Kinh Pháp hoa, phẩm Thường Bất Khinh nói: “Sau lúc Chánh pháp đã diệt, trong đời Tượng pháp, những Tỳ - kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn…”.
Mạt pháp là thời kỳ thứ ba sau Chánh pháp và Tượng pháp.
Thời hạn của ba kỳ, có thuyết cho là sau khi Phật diệt độ, Chánh pháp trụ thế 500 năm, Tượng pháp được 1.000 năm và Mạt pháp trải qua 10.000 năm. Có thuyết lại cho Chánh pháp và Tượng pháp đều trụ thế 1.000 năm, còn Mạt pháp thì 10.000 năm. Nhưng cũng có thuyết cho là Chánh pháp trụ thế 1.000 năm, nhưng Tượng pháp thì trải dài đến 10.000 năm như thời Mạt pháp.
Vì sao lại phân ra ba thời? Là y cứ vào việc đầy đủ hay không đầy đủ giáo, hạnh và chứng mà nói. Giáo là giáo pháp đã được nghe. Hạnh, là chỉ cho việc tu hành. Chứng, là chỉ cho việc chứng quả. Chánh pháp là thời mà người học Phật có đủ cả ba việc đó. Nghe pháp rồi ứng dụng tu hành. Tu hành rồi liền chứng quả. Còn thời Mạt pháp, người nghe pháp và hiểu pháp thì nhiều mà ứng dụng pháp tu hành thì hiếm, nên phạm giới thì nhiều và chứng quả thì ít.
Theo Pháp uyển châu lâm, thời Mạt pháp có 5 thứ loạn (1):
1- Bạch y xưng làm bậc mô phạm, còn Tỳ-kheo vô thức theo đó mà học.
Nói về điều kiện cũng như chuyên môn, chư Tăng Ni là những vị trực tiếp thọ nhận giáo pháp của Như Lai, là người có ưu thế hơn về định lực, trí tuệ cũng như kinh nghiệm đối với Chánh pháp. Đáng lẽ chư vị mới là người truyền pháp, nhưng thời Mạt pháp lại có tình trạng đảo lộn. Vì sự đảo lộn đó mà gọi là loạn. Không phải bạch y đứng ra giảng pháp mà Chánh pháp hay Tượng pháp trở thành mạt. Biểu hiện và tác nhân là hai thứ khác nhau. Đó là nói về nội giáo.
Về ngoại giáo, không thể không lấy bạch y làm thầy. Ngoại giáo, tuy cần cho việc lợi tha, nhưng tu sĩ dành thời gian cho ngoại giáo cũng có nghĩa là thời gian nghiên cứu kinh luận và công phu bị thu hẹp, việc chứng quả khó xảy ra. Đó là lý do nói mạt.
2- Bạch y ngồi tòa trên, Tỳ-kheo ở dưới.
“Ngồi tòa trên” và “ở dưới” nói đây mang nghĩa “Bạch y tự xưng ta hiểu Đại thừa phải ở cương vị trên, còn Tỳ-kheo hành pháp nhỏ đương nhiên ở vị thấp” (2), nên nói mạt. Hoặc trong phật sự, do uy lực và tài vật mà bạch y ở thế thượng, Tỳ-kheo ở thế kém. Sự đảo lộn đó cho thấy pháp của Như Lai ứng dụng vào đời sống thường nhật kém, nên nói mạt.
3- Tỳ-kheo thuyết pháp thì chẳng hành, chẳng nghe. Bạch y thuyết pháp thì lại thuận hành.
Trong việc giảng pháp và nghe pháp, đòi hỏi “Sở thuyết” phải có duyên với “Năng thuyết”, và pháp được thuyết phải đáp ứng được căn cơ và tính dục của người nghe. Bạch y thuyết chịu nghe chịu hành, vì pháp được thuyết phù hợp với tâm người nghe. Tức phần ứng cơ tốt. Nhưng pháp Phật không chỉ có khế cơ mà còn phải khế lý. Nếu không lìa lý mà thuyết thì coi như hàng Phật tử xuất gia dụng pháp không tốt như hàng tại gia, nên nói mạt. Nếu lìa lý mà thuyết thì rơi vào cái loạn thứ (4) sau.
4- Ma thuyết thì cho là chân đạo, Chánh pháp của Phật thì cho là chẳng chân.
Vì pháp ma thuyết đáp ứng được tâm trạng và tính dục của người nghe. Nhưng khế cơ thì có mà khế lý thì không. Nên nói mạt.
Chúng sanh thích danh vọng tiền tài, nhưng không muốn nhọc lòng tu hành, làm phước, cũng không nắm đươc lý nhân quả chi phối tới ba đời, không biết sung túc hiện tại là do cái nhân bố thí từ trước v.v.., nên khi ma nói “Không cần. Để ta cho cái phép là được” liền theo. Tuy lời nói sai với lý nhân quả, nhưng vì đáp ứng được tính dục của chúng sanh, nên chúng sanh cho là chân.
Muốn vãng sanh Cực lạc, nhưng niệm Phật thấy nhọc, nhớ trước quên sau. Ma thuyết: “Không cần tự niệm. Chỉ cần nghe cái “chip” niệm, vãng sanh càng mau, vì niệm mà vô niệm”. Lời nói tuy trái lý, nhưng vì đáp ứng đúng tâm trạng của chúng sanh, nên được cho là chân.
Thích làm Tổ thành Phật, nhưng chánh kiến tu hành không có, không muốn từ bỏ tham dục cũng như ngưng dứt dòng vọng niệm, thành khi ma thuyết: “Pháp thân sẵn đủ trong mỗi người. Chẳng cần trừ vọng. Trừ, là pháp đối trị, chưa lìa nhị biên phân biệt, không thể thành Phật. Không nghe Tổ nói “Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân?” (3). Tham, sân, si cũng chẳng cần diệt. Vì “Tánh của dâm nộ si là Phật tánh” (4), liền cho là phải. Lời ma nói tuy không sai với kinh luận, nhưng duyên khởi là thực lý chi phối thế giới này. Duyên nào có pháp đó. Pháp Phật lập ra là tùy duyên mà lập. Dùng không đúng duyên thì đề hồ thành độc dược.
Xưa, ngài A Nan dụng pháp cho chúng sanh không đúng duyên, người phải tu sổ tức lại dạy quán bất tịnh, người phải dạy quán bất tịnh lại dạy sổ tức, nên không có kết quả.
Vua Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Chỉ như gìn giữ giới hạnh trong sạch không chút xao lãng thì thế nào?”. Thượng Sĩ trả lời: “Giữ giới cùng nhẫn nhục/ Chiêu tội chẳng chiêu phước/ Muốn biết không tội phước/ Chẳng giữ giới nhẫn nhục”. Nói rồi căn dặn: “Đừng nói cho người không ra gì biết” (5). Người không ra gì, là người mà việc trì giới và nhẫn nhục chưa thể thực hành, chưa được miên mật như
Tổ Trúc Lâm. Trong khi pháp Thượng Sĩ nói chỉ dành cho hàng mà giới không còn phạm và nhẫn đã thuần thục. Muốn được chỗ “không tội phước”, là chỗ lìa mọi chấp thủ, mọi nhị biên phân biệt, (6) thì “chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”. Vì giới và nhẫn tuy cần thiết cho việc tu hành, không thể không giữ, nhưng không nên chấp vào đó. Chấp, tức là trụ. Trụ, thì không thể chứng nhập tánh vô trụ.
Vì thế, pháp đó chỉ dành cho hàng căn cơ mà việc giữ giới và nhẫn nhục đã thuần thục, không phải cho hàng tham dục còn đầy dẫy, nên nói: “Đừng nói cho người không ra gì biết”. Thành có bệnh thì phải dùng pháp đối trị, không thể dùng pháp dành cho người hết bệnh (hàng vô học) (7), bệnh càng thêm nặng. Không khác người bệnh mà đi uống nhân sâm, bệnh không lành mà còn tử vong.
5- Tỳ-kheo chẳng trì giới luật, lưu dưỡng vợ con cùng tục không khác.
Chỉ cần vướng vào các loại tham dục bình thường như ăn uống, ngủ nghỉ v.v… pháp Phật diễn nói đã thấy khó tiếp thu, huống là ái dục? Thân tâm không thể thanh tịnh, đạo Vô thượng nhất định không thành. Hàng tại gia tu đạo xuất thế còn phải tránh xa các dục, huống là Tỳ-kheo mà việc lìa ái dục đã trở thành giới luật? Đó là lý do nói pháp mạt.
Đó là 5 hiện tượng thường xảy ra vào thời Mạt pháp.
Cũng có 5 pháp khiến Chánh pháp không diệt ở thời Mạt pháp. Dụng được 5 pháp này thì có thể duy trì Chánh pháp vào thời Mạt pháp, ít nhất là cho bản thân mình.
1- Chỉ y Chánh giáo tiến tu, xa lìa các thuyết tà lệch của Tiểu thừa và ngoại đạo.
Chánh giáo, là loại giáo phù hợp với thực lý chi phối thế gian này.
Thực lý chi phối thế gian này là Duyên khởi, được triển khai thành nhân duyên và
nhân quả.
Các pháp ở thế gian đều theo duyên mà khởi. Vì thế tùy duyên mà pháp có giá trị. Không pháp nào mang tính phổ quát. Pháp Phật cũng vậy, được lập ra là tùy căn cơ của chúng sanh. Vì thế, Chánh giáo là loại giáo phải vừa mang tính khế cơ, vừa mang tính khế lý. Khế cơ, là ứng đúng căn cơ và tánh dục của chúng sanh mà thuyết. Khế lý, là dù theo duyên mà thuyết, cũng không được lìa tinh thần mà kinh luận đã nói.
Cho nên, dù là giáo của Phật, nhưng khi ứng dụng vào duyên, nếu không đáp ứng đủ hai điều đó thì Chánh pháp cũng thành tà pháp. Đó là do không đủ trí tuệ trong việc dụng pháp mà chánh thành tà.
Ứng với cái duyên chúng sanh chỉ thích hạnh phúc ở thế gian thì thuyết phần giáo liên quan đến Nhân Thiên thừa. Pháp dù biến hóa thế nào, cũng không được lìa Ngũ giới, Hiếu hạnh, Thập thiện hạnh… mà nhân quả là lý chi phối tất cả.
Ứng với cái duyên chúng sanh thích quả vị A-la-hán, thì thuyết phần giáo có liên quan đến Tứ đế, khổ, không, vô thường, vô ngã v.v… Biến hóa thế nào, cũng không được lìa việc trừ “tập” diệt “khổ”, mà liễu thoát sanh tử là đích đến.
Ứng với cái duyên chúng sanh thích quả vị Bích Chi Phật, thì thuyết phần giáo có liên quan đến Thập nhị duyên sanh, khổ, không, vô thường, vô ngã… Biến hóa thế nào, cũng không được lìa việc phá trừ ba chi thọ, ái, thủ, mà đích đến là liễu thoát sanh tử, được quả vị Bích Chi Phật.
Ứng với cái duyên chúng sanh thích vãng sanh Cực lạc của Phật Di Đà, thì thuyết phần giáo có liên quan đến thế giới Di Đà và việc trì niệm danh hiệu Phật, quán tưởng hình
tượng Phật v.v… Biến hóa thế nào, cũng không được lìa ba thứ Tín, Nguyện và Hạnh. Tín, là tin có cõi Phật Di Đà, tinniệm Phật được nhất tâm bất loại nhất định sẽ về cõi đó. Nguyện, là nguyện vãng sanh Tây phương Cực lạc. Hạnh, là phải tự mình niệm Phật, tùy lực tùy căn của mình mà niệm. Nếu không có Tín thì không đủ niềm tin để niệm Phật. Không có Nguyện, thì không có gì có thể thành tựu, dù chỉ là việc bố thí bình thường8. Không có Hạnh thì không do đâu hàng phục được dòng vọng tưởng tương tục, tâm khó tương ưng với cảnh giới Di Đà. Nếu nói máy niệm mà mình có thể vãng sanh Cực lạc, đó là ma nói không phải Phật nói.
Ứng với cái duyên chúng sanh thích Phật quả, thì thuyết phần giáo có liên quan đến những việc như Phật tánh, tự lợi, lợi tha, phát bồ-đề tâm và thanh tịnh thân tâm bằng con đường Trung đạo.
Kinh Pháp Hoa nói: “Vì các Bồ-tát, nhân Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà nói Lục độ ba-la-mật, rốt ráo trí tuệ Phật”. Biến hóa thế nào, cũng không được lìa việc trừ bỏ vọng tưởng (là nhận ra được thực tánh của vọng tưởng), như Đại sư Tông Mật đã nói trong cuốn Nguồn thiền: “Dứt vọng tưởng là chánh tu. Làm các điều lành là trợ tu”.
Pháp Phật cần dụng cho đúng duyên. Dụng pháp mà không đúng duyên, ứng cơ mà không khế lý, khế lý mà thiếu khế cơ thì thuyết Chánh pháp thành tà pháp.
Nói: “Xa lìa các thuyết tà lệch của Tiểu thừa và ngoại đạo”, thì “tà” là ứng với “ngoại đạo”. “Lệch” là ứng với “Tiểu thừa”. Tiểu thừa là muốn nói đến các thừa nhỏ, chỉ cho Tiểu thừa và Trung thừa9. Sao gọi là thừa nhỏ? Vì lý chưa tận nên nói nhỏ, chưa dạy người được Niết-bàn vô sở trụ nên nói nhỏ.
Ngoại đạo mà nói “tà”, là chỉ cho những loại giáo xa lìa nhân quả, lầm nhân lộn duyên, nếu chúng sanh theo đó mà tu thì rơi vào các đường khổ, nên nói “xa lìa…”.
Nhị thừa mà nói “lệch”, là khi người tu dừng trụ ở các quả vị La-hán và Bích Chi Phật, lấy đó làm Niết-bàn rốt ráo, tức lấy hóa thành làm bảo sở, lấy giải thoát cho riêng mình làm cứu cánh, bỏ mất tâm bồ-đề sẵn đủ trong mỗi người. Không phải phần giáo pháp cũng như pháp tu của Nhị thừa là sai trái. Vì dù là tu Đại thừa, cũng không ra ngoài việc trừ Tập, chứng Đạo. Chỉ là sâu hay cạn. Nhị thừa phá các Tập thuộc phiền não chướng. Đại thừa phá sâu vào phần Tập thuộc sở tri chướng. Nhị thừa, lìa nhị biên phân biệt thô. Đại thừa, phải lìa nhị biên phân biệt tế.
Về
pháp tu, pháp của Nhị thừa hay Đại thừa đều dạy người tu bất động với tám gió,10 căn không dính với trần v.v… Nói chung giáo của Nhị thừa và Đại thừa khác nhau ở phần tinh thần là chính. Nhị thừa được quả vị giải thoát. Đại thừa lấy quả bồ-đề làm Niết-bàn rốt ráo, trong đó bao gồm cả quả giải thoát. Nghĩa là, quả vị chứng ngộ không phải một, nhưng pháp tu thì không khác.
Tùy bệnh tùy cơ mà dù tu Đại thừa, có khi vẫn phải học phần giáo của Nhị thừa, áp dụng pháp tu của Nhị thừa. Trong kinh Lăng-già tâm ân, Đại sư Hàm Thị nói: “Bồ-tát trụ tướng trí tuệ mà vẫn dùng thiền tịch của Nhị thừa để trừ sạch pháp chấp vi tế. Đây là chẳng bỏ phương tiện mà chẳng chấp là thật pháp”11.
Nói “Tiểu thừa”, còn mang nghĩa chấp pháp. Chấp pháp, là cho pháp mình tu là chân lý, đúng mọi lúc mọi nơi mà không thấy mặt duyên khởi không tánh của vạn pháp, thành đối với những pháp còn lại đều thật tâm bài bác12. Vì thế, dù học pháp Đại thừa mà tâm chấp pháp quá nặng, chỉ thấy Đại thừa mới là pháp Phật nói, bài bác Nhị thừa, thì Đại thừa cũng thành Tiểu thừa.
Tóm lại, thứ mà người tu phải xa lìa là những cái lệch của Nhị thừa và cái tà của ngoại đạo, không phải là chính ngoại đạo hay Nhị thừa. Bởi những gì trong giáo pháp của chư vị, nếu là thiện pháp, thì chúng cũng chính là thiện pháp trong giáo pháp Đại thừa. Và đã học pháp Đại thừa thì phải nhớ đến tinh thần vô chấp của nó. Học và hành tất cả các thiện pháp mà không dừng trụ lưu giữ. Đó chính là pháp của Đại thừa.
Đã không trụ chấp thì ngay với pháp Đại thừa, cũng không nên chấp. Không cho Đại thừa mới là Chánh pháp nên học, còn Nhị thừa thì không đụng đến. Nói “xa lìa” là xa lìa những cái lệch và tà, không phải xa lìa những cái không lệch không tà mà trị đúng bệnh của mình. Bởi trong Đại thừa có Nhị thừa. Trong Nhị thừa có Đại thừa.
Đại thừa không lìa Nhị thừa. Nhi thừa không lìa Đại thừa. Vì chúng là pháp duyên khởi. Vấn đề là phải dụng pháp cho đúng duyên. Có bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì thuốc không dùng. Tránh tình trạng bệnh lành vẫn chấp thuốc, dụng pháp này lại bác pháp kia.
Pháp Phật không lỗi, không có gì để bài bác nếu chúng ta ứng dụng nó đúng duyên. Pháp trở thành lỗi là do sự cố chấp và dụng pháp không đúng duyên. Là do người không phải do pháp. Muốn hộ pháp được trường tồn ở thế gian này thì cần có cái nhìn duyên khởi đối với các pháp. Biết pháp ứng cơ mà hiện thì cũng sẽ tùy cơ mà được lợi ích. Không sinh tranh cãi, không khiến Chánh pháp bị hủy diệt chỉ vì cái thấy hạn cuộc của mình.
2- Thường hành nhẫn nhục, không sinh sân nhuế, công đức vang xa khiến người quy ngưỡng.
Dù là tu Đại thừa hay Nhị thừa thì việc chính cũng là trừ bỏ tham, sân, si. Nghĩa là không để tham, sân, si làm chủ, dẫn dắt mình ra vào trong Lục đạo. Nói cách khác, là không để tham, sân, si thành tập nghiệp của mình. Tu Đại thừa, là để nhận ra thực tướng của tham, sân, si. Muốn nhận ra được thực tướng của chúng thì trước cần làm cho chúng mất lực, hiện nguyên hình là vọng. Vì thế trong quá trình tu hành, người tu Nhị thừa hay Đại thừa đều phải hành nhẫn nhục, không để tham, sân, si tăng trưởng.
Trong việc lợi ích chúng sinh, nếu để tham và sân làm chủ thì việc lợi ích không thể thực hiện. Chúng sanh cang cường, không nhẫn nhục khó mà thành tựu hạnh lợi tha. Vì thế cần phải hành nhẫn nhục và không sinh sân nhuế.
“Công đức vang xa, khiến người quy ngưỡng” là cái quả tất yếu của việc trừ bỏ tham, sân, si và hành nhẫn nhục. Việc trừ bỏ đó cũng là duyên khiến chúng sanh kính ngưỡng mà quy về học pháp.
3- Đối với các vị có đức lớn ngồi ở tòa trên thì cung kính thuận sự, siêng cầu pháp yếu.
Kinh Pháp hoa, phẩm Thường Bất Khinh nói: “Sau lúc Chánh pháp đã diệt, trong đời Tượng pháp, những Tỳ-kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn…”. Để sửa trị pháp tăng thượng mạn đó mà xuất hiện hình tượng Tỳ-kheo Thường Bất Khinh. Tỳ-kheo
Thường Bất Khinh, chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ làm một hạnh lễ lạy. Bất cứ khi nào thấy Tứ chúng, thảy đều đến lễ lạy mà nói: “Tôi chẳng dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật”. Trải qua nhiều năm, dù bị mắng nhiếc hủy phạm cũng chỉ một tâm đó. Khi sắp mất, trên hư không bỗng vang ra hai mươi nghìn muôn ức bài kệ Pháp hoa, thảy đều nghe hết. Nghe rồi đều có thể thọ trì. Liền được lục căn thanh tịnh v.v… Thì biết, tâm cung kính đối với tất cả chúng sanh cũng là một pháp tu. Vì nó là duyên giúp phá trừ ngã tướng. Người tu Chánh pháp cần y đó mà tu để tránh những điều sai lệch không đáng có.
Thắng Man phu nhân, tuy là cư sĩ nhưng bà là một Đại Bồ-tát thuyết pháp Đại thừa. Một trong 10 đại nguyện của bà là: “Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, đối với các bậc Sư trưởng chẳng khởi tâm kiêu mạn” thì biết việc tôn kính Sư trưởng cần thiết cho việc tu hành.
Hai hình tượng, một thuộc Tăng bảo, một thuộc cư sĩ đều cho thấy, hạnh tôn kính người khác luôn cần thiết đối với một người tu, dù đó là xuất gia hay tại gia.
Trong luận Tối thượng thừa của ngài Hoàng Bá, có người hỏi: “Thế nào là tâm ngã sở?” Hoàng Bá trả lời: “Là có chút tâm cho ta hơn người. Tự nghĩ ta hay như thế. Tâm ngã sở đó là bệnh trong Niết-bàn”. Đây nói “bệnh trong Niết-bàn” thì biết bệnh này khá phổ biến trong giới tu hành, nhất là với những người từng thủ chứng được chút gì.
Phu nhân biết mình có công đức và trí tuệ hơn người, bà cũng biết nếu không khéo, cái thấy hơn người đó sẽ làm phát sinh lòng kiêu mạn, là một loại phiền não chướng, bệnh trong
Niết-bàn, thành “Chẳng khởi tâm kiêu mạn” trở thành một trong 10 đại nguyện của bà. Nguyện, vì lòng tha thiết đối với con đường Phật đạo. Nguyện, cũng là để chặn đứng một thói xấu. Vì lời nguyện ngoài tác dụng biểu hiện sự phát tâm của mình, bản thân nó cũng tạo ra những duyên giúp hành giả thực hành được điều đã nguyện.
Đây không chỉ nói cung kính mà còn thuận sự và siêng cầu pháp yếu. Là đối với việc nhận pháp tu hành thì siêng tham vấn những chỗ chưa biết, để trí tuệ được phát triển, việc tu hành luôn tăng tiến. Với Phật sự, cũng khéo nghe làm không chống trái.
4- Đối với diệu pháp đã nghe, sinh sâu sự yêu thích, hoan hỷ phụng hành.
Nói đến diệu pháp, thì thường ai cũng nghĩ đến loại giáo pháp liễu nghĩa. Với hàng Nhị thừa chấp pháp thì cho pháp mình mới là Diệu pháp.
Với cái nhìn duyên khởi không tánh, loại giáo pháp nào ứng đúng với căn cơ và tính dục của chúng sanh mà không lìa lý, gọi là Diệu pháp. Gọi Diệu, vì với pháp đó chúng sinh có thể thông hiểu và ưa thích. Hiểu, mới có thể theo đó mà hành. Thích, mới có thể thực hành đến nơi đến chốn. Vì thế dù là pháp tối thượng mà chúng sanh không hiểu, cũng không thể theo đó thực hành thì pháp đó, trong cái duyên của chúng sanh đó, chẳng còn là diệu pháp. Cho nên nói đến thực tướng của pháp thì không bàn diệu hay không diệu, chỉ khi ứng duyên mới nói diệu hay không diệu. Vì thế, nói diệu hay không diệu là tùy pháp, tùy duyên. Pháp nào vừa khế cơ vừa khế lý thì pháp đó là diệu.
Đây nói sinh sâu sự yêu thích, nghĩa là không phải chỉ thích mà còn thích sâu. Muốn thích sâu thì hiểu phải đi đôi với hành. Nghĩa là phải có thực hành ít nhiều phần giáo pháp mà mình đã học thì niềm tin mới được củng cố sâu đậm, nên nói hoan hỷ thực hành, là vui vẻ mà thực hành, thấy lợi ích cho mình và người mà thực hành.
5- Với pháp Đại thừa, phương tiện diễn thuyết khiến người sơ tâm học tập, có chỗ y tựa tiến tu vào đạo.
Đây chỉ nói Đại thừa mà không nói đến Nhị thừa hay Nhân Thiên thừa, vì tính bao quát của nó. Ở mặt lý, Đại thừa dẫn người đến phần lý tột cùng. Không chỉ dừng ở mặt hiện tượng duyên khởi mà còn hiển bày bản chất của duyên khởi. Ở mặt sự, Bồ-tát đạo gồm đủ các hạnh từ Nhân Thiên thừa cho đến Lục độ ba-la-mật của Đại thừa. Hành giả tu hành có thể tùy phần tùy lực của mình mà hành các hạnh. Ngoài ra phần giáoTánh không duyên khởi được hiển bày qua các kinh luận Đại thừa, còn có thể giải quyết được sự bế tắc của triết học và khoa học,13 đáp ứng được nhu cầu tri thức của thời đại, nên đây chỉ nói đến Đại thừa. Nói Đại thừa, nhưng là nói đủ các thừa.
Phương tiện diễn thuyết, là ứng cơ mà thuyết để người sơ cơ có thể theo đó học tập. Vì ứng cơ, nên lý thì không hai mà pháp thì vô số. Nhưng muôn hình vạn trạng bao nhiêu, cũng không được lìa phần lý mà Phật đã nói.
Học Đại thừa, chỗ đến là quả vị Phật. “Nguyện đem công đức này/ Hồi hướng khắp tất cả/ Đệ tử và chúng sanh/ Đều trọn thành Phật đạo”. Nhưng để đạt được quả vị đó, không phải ai cũng hành Lục ba-la-mật. Có người tham thiền, có người niệm Phật, có người tụng kinh, có người làm công quả ở các chùa, có người tham gia làm việc ở các bệnh viện hoặc nơi khốn khó v.v… Rất nhiều hạnh để làm. Tùy phần tùy lực mà làm. Làm thứ gì cũng được, miễn là thiện hạnh. Hành rồi đừng quên lời hồi hướng “Nguyện đem công đức này/… Trọn thành Phật đạo” thì những sự mình làm dù nhỏ nhặt, cũng không ngoài lý mà Phật đã dạy. Lời nguyện đó có thể giúp mình tùy duyên mà bất biến. Đi Đông, đi Tây, lên núi, xuống biển… rồi cũng quy về một đích. Chỉ là hạnh có khác thì thời gian đạt quả có khác. Như Thích Ca và Di Lặc, thời gian tu hành có khác, rốt cuộc đều thành Phật đạo.
Đó là 5 pháp mà phật tử
xuất gia hay tại gia đều nên y cứ thực hành, tùy căn tùy lực của mình mà hành ít hay nhiều, cạn hay sâu. Trong đó vừa có phần tự lợi, vừa có phần lợi tha. Duyên khởi, nên tùy phần tùy lực mà lúc thì ứng dụng phần tự lợi nhiều, lúc thì ứng dụng phần lợi tha nhiều, hoặc vừa tự lợi vừa lợi tha xen kẽ. Đó là những phương thức giúp
Chánh pháp trường tồn ở thế gian. Cũng là cách hộ trì Chánh pháp không để mất trong thời
Mạt pháp.
Chân Hiền Tâm
______________
(1) Tam Tạng pháp số.
(2) Tam Tạng pháp số.
(3) Chứng đạo ca, Đại sư Huyền Giác.
(4) Kinh Duy Ma.
(5) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, HT.Thích Thanh Từ.
(6) Như Trung luận nói Bát bất, như trong Lăng-già, Phật dùng 4 từ vô, bất, phi, ly đặt trước các việc muốn hỏi, để chỉ thẳng thực tướng của các pháp. “Không tội phước”, là muốn nói đến thực tướng của tội và phước.
(7) Đại sư Huyền Giác nói: “Vô vi nhàn đạo nhân. Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân”. Chẳng trừ vọng chẳng cầu chân là của hàng vô vi tuyệt học, không phải là pháp dành cho hàng còn đầy dẫy tham sân si.
(8) Tăng nhất A-hàm quyển 3, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát Chánh.
(9) Các khái niệm được dùng ở đây là y theo sự phân chia của chư Tổ sư như ngài Hiền Thủ v.v… mà nói, không phải là ý của người viết.
(10) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 3, phẩm Kết cấm.
(11) Kinh Lăng-già tâm ân, HT.Thích Thanh Từ dịch.
(12) Đây nói “thật tâm”. Vì vẫn có chư thiện tri thức dùng nó như một loại phương tiện, giúp chúng sanh dụng pháp được đúng cơ của mình. Vì thế cần tránh việc nhìn tướng mà phán xét.
(13) Điển hình là kinh Bát-nhã, luận Trung quán v.v… Đạo Vật lý, tác giả Capra, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch, nói được phần nào về mối liên hệ giữa các bài kinh đó với nền vật lý hiện đại.