Nhờ bà nội mà Đạo Phật đã bén mầm xanh lá trong tâm
Hôm nay là lễ cúng 49 ngày của bà nội tôi, các già trong làng đến tụng kinh, niệm Phật rất đông. Ngồi nép mình vào một góc, tôi vừa lẩm nhẩm đọc theo những lời tụng niệm vừa lần giở lại ký ức của mình về những bài học đầu đời của bà nội giúp bước chân tôi đến gần hơn với Phật.
Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ, khi thấy người già đọc kinh trong một đám tang, tôi đã hỏi bà việc đọc kinh như thế có ý nghĩa gì. Bà âu yếm bảo để người mất tiêu bớt nghiệp chướng mà siêu sanh về tịnh độ. Với một đứa trẻ lên mười, ham chơi hơn ham học thì tôi không thể hiểu được “nghiệp chướng” hay “tịnh độ” nên đã hỏi lại bà. Thay vì trả lời thì bà bảo: “Con lớn và năng đi chùa thì sẽ hiểu thôi”.
Cho đến một hôm, khi thấy tôi cầm cây sào chọc lên tổ chim trên ngọn cây, bà nội đã chạy ra giữ tay tôi lại: “Có ai cầm gậy chọc phá nhà mình đâu mà sao con nỡ chọc phá tổ ấm của người khác thế hả?”. Tôi cự lại: “Đó chỉ là tổ chim thôi chứ có phải người đâu ạ!”. Bà kiên nhẫn: “Nhưng nó cũng là một sinh mạng con à”.
Vừa nói, bà vừa lôi tay tôi vào nhà. Bà ôn tồn giảng giải cho tôi nghe, rằng nếu tôi làm vậy là tôi đang tạo ra nghiệp ác cho bản thân mình, chết đi sẽ bị đày vào ngục tối, gánh chịu những hình phạt tương ứng; rằng đó chính là nghiệp chướng, là quả báo mà tôi phải nhận từ đời này.
Tôi nhớ lại câu nói “vãng sanh về tịnh độ” của bà từng nói, dù chưa hiểu nghĩa của câu đó nhưng tôi vẫn ngang ngạnh cãi lý: “Thì khi con chết, mọi người sẽ đọc kinh để cầu cho con thoát khỏi tội ác, để con vãng sanh về tịnh độ”.
Bà tôi thở hắt ra: “Con vẫn mang tâm ác như thế thì chẳng có kinh kệ nào cứu vớt được đâu. Chưa kể mọi người không còn thương yêu con thì làm gì có ai đến đọc kinh cho con nữa chứ. Cũng giống như khi con đánh thằng Tí, thằng Tèo đấy, chúng đâu có thèm chơi với con nữa đâu”.
Tôi như hiểu ra vấn đề nên im thin thít ngồi trên ghế để nghe bà nội giáo huấn.
Đó là lần đầu tiên trong tâm thức của một đứa trẻ mười tuổi, tôi manh nha hiểu được thế nào là nghiệp báo. Để rồi sau đó, qua những bài học giản đơn nhưng sâu sắc của bà, Đạo Phật đã bắt đầu bén mầm trong tâm tôi.
Nhờ vậy mà từ một thằng bé không thích đi chùa, tôi đã năng đi chùa với bà hơn. Thậm chí từ năm mười ba tuổi, tôi còn mon men ngồi đọc kinh cùng với bà nội nữa. Những “Chú đại bi”; “Kinh tụng niệm hàng ngày”; “Kinh Hoa Nghiêm”; “Kinh A Di Đà”; “Kinh báo hiếu Vu Lan”… tôi dần quen thuộc.
Lúc đầu đọc những cuốn Kinh đó tôi chẳng hiểu gì. Nhưng vì đọc nhiều nên ngấm dần, cộng thêm được nghe bà giảng giải thì tôi không chỉ hiểu về cuộc đời đức Phật cùng những lời răn của Ngài mà còn biết được thế nào là bến giác, bờ mê, sống ở đời phải đặt chữ “hiếu” làm đầu, chữ “nhân” làm gốc, không phạm phải “tham-sân-si”.
Cũng nhờ bà mà tôi đã tin và một lòng tín Phật.
Tôi nhớ năm tôi 28 tuổi, một người bạn thấy tôi hay đi chùa đọc Kinh vào mỗi thứ 7, Chủ Nhật thì đã hỏi tôi có tin Phật không. Tôi không do dự mà đáp ngay là có. Bạn lại hỏi vì sao, tôi đã đáp: “Vì tôi tin ở đời này thực sự có nhân- quả”.
Bạn cười cười: “Tức là ở hiền sẽ gặp lành hả? Tôi không tin. Nhiều người ăn ở hiền lành, hiếu thảo, hay giúp người khác mà người ta vẫn bị hết tai nạn này đến rủi ro khác. Bất công đến thế còn gì”. Tôi buồn giọng: “Cũng bởi nhân - quả mà ra cả thôi”.
Nói rồi tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện mà tôi từng được bà tôi kể hồi nhỏ.
Rằng có một thanh niên bị tật nguyền và mồ côi từ bé nên phải đi xin ăn kiếm sống qua ngày. Một hôm, anh ta đi đến một con sông có nước chảy xiết, người bơi qua đó bị chết đuối nên anh đã quyết định ngoài những lúc đi ăn xin, mình sẽ đi gom đá để về xây cầu. Ban đầu, người dân nghĩ anh ta bị khùng, nhưng khi thấy đống đá ngày một nhiều lên thì mọi người đã thôi chế giễu và bảo nhau hợp sức với anh.
Tuy nhiên trong quá trình đục đẽo đá thì miếng đá văng ra làm mù cả hai mắt của anh ta. Đáng thương hơn nữa là khi cầu xây xong, người thanh niên này không may đã bị sét đánh chết. Người dân ở đó ai cũng xót thương và trách than ông trời không công bằng.
Khi ấy có một vị sư đã đứng ra và nói với mọi người, do kiếp trước của anh ta là một người giàu có nhưng gian ác, coi mạng người như cỏ rác, phải trả ba kiếp mới hết nghiệp chướng mình gây ra. Ba kiếp đó bao gồm kiếp sống mồ côi phải đi ăn mày; kiếp sống đui mù và kiếp bị sét đánh chết. Do kiếp này anh ta biết tu tâm, tích thiện, xây cầu giúp người nên chỉ phải trả mọi nghiệp ác trong một kiếp này thôi.
Bạn nghe xong chuyện chỉ ậm ờ rồi lảng sang chuyện khác.
7 năm sau, tôi tình cờ gặp lại bạn trong bệnh viện khi tôi vào đây thăm người thân. Sau vài ba câu chào hỏi, bạn kể mẹ bạn đang điều trị căn bệnh run tay trên này. Bà bị mấy năm rồi, trị hết Đông, Tây y mà không khỏi, dạo này có dấu hiệu nặng thêm. Rồi bỗng nhiên bạn quay sang hỏi: “Ông dạo này còn đi chùa đọc kinh không?” Tôi gật đầu trả lời vẫn đi đều. Bạn mím môi giây lát rồi thở dài: “Có khi nào mẹ tôi bị vậy là do nhân quả không? Bao năm nay, mẹ tôi giết gà để bỏ mối cho các sạp ngoài chợ. Phải chăng do sát sinh nhiều nên tay mẹ tôi mới thành như thế?”.
Tôi trầm ngâm giây lát rồi trả lời: “Có thể lắm đấy. Bây giờ, ông bảo mẹ tích cực phóng sinh và làm nhiều việc thiện đi. Hàng ngày, ông bảo mẹ đọc thêm Chú Đại Bi nữa, sẽ vi diệu lắm”.
Bạn hơi lưỡng lự nhưng sau cũng bảo để thử xem sao.
Và rồi bạn và mẹ đã làm theo những gì tôi chia sẻ. Bạn thường xuyên kể tôi nghe những lần mẹ con bạn đi từ thiện ra sao, phóng sinh ở đâu, hàng ngày đọc Chú Đại Bi thế nào. Tôi thấy vui cùng gia đình bạn.
Sáu tháng sau ngày tôi gặp bạn ở bệnh viện, sáng nay tôi đang cùng gia đình chuẩn bị cho lễ cúng 49 của bà nội thì nhận được điện thoại của bạn. Giọng bạn hồ hởi: “Ông ơi! Mẹ tôi hết bị run tay rồi này. Bà bưng bát cơm, chắc tay lắm”. Sau một hồi nói chuyện, bạn còn bảo Đại lễ Phật Đản tới đây, bạn và mẹ sẽ quy y Tam Bảo. Tôi đã rưng rưng khi nghe bạn nói vậy.
49 ngày bà nội đã đi xa. Dù rất buồn nhưng tôi thấy tâm mình vui đến lạ.
Tôi vui vì mẹ của bạn đã khỏi bệnh, tháo bỏ được sợi dây oan nghiệp trong đời để tích đức- tu nhân. Vui vì bạn đã có lòng tin ở Phật và nguyện theo bước chân Ngài.
Tôi cũng vui cho tôi vì nhờ những bài học vỡ lòng về nhân- quả của bà nội năm xưa mà Đạo Phật hôm nay đã sai cành, xanh lá trong tâm mình, để có thể giúp người khác nương theo lời khuyên răn của Đức Phật mà sống tốt.
Và hơn hết, tôi vui vì biết bà nội mình với 95 thiện tâm sống tín Phật, sau hôm nay bà sẽ được vãng sanh về miền cảnh lạc - nơi những người hiền an trú.
Tôi luôn tin là như thế…!
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Phạm Văn Ba; địa chỉ: Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm