Buổi lễ diễn ra trang nghiêm thanh tịnh dưới sự chứng minh của chư Tôn Đức tăng, ni thuộc Ban HDPT Hà Nội và Hạ trường Bồ Đề, Liên Phái, Lương Yên, cùng với đông đảo phật tử thập phương.
Về phía chư Tôn Đức Tăng, về chứng minh Đại lễ gồm có: ĐĐ.Thích Quảng Thiện, ĐĐ.Thích Quảng Tích, ĐĐ.Thích Đạo Thông...
Về phía chư Ni, đến với Đại lễ là Ni sư Thích Đàm Trí – Phó ban đặc trách Ni bộ, Ni sư Thích Đàm Hinh, Ni Sư Thích Đồng Hòa – Ban Hoằng pháp T.Ư; cùng các quý sư cô Hạ trường Bồ đề, Hạ trường Liên Phái, Hạ trường Lương Yên.
Mở đầu chương trình, ĐĐ.Thích Quảng Phúc trụ trì chùa Dương Xá đã ban lời đạo từ đến với đông đảo phật tử, về ý nghĩa của Thắng hội Vu Lan đối với sự tu tập: “Sự báo hiếu theo cách làm của Phật giáo nói chung, lễ Vu Lan Bồn nói riêng thật là viên mãn, giúp cho con cái trọn nghĩa vẹn tình với cha mẹ, đó là sự báo hiếu không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần và phương diện tâm linh, không chỉ hiếu dưỡng cha mẹ ở đời này, mà còn hóa độ vong linh cha mẹ ra khỏi cảnh giới đau khổ ở đời sau, vì thế đại lễ Vu Lan mang tính nhân văn và thanh cao, làm cho truyền thống đạo đức văn hóa của người Việt Nam giữ được nguyên vẹn và lan tỏa cả về chiều rộng và chiều sâu”.
Vị thầy trụ trì ngôi chùa cổ kính được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, và là người dẫn dắt đạo tràng Ngũ Bách Hành Thiện Pháp Hoa đông đảo và tinh tấn, đoàn thầy trò đã đến nhiều tỉnh thành từ địa đầu Móng Cái cho đến mũi Cà Mau để làm từ thiện, với điều tâm niệm:
“Cát hung họa phúc do tâm ta tạo
Tường đạo, hành thiện lộc muôn đời
Như trong trời đất nhật nguyệt chiếu
Ý điều nhân đức, thọ vinh hoa”
Bên cạnh đó, đạo tràng thường được Thầy dẫn dắt thực hiện những khóa tu Phật hiệu một ngày, đều đặn vào các Chủ nhật các ngày 22/1, 19/3, 2/5, 12/10 Âm lịch và các ngày Phật đản, vía Phật A Di Đà, vía Quán Thế Âm Bồ tát.
Công đức của thầy vô lượng vô biên là vậy, song dáng áo Như Lai in đẫm mồ hôi vẫn lặng lẽ sắp xếp sân khấu và điều phối thanh niên giúp việc nhà chùa. Hình ảnh người Thầy mô phạm cho sự vô ngã, giản dị, thầm lặng là bái Pháp không lời cho nhiều phật tử đến với buổi lễ.
Vì thế đến với ngôi chùa ngoại thành tuy không tráng lệ nguy nga, phật tử thập phương vẫn cảm thấy bình yên ở chốn lạc bang, biết rằng những phật tử đang nấu cơm trưa trong cái nóng của thời tiết và cái hầm hập của bếp lửa, họ thật là những hiện thân của hạnh Bồ tát: Kham nhẫn trong ngoại cảnh để phục vụ vì lợi ích tập thể.
Tinh thần đồng sự của Tứ chúng đệ tử Phật được phát huy rõ rệt trong thời khóa chư tăng, ni, phật tử thập phương cùng nhau hội tụ và tụng niệm kinh Vu Lan Báo Hiếu. Không khí trang nghiêm thiêng liêng của khoảnh khắc ấy sau này vẫn gợi nhớ về điều kì diệu của kinh Vu Lan: Thần lực, công đức của chư Tăng và đạo tràng thập phương trong ngày Tự Tứ hội tụ có thể hóa độ cha mẹ hiện kiếp của người, nếu còn sống sẽ được phúc thọ tăng long, nếu quá vãng thì được siêu sinh.
Đó cũng là tâm nguyện của chư tăng, ni đến từ Ban HDPT Hà Nội, Ban hoằng Pháp T.Ư và các hạ trường cùng về đây hôm nay, đó là để hồi hướng phúc đức đến với song thân của quý Thầy cũng như cha mẹ của đông đảo phật tử. Hạnh nguyện của bậc xuất gia là tự độ - độ tha, và sự báo hiếu cũng không nằm ngoài hạnh nguyện ấy.
Vậy nên, ĐĐ.Thích Đạo Thông – Ban HDPT Hà Nội đã chia sẻ với đại chúng một thời Pháp sâu sắc, khai thị cho người hiểu rằng công ơn sinh thành & dưỡng dục của cha mẹ vĩ đại đến nỗi, việc báo ân của con cái đối với cha mẹ nếu để nói là trọn vẹn viên mãn thì còn khó hơn cả bắc thang đi lên trời cao.
Vì nếu xét theo quan niệm người bình thường, con cái thường phụng dưỡng về sức khỏe để cha mẹ sống lâu với con cháu, song nếu con cái cung phụng thức ăn cho cha mẹ bằng cách giết thịt chúng sinh thì con cháu đã tạo Nghiệp sát để gọi vô thường đến với cha mẹ mình nhanh hơn; đặc biệt trong dịp Tết nhất mà bữa ăn ê hề rượu thịt thì mỗi cái Tết là một cái chết đến gần.
Điều đó cho ta thấy tầm quan trọng của tinh thần lợi hành – đồng sự của tập thể chư tăng, ni, đạo tràng phật tử đối với đời sống tinh thần của cha mẹ khi đã lớn tuổi, ngay khi cha mẹ còn sống, đời sống bình yên tràn đầy tiếng cười trong chùa nhờ tình thương và sự hiểu biết dí dỏm của quý Thầy, đó như là liều thuốc tinh thần vô giá dành cho người lớn tuổi.
Song bên cạnh việc đem đến cho cha mẹ “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, con cái dù bận ngàn phương cũng cần quay về bên mẹ mỗi chiều để nấu ăn giúp mẹ, và ăn cơm cùng mẹ. Bởi đối với cha mẹ, dù bạn bè có nhiều đến đâu, nhưng con cái mình còn quan trọng hơn cả bạn bè, tình mẫu tử thiêng liêng khiến cho người con giống như người bạn thân nhất của mỗi bậc cha mẹ. Những ngày con cái bỏ quên cha mẹ ở nhà vò võ ra ra vào vào, bố mẹ cô đơn nhiều lắm!
Lối sống tình cảm của con cái đối với cha mẹ, sẽ giúp con cái không cảm thấy hối tiếc nếu một mai cha mẹ thuận theo lẽ vô thường, vì hạnh phúc chỉ đủ đầy khi yêu thương lan tỏa bền lâu. Để rồi, trong mùa Vu Lan năm nay hay những năm về sau, bông hồng hiếu hạnh trên ngực chúng ta dù còn đỏ thắm hay đã chuyển sang màu trắng, thì:
“Tôi không khóc khi mình cài hoa trắng
Vì trong hoa, tôi thấy Mẹ tôi cười”
Diệu Hòa