Người niệm Phật chớ nên tích trữ tiền công đức nơi âm phủ
Theo Hiện Báo Tùy Lục (quyển 1) của pháp sư Giới Hiển, ở Ninh Ba có một kẻ thường dân sống nhờ trong nhà kho của một vị Thượng Thư họ Thôi, bện hài bằng cỏ Bồ để bán kiếm sống.
Ông ta thích tu hành, ăn chay trường, niệm Phật. Mỗi khi niệm Phật cứ niệm xong một xâu chuỗi lại lấy một cọng cỏ Bồ bỏ vào giỏ tre để nhớ số.
Đến hôm Ba Mươi tháng Chạp mỗi năm sẽ đem đốt số cỏ ấy nơi Địa Tạng Điện. Làm như vậy được mấy năm, chợt Thôi Thượng Thư bị nhọt mọc trên lưng, chết xuống âm phủ. Diêm Vương trừng mắt, tra hỏi sự thiện – ác lúc còn sống. Ông Thôi thưa: “Nếu ngài cho con được sống lại, con sẽ một mực tu phước nghiệp chuộc tội được chăng?” Diêm Vương nói: “Tiền của nhà ngươi đã tích trữ đều là do tạo nghiệp mà có, không dùng được ở nơi này. Gã thường dân Trương Bân ở đậu nhà ngươi có trữ tiền vàng cả mấy kho ở đây. Hãy đem tiền thật đổi lấy một vạn tiền cõi Âm thì sẽ tiêu được tội!” Họ Thôi đáp: “Chỉ cần con về lại dương gian thì sẽ làm chuyện ấy dễ dàng. Nhưng Trương Bân nghèo kiết xác, sao lại được như thế?”
Diêm Vương nói: “Phàm người giữ trai giới chí tâm niệm Phật một tiếng, dẫu cho tán tâm niệm Phật một tiếng cũng để dành được một đồng bằng bạc. Trương Bân chí tâm niệm Phật, dùng cỏ Bồ để ghi số, đã tích được mấy kho tiền rồi”. Ông Thôi sống lại, gọi Trương Bân bảo: “Ông tích trữ được mấy kho tiền ở Âm Phủ, có thể đổi cho ta một vạn được chăng”. Ông Trương sững sờ, câm lặng! Họ Thôi bảo: “Ông dùng cỏ Bồ để nhớ số câu niệm Phật, đem thiêu trong lò đốt giấy tiền ở miếu Địa Tạng, chính là khoản tiền ấy đấy”. Trương đáp: “Nếu thật sự như vậy, nếu quả thật hữu dụng, xin tùy ý Ngài”. Ông Thôi bèn sai viết bằng khoán, đem một vạn bạc thật để đổi lấy tiền cõi Âm, thỉnh họ Trương đốt bằng khoán tâu với Âm Phủ, quả nhiên lành bệnh.
Trương Bân nói: “Tôi tuổi đã già rồi, chẳng dùng tiền để làm gì”, bèn đem số bạc ấy dựng một cây cầu lớn, tốn đến mấy vạn bạc, lại dựng một cái am cho người khác tu tập. Do ông Đinh Phước Bảo dẫn câu chuyện này nên tổ Ấn Quang khuyên ông Đinh hãy ghi thêm lời chú thích hoặc giảng giải cặn kẽ kẻo người đọc chỉ lo niệm Phật hòng trữ tiền trong cõi Âm, không cầu được vãng sanh.
Chuyện của Trương Bân đích xác chẳng phải là ngụy tạo! Điều đáng tiếc là ông ta chưa gặp được bậc tri thức sáng mắt dạy cho biết nguyên do niệm Phật. Nếu biết được nguyên do, dùng cái tâm khẩn thiết ấy để phát nguyện tự lợi lợi người, chắc ông Bân sẽ cao đăng chín phẩm, chứng quả Vô Sanh! Há còn lo tích trữ mấy kho kim tiền để đợi sau này sử dụng trong cõi Âm nữa ư? Còn như vua cõi Âm bảo: “Phàm ai thọ Bát Quan Trai Giới chí tâm niệm Phật một tiếng thì cũng đúc được một đồng tiền bằng bạc” cho thấy người đời dùng niệm Phật để tích trữ tiền [nhằm sử dụng sau khi chết] nhiều lắm, họ chẳng biết tới công đức Niệm Phật, chỉ mong có tiền để dùng sau khi chết, giống như đem Như Ý bảo châu đổi lấy một tấm áo, một bữa ăn! Há chẳng đáng tiếc ư?
Tuy nhiên, do vị Thượng Thư khẩn cầu người thợ bện dép cỏ Bồ nên liền được sống lại để chuộc tội. Tri kiến phàm phu trong thế gian chẳng thể suy lường được công đức của sự phát khởi tâm đại Bồ Đề niệm Phật! Vì thế, ngài Tỉnh Am nói: “Tạm trì thánh hiệu còn hơn bố thí suốt một trăm năm, vừa phát đại tâm sẽ vượt trỗi tu hành suốt kiếp”. Hai câu này đều dựa theo những điều kinh luận đã nói mà nêu rõ, chứ không phải là bịa đặt. Phàm sao lục những sự thật ấy, hãy nên nói rõ chánh lý Phật pháp ở đằng sau mỗi chuyện và chỉ rõ: Phàm phu thấy biết nhỏ hoi, chỉ biết niệm Phật để tích cóp tiền thì tiền ấy sẽ theo cái tâm mà cảm vời, theo cái nghiệp mà hiện ra cho nên thật sự có mấy kho tiền vàng trữ trong chốn âm phủ! Phàm là người niệm Phật, ắt phải phát đại Bồ Đề tâm phổ độ chúng sanh thì trong hiện tại các duyên sẽ thuận thảo, thích đáng, lúc lâm chung chánh niệm vãng sanh. Từ đấy, thoát khỏi hàng phàm phu, dự vào hội thánh hiền, nương theo Phật từ lực và nguyện luân của chính mình trở vào Sa Bà hiện khắp các sắc thân độ thoát chúng sanh. Há nào phải khư khư như viên Thượng Thư chỉ mong được nhờ ân hòng diệt tội ư? [Dẫn giải] như thế sẽ khiến cho người đọc đoạn trừ được những tri kiến kém hèn, mở mang, khơi gợi tín tâm chân thật.
Nếu chỉ sao lục nguyên văn, trọn chẳng bình luận thì kẻ ngu sẽ tưởng niệm Phật chính là một pháp để tích trữ tiền bạc trong cõi Âm! Từ đấy một người xướng, trăm kẻ họa, chỉ mong làm quỷ có tiền, đánh mất chỗ nương dựa để tạo lập công phu vãng sanh Tây Phương! Người trí thấy vậy sẽ chê kẻ biên soạn trọn chẳng có chánh nhãn. Nếu bình luận nguyên do thì đôi điều đều đạt được! Nếu không, cả hai điều đều mất. Những sách vở trong thế gian đều có những chỗ giúp nêu tỏ Phật pháp, nhưng do người soạn chưa mở được chánh nhãn nên thường đến nỗi [dẫn đến hiệu quả] trái nghịch. Như Kỷ Văn Đạt, Viên Tử Tài cực lực muốn làm cho người khác tin sâu nhân quả, nhưng chưa hiểu rõ tự tâm, nên thường viết những câu tự mâu thuẫn, hoặc hiểu lầm tin tức, ngỡ ma cảnh là Phật cảnh, huống là những kẻ khác ư?
Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ mười sáu)
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 4 – Phần 4
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm