Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 03/11/2016, 10:05 AM

Một ngọn núi, ba con đường (P.1)

Ba con đường đó tuy ở chân núi là ba, nhưng khi tới đỉnh chỉ có một đỉnh núi, một ngôi chùa, một đức Phật thôi. Ba con đường đó tôi tạm ví dụ cho ba tông phái trong đạo Phật: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thuở xưa có một ngọn núi, trên đó có thờ đức Phật trong một ngôi chùa rất linh thiêng, mầu nhiệm. Ai lên tới đó, vào chùa lễ Phật thì xin gì được nấy. Nhưng đường lên núi rất khó đi, lại có đến ba con đường A, B, C. Người mạnh chân đi con đường A, ai yếu hơn một chút đi con đường B, ai yếu quá thì theo đường C.

Có một đoàn người muốn leo lên núi lễ Phật, họ chia làm ba. Nhóm đi hướng A, nhóm đi hướng B, nhóm đi hướng C. Nhóm đi hướng A leo lên núi không cần gậy. Nhóm đi hướng B và C mỗi người dùng cây gậy tùy sức mạnh yếu. Cả ba nhóm vừa tới chân núi thấy sỏi đá ở đây có màu sắc long lanh đẹp quá, người nào cũng hốt đầy bao, vác lên vai leo núi.
 
Thấy họ làm chuyện quái gở, một người thông minh tới bảo: Các anh muốn leo tận chót núi thì đừng đeo mang gì hết. Vì đeo mang nặng nề sẽ không tới đỉnh núi được. Thế nhưng các người kia tiếc những hòn đá đẹp nên cứ mang. Đi một đổi có người nặng quá leo không được, đổ mồ hôi thở hào hển, mệt quá cuối cùng tuột xuống núi. Có người tiến bộ hơn, thấy bao nặng quá, họ xúc đá bỏ ra bớt nhưng còn tiếc nên không dám bỏ hết. Leo một đoạn mệt quá, xúc bỏ thêm mớ nữa nhưng không nỡ bỏ hết, nên lên tới lưng chừng núi không đi nổi. Người thứ ba sáng suốt hơn, ban đầu cũng vác một bao nặng như ai, nhưng khi thấy nặng quá liền nhớ lại lời của người thông minh nhắc. Muốn lên tới đỉnh núi phải bỏ hết bao đá đi, người này can đảm quăng cái bao xuống đất, một mình đi thong dong lên tới đỉnh núi. Tới nơi, vào chùa lễ Phật và tất cả nguyện vọng đều được như ý. Đó là nhóm thứ nhất.

Nhóm thứ hai tuy có gậy, nhưng có những người vì tiếc đá không nỡ bỏ, nên nửa chừng cũng tuột trở lại. Người bỏ chút chút cũng không tới đỉnh núi. Chỉ người nào can đảm bỏ hết đá mới leo tới đỉnh.

Ba con đường, ba nhóm người đều có những tâm trạng giống hệt nhau. Khi đi thì đông nhưng tới đỉnh núi chỉ được đôi ba người. Ai cũng có nguyện vọng lên tận đỉnh núi lễ Phật và được điều như ý. Thế mà đi không tới nơi, có đáng tiếc không. Lỗi ấy tại ai? Tại tiếc ba thứ sỏi đá.

Bây giờ tôi hợp pháp câu chuyện trên. Ngọn núi là chỉ con đường tu của chúng ta. Từ khi khởi đầu cho đến đỉnh núi là kết thúc. Kết quả việc tu hành là chúng ta đến được chỗ mình ước mơ trông đợi. Đức Phật trong chùa tức là ông Phật của chính chúng ta. Tới đó rồi thì mãn nguyện, muốn gì được nấy. Đó là ý nghĩa ngôi chùa có đức Phật trên đỉnh núi.

Còn ba nhóm người cùng leo núi. Nhóm thứ nhất có sức mạnh, leo núi không cần gậy, nhưng vì tiếc ba cục đá trong bao nên leo nửa chừng trở lùi, người hơn một chút cũng trở lùi, chỉ có người can đảm buông bỏ hết đá thì lên tận đỉnh núi. Những người can đảm đó là những người khôn ngoan, biết nghe lời người thông minh nhắc.

Bao đá sỏi là gì? Đó là phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Phật dạy muốn tu đến nơi đến chốn thì không nên chứa mấy thứ đó. Chúng ta ai không muốn thành Phật, mà bảo bỏ mấy thứ đó lại không chịu bỏ. Tại sao lạ vậy, tham sân si có tốt không? Ai cũng chê cũng ghét nó, nhưng không biết vì sao tiếc, bỏ không được. Chính cái đó ta tự lấp vào nên mình có quyền bỏ đi. Đâu có đấng nào bắt ta phải giữ. Tự mình có quyền bỏ nhưng lại không chịu bỏ, thử hỏi chúng ta thông minh tới bậc nào? Khi nói tu ai cũng hăm hở quyết chí tu thành Phật, nhưng những thứ đáng bỏ lại không chịu bỏ, cứ mang theo hoài. Nếu ráng lắm thì bỏ chút chút thôi, bỏ chút chút làm sao đủ sức leo tới đỉnh núi được.

Qua hình ảnh thí dụ trên, chúng ta thấy sự tu hành của mình lôi thôi quá. Ước nguyện một đường mà thực hành một ngả. Có người nói càng tu càng sanh phiền não. Lỗi tại ai? Tại mình chứa phiền não, nên càng leo cao chừng nào càng nhọc nhằn chừng ấy. Muốn đi đến tận chót núi chúng ta phải xả hết những thứ lôi thôi nặng nề trì trệ đó. Buông hết thì nhất định thong dong lên tới đỉnh núi. Thế thì ngang đây chúng ta có thể làm theo người thông minh buông hết, để lên núi hay tiếc những thứ vô ích, vô nghĩa đó?

Tất cả chúng ta nếu thật tình thông minh, có trí tuệ thì trên đường tu chắc chắn sẽ được mãn nguyện. Nếu đeo mang những thứ vô ích, vô nghĩa không dám bỏ thì e rằng đời này, đời khác không biết chừng nào xong. Có lắm phật tử nói rằng, nhẫn nhịn quá người ta nói mình ngu. Vì vậy nhịn một phần thôi, chừa lại một phần. Giống như kẻ tiếc sỏi đá bỏ không hết, bỏ ít ít còn một mớ mang theo. Họ không biết còn mang một chút là lên tới chót núi không được.

Chúng ta phải can đảm biết những gì ngăn trở con đường tiến của mình thì phải vất bỏ luôn, không thèm ngó tới nữa. Như vậy mới thong dong tự tại leo tới đỉnh núi. Buông xuống là khỏe hay mang đi là khỏe? Cái rất khỏe mà tại sao không làm? Lạ lùng chưa! Thật lạ lùng, ai cũng biết cái nặng nề trì trệ lôi kéo mình, vứt nó rồi thì thong dong nhẹ nhàng nhưng vẫn không nỡ vứt. Bởi vậy Phật mới thương chúng sanh si mê quá, những cái không đáng làm, không đáng giữ mà cứ giữ. Vì vậy tu hoài vẫn không có kết quả. Đó là điều hết sức rõ ràng.

Bây giờ phật tử muốn làm người tỉnh hay người mê? Ai cũng muốn làm người tỉnh. Đã muốn làm người tỉnh mà còn đeo mang sỏi đá leo núi cao thì không phải tỉnh rồi. Dù còn một ký, nửa ký cũng chưa phải tỉnh trọn vẹn. Cho nên người leo núi thông minh vừa khỏe lại vừa đạt được bản nguyện. Nếu mê muội tiếc rẻ những thứ không đáng tiếc thì không bao giờ đạt được bản nguyện, chỉ phí công mà không kết quả gì.

Phật tử chúng ta cũng có lắm người tu ăn chay trường, cũng lạy Phật ngày một hai thời. Như vậy là quá cần mẫn rồi, chỉ còn có một việc là bỏ phiền não thôi. Người leo núi dù nỗ lực bò leo, nhưng tiếc sỏi đá không chịu bỏ thì cũng không lên tới đỉnh. Chúng ta xét kỹ mới thấy sự sai lầm, không can đảm dứt khoát ấy.

Ba con đường đó tuy ở chân núi là ba, nhưng khi tới đỉnh chỉ có một đỉnh núi, một ngôi chùa, một đức Phật thôi. Ba con đường đó tôi tạm ví dụ cho ba tông phái trong đạo Phật: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.
 
Thiền tông ví như con đường dành cho trai tráng mạnh, leo núi không cần gậy. Tuy mạnh nhưng ai còn thích vác bao đá thì vẫn không đến được đỉnh núi. Chừng nào họ tỉnh quăng đá xuống, mới đủ sức leo tận đỉnh núi và vô chùa lễ Phật. Nếu những anh hơi yếu cầm gậy chống đi mà còn tiếc bao đá không dám bỏ, đi cao lắm là vài trăm thước tuột xuống, không tiến được. Người buông hết đá mới leo tới đỉnh núi.

Tịnh độ tông ví cho người cầm gậy leo núi. Chúng ta tu niệm Phật, câu niệm Phật là phương tiện giúp mình lắng diệu vọng tưởng. Từ lắng diệu rồi, câu niệm Phật thâm nhập trong lúc đi đứng nằm ngồi, lúc nào ta cũng niệm Phật. Niệm tới nhất tâm bất loạn, Phật mới đến đón. Như vậy câu niệm Phật là cây gậy để ta nương, nhưng tới chỗ cứu kính cây gậy cũng phải để ở ngoài, không mang vào lễ Phật được. Ban đầu mượn một niệm để diệt nhiều niệm, đến khi tới nơi rồi một niệm cũng buông luôn, mới thấy được ông Phật của mình.

Chư Tổ Tịnh độ thường dụ người tu niệm Phật như đạp gai lấy gai mà lể. Khi chúng ta đi đường, đạp phải một cây gai đâm sâu vào da thịt, muốn lấy ra phải mượn cây gai khác để lể. Lấy được cây gai ra rồi, ta để cây gai lể lại chỗ ấy thì vết thương có lành được không? Không được, nên cũng phải bỏ cây gai lể. Đó là ý nghĩa mượn câu niệm Phật làm phương tiện, tới chỗ cứu kính không còn niệm nữa. Cho nên niệm tới vô niệm mới đạt kết quả chân thật, được Phật đón về Cực Lạc.

Mật tông cũng ví cho người cầm gậy, nhưng một loại gậy khác. Muốn tâm yên phải đọc câu thần chú, ví dụ “Án ma ni bát di hồng”. Đọc thần chú để làm gì? Khi đọc câu thần chú thì trong tâm mình nghĩ đây là câu chú linh thiêng, chư thần sẽ hộ vệ. Do nghĩ và tin tưởng như vậy nên trì chú miên mật, tâm không tán loạn. Người ta nói trì chú tiêu nghiệp, ma quỷ không phá. Vì tin tưởng như vậy nên người tu mật tông cố gắng trì chú. Trì tới bao giờ mới có kết quả? Phải đi tới tam mật: thân mật, khẩu mật và ý mật mới có kết quả. Thân ngồi kiết già ngay thẳng, tay bất ấn, đó là thân mật. Khẩu mật là miệng tụng câu chú không có niệm khác xen vào. Ý mật là không có một ý nghĩ nào khác chen vào, chỉ nhớ câu chú. Nhờ câu chú mà thân khẩu ý chuyên nhất, tâm và thân không hai. Tới không hai vẫn chưa được, giống như còn cây gậy. Nên tới được tam mật rồi, cuối cùng cũng buông cả câu chú để tâm hoàn toàn trong sáng thanh tịnh. Đó mới là kết quả viên mãn.

Ba con đường để chỉ cho ba pháp tu, chỗ cuối cùng gặp nhau không khác, đều bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tức là phải bỏ bao đá, bao cát mới leo tới đỉnh. Vậy mà sau này quý thầy thương phật tử quá, nói niệm Phật mười tiếng Phật cũng độ nữa. Mười tiếng mà tham, sân, si còn đầy dẫy, Phật độ được không? Không. Vì thương mà nói dễ cho phật tử ham tu, chớ sự thật phải niệm đến nhất tâm bất loạn Phật mới tới rước. Do nói giản dị nên phật tử dễ sanh chểnh mảng. Tôi sợ quí vị chểnh mảng coi thường nên phải nói thẳng lẽ thật là như vậy.

Tóm lại tu Thiền hay tu Tịnh, tu Mật gì cũng phải tới chỗ cứu kính. Nếu tu Thiền theo Nguyên thủy thì phải qua Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, rồi tới diệt tận định mới được nhập Niết-bàn. Như vậy từ Phi phi tưởng là định cao nhất mà cũng còn chưa xong. Như tôi nói người biết bỏ đá nhưng chừa một ký cũng lên không tới nơi. Vì vậy chỗ tột cùng không còn một mảy may niệm tưởng nào mới tới Niết-bàn.

Nếu tu theo Thiền tông, Lục Tổ Huệ Năng dạy phải lấy Vô niệm làm tông. Tới chỗ không còn một niệm, không còn một ý nghĩ nào mới là trọng tâm. Vô niệm và niệm Phật tới chỗ vô niệm cũng như nhau. Cả ba đều gặp nhau ở chỗ cứu kính với điều kiện cả ba đều phải thông minh, đều phải buông xả hết những thứ cồng kềnh nặng nhọc vô ích. Được như vậy mới tới đỉnh gặp Phật.

Chúng ta tu ai cũng mong sao được thành Phật, nhưng dường như còn luyến tiếc một cái gì đó. Nghĩa là thấy vòng luân hồi còn vui, chưa nỡ dứt khoát, còn muốn qua lại năm phen, mười lượt nữa để gặp bà con cho vui, chưa muốn dứt khoát đi một mình. Nên rồi gặp nhau hoài, khổ hoài, rốt cuộc chẳng đi tới đâu.

Chúng ta là kẻ quyết chí tu thì phải thấy tường tận hướng đi, đường lối tu của mình. Thấy rõ rồi, trên đường tu không có gì nghi ngờ hết. Không cần phải đi soi căn soi kiếp gì cả, bỏ phiền não thì nhất định tu thành Phật. Giả sử trước kia mình nhiều nóng giận, bây giờ biết tu chỉ còn phân nửa. Như vậy ai biết mình giảm phân nửa? Mình biết chớ ai biết. Thế thì cần hỏi ai, có ai biết mình bằng mình. Nhưng không hiểu sao phật tử hay đi hỏi quá, mỗi lần đi hỏi rất tốn tiền. Lẽ thực ở mình mà đi hỏi người khác để tốn công tốn của, có thông minh không?

Chúng ta tu theo Phật là tu theo con đường giác ngộ. Giác ngộ là trí tuệ, mà trí tuệ thì không nghĩ quanh nghĩ quẩn, không thấy lệch lạc thế này thế kia. Khi bước chân vào đạo Phật, chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần tỉnh giác. Phật tử bình thường thấy quyết tâm tu, nhưng ra đường có ai chỉ mặt nói chị là người ác, lúc đó làm sao? Cự liền. Người ta nói ở ngoài miệng, chớ đâu biết được trong lòng mình. Mình mới biết mình, tại sao lại cự với họ. Họ nói ta ác ta im lặng thì không cần đính chánh vẫn thấy người kia nói sai. Còn vừa nói ác mình liền cự lại thành ra ác rồi. Chúng ta tu đã sáng suốt nhiều chưa? Còn dở quá, tu lâu mà cũng còn dỡ như thường. Mới thấy chúng ta tu theo đạo giác ngộ mà vẫn còn đang mê.

Giả sử phật tử nào hơi lười nhác, tu lơ mơ thôi nhưng gặp một người bạn đạo khen chị tu hay quá, vượt hơn tất cả. Lúc đó mình cải chính hay lặng thinh nhận. Chắc lặng thinh nhận. Rõ ràng chúng ta nhiều bệnh quá, bị chê thì cự, được khen dù không đúng sự thật cũng làm thinh. Tu mà không tiến, không đạt được những gì Phật dạy, lại hiếu danh, ghét lời chê ưa tiếng khen, không thấy được lẽ thực, đâu thể xứng đáng là một phật tử.

Nhiều phật tử than: "Hồi chưa biết đạo, nghĩ đi chùa sẽ bớt phiền não, không ngờ càng đi chùa càng nhiều phiền não".

Đó là tại sao?

Tại ôm cái mê, tiếc cục sỏi, cục đá nên không tiến được. Nếu là người thực tu phải can đảm nhìn lại mình, bỏ hết những gì dở đi, như vậy trên đường tu mới đạt được kết quả tốt. Ngược lại, không chịu thấy điểm dở yếu của mình, cứ tưởng là hay, ai vuốt ve tán dốc thì vui lắm, còn ai nói xấu vài ba câu liền không muốn đi chùa nữa.

Tu mà bị dư luận bên ngoài làm chủ, không thực thấy tư tưởng, hành động của mình tốt hay xấu, đó không phải là thật tu. Người không chịu thấy những điểm yếu đuối dở tệ của mình, dù đi chùa mười năm hai mươi năm, ăn chay trường, lạy Phật nhiều cũng chưa phải là hay. Không chịu đổ bao đá xuống thì cũng là kẻ vác đá nặng nề, thở è ạch như thường.

Chúng ta tu là làm một việc cao thượng quý báu phi thường, chớ không phải chuyện thường. Đã là cao thượng, quí báu mà chúng ta lại đeo mang những thứ mê lầm thì không thể chấp nhận được. Tu theo đạo giác ngộ thì nhất định phải có giác, không giác nhiều cũng giác ít. Phật tử là gì? Phật là giác, tử là con. Phật tử là con của bậc giác ngộ. Đã là con của bậc giác ngộ thì Phật giác ngộ một ngàn lần, ít ra mình cũng được mười, hai mươi lần; chớ không thể không giác chút nào cả.

Thích Thanh Từ (Còn nữa...)
Nguồn: http://thuongchieu.net/index.php/phapthoai/suong/1822-mt-ngn-nui-ba-con-ng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm