Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 18/05/2016, 08:16 AM

Ngày Phật đản nhớ câu chuyện ý nghĩa về Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nhân ngày Đại lễ Đản sinh của đức Phật Thích Ca, nhớ những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa về Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Ngày 09/04/Bính Thân (15/05/2016), Thiền viện Sùng Phúc (phường Cự Khối, quận Long Biên) tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2560 - DL.2016.

Đến dự buổi lễ, có các Chư tôn thiền đức trong Thiền phái Trúc Lâm TT.Thích Thông Phương, Phó Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm; TT.Thích Tâm Thuần, Phó ban Hoằng pháp GHPGVN Tp.Hà Nội, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc; TT.Thích Kiến Nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên...về phía quan chức, chính quyền, có TS.Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, nhà sử học Dương Trung Quốc...cùng đại diện UBND, UBMTTQ quận Long Biên và Phường sở tại, cùng hàng ngàn phật tử khắp nơi về tham dự. 
 
TT.Thích Thông Phương thuyết giảng về ý nghĩa Phật đản. TT.Thích Thông Quán, Giáo thọ sư của hệ thống Thiền viện Trúc Lâm tuyên đọc Thông điệp của đức Pháp Chủ GHPGVN; TT.Thích Kiến Nguyệt tuyên đọc Diễn văn lễ Phật đản của Chủ tịch HĐTS GHPGVN; TT.Thích Tâm Thuần ban Đạo từ của Chư tôn đức chứng minh.

Đặc biệt, “điểm nhấn” trong Đại lễ Phật đản này là bài nói chuyện của TS.Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ. 
 
Ông Bùi Hữu Dược đã nói những nét chính về cuộc đời đức Phật Bồn Sư Thích Ca Mâu Ni, quá trình “buông bỏ” hết những bám chấp của thế gian, dù là ngai vàng, với lầu son gác tía, vợ đẹp con khôn... những thứ mà người phàm trần như chúng ta ai cũng ham muốn để đi tìm con đường giải thoát sinh tử. Và sau 49 ngày đêm tham thiền dưới cội bồ đề người đã thành đạo, trở thành bậc đạo sư - vị Thầy của Trời của Người. Đức Phật Thích ca trở thành Chánh đẳng giác vô thượng bồ đề.

Con đường giải thoát sinh tử đã được đức Phật chỉ ra cách nay hơn 25 thế kỷ, chúng ta chỉ việc bước đi trên con đường ấy.

Phật Thích Ca là Giáo chủ của Phật giáo mang tính quốc tế, chúng ta còn lưu ý đến một đức Phật nữa là Phật hoàng Trần Nhân Tông - một con người Việt Nam: sau khi lãnh đạo toàn dân chiến thắng quân Nguyên Mông, mạnh nhất thế giới khi đó, người đã lên Yên Tử tìm cầu giải thoát và người đã chứng đạt Phật quả trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, phái thiền mang cốt cách, văn hóa Việt Nam. Trần Nhân Tông đã khai Tổ phái thiền đưa Phật giáo “nhập thế” vào đời sống xã hội. Hơn 700 năm, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã được hưng thịnh trở lại, với hệ thống Thiền viện Trúc Lâm được xây dựng trong cả nước và còn “xuất khẩu” ra nước ngoài: Mỹ, Úc, Canada...

Nhân Đại lễ kỷ niệm đức Bồn Sư Thích Ca Mâu Ni đản sinh, chúng ta ngồi đây nơi Thiền viện Sùng Phúc, một trong hệ thống thiền viện Trúc Lâm này chúng ta còn tưởng nhớ đến một con người Việt Nam - Phật hoàng Trần Nhân Tông. TS.Bùi Hữu Dược kể lại tích chuyện vua Trần Nhân Tông dạy con là Thái tử Trần Thuyên, để chuẩn bị hành trang trước khi lên ngôi làm vua Trần Anh Tông. 

Khi đã chiến thắng cả 3 lần xâm lược của quân Nguyên Mông, đất nước đã được thanh bình. Nhiều nơi, để rèn luyện sức khỏe, và lòng dũng cảm, người ta thường tổ chức cho những tráng sĩ đấu với voi, với hổ. Trong một lần cha và con cùng xem đấu hổ, Trần Nhân Tông hỏi con là Thái tử Trần Thuyên: “Giết hổ với việc chia thịt hổ, việc nào khó hơn?”. Con trả lời: -Việc giết hổ con nghĩ là khó hơn. 

Lẽ thông thường là vậy, nhưng thật bất ngờ, Thượng hoàng cho con một đáp án ngược lại: “Chia thịt hồ khó hơn”. Vì sao? Thượng hoàng giải thích: Giết hổ tưởng khó mà dễ hơn chia thịt hổ. Bởi khi biết hổ dữ, ai cũng đồng lòng hướng mũi tên, chĩa ngọn giáo về phía hổ để giết cho bằng được. Nhưng khi chia thịt thì ai cũng muốn phần hơn, nên có khi sinh đố kỵ, hiềm khích rồi đánh nhau vì miếng thịt, bổng lộc. Giải quyết khó khăn trong việc... chia thịt hổ, Trần Nhân Tông gợi ý cho con là lấy đức “Lục hòa” trong nhà Phật mà giáo hóa dân nhân tâm, lấy thanh tịnh thân, khẩu, ý làm nhân cho đạo đức. Dựng đạo để xây đời, và khi đó, Phật giáo đời Trần đã thành quốc giáo.

Giết hổ là làm vua thời loạn, còn chia thịt hổ là làm vua thời bình. Câu chuyện về việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạy con... chia thịt hổ luôn có sức sống và ý nghĩa thời sự. 

Tôi còn nhớ, chuyện Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường (Nam Định), một lần không báo trước, bất ngờ về kinh đô Thăng Long. Khi biết con mình là vua Trần Anh Tông từ đêm hôm trước đã “vượt thành” đi uống rượu thâu đêm, về vẫn ngủ (li bì) không ra tiếp mình, Trần Nhân Tông đã đùng đùng nổi giận về lại Thiên Trường luôn và lệch cho gọi con đến. Hôm sau, Trần Anh Tông thất kinh đã nhờ Đoàn Nhữ Hài soạn bài sớ thống thiết nhận lỗi lầm của mình và hứa không vi phạm. Trần Nhân Tông nói (đại ý), ta không thiếu con trai để kế ngôi..., để Trần Anh Tông đội sớ giữa trời mưa. 

Đó là những bài học... nhớ đời, về cách dạy con. Bởi khi đất nước đã thái bình, thì lại quên ngay những gian khổ đã qua khi giặc giã, mà lao vào chơi bời hưởng thụ, rồi mất đoàn kết khi chia phần bổng lộc. 

‎Nhân đây, tôi còn nhớ câu chuyện Trần Nhân Tông cũng dạy các quần thần: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".

Sau khi lo “việc đời”, với việc sắp xếp triều chính đâu ra đó, yên tâm rồi, Trần Nhân Tông mới thong dong lên Yên Tử tu hành.

Nhân ngày đức Phật Thích ca Đản sinh, nhớ lại những câu chuyện và bài học hơn 700 năm trước về ông vua từ bỏ ngai bàng xuất gia tu Phật - những câu chuyện không bao giờ cũ. Đó là ý nghĩa rất hay, của bài nói chuyện của TS.Bùi Hữu Dược - người am hiểu về Phật pháp, lĩnh vực quản lý của ông. Được biết, TS.Bùi Hữu Dược cũng là người viết kịch bản văn học cho vở cải lương “Vua Phật”, nói về Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hà Quang Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm