Nhân duyên đến với đạo Phật
Ngày còn nhỏ, tôi chỉ biết đi chùa vào ngày mùng Một Tết, tôi đi nhưng không biết đạo Phật là gì, hàng tháng vào ngày mùng Một và ngày Rằm thì ăn chay theo ba mẹ...
Tôi lớn lên ở vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa, nơi có ngôi chùa lớn cách biển chừng hai cây số, được người dân gọi là chùa “Phật trắng”. Chùa làng ở quê tôi cũng nhiều. Ba thế hệ gia đình tôi đều tín ngưỡng đạo Phật. Ngày còn nhỏ, tôi chỉ biết đi chùa vào ngày mùng Một Tết, tôi đi nhưng không biết đạo Phật là gì, hàng tháng vào ngày mùng Một và ngày Rằm thì ăn chay theo ba mẹ. Lớn lên, đến tuổi biết yêu, ba tôi bảo: “Thương ai cũng được, ba không quan trọng giàu nghèo, miễn là có đạo đức, có ý chí, tự lập là ba gả, mà phải đạo Phật nha con!”. Không có điều kiện học lên cao, nên tôi đi làm phụ giúp gia đình.
Ngày tôi đi làm ở xưởng thủ công mỹ nghệ mây, tre, lá, tối đi học bổ túc để nâng cao trình độ. Lớp tôi học có một chú cạo tóc, mặc đồ lam đi học. Tôi không biết gọi là gì, nghe người ta bảo thấy ai cạo tóc hoặc để tóc ba giá thì gọi là chú tiểu, nên tôi cũng gọi theo. Chú được được xếp ngồi chung bàn với tôi. Chú tên Sơn, rất thông minh, học rất giỏi. Chú hay mời tôi và các bạn đến chùa chơi. Một lần, chúng tôi đến chùa chú chơi vào lúc 7h tối, khi đó đang là giờ làm lễ trên chánh điện, chúng tôi được quý cô bác Phật tử mời cùng vào làm lễ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi dự lễ nên đứa nào cũng ngờ nghệch, cứ đi theo sau mấy cô chú, chắp tay niệm Phật kinh hành quanh chánh điện, sau đó lại ngồi xếp bằng hòa giọng cùng các cô chú tụng kinh theo tiếng tụng của thầy. Chúng tôi ngồi như vậy khoảng 30 phút, đối với chúng tôi lúc ấy đó là một khoảng thời gian thật là dài. Chúng tôi không dám cười, không dám nhúc nhích, nên thấy thật là uể oải… Nhưng lễ xong chú đem bánh và trái cây đãi nên cũng thấy an ủi phần nào! Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất của tuổi thiếu niên tôi làm lễ ở chùa, sau này, mỗi khi có đến chùa tôi và đám bạn thường cố tránh giờ làm lễ, thường đến vào buổi chiều, lúc đó chúng tôi tha hồ ăn xoài sống với xì dầu thầy trụ trì đãi, chùa trồng rất nhiều xoài, tôi còn nhớ câu nói tiếu lâm của thầy Trụ trì “hết mắm rồi, ăn đỡ xì dầu nha các con!” làm mấy đứa chúng tôi đứa nào cũng cười tủm tỉm.
Có một kỷ niệm về chú Sơn mà tôi không thể quên. Đó là lần tôi mượn vở chú chép bài, thình lình phát hiện trong chú có kẹp tờ giấy, trên đó có ghi dòng chữ “Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng…”. Lúc đó, cô bạn thân tôi học cùng lớp cũng tên là Trang, tôi đưa giấy này cho bạn, hai đứa đều nghĩ chắc chú là có tình ý. Thế là hai đứa tôi giấu tờ giấy đó đi, chỉ trả lại quyển vở cho chú. Chú nhận vở về, sau hôm đó chú liền đến gặp tôi hỏi “Tuyết có thấy tờ giấy trong vở của tôi không?”. Tôi thản nhiên trả lời: “Tôi không có thấy…”. Thế rồi ngày hôm đó trên đường đi học về, hai đứa con gái chúng tôi cứ vừa đi vừa thấm thấm câu nói dối mà cười. Sau đó không lâu, tình cờ nghe được một bài hát Phật giáo có câu chú viết, bài hát “Em là vì sao sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền có ý nghĩa rất cao đẹp và thiêng liêng, tôi mới biết mình đã nhầm và cảm thấy rất xấu hổ vì ý nghĩ không trong sáng của mình. Vài năm sau đó, chú Sơn được thầy trụ trì cho vào Sài Gòn học, và cũng kể từ đó tôi và các bạn không còn đến chùa nữa. Bẵng đi một thời gian, tôi quen một người bạn trai, lập gia đình rồi sinh con. Chồng tôi rất mộ đạo. Anh đi sinh hoạt gia đình Phật tử, mỗi chủ nhật là chở con gái cùng đi. Ngôi chùa hai cha con đi sinh hoạt cũng là nơi ngày trước chú Sơn ở. Tuổi thơ tôi sống bên ba mẹ, đó là những tháng ngày rất êm đềm, hạnh phúc, lập gia đình rồi cuộc đời tôi rẽ bước sang một trang khác. Đó là vào khoảng năm 1988. Về làm dâu, mẹ chồng của tôi rất khó tính, tôi phải cố gắng và nhẫn nhịn, thông cảm rất nhiều để có thể sống với mẹ.
Vào năm 1988 là thời điểm kinh tế rất khó khăn, hai vợ chồng phải lao động, bươn chải mà kiếm sống. Chồng tôi ngày đi bán cà rem, tối thì lên rừng đốt củi lấy than, tôi thì đi quét rác chợ. Chỗ ngủ của hai vợ chồng rất lụp xụp, trần nhà ngói mục nám đen, mấy lỗ thông gió được căng bạt sơ sài, đêm ngủ mùa nắng thì nóng bức, mùa mưa thì dột nát. Lúc đó, ba mẹ ruột của tôi kinh tế cũng ổn định, mẹ và anh trai cho vợ chồng tôi tiền mua miếng đất để cất nhà, làm ăn. Nhưng khi đó chúng tôi không có đủ tiền để cất nhà. Mẹ tôi thấy vậy gọi vợ chồng tôi về ở chung với anh trai thứ chín vợ bỏ vì nghiện rượu. Về ở nhà anh, suốt chín tháng trời, chúng tôi thấy như sống trong địa ngục. Cứ mỗi tối, anh tôi say rượu về là lại quậy phá, cơm vợ chồng tôi để phần anh thì anh đem đổ rồi chửi bới… Lúc đó, tôi khổ tâm lắm, cứ mỗi tối lên bàn thờ thắp nhang cho ông bà là tôi khóc như mưa, lúc nào cũng khấn nguyện cầu xin ông bà phù hộ cho vợ chồng tôi làm ăn được để có tiền che được mái nhà riêng. Cho đến một ngày không chịu đựng được nữa sự xúc phạm của anh, vợ chồng tôi dọn về miếng đất ba mẹ mua cho. Do dành dụm được ít tiền và nhờ anh chị em, bạn bè giúp thêm, nhưng cũng chẳng là bao nên chúng tôi bàn tính sẽ dành số tiền đó để cất nhà dưới và các công trình phụ trước, sau này đợi làm ăn khá sẽ cất nhà trên sau. Nghe vậy, chị em và bạn bè chúng tôi rất phản đối, bảo rằng làm vậy là trái với tập tục, quan niệm xưa nay ông bà chỉ dạy: cất nhà dưới trước sau này cả đời cũng không nổi cất nhà trên. Nhưng tôi nghiệm thấy nhà chồng mình cất nhà trên trước, vậy mà 20 năm trôi qua vẫn không cất nổi nhà trên, vì vậy tôi thấy đây là sự mê tín. Thế nên vợ chồng chúng tôi quyết định làm theo ý mình.
Về ở trên miếng đất mình mua, vì nhà chật hẹp nên tôi thờ ông bà trên một trang nhỏ. Đêm nào tôi cũng cầu nguyện “Cho con làm ăn được, có tiền xây nhà trên, có nơi có chỗ để con lập bàn thờ ông bà. Con cũng sẽ xây một thủ kỳ để thờ vong linh các vị ở quanh đây”. Được hai năm sau, tôi có tiền cất được nhà trên và thực hiện lời hứa của mình. Ngày tôi về nhà mới, chồng tôi thỉnh đức Quan Thế Âm và làm lễ an vị Phật. Tôi phát nguyện ăn chay một tháng 6 ngày, đến 8 ngày, rồi 10 ngày. Những ngày ăn chay liên tục tôi phải thay đổi khẩu vị bằng phở, bánh canh. Mỗi lần như vậy, chồng tôi lại động viên tôi “Cố lên! Anh tin một ngày không xa em sẽ ăn chay trường như anh”.
Tôi làm nghề buôn bán nhỏ, lấy vải, quần áo đi bán dạo tận nhà khách hàng. Năm đó, còn nhớ là năm 2006, tôi đến nhà một bác khoảng 70 tuổi để lấy tiền vải, lúc đó bác ngồi xem đĩa thuyết pháp. Tôi tò mò, lắng tai chăm chú nghe từng lời thầy giảng. Bác thấy vậy, bảo “Con cũng thích nghe đĩa thuyết pháp phải không, để cô cho con hai đĩa”. Tôi mừng quá và xin nhận. Hai đĩa đó mang tên “Hạnh ban vui” và “Giá trị đồng tiền” của thầy Thích Phước Tiến. Tôi về nhà kiếm tiền mua đầu đĩa để xem. Mỗi khi có đĩa mới bác lại cho tôi mượn. Tôi nghĩ đây là nhân duyên tôi đến với đạo Phật. Tôi bắt đầu đến chùa, rồi phát nguyện quy y Tam bảo với pháp danh Huệ Lý.
Bên cạnh, tôi có được một người chồng có tâm đạo, dìu dắt tôi và phước duyên, tôi gặp được bạn đồng hành cùng tu, rủ tôi tham gia các khóa tu một ngày hàng tháng tại các chùa. Tôi được nghe các thầy giảng về nhân quả, nghiệp duyên, về sát sinh… Thầy nói con vật cũng ham sống sợ chết và biết đâu đã từng là ông bà, cha mẹ mình từ bao kiếp trước. Nay ta nhổ lông, trụng nước sôi, nướng hầm lên rồi cùng nhau quây quanh rỉa thịt, ăn uống thì thật là ác tâm và trái với đạo lý. Nghe xong tôi thấy ớn lạnh về nhà phát nguyện ăn chay trường vào tháng 3 năm 2011. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu kinh sách, băng đĩa. Tôi thấy đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, là chánh pháp không mê tín. Tôi tin sâu vào nhân quả và trút bỏ những oán hờn lâu nay tích tụ trong tâm tôi. Tôi không chạy theo danh vọng mà bằng lòng những gì mình đã có. Những gì đau khổ, tất là do nhân mình gieo, giờ phải gặt quả. Tôi như một người lầm đường lạc lối nay quay đầu về tìm sự an lạc. Giờ đây, ngày ngày tôi luôn cầu nguyện đức Phật phù hộ cho mình tinh tấn tu tập, thực hành được những lời Ngài đã chỉ dạy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi
Góc nhìn Phật tử 08:40 24/11/2024Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.
Hạnh phúc nơi tự thân
Góc nhìn Phật tử 08:20 24/11/2024Đức Phật là bậc tỉnh thức, đã phá trừ tất cả mọi tham đắm, mọi sự ràng buộc ở thế gian để tìm ra được chân như. Người đã đốt lên ngọn đèn trí tuệ, giúp người mê trở về nẻo chánh, và dẫn dắt nhân sanh vượt qua được đau khổ của trần gian, đi đến cuối đoạn đường huy hoàng thanh thoát.
Đối diện với cái chết của người thân
Góc nhìn Phật tử 15:10 23/11/2024Nhìn thấy người thân qua đời cũng là lúc ta nhận ra sự vô thường và tạm bợ trong cuộc sống. Cái chết khiến ta hiểu rõ hơn về giá trị của từng giây phút sống và tình yêu thương xung quanh mình. Nó khơi dậy những suy tư về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và những ước mơ ta muốn thực hiện.
Thiền và tập tạ
Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.
Xem thêm