Người học thiền thấu qua cửa sắc không
Người học thiền mà chưa qua được cửa “sắc không”, còn vướng phải chỗ này thì vẫn nằm trong trí đối đãi, y nguyên vẫn đứng ngoài cửa Tổ.
Như Thượng tọa Minh Nhan là người học rộng, nhớ giỏi, khi đến với Thiền sư Huệ Minh bàn luận về tông thừa; qua một lúc lý luận, cuối cùng Thiền sư Huệ Minh bảo:
- Nói nhiều cách đạo càng xa, nay có việc xin hỏi: “Từ trước đến giờ các bậc Tiên đức có ngộ hay không?”
Minh Nhan đáp:
- Nếu là các bậc Thánh Tiên đức thì đâu không có ngộ.
Huệ Minh bảo:
- “Một người trở về nguồn chân, mười phương hư không thảy đều tiêu mất”, hiện nay núi Thiên Thai vẫn y nguyên đây, làm sao nói tiêu mất?
Minh Nhan không chỗ bám.
Thượng tọa Minh Nhan ban đầu lý luận thế này, thế nọ, cuối cùng bị Thiền sư Huệ Minh dẫn hai câu trong kinh Lăng Nghiêm gạn lại, liền mắc kẹt không qua khỏi được. Nghĩa là, người còn kẹt trong ý niệm “sắc không” đối đãi thì không thể nào vượt qua được chỗ này.
Kinh nói rõ: “Hễ một người đã trở về nguồn chân thì cả mười phương hư không thảy đều tiêu mất không còn dấu vết”, vậy xưa nay biết bao nhiêu người ngộ đạo, đã sống trở lại nguồn chân đó mà thành Tổ, thành Thiền sư, nhưng sao núi sông trước mắt vẫn còn dẫy đầy y nguyên đây, phải hiểu thế nào? Kinh nói sai sao?
Bởi người chưa thông, cứ hiểu “tiêu mất” theo nghĩa bị phá tan, dẹp cái “sắc” thành cái “không” đối đãi nhau, khiến không còn thấy biết gì mới là không. Đó là chỗ hiểu của thức tình sanh diệt, rơi trong cái thấy có không, biến thành đoạn diệt. Tức là bỏ “có” mà thành “không” nên bị vướng kẹt, ngăn ngại.
Với người đã mở mắt đạo thì ngay nơi “sắc” hiện tiền đó mà thấy suốt không chướng ngại, không ngăn che, nên mặc dù Sắc có đó vẫn như không, không một chút dấu vết mê mờ, đó mới thực là ngay sắc tức không, là con mắt bát nhã sáng ngời ! Nói rõ hơn, thấy tất cả núi sông, cảnh vật hiện trước mắt, nhưng THẤY VẪN LÀ THẤY, thì có TƯỚNG gì trong đó?
Thế là Sắc đầy dẫy trước mắt mà không có một chút gì ngăn ngại, che mờ con mắt ấy, tức là nó tiêu mất trong con mắt ấy chứ gì! Cho nên, “không” ở đây là không tâm dính cảnh thì cảnh tự không, không phải làm cho nó thành không. Chỗ này dù lý luận cách mấy cũng không đến được.
Ngài Đại Huệ – Tông Cảo một hôm đang xem kinh Kim Cang, Thiền sư Chuẩn tức ngài Trạm Đường thấy thế bèn hỏi:
- “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”, vì sao nói núi Vân Cư cao, núi Bảo Phong thấp?
Đại Huệ đáp:
- Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp.
Nếu người chấp theo ngôn ngữ, nghe nói núi Vân Cư, nghe nói núi Bảo Phong liền theo đó sanh hiểu thì bị kẹt giữa sắc không, là bị ngại liền. Tức còn có tâm trụ trên cảnh thì hẳn thấy có cao, có thấp sai biệt. Trái lại, người học cần ngay đây thấu rõ: “Cái gì là pháp ấy?”, tức ngay đó vẫn như như, có gì là cao, là thấp?
Cho nên, Trạm Đường vừa hỏi câu đó, Đại Huệ chỉ đáp y câu hỏi “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”. Chính cái ông vừa hỏi đó, nó có cao thấp gì? Rời chỗ này mà thấy, liền có cao thấp ngay.
Sự thật, núi đâu tự nói nó cao, nó thấp bao giờ. Chỉ tại người sanh tâm ở trên đó, bèn thấy thành có cao, có thấp, rồi tranh chấp nhau mãi, càng đi xa trong sai biệt.
Giờ đây hãy trả lại ngay đó, THẤY CHỈ THẤY, nguyên vẹn như nó là nó, liền vượt qua tất cả sắc không, cao thấp, cửa Thiền đã hé mở!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa
Nghiên cứu 16:00 02/09/2024Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.
Xem thêm