Nhân duyên phát khởi niệm Phật
Đại sư Liên Trì nói rằng: “Một niệm siêu ba cõi, một lời ngang với Thánh Hiền, thật là diệu dụng bất khả tư nghị. Điều ấy, chỉ có trong kinh A-di-đà mà thôi vậy!”. Kinh này là nhân duyên phát khởi pháp môn trì danh niệm Phật.
Đức Thích-ca Mâu-ni quán thấy hết thảy chúng sinh vốn xưa nay là Phật, ai ai cũng có đầy đủ tri kiến Phật, chỉ vì vọng tưởng vô minh che đậy nên không thể thấy được tự tánh Như Lai. Tuy bị mê mờ, luân hồi trong ba cõi sáu đường, nhưng Phật tánh vốn có ấy vẫn không bị mất đi, như kho bảo châu chôn ở trong nhà, viên minh châu buộc trong chéo áo chưa từng tán mất. Cho nên, đức Phật chỉ bày pháp môn niệm Phật là muốn khiến cho hết thảy chúng sinh phát tâm niệm Phật, mà ngộ nhập được tri kiến Phật vốn có ấy.
Các đức Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật”. Trong kinh Pháp Hoa, Phật bảo với ngài Xá-lợi-phất rằng: “Này Xá-lợi-phất! Thế nào gọi là chư Phật Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời? Chư Phật Thế Tôn muốn cho hết thảy chúng sinh khai tri kiến Phật, đắc thanh tịnh giải thoát mà hiện ra nơi đời; muốn chỉ cho chúng sinh thấy tri kiến Phật mà xuất hiện nơi đời; muốn cho chúng sinh ngộ tri kiến Phật mà xuất hiện nơi đời; muốn cho chúng sinh nhập tri kiến Phật mà xuất hiện nơi đời”. Tri kiến Phật tức là Bồ-đề Tứ trí (Thành Sở Tác Trí, Diệu Quan Sát Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Đại Viên Cảnh Trí) của chư Phật, cũng tức là ba đức (Pháp thân, Niết-bàn, Giải thoát) đang ẩn tàng trong chúng sinh. Chư Phật ngộ Phật tri kiến mà thành Chánh Đẳng Chánh Giác; chúng sinh vì mê nên phải luân hồi trong sinh tử. Nên biết mê và ngộ tuy có khác nhau, nhưng Phật và chúng sinh xưa nay bình đẳng. Kinh Kim Cang nói rằng: “Pháp bình đẳng ấy không có cao thấp”, tức là: chúng sinh vốn đầy đủ tri kiến Phật bằng chư Phật không khác.
Hai chữ “tri kiến” là nói theo căn tánh. Căn tánh tức là Phật tánh. Tánh này thường ở đầu cửa sáu căn. Ở mắt thì gọi là thấy, ở tai thì gọi là nghe, ở mũi thì ngửi, ở lưỡi thì nếm, ở thân thì xúc chạm (cảm giác), ở ý thì gọi là biết. Nay chỉ đưa ra ý căn và nhãn căn nên gọi là tri kiến (thấy biết). Thật ra thì sáu tánh này chỉ là một tánh, như kinh Lăng-nghiêm nói vốn chỉ là một tinh minh nhưng phân thành sáu hòa hợp. “Cái biết” của Phật là thật biết, không có cái gì mà chẳng biết. “Cái thấy” của Phật là thật thấy, không có cái gì mà chẳng thấy. Nay, chúng sinh do mê lầm nơi vọng tưởng chấp trước nên cái thấy biết trở thành vọng kiến vọng tri (không phải là cái thấy biết chân thật). Cổ đức có nói rằng: “Biết bao con chim đã mê lầm lót ổ trên một đám mây trắng giăng ngang miệng vực”. Nên biết vọng niệm không có tự tánh, toàn thể tức chân. Phật vì chúng sinh mà khai mở, mà chỉ thị khiến chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật, như chỉ cho biết trong nhà vốn đã có kho báu, viên minh châu vốn có sẵn trong chéo áo, hà tất cầu tìm.
Đức Thích-ca Mâu-ni khai thị pháp môn niệm Phật tức là muốn cho hết thảy chúng sinh thâu nhiếp lục căn, khiến được Tịnh niệm tương tục, xưng niệm “Nam mô A-di-đà Phật”, niệm đến cảnh giới tâm cảnh đều vắng lặng thì Phật tánh sẽ tự hiển hiện, thành tựu tự tánh Di-đà và hoàn thành giai đoạn nhân duyên xuất thế này.
Pháp môn niệm Phật còn gọi là pháp môn Tịnh độ, lại được gọi là “Liên tông”, lại được gọi là “Tịnh tông”. Lòng từ của đức Thích-ca Mâu-ni thật là vô hạn. Ngài quán xét căn cơ của chúng sinh ở cõi Ta-bà mà ban cho pháp môn tối thắng này. Thấy căn tánh của chúng sinh chỉ có tu trì theo pháp môn niệm Phật này là pháp môn dễ nhất, lại dễ đắc độ, nên không ai đặt vấn đề mà tự thân thuyết (vô vấn tự thuyết), đó là cuốn kinh A-di-đà mà chúng ta trì tụng hằng ngày. Ngài tự nói cho Xá-lợi-phất biết rằng: “Từ đây hướng về phía Tây trải qua 100.000 ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Nước Cực Lạc ấy có Phật hiệu là A-di-đà hiện đang thuyết pháp”. Cực Lạc là y báo, Di-đà là chánh báo. Vì để muôn đời trì danh hiệu Phật nên đức Thích-ca đã nói ra pháp môn vi diệu này. Pháp môn này thượng, trung, hạ căn đều có thể hành trì, Tứ sinh Lục đạo đều được siêu thoát. Lợi ích của nó thật là không thể nghĩ bàn vậy.
Trong kinh A-di-đà, đức Phật giải thích hai chữ “Cực Lạc” rằng: “Xá-lợi-phất! Nước ấy vì sao có tên là Cực Lạc? Vì những chúng sinh sinh về nước ấy không có các khổ não, chỉ có an vui, cầu gì được nấy nên gọi Cực Lạc”. Trên đây là nói rõ các thứ trang nghiêm y báo, chánh báo của cõi Tây Phương, hầu phát khởi tín ngưỡng của chúng sinh. Thứ đến là khuyến cáo chúng sinh mỗi người hãy nên phát nguyện, nguyện cầu vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Kinh rằng: “Này Xá-lợi-phất! Khi chúng sinh nghe đến cõi nước Cực Lạc hãy nên phát nguyện sinh về nước ấy. Vì sao? Vì được ở cùng chư thiện tri thức”. Cuối cùng là chí thành khuyên bảo nên trì danh hiệu Phật A-di-đà để được nhất tâm bất loạn. Kinh rằng: “Này Xá-lợi-phất! Nếu có Thiện nam Tín nữ nghe nói đến Phật A-di-đà mà chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hai ngày… cho đến bảy ngày được nhất tâm bất loạn, thì người ấy lúc lâm chung, được Phật A-di-đà cùng các Thánh chúng tay nâng kim đài hiện ra trước mặt, người ấy lúc lâm chung tâm không điên đảo tức được vãng sinh về thế giới Cực Lạc”.
Như những điều đã dẫn trên đây thì cốt yếu của kinh A-di-đà là đức Phật muốn khuyến phát Tín–Nguyện–Hạnh. Người tu pháp môn niệm Phật nên lấy Tín–Nguyện–Hạnh để làm tư lương cho lộ trình vãng sinh nước Cực Lạc. Nếu như đầy đủ được ba món tư lương này thì chắc chắn hành giả được lên ngôi Cửu phẩm. Nên biết: có vãng sinh được hay không hoàn toàn đều do nơi hành giả có hay không có Tín–Nguyện; phẩm vị cao thấp là do ở chỗ hành trì cạn hay sâu. Tín–Nguyện–Hạnh này như đỉnh ba chân, thiếu một thì không đứng được. Tôi thường khuyến khích mọi người nên tu trì pháp môn Tịnh độ. Đối với ba món tư lương này, mỗi món thêm một chữ, gọi là: tín tất phải thâm tín (tin sâu); nguyện tất phải thiết nguyện (nguyện thiết tha); hành tất phải thực hành. Nếu được như thế thì chắc chắn cầm chiếc vé vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.
I. Tin sâu
Sơ lược có bốn:1. Tin đức Thích-ca Như Lai đã viên mãn Tam giác (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn), Tứ trí.
2. Tin cõi Tây Phương Cực Lạc là thực có, do đức Phật A-di-đà đại từ đại bi làm giáo chủ. Lúc còn ở nhân địa tu hành đã phát đại 48 hoằng thệ nguyện, nguyện sau khi tinh cần tu vạn hạnh thành tựu được công đức trang nghiêm chứ không phải là hư ảo.
3. Tin chư Phật ở sáu phương đều xuất ra tướng lưỡi rộng dài che khắp Tam thiên đại thiên thế giới tán thán pháp môn Tịnh độ, là công đức không thể nghĩ bàn. Chư lịch đại Thánh Hiền hoằng dương pháp môn Tịnh độ là tu hành bằng con đường tắt trong các con đường tắt, cho đến muôn kinh vạn luận nơi đâu cũng chỉ rõ ràng. Thánh Hiền xưa nay ai ai cũng đề xướng pháp môn Tịnh độ… quyết định là những lời chân thật không phải dối lừa.
4. Tin rằng cõi Ta-bà ngũ trược là do chiêu cảm ác nghiệp của chúng sinh; cõi Cực Lạc thanh tịnh sạch đẹp, thành tựu do những Tịnh nghiệp của chúng sinh. Niệm Phật được thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý. Khi Tịnh nghiệp đã thành thì vãng sinh Tịnh độ là phù hợp với nhân quả chớ không phải là hư cuống. Quả thật, lúc đầy đủ bốn niềm tin này thì cho dù ai đó nói có pháp môn nào đó siêu việt hơn, khuyên ta tín ngưỡng ta cũng không đổi ý. Bởi vì ta đã tin tưởng vào pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thắng hơn hết, đây chính là tin sâu.
II. Nguyện thiết tha
Lược có bốn loại:
1. Nguyện không phụ tánh linh của mình: Tánh này là Phật tánh tự nhiên mà mỗi chúng sinh đều có đủ. Chỉ vì do phiền não mê lầm, kết nghiệp trói buộc mà phải luân hồi trong biển khổ sinh tử. Nay may mắn được sinh làm người, được nghe Phật pháp, lại được nghe đến danh hiệu Phật A-di-đà, công đức bổn nguyện tín ngưỡng sâu xa nên tự phát nguyện. Nguyện suốt đời thọ trì pháp môn niệm Phật để cầu liễu sinh thoát tử, cầu vãng sinh Tịnh độ, cầu thành Phật đạo để không cô phụ tánh linh.
2. Nguyện ly khổ đắc lạc: Chúng ta theo nghiệp mà sinh vào thế giới Ta-bà năm trược này, bị các khổ như Tam khổ, Bát khổ, vô lượng chúng khổ nói không cùng tận. Nay, thử đem Ta-bà, Cực Lạc so sánh. Ta-bà có Tam khổ:
* Khổ khổ: tức là chúng sinh trong năm đường (ngũ thú chúng sinh) chịu thân sinh tử này đã là khổ mà lại còn phải chịu bao nhiêu cái khổ bức bách nên gọi là khổ khổ (cái khổ này chồng lên cái khổ kia).
* Hoại khổ: từ trời Lục Dục cho đến trời Tam thiền tuy có lạc thọ, nhưng cái lạc ấy không trường cửu, rốt cuộc cũng bị tán hoại nên gọi hoại khổ.
* Hành khổ: từ trời Tứ thiền trở lên tuy không còn khổ lạc nhưng vẫn phải bị hành ấm thiên lưu, chưa đắc tự tại giải thoát, lúc hết quả báo cõi trời thì vẫn phải bị đọa lạc nên gọi hành khổ. Và chúng sinh ở cõi Cực Lạc chỉ thọ những sự thư thái an vui của thân tâm mà không có khổ khổ; chỉ thọ những sự an vui của chánh báo trang nghiêm mà không có hoại khổ; chỉ thọ những sự an vui của Tam-muội tịch diệt mà không có hành khổ.
Lại, thế giới Ta-bà có tám khổ: 1. Sinh là khổ; 2. Già là khổ; 3. Bệnh là khổ; 4. Chết là khổ; 5. Thương yêu mà phải xa lìa là khổ; 6. Ghét nhau mà phải ở cùng là khổ; 7. Mong cầu không được là khổ; 8. Năm ấm không hòa hợp là khổ. Và chúng sinh ở cõi Cực Lạc thì chỉ có cái vui hóa sinh hoa sen mà không có cái khổ của thai sinh; chỉ có niềm vui của tướng đẹp sáng ngời mà không có cái khổ của sự suy thoái vì thời gian; chỉ có niềm vui tự tại mà không có cái khổ của bệnh tật; chỉ có niềm vui của sự thọ mạng mà không có cái khổ của tứ đại phân ly; chỉ có niềm vui của sự đoàn tụ mà không có cái khổ của sự thương yêu mà phải xa lìa; chỉ có cái vui của sự thương yêu mà không có cái khổ của sự oán ghét mà phải sống chung; chỉ có niềm vui của sự cầu gì được nấy mà không có cái khổ dục bất như ý; chỉ có niềm vui của năm ấm được điều hòa mà không có sự khổ lúc phiền não bừng lên. Hai cõi một uế một tịnh, khổ lạc khác nhau trời vực, nên thiết nguyện vãng sinh ly khổ đắc lạc.
3. Nguyện mau được lên ngôi Cửu phẩm không còn thoái chuyển: Tu hành ở cõi Ta-bà này khó tiến mà lại rất dễ thoái thất, là vì hoàn cảnh xấu ác, duyên chướng đạo nhiều, duyên trợ đạo ít. Hoặc ban đầu thì tinh tấn sau lại giải đãi, hoặc là công hạnh chưa thành, khi duyên đời hết đổi báo thân khác không nhớ việc tu hành đời trước nên không thể tiếp tục, đời sau lại tạo nghiệp mới ắt phải thoái đọa. Những khó khăn của sự tu hành ở cõi Ta-bà, như Bồ-tát ở quả vị Thập tín, đã phát đại tâm mà còn tiến lên thoái xuống huống hồ phàm phu. Có tín tâm tu hành phải trải qua một vạn kiếp, khi tín tâm đầy đủ, thiện căn thành thục mới chứng được Sơ trụ (một trong Thập trụ), được quả vị Bất thoái. Và pháp môn niệm Phật vừa được vãng sinh là chứng liền Tam bất thoái (Vị bất thoái, Hành bất thoái, Niệm bất thoái). Kinh A-di-đà nói rằng: “Những chúng sinh được sinh lên Cực Lạc đều là A-bệ-bạt-trí (Bất thoái địa) nên quyết định cầu vãng sinh Tịnh độ, nguyện chứng Bất thoái chuyển”.
4. Nguyện chính mắt thấy Phật A-di-đà: Bởi vì khó mà tự thân thấy được chư Phật xuất thế, thí như hoa Ưu Đàm, 3000 năm mới nở một lần. Người xưa than thở: “Lúc Phật xuất thế con còn trầm luân, nay được thân người Phật đã diệt độ; hận cho thân này nhiều nghiệp chướng, không thấy được thân sắc vàng của Như Lai”. Chúng ta sinh nhằm vào thời mạt pháp, Phật Thích-ca đã diệt độ, Phật Di-lặc lại chưa sinh nên muốn tự thân thấy Phật nghe pháp thật là việc khó vô cùng. Thí như đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa đáng thương biết bao, đã không cha mẹ lại thêm nghèo đói thì cuộc đời cô độc của nó nguy hiểm đến thế nào? Nay ở thế giới Cực Lạc, đức A-di-đà từ tôn đang thuyết pháp, thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con. Chúng ta quyết tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, nguyện thấy Phật A-di-đà, cho dù trải qua kiếp số nhiều như cát bụi, nguyện này không bao giờ thay đổi. Cho dù lúc lâm chung hoặc trời Đế Thích tiếp dẫn ta lên cõi trời Đao-lợi, hoặc vua trời Đại Phạm đón rước ta sinh lên cõi trời Sơ thiền ta cũng nhất định không đi, huống gì là những đường ác thú khác.
Lại nữa, không những chỉ nguyện sinh Tây Phương mà thôi đâu, ta còn phải nguyện sinh lên Thượng phẩm Thượng sinh, mong được đài vàng để sớm thấy Phật, mau chứng Vô sinh pháp nhẫn. Như Đại sư Hoài Ngọc chỉ chuyên tu Tịnh nghiệp. Một ngày nọ, Ngài thấy Phật A-di-đà hiện thân, trên không trung phát ra muôn tiếng nhạc. Phật A-di-đà tay cầm đài bạc đến tiếp dẫn. Hoài Ngọc nghĩ: “Ta một đời tinh tấn tu hành cốt chí tâm ở đài vàng, nay chỉ được đài bạc ta quyết không vãng sinh”. Suy nghĩ thế xong thì thấy đức A-di-đà từ từ bay về hướng Tây biến mất. Từ ấy trở đi, Hoài Ngọc càng thêm tinh tấn. Ngày 21, Phật cùng chư Bồ-tát lại hiện khắp cả hư không, đức A-di-đà lần này tay cầm đài vàng đến tiếp dẫn. Ngọc nghĩ: “Nguyện ta đã trọn vậy. Bèn chắp tay hướng về phía Tây thị tịch”. Lúc ấy, trong không trung phát ra muôn ngàn âm nhạc. Thái Thủ Tụng nói rằng: “Thầy tôi một niệm lên Sơ địa, trăm ngàn khí nhạc thảy đồng ca; cây hòe cổ thụ nơi đầu ngõ, trên cành có quải một kim đài”. Chính như Quang Minh Thiện Đạo cũng có nói rằng: “Nguyện ngươi thế nào, thì được thành tựu như thế ấy”.
Sức nguyện lực thật không thể nghĩ bàn. Các thứ trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc đều do nguyện lực của đức Phật A-di-đà mà thành tựu. Nếu niệm Phật có tín mà không nguyện thì tín ấy chỉ là hư tín. Cho nên, có niềm tin rồi còn cần phải phát nguyện. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện lấy mười đại nguyện vương làm tư lương cho lộ trình đi về Cực Lạc. Lại nữa, Bồ-tát Phổ Hiền còn phát kệ thệ nguyện rằng: “Nguyện cho tôi khi sắp lâm chung, trừ sạch hết thảy bao chướng ngại; tận mắt thấy Phật A-di-đà, tức được vãng sinh nước Cực Lạc”. Là những người tu trì pháp môn Tịnh độ, nguyện ấy không thể không khẩn thiết!
III. Thực hành
Hành tức là trì danh hiệu Phật, chuyên tu Tịnh độ. Hành ấy quý ở chỗ chân thật. Nếu có Tín–Nguyện mà không có thực hành thì vẫn không được vãng sinh thế giới Cực Lạc. Thí như tin (tín) vào hạt giống có thể cho hoa kết trái, rồi cũng mong (nguyện) hạt giống ấy cho hoa thơm trái ngọt nhưng lại không gieo xuống đất, không chăm sóc tưới tẩm (không thực hành) thì tất nhiên là không thể có quả để thu hoạch. Cũng như thế, niệm Phật phải đầy đủ Tín–Nguyện–Hạnh, thiếu một thì không thể được. Hạnh có hai loại:
1. Sự hành: Là dùng cái tâm năng niệm, niệm Phật sở niệm. Năng sở rõ ràng, tâm Phật tương ưng. Tâm không rời Phật, Phật không rời tâm, niệm niệm tương tục không gián đoạn. Đi đứng, nằm ngồi không rời câu “Nam mô A-di-đà Phật”, không khởi vọng tưởng. Tâm như hồ nước trong lắng không chút gợn sóng, Phật như trăng mùa thu vằng vặc trên trời, trạm nhiên bất động, đó là niệm Phật bằng sự hành.
2. Lý hành: Tức là rõ lý trung đạo mà hành pháp tu niệm Phật. Nghe nói pháp môn niệm Phật rồi tin theo không chút mảy may nghi ngờ, nguyện vãng sinh Cực Lạc, chuyên tu Tịnh nghiệp, không trụ ở có, không rơi vào không. Niệm mà không thấy có niệm, không thấy ta là người niệm, Phật là người được niệm. Niệm Phật đến lúc không còn năng sở thì tâm, Phật nhất như. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, không có hai tướng cũng không thể tìm ở có không. Nếu nói là có thì cái tâm năng niệm bản thể vốn vắng lặng, Phật sở niệm tướng bất khả cầu. Nếu nói là không thì cái tâm năng niệm linh thông chưa từng bị hôn tối, Phật sở niệm sáng rỡ muôn đời. Không còn có tướng có không mà trở về với Thật tướng. Cổ đức nói kệ rằng:
“Bỗng nhiên khởi niệm niệm Di-đà,
Đất bằng không gió dậy phong ba
Thân tâm yên lặng trong vô niệm,
Khởi lên (biết) không niệm cũng là tà”.
Đây không chuyên tu sự tướng mà là thuần tu lý quán, sức quán thành tựu thì sẽ biết rõ tâm. Phật tuy có hai tên gọi nhưng bản thể chỉ là một. Thấy được tự tánh Di-đà, tâm hồn trong lắng thì đó là niệm Phật lý hành. Tín–Nguyện–Hạnh là ba món tư lương của hành giả trên con đường đi đến Cực Lạc. Đã chuẩn bị đầy đủ tư lương thì vấn đề vãng sinh nào còn có khó gì! Đã vãng sinh Cực Lạc thì không còn khổ não, siêu vượt Tam giới. Vì thế, nên đức Thích-ca Mâu-ni đã vì chúng sinh mà tự nói ra kinh A-di-đà để làm nhân duyên phát khởi niệm Phật.
Trích “Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật” – Pháp Sư Viên Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm