Nhân quả và con đường chuyển hóa
Thế cho nên, chúng ta đến với đạo Phật nếu biết tu thì được hưởng nhân nào quả nấy tốt đẹp, còn không biết tu thì phải chuốc lấy khổ đau. Ai muốn đi tới chỗ tốt, hưởng điều tốt thì phải làm theo những gì Phật dạy.
Như chúng ta đã biết, Phật là bậc giác ngộ sáng suốt hoàn toàn, không còn mê lầm, khổ đau, không còn phiền não tham - sân - si. Qui y Phật tức là trở về con đường thanh tịnh, sáng suốt, trong sạch. Như một số người vì tin lầm, mê bậy, cuồng tín cho rằng giết người được lên thiên đàng, nên họ khủng bố, giết chóc dã man cũng chỉ vì lòng tham lam, ích kỷ mà ra.
Thế giới này đã từng có những hạng người như thế, thử hỏi làm sao không đọa địa ngục đời đời kiếp kiếp cho được? Họ tưởng làm vậy sẽ được sinh thiên, nào dè trước mắt bị chết chóc, đau thương và khi mất đi còn bị đọa chỗ u mê, tối tăm, không có ngày ra khỏi.
Cũng vậy, khi chúng ta phát nguyện qui y tu theo Phật, có nghĩa là chúng ta phải tin sâu nhân quả và quyết tâm gìn giữ không gieo nhân xấu ác để từng bước đi tới quả giác ngộ, giải thoát.
Nhưng trong quá trình từ nhân đến quả đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực liên tục, phải cố gắng thực tập hạnh buông xả và kiên trì, bền bỉ tu hành không lơ là, giải đãi mới được kết quả tốt đẹp như lời Phật dạy.
Qui y Pháp khỏi đọa vào loài ngạ quỉ, ngạ quỉ tức là loài quỉ đói. Vì người tu theo đạo Phật phải có tấm lòng từ bi rộng lớn, thương yêu, bình đẳng với mọi người. Khi ta có lòng từ bi thì ai khổ đau, bất hạnh, chúng ta luôn tìm cách san sẻ và giúp đỡ.
Nhờ lòng từ bi rộng lớn nên chúng ta không nỡ gian tham, trộm cướp, lường gạt của ai, hay tìm cách bòn rút của người khác, mà còn sẵn sàng chia vui, sớt khổ với trái tim yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống. Vì có lòng từ bi nên ta không có tâm tham lam, bỏn sẻn, tâm keo kiết, ích kỷ và ác độc với ai. Vì ta không gieo nhân như thế nên không bao giờ bị đọa làm loài quỉ đói. Bởi chúng ta đã gieo nhân tốt thì làm sao bị quả xấu được.
Cho nên, khi qui y Pháp rồi thì quý vị tránh khỏi làm loài quỉ đói nhờ biết gieo nhân thương người, cứu vật bằng tất cả tấm lòng. Vì vậy, khi đã qui y, chúng ta phải thực hành lời Phật dạy để phát triển tâm từ bi rộng lớn mà cùng nhau chia vui, sớt khổ theo tinh thần của Bồ tát Quán Thế Âm dấn thân đi vào đời để phục vụ chúng sinh bằng 32 ứng thân.
Phật dạy: Nghiệp tốt do mình tạo, không phải sức thiêng liêng nào ban
Qui y Tăng rồi khỏi đọa làm loài súc sinh. Tại sao? Vì súc sinh là từ nhân si mê mà ra. Phật đã nhập Niết Bàn từ lâu, bây giờ còn lại chư Tăng đang kế thừa con đường của Phật, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho chúng ta biết đâu là điều thiện lành, tốt đẹp, đâu là điều xấu ác, đâu là tội, đâu là phước, đâu là chánh, đâu là tà.
Khi chư Tăng đã chỉ cho mình biết rõ rồi thì mình phải khôn ngoan, sáng suốt, tránh tội làm phước, tránh ác làm lành và tránh tà làm chánh. Như vậy, từ nhân đến quả ta không gây tạo nghiệp si mê thì làm sao bị đọa làm loài súc sinh cho được.
Chúng ta đến với đạo Phật là để tu, có nghĩa là sửa, là bỏ, là chừa những thói quen tật xấu nên Phật dạy lấy nhân quả làm nền tảng trong sự tu hành chuyển hóa từ xấu thành tốt.
Khi chúng ta gieo nhân tốt rồi, ta còn phải cố gắng duy trì bền bỉ, bảo vệ dài lâu thì sẽ được kết quả như ý muốn trong tương lai. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải đọa vào chỗ khốn cùng, đó là một sự thật.
Như vậy, người Phật tử chân chính phải biết sáng suốt chọn lựa nhân tốt để gieo, tránh không làm những việc xấu ác. Đó là chúng ta biết tu theo lời Phật dạy. Bước đầu tu theo Phật là qui y Tam Bảo, tức chúng ta tạo ba chánh nhân thiện lành, tốt đẹp.
Nhân thứ nhất là nhân sáng suốt để giúp ta không bị u mê, tối tăm che mờ; do đó không bị đọa vào địa ngục. Nhân thứ hai là nhờ có lòng từ bi, thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết nên không bao giờ bị đọa vào loài quỉ đói. Nhân thứ ba là nhờ tư duy, quán chiếu, chiêm nghiệm, xem xét, nên ta phát sinh trí tuệ; do đó không bao giờ bị đọa vào loài súc sinh.
Ba chánh nhân này như cái đỉnh ba chân giúp ta vững vàng trên đường tu học, không bị phong ba, bão táp làm chướng ngại, nhờ thanh tịnh, sáng suốt, từ bi và trí tuệ mà hay chiếu soi muôn loài vật.
Muốn không đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh thì ta phải giữ giới không giết người, hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, lường gạt; và không uống rượu say sưa, hay dùng các chất độc hại như là xì ke, ma túy; thì chúng ta tránh khỏi bị người thù hằn, oán giận, tránh khỏi nhân giết hại lẫn nhau, tránh khỏi nhân si mê và tù tội.
Vì người mà tạo nghiệp ác chính mình phải chịu tội
Giữ được đầy đủ những giới như vậy thì hiện tại chúng ta không bị người thù oán, rình rập, giết hại, không phải bị tù tội vì vi phạm pháp luật, không bị ai phá hoại hạnh phúc gia đình, không bị ai lường gạt, hãm hại và không si mê, tối tăm để làm các việc xấu ác.
Thế cho nên, chúng ta đến với đạo Phật nếu biết tu thì được hưởng nhân nào quả nấy tốt đẹp, còn không biết tu thì phải chuốc lấy khổ đau. Ai muốn đi tới chỗ tốt, hưởng điều tốt thì phải làm theo những gì Phật dạy.
Từ nhân đi đến quả chớ không có cái khi không, ngẫu nhiên, và cũng không có ai ban phước, giáng họa cho ta hết mà chính ta là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc. Tất cả quí Phật tử nghĩ cho kỹ xem, đức Phật dạy ta muốn hưởng quả tốt thì phải gieo nhân tốt, đó là sự thật; nhưng vì ta quá tham lam nên không chịu tu, chỉ muốn xin cho khỏe.
Vậy trong đời chúng ta có hai tờ giấy khai sinh, khi mới sinh ra là một và bắt đầu quy y làm đệ tử Phật là hai. Cái tên trước là do cha mẹ đặt, cái tên sau hay còn gọi là pháp danh là do quý thầy đặt, nhằm mong muốn cho ta trước tiên phải dứt ác làm lành, tin sâu nhân quả. Phật là người giác ngộ, thì ta cũng có khả năng giác ngộ như Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm