Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi. Tôi tự thấy mình chưa có công đức gì nhiều đối với Giáo hội, nhưng các vị trong Giáo hội nước ta lại ép, đưa tôi lên ngôi Pháp chủ. Lẽ ra, ngôi vị Pháp chủ chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đầy đủ phúc đức, trí tuệ nắm giữ.
“Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm!”
Đó là lời giản dị nhưng được đúc kết cả cuộc đời của một bậc cao tăng năm nay tròn 100 tuổi - Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN - sống giản dị và khiêm cung ở một ngôi chùa làng ở Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Ở tuổi 100, trải qua và là chứng nhân của nhiều giai đoạn lịch sử, có lúc rất khắc nghiệt, ngài vẫn giữ đạo phong của một người xuất gia mang dòng họ của Đức Phật. Sau nhiều lần thuyết phục, ngài đã dành cho Báo Giác Ngộ bài phỏng vấn trực tiếp đặc biệt dưới đây, trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
* Bạch Hòa thượng, người xưa nói, thất thập cổ lai hy, nhưng ngài năm nay nữa sẽ tròn trăm, được xem là bậc đại thụ không chỉ Phật giáo VN, mà cả Phật giáo thế giới. Trong ngót trăm năm ấy, hẳn ngài đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống tu hành. Xin Hòa thượng cho chúng con hay về tâm nguyện cũng như những chặng đường gian khó mà Hòa thượng đã vượt qua?
|
Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ |
- Tôi xuất gia từ lúc 5 tuổi, được người cô ruột là Ni trưởng Thích nữ Đàm Cơ đưa về chùa Quán ở Ninh Bình. Năm tôi 17 tuổi, được gửi đến tu học tại chùa Viên Minh (chùa Giáng) làm đệ tử Hòa thượng Thích Quảng Tốn. Thuở ấy toàn vùng này là nơi xa xôi vắng vẻ, lau sậy mọc um tùm, thú dữ rắn rết rất nhiều. Tuy ở nơi hẻo lánh, nhưng chùa Viên Minh là tổ đình của sơn môn Đa Bảo, là một trong 3 sơn môn lớn nhất miền Bắc. Tại đây, năm Nhâm Dần 1902, Tổ Thích Nguyên Uẩn mở đạo tràng Viên Minh pháp hội, quy tụ được hơn 100 Tăng Ni giảng dạy và tu học trong 12 năm. Sau đó, Tổ Nguyên Uẩn về cõi Niết-bàn, thì Tổ Quảng Tốn nối chí.
Cả đời tôi luôn kính ngưỡng các vị sư tổ chùa Giáng. Các ngài cả đời tận lực vì đạo, cả đời gắng công truyền bá Phật pháp: giảng kinh, thuyết pháp, viết sách, khắc ván in kinh, lập “Viên Minh pháp hội”, không cầu danh lợi. Tôi được như ngày nay cũng là nhờ nhẫn nại noi tấm gương chư Tổ. Từ khi được học giáo pháp của chư Tổ, tôi luôn ghi lòng tạc dạ “giấy rách phải giữ lấy lề”, kiên trì giữ nền nếp của tổ đình, của Viên Minh pháp hội.
Gần như cả cuộc đời tu hành của tôi là kinh qua các cuộc chiến tranh, pháp nạn. Những năm kháng chiến chống Pháp, toàn bộ sơn môn bị giặc Pháp đốt hết. Cứ dăm bữa, nửa tháng chúng lại đến càn quét, đốt phá. Làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ. Nhưng tôi xác định, nếu không bám trụ, kiên trì ở lại, không duy trì thì tan nát hết. Cho dù biết rằng ở lại có thể chết, mà ra đi, như một vài huynh đệ của tôi, thì cũng không thể quay về. Mỗi lần chạy loạn đi đâu thì tôi cũng luôn mang theo bên mình những tài sản tinh thần, lịch sử của chư Tổ. Thà chết thì tôi cũng giữ, vì vẫn tin rằng rồi sẽ có cơ phục hồi.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mình tôi trở về nhìn cảnh tan nát mà lòng xót xa, nhưng phải xây dựng lại để nối dòng sơn môn Đa Bảo. Những năm đầu, người ta tổ chức cho dân đi các khu kinh tế mới. Dân ở lại cũng toàn người nghèo, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống, làm gì có tiền hay lương thực đem đến cúng chùa. Chúng tôi tự cày cấy làm ăn, đồng thời tham gia các công việc xã hội, việc làng nước. Tôi trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, rồi hộ đê, cứu đê, chống lũ lụt. Việc gì tốt thì làm.
Năm 1969 vỡ đê vùng này, nước ngập chùa, kinh sách ướt hết. Canh cánh nỗi lo mất mát, hư hỏng tài liệu, kinh sách của chư Tổ, nhất là những thư tịch độc bản, tôi chạy đua với thời gian, tìm mọi cách để giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Ngay cả khi tôi đã tám mươi tuổi vẫn còn ra đồng làm lụng tự nuôi thân để ngày đêm miệt mài nghiên cứu kinh Phật theo nếp của Tổ xưa. Trải qua nhiều thăng trầm thế sự, tôi cùng các đệ tử phải bền bỉ xây dựng dần lại chùa qua hàng chục năm mới được như ngày nay. Nhờ chư Phật, chư Tổ gia hộ, nhờ Thầy tin tưởng ủy thác, nhờ ký tính huân tập từ nhiều đời mà tôi tạm hoàn thành công nghiệp dịch các bộ kinh Phật. Ân đức của chư Phật, chư Tổ làm sao báo đền cho hết.
* Tự cày cấy nuôi thân, chạy đua với thời gian để dịch, nghiên cứu kinh Phật để lại công nghiệp cho Phật giáo nước nhà, mà ngài đã bách niên vẫn không tỏ ra mỏi mệt. Hòa thượng có bí quyết gì trường thọ để truyền lại cho hậu thế?
- Tôi không có bí quyết gì. Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệp thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi.
Nhưng đã hỏi, thì tôi cũng khuyên muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm. Bốn mùa, các Tăng trong chùa Giáng đều tự trồng lấy rau ăn mà không phải mua ở bên ngoài. Rau trồng ở đây không bón phân vô cơ, không phun thuốc trừ sâu nên đảm bảo luôn sạch, không có chất độc hại. Hàng ngày phải dưỡng sinh, tập thể dục, luôn vận động thân thể, sinh hoạt điều độ thì có thể hỗ trợ để tăng cường sức khỏe cơ thể. Về tinh thần, cần tu tâm dưỡng tính, tiết chế mọi ham muốn dục vọng, sống trong tinh thần lục hòa thì sẽ tăng được tuổi thọ. Nhưng dù sao, cũng không thể loại trừ được vô thường của sinh lão bệnh tử, vì đó là quy luật của mọi kiếp nhân sinh.
* Với người thế tục, để có được cuộc sống thanh bần, an lạc dường như khó khăn hơn... Lời dạy nào của Hòa thượng nhằm xây dựng một đời sống an lạc, “trường thọ”, an lạc thực sự?
- Đạo nghĩa Lục hòa vốn là điều căn bản của Phật giáo. Thân hòa cùng ở; miệng hòa không cãi nhau; ý hòa cùng vui vẻ; giới hòa cùng tu; kiến hòa cùng giải - thấy biết kiến thức thì chia sẻ cho nhau hiểu; lợi hòa cùng chia - có của cải, lợi ích thì chia cân nhau không ai tranh tham phần hơn cho mình. Vui với đạo pháp mà quên hết phiền não, xóa bỏ đau khổ cho mình và người khác. Nếu tinh thần lục hòa của Phật giáo mà được đem áp dụng vào đời thì trên từ quốc gia, dưới đến gia đình, khắp nơi đều an lạc vui vầy.
* Bạch Hòa thượng, hiện ngài ở ngôi Pháp chủ của Giáo hội nhưng quanh năm vẫn sống và tu ở ngôi chùa làng...
- Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi. Tôi tự thấy mình chưa có công đức gì nhiều đối với Giáo hội, nhưng các vị trong Giáo hội nước ta lại ép, đưa tôi lên ngôi Pháp chủ. Lẽ ra, ngôi vị Pháp chủ chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đầy đủ phúc đức, trí tuệ nắm giữ. Miễn cưỡng ngồi lên ngôi cao, đó không phải là phước mà là cái họa cho chúng tôi. Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện.
Chùa to cảnh lớn dù sao cũng chỉ là phương tiện, nên không quan trọng trong việc quyết định thành tựu của người tu. Tôi cũng được người ta mời trụ trì một vài ngôi chùa lớn, hoặc những ngôi chùa ở trong nội thành Hà Nội với lời khuyên rằng: Hòa thượng già rồi, nên ở những ngôi chùa trong thành phố, gần các bệnh viện lớn để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Nhưng tôi từ chối hết. Vì tôi có trách nhiệm phải nối dòng sơn môn Đa Bảo, duy trì mạng mạch Phật pháp của Viên Minh pháp hội, nên phải bám trụ chùa Giáng này.
|
Sạch sẽ thân tâm... |
* Năm qua, trong Phật giáo có nhiều điều không hay được báo chí khai thác, như hiện tượng một số tu sĩ ăn mặn uống rượu và cho đó là điều bình thường. Đạo Phật quan niệm vấn đề đó là như thế nào, bạch Hòa thượng?
“Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo”. |
- Phật giáo theo hệ phái Nam tông (còn gọi là Tiểu thừa) không ăn chay, nhưng hệ phái Bắc tông (Đại thừa) thì thường ăn chay. Xưa kia Đức Phật và chư Tăng đi khất thực, ai cho gì thì các Ngài và chư Tăng dùng cái đó, không đòi hỏi, phân biệt chay mặn.
Trong Phật giáo Ðại thừa, đối với những người thụ Bồ-tát giới phải chịu 48 điều kiêng cấm, trong đó có nội dung cấm ăn thịt chúng sinh. Thế nhưng thụ Bồ-tát giới theo truyền thống Tây Tạng, không có giới nào cấm ăn thịt cả. Nói vậy để thấy rằng, vấn đề ăn chay hay không là tùy thuộc ở từng hệ phái, từng sơn môn, chứ nói đến chuyện có bắt buộc ăn chay hay không thì Đức Phật không bắt. Riêng sơn môn chùa Giáng (Viên Minh), tất thảy mọi người đều phải ăn chay trường. Nhà chùa chúng tôi ăn chay là vì quan niệm thịt các loài vật với thịt mình thì cũng là thịt thôi.
* Vấn đề là một số báo chí đề cập về cách sống, cách nói chuyện kiểu “chầy bửa” như người trần tục của một số Tăng Ni. Là một bậc lãnh đạo Phật giáo VN, ngài nghĩ gì về việc này?
- Tôi đọc báo thấy phê phán một số nhà tu đã phóng dật, sống buông thả theo thế gian chứ không phải tu. Tu là gì? Là sửa chữa những tai hại, sai lầm cho mình và cho người. Việc uống bia rượu, sống xa hoa với người tu hành là không nên. Người xuất gia nếu không dụng công tu tập thì chỉ là người tại gia ở chùa. Kính mong quý vị Tăng Ni nếu thấy mình không có đủ sự tinh tấn tu trì thì nên xả giới hoàn tục, kẻo lâm chung đọa vào ba nẻo ác.
Trước đây chưa có Giáo hội, chỉ có các sơn môn, tổ đình, ai theo hệ phái nào thì cứ theo đó mà tu. Từng sơn môn học theo giáo lý của Đức Phật rồi lại truyền dạy cho mọi người theo Kinh, theo Luật, theo Luận. Luật thì nghiêm, luận thì sáng suốt, kinh thì thẳng thắn để đưa người tiến hóa. Từ nhiều năm nay tất cả các sơn môn, các hệ phái Phật giáo nước nhà đã được thống nhất trong một tổ chức Giáo hội Phật giáo VN. Giáo hội đã đoàn kết được Tăng Ni cả nước để cùng thực hiện các Phật sự lớn không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở cả tầm quốc tế. Tuy vậy, việc duy trì luật lệ trong từng sơn môn có phần lơi lỏng, đó là nguyên nhân khiến một bộ phận Tăng Ni không được kiềm thúc vào khuôn khổ, xa rời giới luật.
Trong sơn môn chùa Giáng, chúng tôi duy trì luật lệ rất nghiêm, các Tăng không được sống buông thả, xa hoa mà phải luôn tu sửa mình. Tôi cũng luôn dạy các đệ tử không được lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, mà phải tự mình vừa cày cấy làm ăn, vừa truyền bá giáo lý đạo Phật đem lại lợi lạc cho đời.
* Năm mới, qua Báo Giác Ngộ, Hòa thượng có lời nhắn nhủ, chúc Tết gì gửi đến Tăng Ni, Phật tử cả nước?
- Kính mong các bậc tu hành luôn gắng tâm, dụng sức giữ gìn lấy cơ nghiệp của chư Tổ, giữ gìn lấy hạnh nguyện, Chính pháp của chư Phật. Chúc chư tôn đức Trưởng lão, chư quý vị Tăng Ni, cư sĩ Phật tử và mọi người dân khỏe mạnh trường thọ, thân tâm an lạc, có sức, có tuệ, tinh tiến tu tập, trau dồi giới hạnh, nghiêm trì giới luật, xiển dương Chính pháp, hòa hợp Tăng-già, góp phần xây dựng đất nước hòa bình, an lạc.
* Kính cảm ơn Hòa thượng!
Chu Minh Khôi (thực hiện)
Nguồn:
http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2016/02/02/56469A/ ... “Rõ ràng là lối sống của chúng ta có một cái gì đó thiếu thốn. Nhưng chúng ta thiếu thốn cái gì? Theo tôi, vấn đề cơ bản là chúng ta chú trọng quá nhiều về phương diện vật chất, mặt bên ngoài của cuộc sống mà bỏ quên những giá trị tinh thần, đạo đức bên trong. Khi đề cập đến những giá trị bên trong, tôi muốn nói đến những phẩm chất mà chúng ta đánh giá cao ở những người khác, những phẩm chất mà chúng ta ngưỡng mộ theo bản năng tự nhiên, do bản chất sinh học mà chúng ta thừa hưởng từ loài động vật chỉ có thể sống còn và phát triển trong một môi trường có sự quan tâm, tình thương, và tấm lòng nhân hậu - hay nói vắn tắt là lòng từ bi. Bản chất của lòng từ bi là mong muốn làm vơi bớt khổ đau của người khác, cũng như làm tăng thêm an lạc cho họ. Đây là nguyên tắc tinh thần mà từ đó tất cả mọi giá trị bên trong tích cực khác phát sinh. Tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ ở người khác những phẩm tính bên trong như lòng tốt, nhẫn nại, bao dung, tha thứ và rộng lượng, và tương tự như thế, chúng ta không thích các biểu hiện của lòng tham lam, ác ý, ghét bỏ, và cố chấp. Vì thế cho nên sự vun trồng các phẩm tính tích cực bên trong tâm hồn con người xuất phát từ xu hướng sâu xa của chúng ta hướng về lòng từ bi, và học cách chiến đấu với các phẩm tính mang tính hủy hoại của chúng ta, thì mọi người sẽ ngưỡng mộ. Và những người được lợi lạc của việc củng cố các giá trị bên trong đó, chắc chắn sẽ là chính chúng ta. Cuộc sống nội tâm của chúng ta là cái mà chúng ta thường lãng quên, và gây nguy hại cho chính mình; nhiều vấn đề lớn lao mà chúng ta phải đối mặt trong nếp sống hiện đại là hậu quả của sự lãng quên ấy”. Đức Dalai Lama thứ XIV |