Nhân quả khác biệt giữa người với người
Một thuở nọ, Phật ngự nơi tịnh xá, trong đám cây ông Kỳ-Đà Thái tử, vườn ông Cấp Cô Độc, tại thành Xá-Vệ, có một người thiếu niên tên Subha con của ông Todeyya đi đến chỗ Phật ngự, vào đảnh lễ và bạch rằng:
Bạch Đức Thế Tôn, tại duyên cớ nào mà con người sanh ra:
- Có kẻ chết sớm, người lại sống lâu;
- Có kẻ nhiều bịnh, người lại ít bịnh;
- Có kẻ vô duyên, người lại hữu duyên;
- Có kẻ thế cô, người lại quyền lớn;
- Có kẻ bần cùng, người lại phú túc;
- Có kẻ thấp hèn, người lại cao sang;
- Có kẻ bất tài, người lại trí thức.
Bạch Đức Thế Tôn, tại duyên cớ nào mà con người sanh ra, lại có bực sang hèn khác nhau như vậy?
- Người thiếu niên nầy! ấy cũng bởi nhân quả mà ra, cái nhân lành mà con người đã tạo, thì con người hưởng lấy; cái nhân dữ mà con người đã gây, thì con người mang lấy. Cái nhân là mẹ sanh ra con người cao sang hay là hèn hạ vậy.
- Bạch Đức Thế Tôn, Ngài nói vắn tắt thế ấy tôi chưa được trọn hiểu cái lý nhân quả cao siêu, cúi xin Đức Thế Tôn giảng giải rộng thêm cho tôi được tột rõ lý nhân quả, bằng một cách dễ dàng hơn.
- Người thiếu niên nầy! vậy ngươi ráng lắng nghe.
- Bạch Ngài tôi hết lòng xin nghe.
Phật bèn giải rằng:
1. Người yểu tử:
Đây, người thiếu niên nầy! kẻ nào trai hay gái, ham sự chém giết, quen thói sát sanh, không lòng nhân từ cùng loài động vật, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo nên phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì chết yểu tử.
2. Người trường thọ:
Đây, người thiếu niên nầy! trái lại kẻ nào trai hay gái, không lòng chém giết, giữ giới sát sanh, tay không cầm khí giới, hằng sợ tội lỗi, có lòng nhơn từ cùng loài động vật, người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, nên được sanh trong thượng giới, nếu tái sanh lại làm người, thì được trường thọ.
3. Người nhiều bệnh tật:
Đây, người thiếu niên nầy! kẻ nào, trai hay gái, tánh tình hung dữ, thường đánh đập những loài động vật bằng tay, hoặc bằng cây, hoặc bằng khí giới, người đó, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác do cái nhân dữ đã gieo, nên phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì thường hay đau ốm.
4. Người thường khoẻ mạnh:
Đây, Người thiếu niên nầy! trái lại kẻ nào trai hay gái, tâm tánh hiền từ, không hay đánh đập những loài động vật, bằng tay, hoặc bằng cây, hoặc bằng khí giới, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì thường được mạnh khoẻ.
5. Người vô duyên:
Đây, người thiếu niên nầy! kẻ nào trai hay gái, lòng hay nóng giận, bất bình, hét la, mỗi chút mỗi gắt gỏng, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì thường hay buồn bực, mặt mày xấu xa.
6. Người hữu duyên:
Đây, người thiếu niên nầy! trái lại kẻ nào trai hay gái, không lòng nóng giận, chẳng dạ bất bình, hét la, cằn nhằn, người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì sắc mặt thường hay vui vẻ xinh đẹp.
7. Người cô thế:
Đây, người thiếu niên nầy! kẻ nào trai hay gái, thấy người khác giàu sang, danh tiếng, được thiên hạ kiêng vì yêu mến, tùng phục, mà sanh lòng ao ước ganh gổ, người đó, bởi cách hành động không lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì phải chịu thế cô quyền yếu.
8. Người quyền hành lớn:
Đây, người thiếu niên nầy! Trái lại kẻ nào trai hay gái, không lòng ganh gổ, thấy người khác giàu sang, danh tiếng, được thiên hạ kính vì, yêu mến, tùng phục mà không lòng ao ước, ghét ghen, người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo thì được sanh trong thượng giới, nhưng nếu tái sanh lại làm người thì được quyền cao thế trọng.
9. Người bần cùng:
Đây, người thiếu niên nầy! kẻ nào trai, hay gái, không lòng bố thí vật ăn, nước uống, thuốc men, y phục, giường nằm, chỗ ở, dầu đèn cho các bậc Sa Môn, hay Bà la môn; người đó, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì phải bần cùng khổ não.
10. Người phú quý:
Đây người thiếu niên nầy! kẻ nào trai, hay gái, thường hay bố thí vật ăn, nước uống, thuốc men, y phục, nơi nằm, chỗ ở, dầu đèn cho các bậc Sa môn hay Bà la môn; người đó, bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì được giàu có.
11. Người hèn hạ:
Đây, người thiếu niên nầy, kẻ nào trai hay gái, có lòng khinh rẻ, không chào hỏi những người đáng chào, không nhường chỗ cho những người đáng nhường; không nhường đàng cho những người đáng nhường, không kính trọng những người đáng kính trọng, người đó, bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì phải chịu bề hèn hạ.
12. Người cao sang:
Đây, người thiếu niên nầy! kẻ nào trai hay gái, không lòng khinh rẻ, hay chào hỏi những người đáng chào, tiếp rước những người đáng tiếp rước, nhường chỗ ngồi cho những người đáng nhường, nhường đàng đi cho những người đáng nhường, kính trọng những người đáng kính trọng, người đó, bởi các hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, được sanh trong thượng giới, nhưng nếu tái sanh lại làm người thì được sang cả.
13. Người bất tài:
Đây người thiếu niên nầy! kẻ nào trai hay gái, không tìm kiếm các thầy Sa môn hay Bà la môn để học hỏi như vầy: Bạch thầy, đạo đức là thế nào? Lành là thế nào? Dữ là thế nào? Điều nào đáng chê? Điều nào đáng khen? Điều nào nên làm? Điều nào không nên làm? Làm điều nào cho tôi được trong sạch và yên vui? Người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi thác, do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu tái sanh làm người thì phải chịu bề dốt nát.
14. Người trí tuệ:
Đây người thiếu niên nầy! trái lại kẻ nào trai hay gái, có lòng tìm kiếm học hỏi nơi các bậc Sa môn hay Bà la môn như vầy: Đạo đức là thế nào? Lành là thế nào? Dữ là thế nào? Điều nào đáng khen? Điều nào đáng chê? Điều nào nên làm? Điều nào làm cho tôi trong sạch và được yên vui? Người đó bởi cách hành động lành ấy, sau khi thác, do cái nhân lành đã gieo, thì được thăng thượng giới, nhưng nếu tái sanh lại làm người, thì được thông minh trí tuệ.
Người thiếu niên nầy, chúng sanh tạo nhân lành thì được hưởng quả lành; bằng gây nhân dữ, thì phải mang quả khổ: cái nhân là mẹ của chúng sanh. Chúng sanh được cao thăng hay bị sa đọa cũng do nơi cái nghiệp mà ra vậy.
- Nghe Đức Thế Tôn giải xong rồi, người thiếu niên Subha, con của ông Todeyya, bèn bạch cùng Phật rằng: Hoàn toàn thay, Đức Thế Tôn! cũng như kẻ bị trói mà được mở, như kẻ lầm đàng mà được thấy nẻo chánh, như kẻ mù mà được sáng; như nơi tối mà được đèn, Bạch Đức Thế Tôn, nhờ Ngài chỉ dạy cái lý nhân quả rất phân minh nên con mới được rõ thông đàng ngay nẻo vạy.
Con tình nguyện Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng, xin Đức Thế Tôn nhận chịu cho con là kẻ thiện nam, kể từ nay cho đến trọn đời của con.
Nguyện xin hồi hướng Công Đức này cho tất cả chúng sinh đời này và mãi mãi đời sau, được theo Chánh Pháp nhiệm màu, được lan tỏa Chánh Pháp muôn nơi, tinh tấn tu tập đạt giác ngộ giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Trích từ "Nhựt hành của người tại gia tu Phật"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Xem thêm