Một lần về thăm Vĩnh Nghiêm
Về Bắc Giang với ước muốn một lần được tham bái ngôi cổ tự Vĩnh Nghiêm, một lần được đảnh lễ tôn tượng ba vị Tổ sư Trúc Lâm Thiền phái. Tâm nguyện quý Sư cô trong đoàn chúng tôi là vậy và cũng sớm thành hiện thực vào những ngày cuối xuân khi tiết trời xứ Bắc còn se sắt lạnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngôi chùa hình thành vào thời vua Lý Thái Tổ (1009- 1028) có tên Chúc Thánh tự. Đến đời Trần Nhân Tông (1278- 1293) nhân một chuyến nhà vua đi tuần du, cảm cảnh sông núi hữu tình, lại biết chùa thường có các vị cao Tăng tu niệm, thế là Ngài liền cho trùng tu mở rộng và đặt tên là Vĩnh Nghiêm. Về sau Tam Tổ thiền phái Trúc Lâm là Hương Vân Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) Pháp Loa và Huyền Quang cũng đến đây tu hành rồi phát triển thành một trung tâm Phật giáo lớn, là nơi đào tạo Tăng đồ, sắp đặt Tăng chức cho tu sĩ cả nước. Phật tử quanh vùng trở về tu tập rất đông dưới sự hướng dẫn của chư vị Thiền sư nhập thế hành đạo. Trải qua thời gian, Vĩnh Nghiêm đã là một đại danh lam, có vị trí rất đặc biệt trong lịch sử Phật giáo nước nhà.
…Trước khi vào điện Tam Bảo lễ Phật lễ Tổ, mọi người dừng lại bên ngoài khuôn viên chùa ngắm nhìn những tán cây cao tỏa đầy bóng mát. Thật nhiều cảm xúc khi đứng dưới cội đa già có tuổi thọ hơn 700 năm, và kia là cây hoa Đại cổ thụ, hoa Nhập Nhân… cũng góp mặt chừng ấy thời gian để rồi nghiễm nhiên trở thành những chứng nhân đặc biệt nơi vùng đất linh thiêng này. Cảnh trí quả là thanh bình u tịch. Bên góc sân, tấm biển có mái che ghi dòng chữ lớn như để mời gọi mọi người vào tham quan tìm hiểu “Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt – Chốn Tổ đình – Vĩnh Nghiêm Tự” Gần đấy một tấm bảng lớn với lời giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ mọi quá trình hình thành về ngôi Già Lam một thời hưng thịnh“… Trải qua gần một thiên niên kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, công trình kiến trúc hiện nay của chùa Vĩnh Nghiêm là sản phẩm của hai triều đại Lê Trung Hưng và triều Nguyễn. Để đáp ứng nhu cầu thờ Phật và nơi đào tạo Tăng đồ của cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn. Các cụm kiến trúc được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật, dàn trải theo một trục dọc và theo trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc thành năm tổ hợp kiến trúc chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà Tổ đệ nhị, khu vườn tháp… ”.
