Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Ngẫm từ lễ cúng âm hồn ở cố đô: Lửa vô ngã, lửa chuyển hóa

1. Mùa hè năm 2015, tôi đến nước Mỹ trong một hành trình học thuật với mục đích tiếp thu những kiến thức về nền văn học đương đại Mỹ. 

Trong một diễn đàn nho nhỏ gồm 18 học giả đến từ 18 nước khác nhau, có khi chúng tôi cũng đóng góp những sở kiến hạn hẹp của mình về văn hóa và văn học nước nhà, rộng hơn nữa là của phương Tây hoặc phương Đông để giúp nhau mở rộng tầm nhìn. Một cuốn sách mà chúng tôi cùng luận đàm có tựa đề là Zazen (Thiền định - theo nghĩa tiếng Nhật) của một tác giả nổi tiếng trong nền văn học đương đại Mỹ.  

Thoáng thấy tên cuốn sách, tôi vội vã lật giở các trang để nắm bắt nội dung, bởi tôi biết mình sẽ có nhiệm vụ giúp các thành viên khác tiếp cận một vài tư tưởng cốt lõi về Phật giáo và thiền định của nền minh triết phương Đông. Ngay những trang đầu tiên của chương 1, tác giả kể về cảm giác kinh ngạc của cô khi nhìn thấy tấm ảnh một vị hòa thượng tọa thiền bình thản, bất động giữa đám lửa rừng rực bủa vây ở một ngã tư sầm uất. Sau này cô đã cất công tìm hiểu về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Việt Nam vào năm 1963, để phản đối phong trào đàn áp Phật giáo của chính quyền đương nhiệm.

Là những người phương Tây, tác giả và bạn bè của cô không thể hiểu được tại sao vị tăng ấy lại khác hẳn những người tự thiêu vì các mục đích khác, bởi cơ thể người là một thực thể sinh học thì tất phải có phản ứng trước các tác động vật chất.

Tôi giải thích với các bạn về tính vô ngã trong Phật giáo và hạnh nguyện xả thân để cứu độ chúng sanh của các vị Bồ-tát. Khi các bậc chân tu nhất tâm quán chiếu tính vô ngã, tức là tâm kiên định rằng “thân này không phải là ta” hay “ta không phải là thân này” thì cơ thể người chỉ là sự kết hợp giả tạm của “tứ đại” - bốn yếu tố trong tự nhiên là đất, nước, gió, lửa. Tôi cũng trao đổi với các bạn về một câu chuyện tôi đã đọc từ kinh Diệu Pháp Liên Hoa về một vị Bồ-tát đốt tay và đốt thân để cúng dường chư Phật, để tìm một cách lý giải mà người phương Tây có thể hiểu được về hành động vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức.

Một học giả nước bạn kết luận có lẽ ngọn lửa vô ngã là lực đối trị với ngọn lửa vật chất, giúp cho Hòa thượng Thích Quảng Đức duy trì tư thế tọa thiền vững chãi giữa ngọn lửa thiêu. Kết luận kiểu suy đoán đượm sắc màu tôn giáo không thể rạch ròi đúng-sai của nguyên tắc nhị nguyên, nhưng tôi cảm thấy vui khi các học giả khác đều chấp nhận.     

Lửa vô ngã của Bồ-tát Thích Quảng Đức

Lửa vô ngã của Bồ-tát Thích Quảng Đức

2. Hàng năm, từ ngày 23 đến cuối tháng 5 Âm lịch, thành phố Huế quê hương tôi có một truyền thống chưa từng thay đổi là lễ cúng âm hồn, được duy trì kể từ biến cố thất thủ kinh đô vào tay thực dân Pháp năm 1885. Tên gọi của lễ cúng này thoạt nghe thường gieo cảm giác âm u sợ hãi, nhưng ý nghĩa thì rất đỗi ấm áp nhân văn.

Đời trước truyền đời sau, cứ đến tuần lễ sau ngày 23/5 thì hầu như mỗi gia đình xứ Huế đều kính cẩn bày biện một lễ cúng đầy đủ các vật phẩm để an ủi vong linh của chiến sĩ trận vong và của người thân đã chết trong cơn binh biến, cầu nguyện cho đồng bào, đồng hương của mình được ấm áp và sớm vãng sanh.

Trong ký ức của tôi vẫn sống động hình ảnh những bàn cúng lễ âm hồn mà tôi cùng ông ngoại bày biện từ những năm thơ ấu. Trên chiếc bàn đầy đủ xôi chè bánh trái luôn luôn có một ấm nước chè xanh và áo binh vàng mã, cạnh đó là một đống lửa củi cháy đượm suốt tuần hương.

Tôi thắc mắc tại sao riêng lễ cúng này phải có nước chè xanh và bao giờ cũng đốt lửa ngay giữa mùa hè cháy nắng. Ông ngoại tôi giải thích là các chiến sĩ và bà con mình khi chạy giặc có người bị dẫm đạp phải la hét khản cổ đến lúc nằm chết khát khô, lại có người rơi xuống ao hồ mà chết lạnh, vậy nên người sống phải có lòng thành cúng nước giải khát và đốt lửa để sưởi ấm vong linh. Tôi tin ông ngoại của tôi, như bao người Huế tin vào một truyền thống đượm tình bác ái.    

Lửa chuyển hóa trong lễ cúng âm hồn 23/5 Âm lịch ở thành phố Huế

Lửa chuyển hóa trong lễ cúng âm hồn 23/5 Âm lịch ở thành phố Huế

Sau này khi hiểu về khái niệm “tứ đại” trong Phật giáo, tôi có một góc nhìn khác về lễ cúng âm hồn ở quê hương tôi. Xứ Huế là đất thần kinh và cũng là kinh đô của Phật giáo, nên gia chủ luôn chỉnh tề khoác áo tràng lam và kính cẩn thành tâm trong từng lời khấn vái. Một năm nọ tôi đứng nhìn ông ngoại tôi châm củi đốt lửa, rót nước vào ly, đến lúc tàn hương thì hắt nước tứ phía cho thấm vào lòng đất rồi đốt áo binh vàng mã. Trong bóng chiều nhập nhoạng trời bỗng nhiên nổi gió, cuốn tàn tro xoáy vòng mỗi lúc một cao. Ông ngoại tôi hân hoan bảo các vong linh đã nhận lòng thành của gia đình tôi. Còn tôi lại nhìn thấy tấm thân “tứ đại” giả hợp của bà con mình ngày xưa nay lại về trong một hình thức khác của bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa đang phân tán. Như có, như không.

Tôi gọi ngọn lửa ấm áp trong lễ cúng âm hồn ở quê tôi là lửa chuyển hóa, với lòng cầu mong các hương hồn từ một biến cố đau thương trong lịch sử dân tộc sẽ được ngọn lửa ấy thanh tẩy và chuyển hóa đến một cảnh giới an vui. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chung quanh vấn đề vãng sanh

Nghiên cứu 20:00 21/11/2024

Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Nghiên cứu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nghiên cứu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Nghiên cứu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Xem thêm