Thứ sáu, 08/03/2024, 09:45 AM

Người phụ nữ mang nhiều tỉ đồng đi từ thiện với tâm nguyện “cho đi cũng chính là nhận lại”

Hơn 10 năm qua, bà Trần Thị Mười (Việt kiều Mỹ) đã mang hàng chục tỉ đồng, đến rất nhiều xã khó khăn của đất nước, để giúp đỡ người nghèo. Bà chia sẻ: "Tôi muốn mình phải làm gì cho đất nước, rồi mới ra đi. Còn đi làm thiện nguyện được là tôi đi, đến khi nào tắt thở mới thôi".

Bà Trần Thị Mười hiện định cư tại Mỹ, là chủ 6 công ty ở Mỹ và Công ty Kanvielife tại Việt Nam. Ít ai biết bà có một cuộc đời đầy sóng gió, để có cơ duyên gắn bó với hoạt động thiện nguyện.

Bà Mười chia sẻ, bà sinh ra ở xã Phổ Quang (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) trong một gia đình rất khó khăn, ba làm nghề đi biển, mẹ làm nông, lại có tới 13 người con. Bà là con thứ 10 nên có cái tên Trần Thị Mười. Ngoài ra, 3 người em của bà còn được đặt những cái tên rất "độc" như: Dư, Thừa, Thãi.

"Do hoàn cảnh quá khó khăn nên khi được khoảng 6 tuổi, ba tôi đã dẫn cả gia đình vượt biển ra nước ngoài mưu sinh. Lúc đầu, tôi đến Philippines và được gửi vào cô nhi viện cho ăn học", bà Mười nhớ lại.

Năm 11 tuổi, bà được đưa sang Mỹ và bắt đầu hành trình vừa học, vừa mưu sinh, với đủ các thứ nghề như: đánh giày, giúp việc, bán đồ ăn nhanh, bán xăng, làm y tá trong bệnh viện… "Tôi có 8 tháng làm công việc chăm sóc người già theo ca, từ 1 giờ cho đến sáng và lại vội vã trở về nhà thay đồ đi học. Có ngày tôi chỉ ngủ khoảng 30 phút", bà Mười kể.

Nhưng chính quá trình mưu sinh này đã giúp bà có bước ngoặt trong cuộc đời mình. Đó là vào một ngày, bà đột nhiên được luật sư mang đến giao cho một văn bản nhận thừa kế 14.000 USD. Hóa ra, một người bệnh do bà chăm sóc đã qua đời, cảm kích trước sự chăm chỉ và tận tâm của bà Mười, nên đã giao quyền thừa kế số tiền này cho bà.

Nhận được tiền, bà đưa cho ba mẹ một phần để nuôi 3 đứa em Dư, Thừa, Thãi, số còn lại bà làm vốn, quyết tâm làm giàu với suy nghĩ: "Đây là tiền được giúp đỡ, nên sau này mình sẽ giúp đỡ những người khó khăn như mình".

Rồi bà mua một mảnh đất ruộng. Sau 9 năm, khu đất của bà đã được một doanh nghiệp mua lại để làm chuỗi cây xăng với trị giá 1,7 triệu USD. Với số tiền này, bà tiếp tục mua đất, mua nhà cho thuê và đổi đời từ đó.

Sau khi lập gia đình với một người cùng quê, cùng cảnh ngộ là ông Ngô Thành Thuận (bà quen năm 13 tuổi khi cùng mưu sinh ở Philippines), bà bắt đầu mở các công ty kinh doanh về các lĩnh vực như: vé máy bay, xây dựng, bất động sản, vệ sinh môi trường, gara ô tô, máy lọc nước…

03

Thương người nghèo

Chia sẻ về hành trình làm thiện nguyện, bà Mười cho biết, năm 2000, khi về thăm Việt Nam, bà đã nhờ bạn cùng quê là ông Hoàng Văn Tuấn (trú tại xã Ninh Sim, TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đưa đi thăm lại miền quê nơi bà đã sinh ra và lớn lên.

Đến thôn Chấp Lễ (xã Ninh Thân, TX.Ninh Hòa), một vùng sâu, vùng xa của huyện, bà thấy một nhóm trẻ đang nghịch bùn đất. Bà hỏi tại sao không đi học, mới biết chúng không có trường để học. Bà chợt nhớ đến tuổi thơ lam lũ của mình và tìm gặp hội phụ nữ xã, tài trợ 800 triệu đồng để xây trường học trên địa bàn.

"Trong thời gian xây trường, tôi lại gặp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và vất vả, mà gia đình tôi đã từng trải qua. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ sự cần thiết của một tấm lòng nhân ái, một bàn tay nâng đỡ. Sau đó, tôi quyết định hành động để hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống như tôi trước đây", bà Mười chia sẻ.

Bắt đầu từ khi đó, năm nào bà cũng về Việt Nam để làm thiện nguyện, nếu không về được bà nhờ bạn mình là ông Hoàng Văn Tuấn đại diện đi trao tặng.

"Tôi đã đi nhiều nơi, kết nối với nhiều địa phương để giúp người nghèo với nhiều hình thức: trao quà tết Trung thu cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa; các công trình đèn chiếu sáng thôn quê, làm đường, xây dựng trường học; hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế cho các học sinh nghèo…

Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán, tôi tập trung vào việc tặng những phần quà thiết thực như bánh kẹo, gạo, dầu ăn, tiền… cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Tôi mong muốn mọi nhà đều có một cái tết vui vẻ, đầm ấm", bà trải lòng.

Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, bà đã trao tặng hơn 6.000 suất quà trị giá trên 2 tỉ đồng cho bà con ở 7 tỉnh, thành trên cả nước (Khánh Hòa, Cần Thơ, Long An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Không chỉ trong dịp tết, việc làm thiện nguyện của bà được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 - 4 đợt. Đặc biệt, năm 2021 - 2022, khi Việt Nam có nhiều đợt phải phong tỏa do Covid-19, bà đã bán một căn nhà ở Mỹ để hỗ trợ chống dịch như mua máy thở, mua nông sản hỗ trợ khu cách ly…

Là người đồng hành với bà Mười trong suốt hành trình làm thiện nguyện, ông Hoàng Văn Tuấn chia sẻ: "Vợ chồng Thuận Mười làm từ thiện nhiều lắm, phải mấy chục tỉ rồi. Mỗi năm bà đều gửi tiền về cho tôi, đại diện đi trao tặng, một năm tới 3 - 4 đợt, năm ít nhất cũng phải 4 tỉ đồng. Năm Covid-19 số tiền tài trợ phải hơn 10 tỉ đồng. Trong khi hai vợ chồng bà Mười đều tiêu pha rất tiết kiệm, không dám ăn, không dám mặc, nhưng cứ ngày đêm kiếm tiền để cho người nghèo. Tôi thấy hiếm có người như vậy".

Bà Trần Thị Mười luôn dành tình thương yêu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Bà Trần Thị Mười luôn dành tình thương yêu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Hạnh phúc vì được cho đi

Chia sẻ về việc làm của mình, bà Mười bày tỏ: "Mỗi chương trình thiện nguyện mà tôi thực hiện, nó không chỉ là cách để tôi đóng góp một phần công sức cho bà con quê hương, mà còn là niềm vui khi được chia sẻ tình yêu thương với cộng đồng. Tôi luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc mỗi khi có cơ hội mang lại nụ cười cho những người xung quanh. Đối với tôi, cho đi cũng chính là nhận lại".

Hiện, bà Mười có 2 con trai đang học tập và sinh sống ở Mỹ, nhưng bà luôn giáo dục con hướng về cội nguồn, hướng về quê hương vì mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Bà thường nói với con: "Người thành công không phải là có nhiều tiền, thành công là biết cho đi!".

Bà Trần Thị Mười trao quà cho những người khuyết tật.

Bà Trần Thị Mười trao quà cho những người khuyết tật.

"Qua những hoạt động này, tôi mong muốn rằng mọi người dân, mọi trẻ em đều có thể vượt qua khó khăn và hướng tới một tương lai tốt đẹp. Đây cũng luôn là động lực lớn nhất đằng sau những công việc từ thiện mà tôi tổ chức. Mong muốn và tâm huyết nhất của tôi là Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ được giáo dục tốt về chất lượng và sức khỏe, để đất nước có một tương lai cường thịnh", bà Mười chia sẻ.

Bà Mười đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chưa lúc nào bà ngừng làm thiện nguyện. Có khi vừa từ Việt Nam về Mỹ để phẫu thuật, nhưng chỉ vài tuần sau bà đã trở lại Việt Nam để muốn được đi làm thiện nguyện nhiều nhất có thể.

Bà nói: "Tôi muốn mình phải làm gì cho đất nước, rồi mới ra đi. Còn đi làm thiện nguyện được là tôi đi, đến khi nào tắt thở mới thôi".

Dịp tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà Trần Thị Mười đã được chọn là một trong 100 Việt kiều tiêu biểu tham gia chương trình Xuân quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM đồng tổ chức.

Nữ giáo sư ủng hộ 1 tỷ USD để miễn học phí cho sinh viên cả trường

Theo Báo Thanh Niên. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người

Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024

Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.

Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang

Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024

Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.

Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật

Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024

Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.

Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa

Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024

Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia. 

Xem thêm