực hiện viên mãn đến cuối cùng. Tuy nhiên, đại chúng cũng nên học cách kham nhẫn với những thiệt thòi, ban tông vụ sẽ xuy xét sự thăng tiến theo công trạng và thành tích của các vị, đạo hạnh người xuất gia tự có thước đo của Phật pháp, chẳng cần phải cân đo đong đếm hay suy lường bằng pháp thế gian làm gì.

Sau này, điều tôi còn vướng bận trong lòng là vấn đề chuyển đổi hay di dời của đồ chúng, Phật Quang Sơn vốn không phải là chính phủ, nhưng đơn vị nhiều. Lại có chế độ chuyển đổi công tác, hội truyền đăng dốc hết lòng và khả năng để sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và trách nhiệm của từng cá nhân, đôi khi sẽ có chút sai khác với quan điểm và sở trường của các vị, mong mọi người cố gắng nhẫn nại. Thế gian khó để bàn về bình đẳng, nhưng chúng ta có thể sáng tạo ra cuộc đời hòa bình và mỹ mãn. Song, cũng tùy vào góc độ nhìn nhận để bàn về sự bình đẳng. Về sau, nếu có bất kỳ sự bất đồng ý kiến nào mọi người hãy dựa theo “Thanh quy Phật Quang Sơn”, có thể thay đổi nhưng cần thông qua sự đồng ý của đại chúng.

Cuộc đời tôi, hầu như ai cũng cho rằng tôi lập nghiệp rất gian nan, nhưng tôi lại thấy dễ dàng vô cùng. Bởi lẽ cả một tập thể lớn cùng nhau hợp sức tạo nên, tôi chỉ là một cá thể trong số đông đó. Làm bất cứ điều gì tôi cũng dốc hết toàn bộ tâm sức, còn kết quả ra sao thì tùy duyên. Cũng có không ít người cảm thấy tôi khéo quản lý, nhưng chỉ là tôi hiểu được đạo “vô vi mà trị” tức chẳng cần phải làm gì mà vẫn có thể trông nom được. Thành tâm cảm ơn đại chúng đã hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, ngoài giới luật và pháp ra thì chúng ta chẳng có bất kỳ quyền lực nào để quản lý một ai cả. Đối với tất cả mọi thứ trên thế gian này, khi nó đến chẳng cần tỏ ra vui thích, khi nó đi cũng không thấy nuối tiếc. Nói chung là, kiếp nhân sinh cứ để mọi điều ung dung tiêu dao, tùy duyên tự tại, nếu có thể tương ứng với đạo, khế hợp với pháp đã là một cuộc đời giàu sang phú quý rồi.

Cả đời tôi, mỗi thời mỗi khắc đều ghi lòng tạc dạ với triết lý sống “cho đi”, cứ cho người ta sự tán thán, cho người ta sự hài lòng mãn nguyện. Giống như cương lĩnh mà tôi đã đặt cho những người làm việc tại Phật Quang: “cho người niềm tin, cho người yêu thích, cho người hy vọng, cho người phương tiện”. Cũng nhờ tôi thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của sự kết duyên, trong tâm chỉ muốn đi khắp nơi để kết duyên, đến mọi chốn để gieo trồng những hạt mầm của Phật pháp. Tôi lập chí nguyện mở ra môi trường giáo dục với nhiều kiểu dạng khác nhau, vì từ tấm bé tôi chưa từng được học tập ở một ngôi trường chính thức nào cả. Tôi thấu hiểu tường tận chỉ có giáo dục mới nâng cao và thăng tiến con người, mới cải thiện và làm thay đổi khí chất. Tôi cũng phát tâm viết sách giảng dạy, bởi dòng pháp đang chảy kia là kế thừa từ mạch giáo pháp của Như Lai, tôi không thể không chia sẻ ngọn nguồn từ tận đáy lòng mình cho đại chúng để lan tỏa khắp nhân gian.

Cả đời tôi đều theo đuổi nhân sinh quan “lấy thoái làm tiến, xem chúng là mình, lấy không làm có, xem rỗng là vui”. Hễ là đệ tử xuất gia của tôi đều phải có tâm xa lìa, dùng tư tưởng xuất thế để tham gia phục vụ dấn thân vào cuộc đời, đời sống cần dung dị đơn giản, chẳng nên tích lũy gom chứa điều gì. Thời quá khứ ba y một bình bát, hành hạnh đầu đà mười tám vật, cà sa chỉ một cân rưỡi, rất nhiều những truyền thống tốt đẹp như thế đều khế hợp với giới luật, đều đáng để mọi người nghiền ngẫm tường tận. Đệ tử Phật Quang không khuyến duyên cá nhân, không xin xỏ nài van cho cá nhân, không lập sản nghiệp cá nhân, không tạo ra thức ăn uống cá nhân, không thu nhận đồ chúng cá nhân, không tích trữ riêng tiền bạc cá nhân, không xây dựng đạo tràng cá nhân, không giao thiệp tín chúng cá nhân, nếu mọi người đều làm được như vậy, chắc chắn dòng mạch pháp của Phật Quang Sơn sẽ vẻ vang và huy hoàng mãi mãi. Tôi gọi đó là “Vinh dự thuộc về Đức Phật, thành tựu thuộc về đại chúng, lợi ích thuộc về xã hội, công đức thuộc về tín đồ”, đại chúng hãy nghiêm túc thực hành theo.

Phải biết rằng, “đạo của Phật trùm khắp hư không, chân lý tràn đầy khắp pháp giới”, muôn trùng pháp giới ấy đều là của mình. Nhưng hình tướng của nó luôn vô thường, nên tất cả chẳng có gì thuộc về mình, đừng lưu luyến vướng bận quá nhiều đối với thế tục. Phật giáo nhân gian mặc dù không rời thế gian, tuy nhiên “tựa như người gỗ ngắm hoa lá chim chóc”, đừng để tâm quá nhiều, đừng phân biệt quá nhiều. Mọi lúc mọi nơi đều phải “xem đại chúng là mình, xem giáo pháp là tính mạng”, sống yên thân gửi phận vào Phật đạo là được.

Hễ là đệ tử của tôi, sở hữu Phật pháp là đủ, còn tiền bạc, vật chất cố gắng kết duyên với mọi người, bởi lẽ đó đều là tài nguyên mà nhân gian sở hữu chung. Đối với kinh tế thu nhập, từng li từng tí cũng phải sung vào công quỹ hết. Tất cả mọi thứ của mỗi chúng ta đều do thường trụ cung cấp, không cần phải tranh chấp, không nên chiếm hữu riêng, chỉ cần đại chúng chính tín tu hành, thì chẳng cần lo ngại về vấn đề đời sống. Rất hy vọng chúng đệ tử không cần phải lo nghĩ phân tâm về ăn mặc đi ở của thế gian làm gì, những thứ đó đều tầm thường vụ vặt không đáng để nhắc đến.

Tôi mong muốn tịnh tài của thường trụ đều dùng cho mười phương, chớ nên giữ lại, đó mới là lối đi bình an cho Phật Quang Sơn trong tương lai. Ngoài kinh phí sinh hoạt và lương thực cần thiết sử dụng, nếu còn dư tịnh tài đồng loạt bố thí cho văn hóa, giáo dục và từ thiện. Phật Quang Sơn lấy của mười phương, ban rải và hồi đáp lại mười phương, chúng ta cần phải cứu nguy giúp nan, quan tâm tới những người neo đơn cô độc, hoặc tùy duyên bố thí đến những dân chúng còn nghèo khổ thiếu thốn. Bởi vì thiên tai và nghèo khổ là điều bất hạnh nhất của nhân gian, cứu nguy giúp nạn vốn là lẽ tất nhiên cần phải trợ duyên.

Đất ở Phật Quang Sơn, Phật-đà kỷ niệm quán, cùng những đạo tràng phân viện khác đều không phải của quốc gia, cũng không phải thuê mượn, đó đều là tịnh tài đóng góp bao năm của thường trụ để mua lại. Tất cả những gì đang có đều là sở hữu của thường trụ Phật Quang Sơn, không phải là tài sản hùn vốn gì của cá nhân nào. Chẳng liên quan gì đến ai cả, cũng không có bất kỳ khoản vay mượn nào, kể từ khi thường trụ khai sơn đến nay, chưa từng vay mượn đồng nào từ ai.

Về những đạo tràng phân viện khác cũng đều cần phải tu bổ, sửa sang lại để tạo phương tiện cho tín chúng. Nếu chẳng còn cách duy trì được nữa, mà được sự đồng ý của tông ủy hội và tín chúng thì đóng cửa, chấm dứt. Tập trung tịnh tài cho giáo dục, văn hóa, quỹ công ích, không được phân chia cá nhân. Không được cung cấp tiền bạc qua lại với giới Phật giáo hay đạo hữu, nếu có trao đổi chỉ là bố thí, không có trả nợ, không có vay mượn, tránh tranh chấp về sau.

Cả đời tôi tín ngưỡng Đức Phật, xem Đức Phật là bậc đạo sư dẫn đường cho tôi, là lối đi của tôi. Từ đây về sau, mọi người tu học theo đạo Phật hãy xem Đức Phật và mười vị đại đệ tử là tấm gương mẫu mực, các vị tổ sư tông môn của Phật giáo đều là mô phạm chúng ta phải noi theo. Sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp tại đạo tràng các nơi trên thế giới, cố gắng giao cho địa phương nơi đó, để tín chúng địa phương trụ trì. Tất cả lời dạy của tôi về Phật giáo nhân gian đều muốn truyền đạt đến người người nhà nhà, được dân chúng đồng tiếp nhận.

Cả đời tôi lấy việc hoằng dương Phật giáo nhân gian làm chí hướng, những lời Phật dạy, những gì mọi người cần, những điều thanh tịnh hóa, những điều thiện mĩ, hễ những giáo pháp nào giúp tăng trưởng hạnh phúc cho kiếp người đều là Phật giáo nhân gian.

Khổ, hãy xem là nguồn năng lượng tăng thượng duyên cho chúng ta.

Vô thường, không phải là những gì cố định, có thể làm thay đổi tất cả về tương lai của chúng ta, thúc đẩy những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Không, không phải là không có, “không” để xây dựng nên “có”, phải không trước rồi mới có sau, cả đời tôi chẳng có gì trong tay, chẳng phải “chân không” sinh “diệu hữu” đây sao?

Ngọn nguồn Phật giáo nhân gian vốn được lưu truyền từ Đức Phật, bây giờ đã trở thành bầu không khí chung cho nhân loại.

Ngọn nguồn Phật giáo nhân gian vốn được lưu truyền từ Đức Phật, bây giờ đã trở thành bầu không khí chung cho nhân loại.

Tôi tin chắc Phật giáo nhân gian nhất định sẽ là một luồng ánh sáng cho nhân loại trên thế giới trong tương lai. Nói lời hay là “chân”, làm việc tốt là “thiện”, giữ tâm lành là “mỹ”, hãy để ba điều tốt đẹp vận hành chân thiện mỹ này được bén rễ sâu vào lòng đất xã hội. Trí là “Bát-nhã”, nhân là “từ bi”, dũng là “bồ-đề”, phải nỗ lực thực hiện cho bằng được, để giới định tuệ được trưởng thành hơn mỗi ngày trong tâm chúng ta, lấy thực hành đạo Bồ-tát làm sự nghiệp tu hành ở nhân gian.

Ngọn nguồn Phật giáo nhân gian vốn được lưu truyền từ Đức Phật, bây giờ đã trở thành bầu không khí chung cho nhân loại. Do đó Phật Quang Sơn, Phật Quang Hội nếu có phát triển thì nhất định phải trở thành một đoàn thể chính phái của giới Phật giáo. Tuy nhiên, người ở thế gian mỗi mỗi đều có điều chấp trước riêng, từ cổ chí kim, tại Ấn Độ đã có Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ truyền đến Trung Quốc thành ra tám tông phái lớn. Còn về phương diện giáo nghĩa mỗi người đều có sự bất đồng cả về tư tưởng lẫn thực hành, chẳng có điều gì đáng trách cả. Nhưng nếu so đo giữa ta - người, đúng - sai thì hoàn toàn đi ngược với bản tâm của Đức Phật.

Nếu các vị có lòng, đoàn kết tứ chúng tăng ni tín đồ Phật Quang, có thể noi theo bậc cổ đức thánh hiền trong quá khứ mà thành lập một tông phái. Nhưng đã là sáng tông lập phái còn phải xem việc làm của người tu hành đời sau. Nếu người đời sau có cống hiến đối với Phật giáo, lại có chung mục đích để hướng tới, có một tông phái Phật giáo đương đại để làm trụ cột chống đỡ cho Phật giáo, cũng không hẳn là không thể.

Khi có điều không hài lòng với cách hoằng pháp sự nghiệp Phật giáo nhân gian, gọi là “ngã chấp đã trừ, pháp chấp khó sửa”, muốn lập môn hộ khác thì chúng ta cũng cần rộng lượng tiếp nhận mạch pháp truyền đăng phân phái Phật Quang này, miễn là không gây tổn hại gì cho tông môn, đừng bài trừ lật đổ nhau thay vào đó hãy rộng lòng bao dung lấy.

Quan niệm của chúng ta không nằm ở thành tựu tự thân, mà là Phật pháp được truyền thừa và tiếp nối, chớ phân nam nữ già trẻ. Trên “đại lộ Phật Quang” này, bốn chúng Tăng Ni tín đồ bây giờ đã có quy mô nhất định. Tăng chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni của Phật Quang Sơn cần phải có giềng mối kỷ cương. Chúng cận sự nam, cận sự nữ của Phật Quang Hội cũng phải xem trọng nhân tài, phát huy sở trường và năng lực, không được phép chia chẻ rời rạc, phải cùng thấu hiểu cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau, để đại chúng cùng có sức hướng tâm đoàn tụ, giúp Phật Quang Hội ngày một phát triển hưng thịnh, để Phật Quang (ánh sáng Phật) rọi chiếu khắp muôn nơi, để dòng mạch pháp chảy mãi. Phải ra sức giúp đỡ và khích lệ những hội viên trong Phật Quang Hội thăng tiến sự nghiệp ở xã hội sao cho phù hợp với ý nghĩa và tinh thần của Bát chính đạo.

Phật Quang Hội vĩnh viễn thuộc giáo đoàn Phật Quang Sơn, chúng tại gia và xuất gia luôn hòa mục, không tranh chấp lẫn nhau, không đối lập nhau, giống như “không - có” tuy hai mặt nhưng vốn là một thể. Phật Quang Sơn đã được phát triển rộng bởi chế độ dân chủ, về sau người lãnh đạo của Phật Quang Sơn và Phật Quang Hội, phải tuân theo thứ tự thường trụ, không nên xảy ra bất cứ sự tranh luận nào, phải lấy ý kiến của đại chúng làm chính.

Tư tưởng “bình đẳng” tôi vẫn luôn đề xướng và nhấn mạnh, thiện nam tín nữ dù giàu hay nghèo đều là bình đẳng, chớ nên có bất kỳ ý niệm phân biệt nào. Mọi chúng sinh đều có Phật tính, dẫu là hữu tình hay vô tình cũng đều có khả năng viên mãn trí tuệ của Phật. Do đó, từ “tôn trọng nhân quyền” đến “đề xướng sinh quyền”, tôi hy vọng phải có tinh thần “chúng sinh bình đẳng” một cách tuyệt đối về mọi phương diện. Mọi người cần phải có tâm bảo vệ và nâng niu nhiều hơn đối với mỗi một cọng cây ngọn cỏ, từ hoa dại cho đến đại thụ trên núi, xuống đến bách tính, dân làng dưới chân núi, đều phải thương yêu và trân trọng hết cả. Phải khích lệ nhiều hơn đối với các trẻ sống trong cô nhi viện, thường đến thăm hỏi và an ủi các bậc trưởng bối trong tinh xá dưỡng lão, cần hết mực kính trọng các bậc trưởng lão khai sơn.

Tôi xem Đài Loan lẫn Trung Quốc đều như người một nhà, tôi đối đãi với tất cả chúng sinh trên thế giới như anh chị em ruột thịt. Tôi hy vọng nhân duyên tốt đẹp được lưu giữ lại nhân gian, để lại tình nghĩa Phật pháp cho tín chúng, chỉ giữ lại riêng mình hạt giống của niềm tin, đem những vẻ vang và vinh dự vô thượng phân phát khắp cho đại chúng Phật giáo. Mong sao nhân loại trên khắp thế giới đều tin vào nhân duyên quả báo, nguyện mỗi vị nhân giả đều thực hành được từ bi hỷ xả, đem tất cả tấm lòng để lại cho cuộc đời.

Sự nghiệp của Phật giáo nhân gian như sáng lập đại học, đài phát thanh, báo chí, biên soạn xuất bản, thư viện di động, nhà dưỡng lão, cô nhi viện, v.v. tất cả những việc gì liên quan đến xã hội và công cộng đều giao cho giáo đoàn gánh vác, đại chúng chỉ nên ủng hộ, chớ có gây trở ngại. Nhà ăn “Trích thủy phường” hãy thực hiện tinh thần “nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng” trở nên tốt đẹp hơn nữa. Nếu hữu duyên, đại chúng hãy thường đến lễ bái Phật quang tổ đình chùa Đại Giác tại Nghi Hưng.

Tôi trân trọng tất cả những sự nghiệp về văn hóa giáo dục và công ích xã hội, do đó, lập ra một quỹ giáo dục công ích, hiện nay đã có hơn một tỷ, ngoài số ít do tín chúng phát tâm quyên góp, phần lớn đều là tiền nhuận bút và bán tranh thư pháp “Nhất bút tự” từ thiện tích góp được. Sau này, các vị trưởng lão hãy cố gắng duy trì, cũng hy vọng nhân sĩ Phật giáo hoặc người công ích nhiệt tâm đều tham gia vào, để quỹ công ích lớn mạnh, tạo phúc cho toàn nhân dân rộng rãi hơn, góp nên một dòng suối trong mát len lỏi vào xã hội quốc gia.

 Hiện nay đã có Giải thưởng về cống hiến truyền bá chân thiện mỹ, Giải thưởng trường ba tốt, Giải thưởng Tinh Vân văn học Hoa văn toàn cầu, Giải thưởng Giáo dục Tinh Vân, v.v. nếu kinh tế trong phạm vi cho phép, tương lai có thể thiết lập thêm nhiều hạng mục khác. Chúng ta phải không ngừng vun bón chất dinh dưỡng cho gốc cây xã hội, tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm và sứ mệnh mà mỗi một người đệ tử Phật không thể khước từ hay thoái thác.

Về phương diện giáo dục, sẽ có những khoản chi khổng lồ, như trường đại học và trung học mà thường trụ đang sáng lập. Nếu hữu duyên, hãy trao tặng vô điều kiện cho người đủ nhân duyên quản lý, không được phép đem ra buôn bán. Vì nếu bán trường bán lớp, vậy biết ăn nói thế nào với người quyên góp mở trường? Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của Phật Quang Sơn, sẽ tạo cơ hội cho dân chúng phê bình và chỉ trích. Nếu có sáng lập những đoàn thể hỗ trợ phát triển văn hóa và giáo dục cho Phật Quang Sơn, cần lượng sức mà giúp đỡ, để những người có tâm càng đoàn kết một lòng hơn nữa. Nếu có những lời khuyên bổ ích, thậm chí là phê bình, chỉ cần xuất phát từ thiện ý cũng không nên từ chối, phải mở lòng tiếp thu với tinh thần vui mừng được nghe góp ý. Chúng ta phải học cách tiếp nhận ý kiến và quan điểm của mọi người, họ mới ủng hộ và tán thành mình trong nhiều phương diện.

Tôi thường trông tín chúng nhóm làm vườn cắt cỏ chăm hoa, nhìn chúng đồng đạo nhóm bảo vệ môi trường phân loại và thu hồi tài nguyên, thấy nhóm kĩ thuật sữa chữa công trình, phục vụ giám viện, chăm lo chăn gối và cơm nước, cho đến hương đăng, điện chủ trên điện đường, họ đều bỏ công sức, nhiệt tâm nhiệt tình và chịu nhọc chịu khó, quả thực là nguồn động lực thành công của Phật Quang Sơn, tôi chỉ biết cảm động và cảm ơn vô cùng tận. Nếu không có sự phát tâm của đại chúng, làm sao có được Phật Quang Sơn như ngày hôm nay? Về sau, hãy đào tạo và huấn luyện nhiều hơn về các phương diện tiếp đãi khách khứa, quan tâm tín đồ và người tham gia việc tình nguyện, để giáo đoàn của chúng ta ngày một hoàn thiện và tốt đẹp hơn nữa.

Do đó, tinh thần “tạo nên từ tập thể” phải luôn mãi mãi như thế, hãy kiên trì hết sức mình, đó cũng là tâm nguyện cả đời của tôi. Bởi lẽ, trên thế gian này chẳng có ai đơn độc tồn tại riêng một mình, nên mọi người cần phải hỗ trợ nhau, kính trọng nhau, cộng tồn cộng vinh. Như thế mới hiểu được tinh thần cốt lõi của Phật giáo, thà rằng tự thân nhẫn nại hy sinh, chớ để thường trụ và đại chúng chịu tổn thất.

Vị tiền bối cùng quê với tôi là Đại sư Giám Chân triều nhà Đường, đã phải trải qua bao nhiêu gian nan trắc trở mới đến được Nhật Bản để hoằng pháp và lan tỏa văn hóa. Khi tuổi tác đã tầm 75, ngài tự biết trở về cố hương là điều vô vọng, nên mới viết lại bài kệ di huấn rằng:

“Dẫu sông núi quê người

Nhật nguyệt chung bầu trời

Gửi gắm đệ tử Phật

Cùng kết duyên đời sau”.

Dòng đời của kiếp người như mọi dòng sông đều sẽ chảy về hướng Đông, rồi sẽ có một ngày nào đó trở lại, kiếp sống này viên mãn, sẽ là khởi đầu cho một kiếp sống khác.

Con người không thể sống độc lập một mình ở thế gian, đời sống cũng cần nhận sự cung ứng của sĩ nông công thương, để tồn tại cũng cần đến trợ duyên của đất nước gió lửa. Trong thế giới tự nhiên mênh mông, nhật nguyệt tinh tú, sông núi đất đai cũng đều là sinh mệnh của chúng ta. Vậy nên, mọi người phải quý trọng và nâng niu quả địa cầu mà chúng ta đang sinh tồn, phải giúp đỡ tất cả chúng sinh đang cùng sống trên quả địa cầu này. Bởi vì họ đều là những người đã từng cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta, đều có ơn huệ đối với chúng ta. Ai cũng đều đang sống trong vòng nhân duyên, nên hãy nương tựa nhau và hỗ trợ cho nhau.

Bất kỳ ai trong chúng ta đều là “sinh ra chẳng mang gì đến, chết đi cũng chẳng mang theo được gì”, nhìn lại cả cuộc đời mình, tôi cũng không rõ mình đã mang đến gì cho nhân gian. Nhưng tôi đã mang đi biết bao nhiêu niềm hoan hỉ, biết bao nhiêu thiện duyên từ nhân gian. Rất khó để quên bao nhiêu vị tín đồ đã hỷ xả vì tôi, đã hộ trì cho tôi, bao nhiêu đồng môn đã cầu chúc cho tôi. Tôi cũng sẽ không bao giờ quên mọi trợ duyên từ lâu đã khắc cốt ghi tâm. Ân đức của Phật, tình nghĩa mà mọi người dành cho tôi đời này quả thật mênh mông và bao la biết nhường nào, nên tôi càng phải sống có giá trị hơn nữa đối với nhân gian, đối với cuộc đời này. Nguyện đời đời kiếp kiếp tôi sinh ra đều có thể hiến dâng cho Đức Phật, phục vụ cho chúng sinh, hầu đền đáp bốn ơn sâu nặng.

Có lẽ bây giờ tôi mang đi sự tôn trọng mà mọi người dành cho tôi, đem theo những phúc duyên mà mọi người đã trao cho tôi, đem đi những sự quan tâm mọi người đã dành cho tôi, đem luôn cả những phần tình nghĩa giữa các vị với tôi, nhưng trong tương lai chắc chắn tôi sẽ trả lại và đền bù cho các vị gấp bội phần.

Những lời mà tôi đã từng bày tỏ:

“Do tập thể làm nên

Chế độ của lãnh đạo

Phi Phật pháp không làm

Chỉ nương vào chính pháp”.

Hoặc như nói kệ truyền pháp:

“Hạt bồ-đề Phật Quang

Gieo rải đến năm châu

Khi khai hoa kết trái

Tỏa sáng khắp thiên hạ”.

Chỉ có mấy lời mong đại chúng ghi lòng tạc dạ và thực hành thực tiễn. Tôi gọi đó là “Nơi nào có Phật pháp, nơi đó có biện pháp”. Nếu đã là tín chúng của tôi, hãy thực hành từ bi, hỉ xả, kết duyên, báo ân, hòa thuận, chính phái, phục vụ, đúng pháp, chân thành, nhẫn nại, công bằng, chính nghĩa, phát tâm, hành Phật (uy nghi và phẩm đức như Đức Phật, tu hành theo dấu chân của Đức Phật). Những điều này đều là Phật pháp, nếu thực hiện được thì chắc chắn có biện pháp.

Cả cuộc đời tôi mặc dù va chạm và đối mặt với đủ loại khảo nghiệm và thử thách của thời đại cũ, nhưng tôi vẫn luôn thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc, tôi từng trải và hưởng đầy đủ những khổ sở, hoạn nạn, nghèo cùng, phấn đấu và thấu hiểu được tính “không”. Tôi cũng lĩnh hội được “tứ đại giai hữu”, tôi nghĩ rằng cuộc đời này “bốn mùa khai hoa”, bởi vì Đức Phật và tín chúng đã cho tôi quá nhiều thứ. Dẫu rằng sứ mệnh của người xuất gia đã định trước sẽ hy sinh tất cả sự thụ hưởng, nhưng thật ra chúng ta cũng hưởng thụ được niềm vui vi diệu từ sự hy sinh và cho đi. Tôi tự cảm nhận rằng mình đã tận hưởng không hết những gì gọi là “thiền duyệt pháp hỷ” trong Phật pháp rồi.

Chặn đường cuối cùng của cuộc đời, khi ra đi tôi sẽ không có xá-lợi, tất cả những lễ nghi rườm rà phức tạp cũng đều miễn trừ hết. Chỉ cần viết ra mấy lời đơn giản, hoặc có lòng hoài niệm về tôi, cũng có thể xướng tụng Phật khúc “Nhân gian âm duyên”. Nếu như trong tâm đại chúng có Phật giáo nhân gian, hãy thường xuyên thực hành Phật giáo nhân gian. Tôi nghĩ, đây có lẽ là sự hoài niệm tuyệt vời nhất đối với tôi, cũng là điều duy nhất mà tôi thật tâm mong chờ.

Điều vướng bận cuối cùng trong lòng tôi, chính là hạnh phúc và an lạc của tín chúng, hãy chú trọng trường đại học đã sáng lập tại các nơi trên thế giới, đây là nền tảng của chúng ta. Đại chúng của Phật Quang Sơn, nhất là thầy trò tại Tùng lâm học viện, tương lai của họ chính là hạt giống bồ-đề của Phật Quang Sơn mai sau. Chỉ khi nào họ trở nên kiện toàn hoàn thiện và đủ sự phát tâm, Phật giáo nhân gian mới có thể trường cửu với trời đất, cùng tồn tại với đại chúng.

Cột cờ pháp không được phép nghiêng đổ, ngọn đèn trí tuệ không được phép lụi tàn.

Nguyện cho tất cả mọi người vững chân tiến bước trên lối đi đại lộ của Phật giáo nhân gian, hãy khích lệ dẫn dắt nhau, cùng nhau trân trọng và giữ gìn giáo pháp.

Điều sau cuối tôi muốn nói:

“Tâm ôm ấp nguyện từ bi độ chúng

Chẳng vướng bận thuyền, thân như biển pháp

Hỏi tôi cầu gì chăng ở cuộc đời?

Bình an, hạnh phúc tỏa khắp năm châu”.

Liêu Khai sơn tại Phật Quang Sơn

Hòa thượng Tinh Vân.

(Thích Thanh Phong, Thích Quảng Lâm kính dịch)/ Báo Giác Ngộ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển

Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024

Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.

Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y

Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024

Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.

Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”

Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024

Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.

Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết

Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024

Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.

Xem thêm