Ngôi cổ tự có niên đại cả ngàn năm lịch sử, là nơi phát tích của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là chốn Tòng Lâm có số đông quần chúng tìm đến học đạo hành thiền. Ấy vậy mà, trải qua nhiều thế kỷ đổi thay dâu bể… chốn Tổ còn đây mà người trở về sao lại quá thưa vắng. Mùa xuân sắp đi qua và đợt dịch bệnh vừa bùng phát hẳn là lý do cho sự vắng vẻ này. Nhưng dường như không phải vậy. Người bác của một Sư cô trong đoàn vốn là dân bản địa đã lên tiếng giải thích:
– “Chùa Vĩnh Nghiêm trước đây đóng vai trò tiền trạm, là cửa ngõ cho khách thập phương ghé vào nghỉ chân trước khi vượt sông leo núi lên Yên Tử (Quảng Ninh). Ngày nay do vị trí chùa không nằm trong các tuyến đường giao thông chính nên Vĩnh Nghiêm ít được mọi người quan tâm biết đến. Có lẽ vì thế, mà chùa luôn giữ được sự tĩnh lặng yên bình. Ngày trước, sơ Tổ Trúc Lâm là Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã nhận ra nơi chốn tâm linh này mãi được tôn nghiêm vĩnh cửu nên Ngài đặt tên là Vĩnh Nghiêm. Gần một thiên niên kỷ đi qua, thời cuộc biến động, chiến tranh rồi thiên tai đã tàn phá nhiều ngôi cổ tự quanh vùng Kinh Bắc, nhưng chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Hiện tại, chùa lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý hiếm như hằng trăm pho tượng Phật bằng gỗ, hoành phi câu đối, tranh, bia đá… Trong đó, nổi bật là 3.050 bản ván gỗ khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao Tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian… Những bảng mộc bản này được lưu giữ cẩn thận, là báu vật quốc gia có giá trị nghệ thuật vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới. Năm 2015, chùa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt… ”
Chúng tôi theo chân người bác vào điện Tam Bảo lễ Phật và chiêm bái các pho tượng Phật tượng Bồ tát được tạc từ thời Pháp Loa nhị Tổ. Tiếp đến là nhà Tổ đệ nhất, nơi thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Vẻ cổ kính uy nghiêm của nơi thờ tự cùng nét từ hòa thông thái toát ra từ tôn tượng của quý Ngài… khiến cho kẻ hậu sinh vừa bước đến có cảm giác như đang quỳ lạy nhục thân hiện hữu của chư vị Tổ đức…
Mọi người được hướng dẫn qua bên Thượng điện, nơi bài trí các kệ tủ đựng mộc bản. Kệ tủ khóa kín nên chúng tôi chỉ nhìn được qua khung cửa gỗ và như thế cũng đủ cho một lần “Mục sở thị” với công trình độc đáo mà tiền nhân đã sáng tạo lưu truyền để hậu thế chúng ta có niềm tự hào về một di sản thế giới. Với kho tàng mộc bản để lại không chỉ giúp cho giới tu sĩ có được nguồn tư liệu quý giá để học tập kinh điển và giảng dạy Phật pháp, mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà chuyên môn nghiên cứu đánh giá quá trình ý thức tự chủ về tư tưởng, văn hóa của dân tộc trong việc chủ động sử dụng chữ Nôm thay cho chữ Hán.
Có đến mới thấy, có thấy mới hiểu. Là cơ duyên, là tầm nhìn tinh tế của một vị minh quân-anh hùng dân tộc và vị Tổ đầu tiên sáng lập ra Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, vua Trần Nhân Tông đã nhận ra nơi đây sẽ trở thành một chốn Tòng Lâm tôn nghiêm trường cửu. Nằm ở vị trí đắc địa, mặt trước nhìn ra ngã ba sông, mặt sau có núi non hùng vĩ bao bọc… chùa Vĩnh Nghiêm là nơi hội tụ sinh khí tốt lành để chư vị cao Tăng thiền đức chọn làm chốn yên tu tĩnh ngộ. Và đây cũng là trường đại học đầu tiên đào tạo hàng Tăng sĩ xuất gia làm rường cột cho đạo pháp ngày sau. Vĩnh Nghiêm còn là trung tâm truyền bá Thiền học để hàng thiện tín xa gần tìm đến hành thiền tu tập.
Hơn 7 thế kỷ đã đi qua, Vĩnh Nghiêm gắn liền với những thăng trầm của lịch sử nước nhà. Lịch sử bao lần sang trang nhưng ngôi chùa Tổ thì vẫn còn đó, dù không còn là trung tâm Phật giáo nhưng nề nếp quy củ thiền môn luôn vẫn được duy trì phát triển. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cùng tên chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay đã có mặt trên cả ba miền đất nước, lan tỏa ra khắp khu vực và các vùng châu lục xa xôi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm