Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 25/02/2021, 15:00 PM

Mạc Cao – Đôn Hoàng: Thạch động Phật tích qua nghìn năm dâu bể

Đôn Hoàng, nằm ở phía Tây tỉnh Cam Túc và phía Đông sa mạc Taklamakan, là một địa danh rất quan trọng trong lịch sử Phật giáo và cương vực Trung Quốc.

Đôn Hoàng - Điểm hội tụ lịch sử 

Đôn Hoàng - Di sản thế giới được UNESCO công nhận này là minh chứng cho hàng nghìn năm trao đổi văn hóa, nghệ thuật cũng như sự phát triển rực rỡ của Phật giáo qua con đường tơ lụa.

Trong đó, quần thể hang động Mạc Cao, cách Đôn Hoàng khoảng 25km về phía Đông Nam, trở thành kho lưu trữ những tư liệu về đời sống tôn giáo, nghệ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội Phật giáo của vùng đất này.

Các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy hơn 2.000 năm trước Công nguyên, Đôn Hoàng đã có dấu vết con người sinh sống, rất có thể là tổ tiên người Khương theo sử liệu Trung Quốc. Đây cũng là quê hương người Nguyệt Chi được Tư Mã Thiên nhắc đến trong Sử Ký. Danh xưng Đôn Hoàng có thể là tên Hán hóa của dân tộc Tukhara từng sinh sống rộng khắp vùng Trung Á và thuộc một nhánh người Nguyệt Chi. Đến thế kỷ III Trước công nguyên, vùng đất này nằm dưới sự cai quản của dân tộc Hung Nô, rồi rơi vào tay nhà Hán sau cuộc chiến năm 121 Trước công nguyên.

Kỳ quan vĩ đại của Phật giáo tại Cam Túc

Quang cảnh chính diện của hang Mạc Cao

Quang cảnh chính diện của hang Mạc Cao

Đôn Hoàng được Hán Vũ Đế thiết lập như một trọng điểm chiến lược vào năm 111 Trước công nguyên để mở rộng sức mạnh quân sự và thực thi những lợi ích thương mại. Triều đình đưa người từ trung nguyên đến định cư và đóng quân để bảo vệ, khai phá đất đai. Từ đó, Đôn Hoàng trở thành một tiền đồn quan trọng. Là cửa ngõ đến Trung Á, nơi đây phát triển thành trung tâm thương mại chuyên buôn bán các sản phẩm từ văn minh Trung Hoa như: thảo dược, gia vị, rượu, thảm, gỗ trầm, lụa, gốm sứ… Vì nguồn lợi lớn, nhiều cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra giữa nhà Hán và các triều đại kế tục với những tộc người khác nhằm kiểm soát tuyến huyết mạch kinh tế này.

Từ đầu Công nguyên, Đôn Hoàng ngày càng trở nên sầm uất. Dựa vào sử liệu còn sót lại, ta có thể khái lược về khu vực này như sau: Vạn Lý Trường Thành mở rộng đến Đôn Hoàng và một số tháp canh xuất hiện xa hơn về sa mạc phía tây. Đến thế kỷ II, Đôn Hoàng đã có hơn 7 vạn dân cư sinh sống. Nơi đây trở thành cứ địa chính cung cấp lương thực và nước uống cũng như chỗ dừng chân cho các đoàn lạc đà trong khu vực. Các hang động Phật tích đầu tiên ở Đôn Hoàng ra đời khoảng giữa thế kỷ IV.Nằm ở vị thế cửa ngõ ra Tây Vực và cách xa kinh sư, Đôn Hoàng trở thành điểm lý tưởng để nhiều trí thức cùng giới quý tộc Trung Hoa lánh nạn trong cơn biến loạn từ thế kỷ III đến thế kỷ VI. Kết hợp với luồng giao thương tăng mạnh ở bên ngoài, triết học và tôn giáo Ấn Độ tìm được điểm dừng chân thích hợp ở đây trước khi tiếp cận trung tâm văn minh Trung Hoa.Vào thế kỷ III, ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) gốc Nguyệt Thị, đã hành đạo rất tích cực ở Đôn Hoàng trước khi đến Trường An và Lạc Dương, chuyên thuyết giảng và dịch nhiều bản kinh cho đại chúng với biệt hiệu “Bồ Tát Đôn Hoàng”. Ngài Trúc Pháp Phong (Dharmaksema), một dịch giả Phật giáo khác cũng từng lưu trú ở đây vào thế kỷ V.

Dịch giả Phật giáo quan trọng nhất thời kỳ đầu là Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) từ Kucha (Diêu Tần), đã hành đạo tại Đôn Hoàng trước khi đến Trường An. Từ đó, những phái đoàn truyền đạo và những người hành hương Phật giáo nhập Trúc cầu pháp trong hành trình thỉnh kinh, chiêm bái các thánh tích Phật giáo Ấn Độ cũng đã đi ngang qua đây. Một cộng đồng Phật giáo hình thành ở Đôn Hoàng và những kiến trúc Phật giáo như: chùa, tháp được kiến tạo. Một loại kiến trúc mới – kiến trúc chùa hang động cũng được hưng khởi, tiêu biểu là quần thể hang Mạc Cao.

Quần thể hang Mạc Cao - Phật ngọc của Đôn Hoàng

Hang Mạc Cao hay hang động Ngàn Phật hoặc Thiên Phật động là hệ thống 492 tự viện, cách Đôn Hoàng 25km về phía Đông Nam, thuộc tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) ngày nay. Các nhà khảo cổ cho biết hang động sớm nhất được du tăng Lạc Tôn kiến tạo vào năm 366. Theo tác phẩm Phật Khám Ký của Lý Quân Tu thời Đường, khi đến ngọn núi này, sư Lạc Tôn bất chợt nhìn thấy những sắc vàng phát ra như thể hàng nghìn vị Phật xuất hiện trên vách núi. Cho là điềm lành, ông sửa sang lại một hang động và an trú tại đây trong thời gian dài.

Sau ông, nhà sư Pháp Lương đã trang hoàng hang động thứ hai gần kề hang của Lạc Tôn. Ngàynay, các nhà khảo cổ chưa thể xác định vị trí chính xác của hang động này. Triều đại Bắc Lương (397-439) đã phái một số tăng sĩ và đóng góp nhân tài, vật lực cho công cuộc cải tạo các hang động ở Đôn Hoàng nói chung và khu vực Mạc Cao nói riêng. Giới quý tộc nhà Bắc Ngụy (386-534) và Bắc Chu (557-581) thường chiêm bái các thạch động Phật tích ở Mạc Cao, đánh dấu bước phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc khi giáo lý Phật đà được triều đình tôn sùng.

Đến thời nhà Đường, số lượng hang động Mạc Cao được tu bổ thành thạch tự tăng lên hàng nghìn. Các bức bích họa và kiến trúc giao thoa giữa văn hóa Tây Vực với Trung Hoa thịnh hành khắp khu vực. Những bích họa ở đây phần lớn đều mang đề tài Phật giáo. Các bức vẽ liên hoàn theo cốt truyện kinh Phật và sử tích Phật giáo, kết hợp những truyền thuyết cùng nhân vật lịch sử về Phật giáo Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Ngoài ra, bích họa các thời đại đã phản ánh đời sống xã hội, trang phục, đồ trang sức, tạo hình kiến trúc cổ đại và âm nhạc, múa, xiếc. của các tầng lớp lẫn dân tộc lúc bấy giờ.

Những bức bích họa được các sư thầy khắc lại trên các bức tường đá

Những bức bích họa được các sư thầy khắc lại trên các bức tường đá

Phật tử đến đây hành lễ không chỉ giới hạn trong lớp quý tộc các vương triều mà còn có bình dân và thương nhân. Một số hang động được sử dụng để tu tập thiền định, một số khác làm nơi giảng pháp. Đến cuối thời nhà Đường, vương triều Tây Tạng kiểm soát Đôn Hoàng và toàn bộ quần thể thạch tự hang Mạc Cao, bắt đầu tôn tạo theo xu hướng Mật giáo.

Sự phồn thịnh của Phật giáo ở Đôn Hoàng nói chung và Mạc Cao nói riêng còn thể hiện qua số lượng tư liệu, khi có hơn 15 nghìn quyển sách và hơn 5 vạn bản thảo ra đời tại đây từ năm 406 đến năm 1002. Chủ đề các tài liệu này vô cùng phong phú, từ kinh điển Phật giáo Bắc tông và Nam tông, những văn bản tôn giáo khác (Cảnh giáo, Mani giáo, Islam, Do Thái giáo) đến luận thuyết triết học đương thời cùng nhiều văn bản hành chính của các vương triều. Nhiều thế hệ tăng sĩ Phật giáo đã ra sức thu thập, chỉnh lý và bảo quản những văn bản này. Đó là đóng góp văn hóa – lịch sử không tài nào kể xiết vì có một số văn bản cực kỳ quý giá, tưởng như thất lạc đã được tìm thấy ở Mạc Cao.

Đôn Hoàng với những kho báu vô giá bị bỏ quên

Sau khi nhà Đường diệt vong (907), vị thế Đôn Hoàng bắt đầu suy yếu. Tuy vậy, các hang động mới vẫn tiếp tục được khai thác cho hoạt động Phật sự suốt thời Ngũ đại Thập quốc và lưỡng Tống. Đến cuối thế kỷ XIII, những cuộc chinh phạt liên miên của người Ả Rập, người Turk và đế quốc Mông Cổ làm sụp đổ cơ cấu quyền lực chính trị và kinh tế khu vực, khiến vai trò trọng yếu của con đường tơ lụa trên bộ nối liền Trung Hoa với phương Tây qua các lộ tuyến Trung Á bị thu hẹp dần. Đồng thời, hải lộ kết nối Ấn Độ Dương và Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ, giúp thương nhân Đông-Tây có thể chuyên chở lượng hàng hóa lớn hơn, chi phí và độ rủi ro thấp hơn so với đường bộ truyền thống. Những yếu tố này khiến vị thế cửa ngõ của Đôn Hoàng mai một và dân cư nơi đây dần phiêu tán. Thế kỷ XIV đánh dấu sự biến mất của Đôn Hoàng trên bản đồ quyền lực khu vực.

Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đoàn thám hiểm châu Âu bắt đầu quan tâm nghiên cứu con đường tơ lụa và các đô thị bị lãng quên ở Trung Á. Họ tình cờ băng qua Đôn Hoàng và ấn tượng sâu sắc với những bức bích họa, tượng, vật tạo tác của tiền nhân như thạch bi Tốc Lai Man thời nhà Nguyên. Ước tính bấy giờ, Đôn Hoàng sở hữu khoảng 46.000 mét vuông bích họa trong các thạch động. Một số người Trung Quốc như đạo sĩ Vương Viên Lục vốn trông nom đạo quán ở Mạc Cao đã hợp tác với các nhà thám hiểm châu Âu.

Tình trạng bảo quản tư liệu và bích họa ở Mạc Cao tương đối tốt, đặc biệt trong các hang động bị niêm phong hoặc bị sa mạc che lấp. Năm 1904, quan lại bản địa của Thanh triều đã rao bán lượng lớn tài liệu và vật phẩm từ các hang Mạc Cao. Nhiều đoàn khảo cổ của Aurel Stein, Paul Peilliot, Otani Kozui, Sergei F. Oldcburg…. đã mua lại các bảo vật vô giá ấy. Công trình khảo cứu sớm nhất về Đôn Hoàng lẫn quần thể hang Mạc Cao do La Chấn Ngọc – học giả Trung Quốc kỳ cựu – xuất bản năm 1909, nhan đề “Bản thảo của hang động Đôn Hoàng”. Suốt hai thập niên 1910 đến 1930, tình trạng bất ổn chính trị khiến nỗ lực bảo vệ Đôn Hoàng khỏi sự cướp bóc kém hiệu quả. Mãi đến năm 1941, Trung Quốc mới bắt đầu bình ổn được khu vực này.

Năm 1961, Trung Quốc đặt Đôn Hoàng dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt và công cuộc phục hồi, tôn tạo những bức bích họa, lưu trữ bản thảo ở quần thể hang Mạc Cao được duy trì liên tục đến nay. Hiện nay, dưới núi Tam Nguy đối diện Mạc Cao, người ta đã xây dựng Trung tâm trưng bày nghệ thuật Đôn Hoàng, mô phỏng lại một số hang động trước đây, vừa bảo tồn văn vật, vừa mang lại nội dung phong phú hơn cho khách thập phương tham quan. Trong số hàng nghìn hang động được tôn tạo, còn 735 hang động tồn tại ở Mạc Cao, đặc biệt có giá trị là 487 hang động ở phía Nam. Vị thế của Đôn Hoàng từ cửa ngõ tiếp dẫn Phật giáo trong thời trung đại, giờ đã trở thành trung tâm bảo tồn những tư liệu vô giá của nhân loại.

Chú thích:

1. Sử cũ gọi là Tháp Khắc Lạp Mã Can.

2. Lin Meicun (1998), The Western Regions of the Han-Tang Dynasties and the Chinese, Wenwu Chubanshe, Beijing, pp.64-67.

3. Judy Bonavia (2004), The Silk Road From Xi’an to Kashgar, Odyssey Publications, p.162.

4. Stuart Murray (2009), The Library: An Illustrated History, Skyhorse Publishing. p.49.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Học Phật giản đơn

Kiến thức 08:00 22/11/2024

Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.

“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”

Kiến thức 16:50 21/11/2024

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Xem thêm