Câu chuyện cô gái câm niệm Phật được vãng sinh
Trong tâm niệm Phật, tâm được thanh tịnh; tâm không niệm Phật thì là niệm ngũ dục, lục trần, tâm sẽ vẩn đục. Tâm nếu bất tịnh, thì làm sao có thể cảm ứng được?
>>Những câu chuyện niệm Phật vãng sinh Phật tử nên đọc
Tôi có một người dì lấy chồng Chệt Quảng Đông. Dì sanh hai con, một trai và một gái. Trai tên Phá Lường (Hoa Lương), gái tên là Phá Lục Lìn (Hoa Ngọc Liên). Dượng rể tôi làm tài phú cho một chành lúa ngoài Cầu Dài, đối diện với Chợ Cá tỉnh Vĩnh Long, cách chợ bởi dòng rạch Long Hồ… Dì tôi là cô trưởng nữ, má tôi là cô gái út cách nhau mười bảy tuổi. Khi má tôi sanh ra tôi thì anh Lường của tôi bắt đầu đi hỏi vợ…
Chị Lìn thì mới sanh ra đời đã ngu khờ, câm điếc. Ba tôi khuyên dượng tôi nên đưa chị đi lên trường câm điếc ở Lái Thiêu, nhưng dì tôi không đành lòng. Người điếc thì không nghe tiếng thị phi, lại còn câm thì chẳng mắc khẩu nghiệp… Chị Lìn tôi đẹp, thần sắc rạng rỡ như gương. Má tôi xót xa cho phận cháu, nên lãnh chị Lìn về nhà dạy chị thêu đan, làm bánh, đem hết tài khéo léo để truyền cho cháu, hai chị tôi ít giống má tôi bằng chị Lìn… Nếu trời ban cho thần thái chị sáng láng, trong trẻo, thì lại ban cho má tôi tài ăn nói, tài nhứt hô bá ứng. Bởi đó, bà làm cho bên chồng phải nể nang, ba tôi phải khiếp phục, vì bà “hoàn toàn” quá, cư xử hợp tình, hợp lý, miệng dù có cười mà ánh mắt thật oai nghiêm.
Nhà chúng tôi ở gần Đình Khao. Từ Cầu Dài, ven theo sông Cổ Chiên đi thêm hai cây số là tới ngôi nhà từ đường của ba tôi. Nhà gồm năm căn rộng, phía sau, cách cái sân lót gạch tàu là dãy hậu viện, nhà bếp, có hai dãy bên hông nối liền với dãy nhà trên… Khi tôi lớn lên ông nội, bà nội tôi qua đời. Ba má tôi có căn buồng phía trái (từ ngoài nhìn vào). Ông anh kế tôi chiếm căn buồng bên mặt. Hai chị tôi có một căn ở dãy hậu viện. Còn chị Lìn thì có căn buồng hẹp gần nhà bếp. Còn tôi, năm đó mới lên tám, không được ngủ chung với mẹ, phải ở chung buồng với ông anh kế, hễ tôi lỡ làm ảnh phật ý ảnh, ảnh cứ hăm đợi tôi ngủ, khiêng tôi bỏ ra ngoài vườn cho ma xé xác…
Chị Lìn lớn hơn tôi mười tuổi, hiền hậu, học thêu đan làm bánh kiên nhẫn, khéo léo. Mỗi khi dì dượng tôi tới thăm, má tôi than:
– Em có thể dạy con Lìn tài làm khéo, chớ làm sao dạy nó chuyện đạo lý được? Đây rồi rủi nó lỡ dại bị tụi ác ôn dâm tặc làm ẩu… thì biết sao đây? Nó thanh cao trong trắng như bông sen, lại khờ khạo có hiểu phải trái ra sao, nếu lỡ mang bầu, mang cái thứ tạp chủng trong bụng thì…
Má tôi rưng rưng nghẹn lời, không dám nói tiếp, không dám vẽ thêm ác mộng…
Dì tôi lấy khăn chậm nước mắt, mà nước mắt cứ tuôn:
– Chị van vái trời Phật cho nó một là đi tu được, còn hai là có thằng nào hào hiệp chịu đi cưới nó, chị sẽ ăn chay trường.
Sau nầy, chị Hai, chị Ba tôi kể lại, vừa khi chị Lìn bắt đầu có kinh nguyệt, mỗi tháng má tôi bắt chị phải trình đồ lót cho bà xem. Đồ lót đó thường ngâm trong chiếc vịm sành, ra nước đỏ ối. Má tôi sợ chu kỳ đỏ hằng tháng của chị Lìn lỡ bặt ngang thì đổ nợ ra…
Điều má tôi sợ vậy mà ứng nghiệm hai năm sau.
Tôi thương yêu chị Lìn của tôi như thương yêu bà mẹ thứ hai của mình. Những lúc tôi lầm lỗi, chọc ba tôi nổi sùng là roi mây ông quất tôi túi bụi. Những lúc đó chị Lìn liều mạng giựt roi ông, bằng không chị nai lưng ra hứng… Sau đó, khi kéo tôi ra nhà sau, chị cởi áo, cởi quần tôi ra, lấy dầu phọng xức lên lằn roi, vừa xức vừa khóc tầm tã… Tuy nhiên, chị không phát biểu một cử động nào để “nói” với tôi. Chị kéo tôi vào phòng chị, cho tôi xem những bức tranh chị đã thêu, những mặt gối, những chiếc khăn tay… Tôi không ưa những thứ đó, nhưng phải chăm chú xem cho chị vui lòng.
Và cũng một hôm tôi làm bể chiếc dĩa vẽ mai hạc của ba tôi. Sợ ăn đòn, tôi trốn vào buồng chị Lìn.
Chị ngồi ở khung cửa sổ, mắt chăm chú nhìn qua bên kia con rạch, nhà chú Tám xưởng mộc. Thợ mộc về buổi chiều, sau khi nghỉ việc, xúm xít ở sàn nước, lấy gáo sọ dừa, lấy gàu tre múc nước tắm. Thiệt ra khuôn viên nhà tôi có bọc một lớp rào tre. Nhưng vào năm 1945, phong trào thanh niên Tiền Phong nổi lên. Tre, tầm vông đều đốn, vạt nhọn để làm khí giới, nên rào tre trở nên thưa, bên nầy và bên kia có thể trông thông thống lẫn nhau.
Má tôi quên dời buồng chị Lìn, có lẽ vì mắc nhiều công chuyện nên bả quên việc đề phòng cơ bản đó chăng?. Lúc đó trời hơi nhá nhem. Nhưng ánh trăng mọc sớm cũng đủ rọi từng tấm thân thể trần trụi vạm vỡ đẫm nước, lấp lánh ánh bạc. Tôi táy máy thắp ngọn đèn hoa-kỳ đặt trên bàn kê gần cửa vô. Chị Lìn không bằng lòng, thổi tắt đèn. Dù sao, tôi vẫn thấy rõ mắt chị sáng kỳ dị, đôi má rạo rực, vẻ mặt bất an…
Tuần sau, là ngày tựu trường. Anh tôi phải qua Mỹ Thọ học trường Trung học. Còn hai chị tôi cũng lên Sài gòn, chị Hai học nữ công ở trường Mỹ Ngọc, chị Ba học trường Áo Tím… tôi quên mất cử chỉ kỳ lạ của chị Lìn dần dần…
Ba tôi có nuôi con chó Vá mình trắng đốm đen. Chị em tôi có vẻ lơ là với nó, trong khi đó chị Lìn săn sóc nó chu đáo. Má tôi thấy ba con chó Vện đực ở lối xóm mà đâm ra lo cho cái cô chó mỹ miều của mình. Cứ vào gần tháng 7 là bà buộc nó trong nhà, sợ nó lẹo tẹo với ba con đực Vện xấu xí mà đẻ con lộn giống chăng? Chó cái rượng đực mà bị xiềng trong nhà cứ tru, cứ hú thảm thiết quá, nên tôi lén thả nó ra. Lứa chó con năm ngoái chỉ có một con cò, còn toàn là năm con Vện con. Má tôi cho hết lũ Vện nhỏ, chừa con chó cò thì đem tặng dì Hai tôi. Gần lối tháng năm, lườn sông, lòng rạch quê tôi đã có đầy ốc hến, thì con Vá của tôi có một chứng bịnh gì không biết mà mõm nó có nổi hai cục mụt lớn cỡ hột trai ửng màu hường. Má tôi lấy thuốc đỏ, thuốc pô-mat lưu huỳnh xức cho nó mà hai mụt ghẻ ấy không chịu lặn. Tuy nhiên, chị Lìn của tôi vẫn săn sóc, tắm rửa nó đều đặn như tự bao giờ.
Một bữa trưa, tôi vào vườn hái ổi rồi đem ổi vào buồng chị Lìn để tặng chị. Tôi đi từng bước nhẹ, đẩy cửa nhẹ vào căn phòng đã mở rộng cửa sổ và chan hòa ánh nắng. Chị Lìn ngồi ở chiếc ghế đặt bên cửa sổ, ngó trân trối qua bên kia con rạch. Ba anh thợ mộc trẻ cũng nhìn chị như muốn đấu nhãn. Chợt thấy tôi xuất hiện sau lưng chị, họ bỏ vào trong xưởng. Ba anh thợ mộc này ở miệt Cái Sơn Lớn hay An Hương, Hòa Mỹ gì đó lên đây học nghề từ bốn tháng nay.
Trai tráng ở miệt ruộng vườn thì thường có bắp chân chắc, đùi to. Nay làm nghề thợ mộc, họ đều có ngực nở, tay cuồn cuộn bắp thịt. Tôi không để ý lắm khuôn mặt của họ, chỉ biết anh nào cũng có vẻ láu lỉnh. Vào những đêm trời trong, trăng tỏ, họ lấy đờn kìm ra dạo, rồi thay phiên nhau ca vọng cổ mùi mẫn… chị Lìn dù không nghe được gì, nhưng đêm trăng cùng mùi dạ lý thường làm chị bứt rứt, xốn xang.
Một hôm, dì tôi từ Cầu Dài lội bộ xuống thăm, mặt mày lo lắng. Má tôi cùng dì vào buồng chị Lìn đóng cửa lại. Có tiếng ghế xô ngã. Tôi chạy lại áp tai vào vách ván. Má tôi can:
– Bây giờ làm sao ngăn ngừa là tốt hơn. Nó có biết nghe, biết nói gì đâu. Lỗi tại em ráo trọi.
Dì tôi vẫn vừa tát con gái vừa rên rỉ:
– May mà nó câm, nó điếc. Nếu nó “được” như người thường thì nó còn đĩ ngựa giàn trời mây.
Chị Lìn lí nhí rồi khóc hu hu. Tôi còn nhỏ chẳng hiểu gì hết. Sau buổi trưa đó, chị Lìn tỏ ra ghét bỏ con Vá. Nó cứ đứng ngoài rào tre sủa luôn. Có đêm, tôi đang ngủ mơ màng thì nghe con Vá sồ ra sủa thật hăng và hình như nó đâm bổ vào một vật gì để cắn xé. Rồi thì tiếng chân chạy thịch thịch ngoài hè. Tôi nhảy xuống giường. Con Vá rượt đuổi một ai đó về phía rạch. Quả nhiên có nhiều tiếng lỏm bỏm lội qua rạch. Trời đêm tối thui.
Má tôi chợt hiểu nên bắt chị Lìn dời buồng và cho rào chặt dọc theo rạch. Vậy mà có lần tôi cầm ná thun đi bắn chim trong khu vườn làng, tức là vườn thuộc về chính quyền địa phương, không ai săn sóc. Đi sâu vào chỗ trồng toàn cây dâu miền dưới, tôi đã gặp chị Lìn trong bụi rậm đi ra, tóc tai xụ xọp, áo hơi nhèo, chiếc nút ở gần cổ quên gài… Chợt thấy chị từ xa, tôi nép vào đám cỏ song chằng để trốn. Chị men theo con đường mọc lau cỏ rồng chắn đi về phía bờ sông… Mãi một lúc sâu, có tiếng hút gió từ trong bụi rậm tiến về phía tôi. tôi càng giấu mình thật kỹ. Trời ơi, té ra ba anh thợ mộc trẻ, ở trần trùng trục, quần xà lỏn sơ sài… Tôi biết là họ đã làm chuyện ám muội với chị Lìn tôi, nhưng không thể tưởng tượng sự ám muội ra sao. Tôi sực nhớ cái hôm dì tôi vừa đánh vừa chửi chị Lìn, đoán mang máng là sự việc hôm đó cũng liên quan với sự việc hôm nay chớ chẳng không.
Chị Lìn có chửa. Chị Lìn ôm hoang thai.
Phong trào thanh niên Tiền Phong cùng Việt Minh lên nắm chánh quyền đã lôi kéo ba anh trai tơ ra khỏi xưởng mộc. Họ đi đâu biệt tăm, biệt tích. Những cái miệng độc ác đổ hô ba tôi là tác giả cái bào thai chị Lìn. Nhưng tụi chăn trâu, tụi con nít lại quyết chắc thủ phạm là ba anh thợ mộc vì chúng đã bắt gặp cả bốn trong vườn làng. Dì tôi than thở với má tôi:
– Thằng tía nó, thằng tài phú Phá Cẩm Xạch (Hoa Kim Thạch) đó, cũng bởi hắn ta lường tro đãi trấu mới có đứa con gái báo đời. Con nhỏ mặt mũi ngây ngô như vậy mà dám “thiếm xực” một hơi ba trự. Biết ai là cha đứa nhỏ đây? Con gái tui khờ khạo mà sao Trời đành cho nó mang cái thứ tạp chủng trong bụng vậy cà?
Má tôi nói:
– Chị à, nó có biết cái gì là phải, cái gì là trái đạo lý luân thường đâu ? Hoặc cái gì là điếm nhục gia phong đâu ? Thôi thì mình phải chịu nuôi con giùm nó, để sau nầy nó có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Coi vậy chớ lẩm rẩm cái may thì luôn luôn nằm trong cái rủi đó chị.
Dần dà, tôi mới hiểu tại sao dì tôi đánh và chửi chị Lìn tôi vào bữa trưa. Số là má tôi đã bắt gặp chị mấy lần lảng vảng trước xưởng mộc, mắt ngó lấm lét vào bọn thợ trẻ. Má tôi đã nhấn mạnh, mắt tuy lấm lét, nhưng là mắt mời, mắt gọi, mắt đẩy đưa của con Thị Mầu… Nhưng có ai nhét được vào đầu óc chị Lìn tôi rằng liếc trai như vậy là bậy, là xấu?
Làm sao chị hiểu được cái giáo dục dành cho phụ nữ phải như thế nào? Chị tới tuổi thèm khát yêu, yêu đơn giản như con chó Vá cái đi tìm ba con chó Vện đực. Không ai dạy chị liếc, dạy chị tạo cặp mắt mời gọi, đẩy đưa hết. Chị chỉ làm theo bản năng, hoặc có thể được, theo cái trực giác thâm sâu của mình. Vậy mà khi khám phá được chị có thai, dì tôi chồm tới, nghiến răng, ghịt đầu chị, nguyền rủa: Con đĩ thúi thây lầy lụa!
Làm sao chị nghe được mấy tiếng đó ? Chị ngơ ngác như tự hỏi tại sao mình bị đòn, bị ghịt tóc ? Chị không hiểu gì hết. Dì tôi vừa tát chị vừa chỉ cái bụng chị, có thể chị hiểu tại có cái biến chuyển trong bụng chị nên chị bị đòn, nhưng chắc chị vẫn không hiểu tại sao người ta có thể đánh người khác về cái biến chuyển đó ?
Nét mặt trong sáng, ánh mắt loáng gương và hiền dịu của chị hiện rõ vẻ hãi hùng, bi thảm như ánh mắt đứa trẻ thơ bị xô ngã. Chị Lìn tôi chỉ thông minh (tuyệt vời là khác) khi ngó qua đường kim mũi chỉ do má tôi dạy là chị có thể làm y chang. Nhưng về thói đời, về phong hóa, lề thói, lễ giáo chị mù tịt. Dì tôi đã thấy ba anh thợ mộc trẻ là quân thô tục… Cũng như ba con chó Vện đực kia, dưới nhãn quan má tôi quá xấu xí. Chị Lìn không thấy những gì xấu mà dì tôi đã thấy ở ba anh thợ mộc. Con chó Vá cái dĩ nhiên là hoàn toàn không cùng một ý nghĩ về cái đẹp xấu của loài chó đực như má tôi nên nó luân phiên hết giao hoan từ con Vện thứ nhất, sang tới Vện thứ ba.
Đó là những ý nghĩ khi tôi lớn lên, lúc đó chị Lìn đã qua đời khá lâu. Hôm chị bị đòn, tôi nhào tới để hứng đòn cho chị, cũng như chị đã từng hứng đòn cho tôi. Tôi khóc tối trời mù đất, cảm thấy cuộc đời, không riêng gì dì tôi sao có thể tàn nhẫn như vậy? Dì tôi thật ra chẳng phải muốn đánh con mình, dì muốn đánh cái bất hạnh của mình dù nó đã thể hiện qua đứa con tàn tật. Đánh xong, dì tôi khóc ngất.
– Thà trời đày tôi xuống chín tầng địa ngục mà cho con Lìn nói được, nghe được, để nó hiểu cái gì phải, cái gì trái.
Chị Lìn vẫn ở nhà chúng tôi chớ không về Cầu Dài. Dì tôi không muốn ở chỗ buôn bán đông người mà chị lại mang cái bụng chửa bẹo hình bẹo dáng thiên hạ. Khi mùa mưa thoảng xa thì nước dòng sông Cổ Chiên xanh trong. Cây điều, cây lụa trong vườn nẩy lá non mỏng, tươi ngăn ngắt, đọt chiết phớt hồng, đọt lùa màu lá mạ. Hôm chị Lìn lặt lá bốn cây mai trong sân thì anh tôi ở Mỹ Tho cùng chị Hai, chị Ba tôi ở Sài gòn hẹn tháp tùng về nhà ăn Tết.
Không ai tỏ vẻ gì trước biến cố của chị Lìn. Anh chị thường xem sự hiện diện của chị Lìn như không có, từ bao lâu họ thỏa hiệp (có thể coi là quen thuộc) bóng dáng cần mẫn và yên lặng của chị Lìn vì chị Lìn không làm phiền lụy ai, luôn luôn làm lụng tận tụy, gương mặt tươi tỉnh, thản nhiên, cái nhìn lúc nào cũng trống vắng, vô hồn. Má tôi yêu chị Lìn như yêu một tác phẩm của mình. Sự hiện diện của chị Lìn làm bà vung vải được tấm lòng từ bi nhân đạo của mình. Mới khi nhìn những mũi thêu tinh vi của chị trên nền vải lụa, bà tỏ vẻ hả hê vì mình đã ra công biến cải một con ngốc nghếch, tàn tật thành “một kẻ không đến nỗi nào”.
Có thể là cha tôi si tình chị Lìn tôi, đôi lúc tôi thấy ông nhìn chị hơi lâu, lúc má tôi vắng nhà. Năm đó ông đã ngoại tứ tuần, còn tươi, còn rắn chắc. Nhưng vốn cầu an, quen sợ nể vợ nhà, lại không thích chuyện phiền phức nên ông không thích làm chuyện phiêu lưu đó thôi. Ông đành chọn vị trí người dượng rể, vui trong sự săn sóc và hiện diện cả dì lẫn cháu.
Còn tôi, tôi yêu thương chị như một bà mẹ thứ hai. Lúc tôi bị đòn, lúc tôi buồn là luôn luôn có chị. Những lúc đó, chị đến bên tôi nhẹ nhàng xoa đầu tôi, đôi mắt không còn trống rỗng nữa, cái nhìn buồn và “có hồn” hơn.
Khi chị qua đời, suốt quãng đời hoa niên của tôi, cái bóng ma và cuộc đời chị ám ảnh tôi không ngớt. Tôi cứ tự hỏi chị Lìn tôi hiểu cuộc đời như thế nào? Chị nhìn cuộc đời như nhìn qua một cuốn phim câm. Cả nhà dì dượng tôi, cả nhà tôi ai cũng làm biếng khoa chân múa tay để trao đổi ngôn ngữ tay chân với chị, dù có vung vít hoạt động song đó vẫn là ngôn ngữ câm thì làm sao để chị hiểu trọn vẹn?
Bộ óc của chị do đó mà lười hoạt động, cái nhìn thường trống vắng, vô hồn. Phải chi chị được học ở trường câm điếc, chị có một ngôn ngữ riêng để trao đổi với bạn bè đồng cảnh ngộ thì tâm hồn chị sẽ phong phú hơn.
Nhưng dù ba anh thợ mộc vốn “phường tạp chủng”, đen điu thô bạo, kệch cỡm (theo quan niệm của má tôi) lại chơi trò đoản hậu đánh trống bỏ dùi, nhưng họ đã nhóm trong mắt chị một ánh sắc rạng ngời hơn, truyền cảm hơn. Cái nhìn của chị không còn vô hồn nữa. Chị có vẻ suy nghĩ hơn, có vẻ buồn rầu uể oải hơn. Mỗi chiều chị men về dòng rạch, ngó qua xưởng mộc, nước mắt chị ứa ra, ướt đẫm má.
Hai mụt ghẻ trên mõm con chó Vá không chịu lặn mất. Rồi tuần tự những mụn ghẻ nối tiếp mọc lên kết thành một miếng dày nổi cộm tròn tròn, miếng thịt quái ác lớn dần thành một bàn tay.
Dù nó không chảy nước vàng, nhưng trông nó dễ khiếp. Má tôi sau một thời gian suy nghĩ, bà nhất định cột đá vào cổ con chó, chở nó bằng xuồng ra sông Cổ Chiên để bỏ nó chìm luôn trong đáy nước.
Hôm “thủy táng” con chó chỉ có chị Lìn và tôi. Nước lớn đầy sông, sóng vỗ ào ào, nhưng trời lại ngập tràn nắng đẹp. Con chó ngồi gần tôi, thỉnh thoảng liếm vào tay tôi… và trời ơi, trời đất ơi! Nước mắt nó chảy ròng ròng, dù tôi chưa tròng vào cổ nó cái bị có đựng cục đá xanh thật lớn. Khi tới giữa sông, tôi vừa khóc vừa tròng cái bị vào cổ con chó, nó không giẫy dụa gì hết, chỉ ngoắc đuôi.
“Um” một tiếng, con chó và cái bị đựng cục đá quăng vào nước. Sóng lấp xấp tràn tới xóa mọi dấu vết. Hình ảnh ghê tởm đã được con sông chôn vùi. Chị Lìn vừa bơi xuồng về bến nhà vừa khóc nức nở.
Sau buổi thủy táng đó, tôi bị trúng gió (có thể như vậy chăng?) ngã bịnh liệt giường. Trong những cơn mê, tôi thấy con chó ngoi lên từ mặt nước rập rờn sóng, lội qua bên kia sông, chỗ bãi cồn An Thành mọc đầy cây trầm thủy như cây bàn, cây muối, cây vạt sành. Lại có lúc, tôi thấy thây nó nổi phình lên tấp vào những giề rau mác, rau lục bình trổ hoa tím. Lại có lúc, tôi chỉ thấy cái lưỡi nó liếm vào tay tôi, hoặc chỉ thấy cái đuôi nó ngúc ngoắc.
Và cái ấn tượng mạnh nhất đã xâm vào ký ức tôi là đôi mắt tuôn lệ của nó. Đôi mắt đã lồng vào từng cơn chiêm bao của tôi.
Tôi nằm bịnh suốt tuần. Cả chị Lìn nữa. Nhà tôi không ngớt bà con họ hàng tới thăm. Dượng tôi đưa thầy Chín Đăng tới chẩn mạch cho hai chị em. Má tôi thì nghĩ rằng oan hồn con chó ám ảnh hai chị em nên bà xuống chùa Sơn Thắng ở làng Cái Sơn Bé cách nhà từ đường của ba tôi tụng kinh Cầu An cho hai chị em và tụng kinh vãng sanh cho con chó luôn.
Ni sư Diệu Pháp lúc đó sáu mươi ngoài, mặt hồng hào. Bà tu pháp môn Tịnh Độ, vốn là người dì họ của ba tôi. Nghe nói hồn còn nhỏ, bà ở trong nghề dao búa, trôi nổi từ Cái Vồn (tỉnh Cần Thơ) rồi lên miệt Tân Châu, Hồng Ngự, Nam Vang. Bà đã từng chém lính tàu tuần Pháp khi tụi nó ve vãn sàm sỡ với bà. Rồi bỗng dưng bà ta xuất gia, trường trai, tụng kinh và niệm Phật.
Trong thời gian ni sư Diệu Pháp ở nhà tôi, má tôi dành cho bà một gian phòng sạch sẽ, có giường gỗ trải nệm, có tủ áo, tủ “com-mốt”, bàn gỗ dài chất đầy lọ thuốc, hộp thuốc, lọ dầu, dĩa cam, hộp trà, ấm chén và cái rề sô để sư cô tự tay pha trà. Ni sư đem cuốn kinh Quán Vô Lượng Thọ chỉ cho cả nhà tôi xem hình về thế giới Cực Lạc do Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát là đức Quan Thế Âm và đức Đại Thế Chí trông coi. Chị Lìn lúc đó cũng nổi hứng xáp lại. Đôi mắt chị như van nài sư cô giải thích. Ni sư sau lúc giảng kinh cho mọi người nghe xong, kéo chị Lìn ngồi xáp lại gần cuốn kinh. Bà lật từng trang hình vẽ bằng nét tỉ mỉ, rồi bà khoa tay múa chân để “nói” với chị Lìn. Kỳ lạ, đôi mắt chị không còn có vẻ trống rỗng ngơ ngác như sau cơn bịnh nữa, trở nên sùng mộ vô biên. Ní sư và chị cứ múa tay. Cả hai cùng gật đầu theo từng giai đoạn diễn biến của cuốn kinh. Từng trang kinh cứ lật. Hai người đàn bà, một trẻ một già, một tục một tu, cứ trao đổi ngôn ngữ bằng cách khoa tay, đôi lúc múa chân.
Ai dám bảo là chị Lìn không hiểu những gì trong kinh Quán Vô Lượng Thọ ? Ai dám bảo ni sư không dìu dắt được chị Lìn vượt qua khỏi thế giới câm điếc để đi vào trang kinh? Lúc đó, có vài người chị họ (con của các cậu tôi) cùng vài bà hàng xóm.
Lúc đầu, ai cũng tưởng ni sư đùa giỡn với cô gái khờ khạo, dễ thương kia. Nhưng họ quên rằng một nhà tu làm sao có thể trửng giỡn như kẻ phàm phu thế tục được?
Nét mặt ni sư có vẻ cảm động, mắt có ngấn lệ trong khi nét mặt của chị Lìn càng phơi phới và trong sáng hơn. Khi quyển kinh lật tới trang cuối, bỗng dưng chị Lìn đổi sắc mặt, buồn rũ xuống và ôm mặt khóc, rút lui về buồng.
Cậu Sáu, người anh kế của má tôi từ Nha Mân lặn lội lên thăm hai cháu. Má tôi thuật hết tự sự cho cậu nghe. Cậu trầm ngâm một lúc lâu rồi trách:
– Em Bảy à, chị Hai và em thương con Lìn không phải cách. Thay vì em đưa nó vào trường câm điếc để nó học “nói”, học văn hóa để hiểu đạo lý, đàng nầy em bắt nó ở nhà học thêu, trong khi đó nó tiếp xúc cuộc đời chỉ bằng mắt, ngoài mũi lưỡi, miệng nếm đồ ăn. Nếu con Lìn hiểu rằng bị dụ dỗ làm chuyện dâm uế là nhục thì nó đâu có để cho ba thằng quỷ “xên” nó? Còn con chó, thay vì đem đến Sở Thú Y lúc đầu, em cứ trị nó bằng xức ghẻ thông thường…
Má tôi buồn lắm, dù sao bà cũng đã nuôi chị Lìn lâu năm, tấm lòng người dì cũng đổi dần thành tấm lòng người mẹ. Bà nói:
– Con Lìn đẻ xong, em cho nó vào trường câm điếc.
Ni sư Diệu Pháp trước khi về chùa Sơn Thắng, có tặng cho ba má tôi bức tranh A Di Đà Tam Tôn. Ba tôi cho đóng khung và lộng kiếng bức tranh, lập bàn thờ ở trung đường bức tranh ấy.
Chị Lìn cứ thắp nhang, trải chiếu quỳ khá lâu, tay chắp lại, thành kính chiêm ngưỡng. Nhưng ở trung đường thường có khách đến viếng nên rất ồn ào.
Ba tôi đành gửi người quen mua bức tranh A Di Đà khác rồi treo ở trong một căn phòng nhỏ, dành cho chị Lìn thắp nhang cúng nước và ngồi chiêm ngưỡng. Quả thiệt tôi chưa thấy tấm lòng sùng mộ của ai hơn tấm lòng sùng mộ của chị. Chị có thể quỳ hoặc ngồi tĩnh tọa mắt ngó hằng giờ lên tranh Phật, và lâu lắm mắt chị mới chớp. Cái nhìn của chị từ hôm ni sư Diệu Pháp đến tụng giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ trở nên rực rỡ kỳ lạ, giờ đây mỗi khi mường tượng lại, tôi có cảm tưởng nó có ngôn ngữ tha thiết để nhắn nhủ người đối diện: “Các người hãy xem đây, tôi cũng có một đời sống nội tâm. Mà bầu trời tâm cảnh của tôi đã thắp được một thứ ánh sáng lạ tự miền Cực Lạc !”
Nhưng cũng chính giờ đây làm sao tôi cắt nghĩa nổi sự sùng kính và niềm tin của người con gái tàn tật kia? Ai cũng thương xót cho chị Lìn bị ba tên thợ mộc trẻ làm hư hỏng nhưng có ai hiểu ý nghĩa hai dòng nước mắt của chị như thế nào vào lúc chiều chiều chị nhìn qua xưởng mộc? Và làm sao tôi hiểu thấu cuộc đàm thoại giữa sư cô Diệu Pháp và chị Lìn? Nhưng tôi nhận thấy từ lúc chị quỳ trông lên tranh Phật, chị như sắp biến thành pho tượng, gương mặt như lắng vào phút giây sùng kính ngưng đọng và im sững dần dần như gương mặt pho tượng.
Hầu như chị Lìn không để ý đến cái thai gần lâm bồn. Chị cứ thích chiêm ngưỡng tranh Phật. Có đêm tôi thức giấc, đi vòng ra sau hậu điện, đến dãy bồn, ảng, lu, kiệu, khạp, chóe nơi dãy nhà mới để tìm nước mưa uống giải khát… thì thấy trong buồng đặt bàn thờ Phật nhỏ còn thắp ánh đèn. Tôi uống nước xong, chạy lại khe vách dòm vào. Trên bàn Phật, cây nhang đang cháy, tuôn khói, còn chị Lìn quỳ trước bàn Phật, chiếc gối tai bèo kê trên đầu gối.
Kỳ sanh nở, chị Lìn bị chứng nhau chằng, đau đớn từng cơn mệt lả… Suốt tám tiếng đồng hồ mà đứa con chưa chịu chui ra. Cô mụ hương thôn lấy mủ cây đu đủ phết lên gang bàn chân chị, mà vẫn không hiệu quả. Túng thế, má tôi đưa chị đi nhà thương. Cái nhau chằng vừa gỡ ra là chị sanh dễ dàng, chuyện đơn giản mà cô mụ không biết, để đến nỗi chị Lìn bị hành thân hoại thể khá lâu…
Bốn tháng sau, chị Lìn qua đời. Không rõ chị bịnh gì? Chị không nằm liệt, không lên cơn sốt gì hết. Nghe má tôi nói khoảng thời gian gần đây, ngày nào chị Lìn cũng ngồi chắp tay trước bức tượng đức Phật A Di Đà, chăm chú ngắm nhìn dường như không bao giờ mỏi mắt, đôi mắt chẳng lúc nào rời hình ảnh đức Phật cả. Bất cứ lúc nào, má tôi cũng bắt gặp chị Lìn “dán mắt” vào bức tượng, ngay cả khi thêu đan, tuy hai bàn tay của chị thoăn thoắt trên tấm vải nhưng đôi mắt vẫn luôn luôn hướng về đấng từ bi với niềm vui sướng hạnh phúc tột cùng.
Trong tuần lễ cuối đời cũng vậy, chị cứ hết thêu đan là chiêm ngưỡng tranh Phật.
Từ khi chị sanh nở, không hiểu sao chị không có sữa. Dì tôi đành đem đứa nhỏ đi ở nhà người vú. Lâu lâu chị Lìn tháp tùng mẹ đi thăm con, mắt chị rạng rỡ, chị hôn hít con như bao người mẹ khác. Trước khi ra về, chị cầm hai tay đứa nhỏ chắp lại và bắt nó xá xá…
Một sáng nọ, không thấy chị nấu nước cúng Phật, má tôi liền vào buồng tìm chị. Chị đã chết, nằm ngay ngắn, bức tranh Phật áp trên ngực, tay chị còn chắp lại. Dù thương tiếc chị, dì tôi và má tôi tỏ vẻ bằng lòng vì nét mặt của chị lúc chết êm đềm, hiền dịu như ngủ, mà có phần đẹp hơn ngày bình thường. Nụ cười của chị dù chỉ mỉm nhẹ nhưng lại tươi thật là tươi, môi mọng thắm. Vì đỉnh đầu chị còn nóng rực, nên mãi tới ba ngày sau, má tôi mới cho tẩn liệm chị.
Cái chết của chị Lìn dường như đã ám ảnh cuộc đời tôi một cách lâu lắc, quá lâu. Có thể nói rằng trọn kiếp sống này tôi không bao giờ quên được hình ảnh chị an lành ngừng thở, đầu nóng như lửa, nhưng trên tay còn ôm ấp bức tượng A Di Đà, như muốn đức Phật truyền ban ánh quang minh vô lượng và sanh khí vĩnh cửu cho mình trong cõi sống âm u ngột ngạt của một người câm điếc. Bởi vì tôi chẳng có chút hiểu biết về Phật giáo cho nên tôi không tự mình giải thích nổi sự kiện tâm linh ấy, và tôi cũng luôn cảm giác lờ mờ về biến cố thiêng liêng mầu nhiệm đã đeo đẳng bản thân suốt mấy chục năm trường.
Cho đến ngày sang Mỹ định cư, mỗi lúc chiều buông, anh em rủ nhau nhâm nhi bên ly rượu, riêng tôi thường cầm ly mà không uống, và cũng chẳng nhắp. Tôi thẫn thờ nhớ về hình ảnh chị Lìn. Chị nằm an lành, kính cẩn áp ngực vào bức tượng A Di Đà. Tôi không thể hiểu được đức Phật A Di Đà đã chiếu rọi vào thân tâm chị Lìn những năng lực mầu nhiệm nào để khiến chị từ giã cuộc đời này một cách an lành, hạnh phúc như vậy.
Gần đây, tình cờ gặp lại bác Tịnh Hải, tên thật của ông ta là V.Đ.P, trước là chủ báo nổi tiếng của Sài-gòn cũ, nay không hiểu vì sao chuyển sang ăn chay niệm Phật và nghiên cứu kinh điển. Tôi mừng húm, bèn đem tất cả mọi chuyện về cái chết kỳ lạ của chị Lìn thuật lại cho ổng nghe, rõ rõ ràng ràng từng chi tiết lớn nhỏ.
Nghe xong, ổng bảo :
– Mừng cho anh có người chị hết sức tuyệt vời. Chị Lìn đã giải thoát, đã đạt được thành quả mà vô số những người Phật tử luôn luôn khát khao mơ ước. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì chị Lìn đã vãng sanh.
Tôi gạn hỏi :
– Vãng sanh? Nghĩa là làm sao? Xin bác làm ơn giảng rõ cho cháu đặng chăng?
– Vãng sanh … là … Chà, thiệt khó nói quá. Anh tạm thời cứ hiểu như vậy : vãng sanh nghĩa là tâm linh chị Lìn được chuyển đổi bởi năng lực bất khả tư nghị của đức Phật A Di Đà. Và qua năng lực vi diệu ấy, chị đã hoán cải tâm linh nhiễm dơ của mình trở thành “tâm thức giác ngộ”, … ờ ờ, nhà Phật gọi là “hoa khai kiến Phật”, tạm thời phải diễn tả như vậy, như vậy, …
Nói dài dòng là phải nói như vầy : Tuy chị Lìn là một người câm điếc hoàn toàn, vô văn hóa, vô lễ nghĩa, vô trí thức – nhưng ni sư Diệu Pháp đã nỗ lực và khéo léo “thuyết giảng” bằng ngôn ngữ đặc biệt nào đó, khiến cho chị ta thâu nhận, thấu hiểu ý nghĩa của kinh Quán Vô Lượng Thọ – rồi tuyệt đối tin tưởng vào năng lực cứu độ và lòng thương yêu chúng sanh vô hạn của đức A Di Đà cùng cõi Phật trang nghiêm vi diệu. Ni sư Diệu Pháp cũng đã giúp chị Lìn phát nguyện vãng sanh Cực Lạc bằng cách nhất tâm xưng niệm danh hiệu Phật. Cuối cùng chị Lìn đã đạt thực hành pháp môn Niệm Phật theo kiểu cách đặc biệt rất riêng của mình và đã đạt kết quả như ý. Với niềm tin, với trình độ Phật pháp của tui, với tất cả những điềm lành xuất hiện lúc lâm chung của chị, thì tui nghĩ, chị Lìn đã rốt ráo giải thoát, chứng ngộ ngay giờ phút lâm chung và đã được đức A Di Đà tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc !
Tôi thắc mắc :
– Chị Lìn vừa câm vừa điếc, làm sao mở miệng niệm Phật cho đặng ?
Bác Tịnh Hải cười ngất :
– Thì … chị Lìn niệm Phật bằng … đôi mắt chứ sao ? Chúng ta có lổ miệng thì mình niệm Phật bằng môi, bằng miệng, bằng lưỡi. Người không có miệng để niệm ra tiếng như tụi mình thì niệm Phật bằng mắt … Chính anh biết đó, chị Lìn đã niệm Phật bằng mắt bởi vì trong hoàn cảnh gọi là “thiếu căn” của chị, chị Lìn buộc phải niệm Phật bằng hai con mắt, vốn là khí cụ duy nhất để truyền thông và phát tín hiệu cho thế giới bên ngòai. Tuy có khó khăn nhiều đó, nhưng nếu chị không sử dụng cặp mắt thì biết làm sao bây giờ? Không được hay sao?
Điều đáng nói ở đây là: năng lực cứu độ của đức Phật quả thiệt là không thể nghĩ bàn ! (bất khả tư nghị !)
Tôi trở thành con người nhất tâm tin Phật từ đó, và bài viết này được xem như là một kỷ niệm trân trọng của một bước khởi đầu. Tôi về đâu ? Nếu không phải là mạnh dạn cất bước tiến vào hành trình trở về cõi Phật A Di Đà, như chị Lìn của tôi đã thành tựu trước đây mấy mươi năm ?
Xin xem bài viết này như một nén nhang cảm ơn đức Phật A Di Đà, cảm ơn ni sư Diệu Pháp. Xin cảm ơn chị Lìn và nhất là, xin cảm ơn những lời chỉ dẫn tận tình của cư sỹ Tịnh Hải. Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả quý vị đã chịu khó bỏ thời gian quý báu mà đọc tới đây.
Nam mô A Di Đà Phật
Theo: duongvecoitinh.com
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm