Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 11/06/2016, 20:17 PM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.10)

Đôi khi, các vị tu sĩ dường như ít quan tâm chỉ dẫn những ai đang bị mắc kẹt trong thế gian làm thế nào áp dụng trí tuệ của Giáo Pháp, để đối phó với các vấn đề của cuộc sống bình thường. Do đó, hàng cư sĩ tại gia thấy không hy vọng về tiến bộ tâm linh trong cách sống mà họ đã chọn lựa. Vì thế, họ đã buông xuôi, chỉ muốn tạo phước đức bằng những sự cúng dường đến hàng tu sĩ.

CHƯƠNG IV
HẠNH PHÚC THẤY ĐƯỢC TRONG KIẾP SỐNG NÀY

DẪN NHẬP

Có phải chăng, như vài học giả tuyên bố, thông điệp nguyên thủy của đức Phật chỉ liên quan đến sự giải thoát khỏi thế gian, không có ý nghĩa gì cho con người đang bị vướng bận vào đời sống thế tục? Có phải chăng các phật tử thời xưa tin rằng chỉ có tu viện là nơi thật sự thực hành Giáo Pháp và chỉ có những vị xuất gia mới thực sự thích hợp nhận lãnh lời Phật dạy? Có phải chăng những lời Phật dạy cho hàng cư sĩ chỉ có ý nghĩa chiếu lệ, qua loa? Có phải chăng vai trò chính của hàng cư sĩ chỉ là để tạo phước qua việc cúng dường chư tăng ni, để các cư sĩ có thể trở thành tăng ni trong các kiếp sau, rồi mới thật sự bắt đầu hành trì?

Trong một vài thời kỳ nào đó, trong hầu hết các truyền thống, những người theo đạo Phật dường như đã hỗ trợ các giả định làm nền tảng cho các câu hỏi trên. Họ bỏ qua các quan tâm về kiếp sống hiện tại, cho rằng thế gian là một thung lũng nước mắt, một ảo tưởng lừa dối và tin rằng dấu hiệu trưởng thành tâm linh là hoàn toàn chú tâm đến giải phóng khỏi vòng tử sinh.

Đôi khi, các vị tu sĩ dường như ít quan tâm chỉ dẫn những ai đang bị mắc kẹt trong thế gian làm thế nào áp dụng trí tuệ của Giáo Pháp, để đối phó với các vấn đề của cuộc sống bình thường. Do đó, hàng cư sĩ tại gia thấy không hy vọng về tiến bộ tâm linh trong cách sống mà họ đã chọn lựa. Vì thế, họ đã buông xuôi, chỉ muốn tạo phước đức bằng những sự cúng dường đến hàng tu sĩ.

Mặc dù các bộ kinh Nikāya cho thấy đỉnh điểm của các lời Phật dạy là con đường đưa đến giải thoát tối hậu khỏi mọi khổ đau, nhưng đây là điều sai lầm khi chúng ta rút gọn các lời dạy, vốn rất đa dạng trong các nguồn kinh điển nguyên thủy vào điểm tối hậu đó. Một lần nữa, chúng ta cần nhớ lại lời tuyên bố rằng đức Phật xuất hiện ở đời, “sự xuất hiện đó đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” (chương II). Chức năng của một vị Phật là thực chứng và công bố Pháp toàn vẹn trong cả phạm vi lẫn chiều sâu và điều này liên quan đến một sự hiểu biết toàn diện về các ứng dụng đa dạng của Pháp trong tất cả mọi chiều hướng.

Một vị Phật không chỉ thâm nhập vào trạng thái vô vi của hạnh phúc toàn bích nằm ngoài cõi ta-bà, vượt ra khỏi sinh, lão,tử; Ngài không những chỉ tuyên bố con đường đưa đến giác ngộ toàn vẹn và giải thoát tối hậu; mà Ngài cũng còn soi sáng nhiều phương cách để áp dụng Giáo Pháp trong các điều kiện phức tạp của đời sống con người, cho những ai vẫn còn đắm chìm trong thế gian.

Pháp, theo nghĩa rộng nhất, là thực chất, không thay đổi thứ tự của vũ trụ, trong đó, chân lý, tính quy củ hợp pháp và đạo đức hòa nhập với nhau, không thể tách rời. Pháp vũ trụ này được phản ánh trong tâm trí con người như là khát vọng chân lý, vẻ đẹp tinh thần và sự tốt lành. Pháp được thể hiện trong đức hạnh con người như các nghiệp thiện lành về thân, khẩu, ý. Pháp biểu hiện qua thể chế cũng như biểu hiện trong cuộc sống của cá nhân, dựa vào đó như là nguồn hướng dẫn trong cuộc sống. Những biểu hiện này có cả tính thế tục và tâm linh. Truyền thống Phật giáo quan niệm rằng trách nhiệm duy trì Pháp trong lĩnh vực thế tục là của vị Chuyển Luân Vương huyền thoại (rājā cakkavattı̄).

Vị Chuyển Luân Vương là người cai trị nhân từ, cầm quyền vương quốc của mình phù hợp với các chuẩn mực đạo đức cao nhất (dhammiko dhammarājā) và do đó, thống nhất thế giới một cách hòa bình, đem lại công lý phổ quát và thịnh vượng. Như Kinh văn IV,1(1) cho thấy, trong lĩnh vực tinh thần, đức Phật là đối tác của Chuyển Luân Vương. đức Phật cũng dựa vào Pháp và tôn trọng Pháp. Trong khi Chuyển Luân Vương dựa vào Pháp như là nguyên tắc công bằng để cai trị quốc gia, đức Phật dựa vào Pháp như là chuẩn mực đạo đức và tinh thần để dạy và chuyển hóa con người, hướng dẫn họ tạo các nghiệp thiện về thân, khẩu, ý.

Cả Chuyển Luân Vương và đức Phật không tạo ra Pháp mà các ngài đang hộ trì và không thể thực hiện chức năng của mình mà không có Pháp. Pháp là nguyên tắc trật tự khách quan, hằng hữu, không cho riêng ai, dùng làm căn bản và tiêu chuẩn cho chính sách của Chuyển Luân Vương và sự truyền bá của đức Phật.

Là Pháp Vương, đức Phật có nhiệm vụ khuyến khích điều thiện lành, an lạc và hạnh phúc cho thế gian. Ngài chỉ dạy dân chúng trên thế giới làm thế nào để sống theo Pháp. Ngài dạy họ phải tu tập như thế nào để thực chứng Pháp giải thoát, như Ngài đã thực chứng qua sự giác ngộ của mình. Các chú giải Pāli chứng minh phạm vi rộng lớn của Pháp bằng cách phân biệt ba loại phúc lợi mà giáo huấn của đức Phật quảng bá, phân loại thứ bậc theo giá trị tương đối:

1. An lạc và hạnh phúc trực tiếp nhìn thấy ngay trong cuộc sống hiện tại này (diḥ̣̣̣adhamma-hitasukha), đạt được bằng cách thực hiện các giao kết đạo đức và trách nhiệm xã hội.

2. An lạc và hạnh phúc liên quan đến đời sau (sampar̄yika- hitasukha), đạt được bằng cách tạo nhiều công đức.

3. Toàn thiện hay mục tiêu tối hậu (paramattha), Niết bàn, giải thoát khỏi chu kỳ tái sinh, đạt được bằng cách tu tập Bát Chi Thánh Đạo.

Nhiều tác giả phương Tây viết về Phật giáo Sơ kỳ đã tập trung vào khía cạnh cuối cùng này, xem như là tiêu biểu cho lời dạy nguyên thủy của đức Phật. Tuy nhiên, những lời dạy của Ngài cần phải được trình bày một cách cân bằng qua cả ba khía cạnh trên. Vì vậy, trong chương này và những chương tiếp theo, tôi sẽ trích dẫn các kinh văn trong các bộ kinh Nikāya để minh chứng lần lượt ba khía cạnh trên của Giáo Pháp.
Ảnh minh họa (Sưu tầm)
Chương IV này bao gồm một loạt các kinh văn về những lời dạy của đức Phật có liên quan đến hạnh phúc có thể nhìn thấy trong cuộc sống hiện tại. Bài kinh thể hiện toàn diện nhất của kinh tạng Nikāya trong khía cạnh này là bài kinh Sigālaka (kinh Thiện Sinh, DN 31, cũng có tên là kinh Siṅgalovāda – kinh Giáo giới Thi-ca-la-việt), đôi khi được gọi là “Quy phạm đạo đức của cư sĩ”. Cốt lõi của bài kinh là phần “lễ bái sáu phương” – Kinh văn IV,1(2) – trong đó, đức Phật giải thích lại một nghi lễ cổ xưa của Ấn Độ, lồng vào một ý nghĩa đạo đức mới.

Việc thực hành “lễ bái sáu phương”, như đức Phật giảng dạy, dựa trên nguyên tắc về một xã hội được duy trì bởi một mạng lưới gồm các mối quan hệ lồng vào nhau, mang lại sự gắn kết với trật tự xã hội, khi các thành viên hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm đối ứng của họ trong tinh thần nhân ái, cảm thông và thiện chí. Sáu mối quan hệ xã hội cơ bản mà đức Phật đưa ra sau khi đem vào phép ẩn dụ của Ngài là: Cha mẹ và con cái, thầy và trò, vợ và chồng, bạn bè, chủ nhân và nhân công, cư sĩ đệ tử và đạo sư. Mỗi người được xem là một trong sáu phương hướng trong quan hệ với đối tác của mình.

Đối với một thanh niên trẻ như Sigālaka, cha mẹ là phía đông, thầy của mình về phía nam, vợ con ở phía tây, bạn bè ở phía bắc, các công nhân của mình ở bên dưới và các đạo sư ở trên đầu. Với cách trình bày súc tích có hệ thống, đức Phật gán cho mỗi thành viên của mỗi đôi, năm nghĩa vụ của mình đối với đối tác. Khi mỗi thành viên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, các "hướng" tương ứng đi kèm là “hòa bình và không sợ hãi”.

Như vậy, trong Phật giáo Sơ kỳ, sự ổn định xã hội và an ninh góp phần vào hạnh phúc con người đạt được hiệu quả cao nhất là khi mọi thành viên trong xã hội đáp ứng các nhiệm vụ khác nhau, như được xác định bởi các mối quan hệ xã hội của họ. Mỗi người phải vượt lên trên nhu cầu hạn hẹp ích kỷ cá nhân và phát triển mối quan tâm chân thành, rộng lượng, vì hạnh phúc của người khác và lợi ích chung của cộng đồng.

Từ quy phạm đạo đức tổng quát của cư sĩ phật tử, chúng ta chuyển sang các kinh văn cung cấp các điểm cụ thể hơn về tư vấn, bắt đầu với các bài kinh về “Gia đình”. Phần này có các kinh văn riêng biệt về “Cha mẹ và con cái” – Kinh văn IV,2(1) và “Vợ chồng” – Kinh văn IV,2(2). Để phù hợp với các chuẩn mực của xã hội Ấn Độ – trên thực tế, hầu như tất cả các xã hội nông nghiệp truyền thống – đức Phật xem gia đình là đơn vị cơ bản của hội nhập xã hội và tiếp biến văn hóa.

Đặc biệt là mối quan hệ yêu thương gần gũi giữa cha mẹ và con cái, nuôi dưỡng đạo đức và ý thức trách nhiệm nhân tính cần thiết cho một trật tự xã hội gắn kết. Trong gia đình, các giá trị này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Do đó, một xã hội hài hòa phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái. đức Phật nhấn mạnh lòng hiếu thảo – Kinh văn IV,2(1)(a) – và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, một món nợ chỉ có thể trả đầy đủ bằng cách giúp đưa cha mẹ đến với Giáo Pháp – Kinh văn IV,2(1)(b).

Mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái phụ thuộc lần lượt theo tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau của vợ chồng. Do đó, đức Phật cũng giảng dạy về các mối quan hệ hợp lý giữa các cặp vợ chồng. Những điều này, một lần nữa, nhấn mạnh sự cam kết chung về quy phạm đạo đức và các lý tưởng tinh thần.

Đặc biệt liên quan đến chúng ta, trong thời đại mà nhiều cuộc hôn nhân sớm kết thúc qua ly dị, là lời khuyên của đức Phật đến đôi vợ chồng Nakulapitā và Nakulamātā đáng yêu – Kinh văn IV,2(2)(b) – làm thế nào để tình yêu giữa chồng và vợ có thể được duy trì nồng thắm, để rồi họ có thể được chung sống với nhau trong các kiếp sau. Bài kinh này cũng cho thấy đức Phật không hẳn đòi hỏi đệ tử của Ngài chối bỏ những ham muốn của thế gian. Ngài sẵn sàng chỉ dạy cho những người vẫn còn dưới sự thống trị của ham muốn trần tục, làm thế nào để có được mục tiêu mong muốn của họ. Một trong những điều kiện Ngài đặt ra là việc thực hiện mong muốn đó phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.

Tiếp theo là một số kinh văn về các khía cạnh khác nhau của đời sống tại gia, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến chánh mạng. Có hai đặc điểm nổi bật của những huấn thị đức Phật dành cho các đệ tử cư sĩ có liên quan đến việc tầm cầu hạnh phúc thế gian.

Thứ nhất, trong việc tìm kiếm “những điều tốt lành thấy được trong kiếp sống hiện tại này”, người cư sĩ nên luôn luôn tuân thủ nguyên tắc xử thế đúng đắn, đặc biệt là năm điều giới và các quy tắc của chánh mạng. Vì thế, lấy thí dụ, Ngài quy định rằng tài sản phải được “sở hữu bởi sự cố gắng tràn đầy năng lực... tài sản chính đáng từ mưu sinh chính đáng” – Kinh văn IV,3. Một lần nữa, Ngài dạy các cư sĩ đệ tử dùng tài sản họ có được, không chỉ để thỏa mãn bản thân mà còn để đem lại lợi ích cho thân quyến và những người khác sống nhờ lòng từ thiện, đặc biệt cúng dường đến các nhà tu khổ hạnh và các vị Bà-la-môn có đạo đức – Kinh văn IV,4(2).

Thứ hai, người cư sĩ tại gia không nên chỉ bằng lòng với tầm cầu an vui hạnh phúc trong đời này, mà cũng nên tầm cầu an vui hạnh phúc cho đời sau. Điều này được thực hiện qua việc nuôi dưỡng các phẩm chất đưa đến tái sinh an vui và thực chứng Niết bàn. Theo Kinh văn IV,3 và IV,5, các đức tính chủ yếu mà người cư sĩ cần phải có, đưa đến phúc lợi trong tương lai, là: (1) tín (tin tưởng vào đức Phật là bậc Giác Ngộ), (2) giới đức (gìn giữ trọn vẹn ngũ giới), (3) rộng rãi (hành động từ thiện, bố thí, chia sẻ) và (4) trí tuệ (tuệ quán về sự sinh diệt của mọi hiện tượng).

Trong Phật giáo Sơ kỳ, người cư sĩ lý tưởng không phải chỉ là một người nhiệt tâm ủng hộ tăng đoàn, nhưng còn là một người cao quý, đắc được ít nhất giai đoạn đầu tiên của bốn giai đoạn thực chứng, đó là quả thánh dự lưu (sotāpatti).

Cuối cùng, Phần 6 bao gồm một số kinh văn về “Cộng đồng”. Tôi dùng từ này để chỉ tổng quát về Tăng-già (Saṅgha), đoàn thể các bậc xuất gia và xã hội dân sự, trong đó, bất kỳ chi nhánh nào của tăng đoàn cũng phải bám rễ vào đó. Trong các bộ kinh Nikāya, rõ ràng là trong khi đức Phật chủ yếu nhằm hướng dẫn mọi người hướng đến tiến bộ đạo đức và tâm linh, Ngài hiểu khả năng của họ để phát triển đạo đức và tâm linh phụ thuộc vào các điều kiện vật chất của xã hội mà họ đang sống.

Ngài hiểu sâu sắc rằng khi người ta bị sa lầy trong nghèo khó và bị áp bức bởi đói khát và mong muốn, họ sẽ thấy khó khăn để giữ được con đường ngay thẳng đạo đức. Nỗi đau đói khát, để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu trong đời sống và giúp đỡ gia đình, làm cho họ phải có những hành vi mà họ có thể tránh được, nếu họ có việc làm thích hợp và có thù lao đầy đủ. Vì vậy, Ngài thấy cần phải có sự công bằng trong kinh tế và đó là điều không thể thiếu cho sự hài hòa xã hội và ổn định chính trị.

Hai kinh văn đầu tiên quy định hai bộ hướng dẫn cho tăng đoàn. Cả hai là những trích đoạn từ một bài kinh dài đức Phật giảng sau cái chết của Mahāvīra, lãnh đạo nhóm Kỳ-na giáo. Theo kinh tạng Nikāya, tiếp theo cái chết của người lãnh đạo, tăng đoàn Kỳ-na giáo bắt đầu phân ly và đức Phật cảm thấy cần phải đặt ra các hướng dẫn để bảo vệ tăng đoàn của Ngài, tránh trường hợp tương tự sau khi Ngài nhập diệt. Kinh văn IV,6(1) liệt kê sáu đặc tính để tránh cãi cọ và tranh chấp, mà các tu sĩ phải cảnh giác khi phát hiện ra ngay trong nhóm của mình.

Mặc dù các hướng dẫn này áp dụng cho tu sĩ, chúng vẫn có thể áp dụng rộng rãi cho bất cứ tổ chức nào, thế tục hay tôn giáo, bởi vì sáu yếu tố đó là nguồn gốc của mọi sự xung đột. Đối lại các hướng dẫn cảnh báo này là Kinh văn IV,6(2), đưa ra “sáu nguyên tắc hòa hợp” (lục hòa) đưa đến thương yêu, kính trọng và hòa hợp giữa các thành viên của cộng đồng. Một lần nữa, nếu được áp dụng thích ứng, các nguyên tắc này – những hành động từ ái về thân, khẩu, ý; chia sẻ vật dụng; cùng giữ giới; và thống nhất quan kiến – có thể áp dụng rộng rãi cho các cộng đồng rộng lớn hơn, không chỉ giới hạn trong tăng đoàn. Bài kinh đó cũng đưa ra các hướng dẫn chi tiết để gìn giữ sự hòa hợp trong tăng đoàn sau khi đức Phật nhập diệt, nhưng có liên quan đến các khía cạnh chuyên biệt của giới luật tu sĩ, không thích hợp cho tập sách này.

Kinh văn IV,6(3) là một trích đoạn dài từ bài kinh Assalā- yana, mô tả lúc đức Phật tranh luận với một vị học giả bà-la- môn về lời tuyên bố của các người Bà-la-môn về hệ thống giai cấp. Trong thời đức Phật, hệ thống giai cấp mới bắt đầu hình thành trong miền đông bắc Ấn Độ, chưa phân chia ra thêm vô số giai cấp phụ thuộc và các quy định cứng nhắc để vận hành xã hội Ấn Độ qua nhiều thế kỷ sau này. Xã hội thời đó phân chia bốn giai cấp tổng quát: Bà-la-môn (brahmin), là những người đảm nhận công việc tế lễ như quy định trong kinh Vệ- đà; sát-đế-lị (khattiya), là các vua chúa, chiến sĩ, quan chức; phệ-đà (vessa), là những thương gia và nông dân; và thủ-đà-la (sudda), là kẻ hầu hạ và đầy tớ. Cũng có những người ở ngoài bốn giai cấp đó, được xem như thấp hơn cả giai cấp thủ-đà-la.

Trong kinh tạng Nikāya, dường như những người Bà-la-môn, trong khi được giao phó các vấn đề tôn giáo, vẫn chưa đạt được quyền bá chủ không thể bàn cãi. Những quyền này chỉ có được sau sự xuất hiện của các tác phẩm như quyển “Luật của Manu”. Quyển này đặt ra những luật lệ cố định của hệ thống giai cấp. Tuy nhiên, những người bà-la-môn đã bắt đầu thúc đẩy sự thống trị của họ cho các vùng còn lại của Ấn Độ, bằng cách đưa ra luận thuyết cho rằng Bà-la-môn là giai cấp cao nhất, là những đứa con của Phạm thiên (Brahmā), là những người có khả năng thanh tịnh.

Trái ngược với một số ý kiến phổ biến, đức Phật không vận động cho việc bãi bỏ hệ thống giai cấp Ấn Độ và cố gắng thiết lập một xã hội không giai cấp. Tuy nhiên, trong tăng đoàn, sự phân biệt giai cấp được bãi bỏ ngay khi lúc xuất gia. Cho dù xuất thân từ bất cứ giai cấp nào trong xã hội, một người khi xuất gia với đức Phật, người ấy từ bỏ danh hiệu đẳng cấp và đặc quyền, đơn giản trở thành đệ tử của người con dòng họ Thích-ca (đó là đức Phật, vì Ngài xuất thân từ bộ tộc Thích- ca). Bất cứ khi nào đối mặt với tuyên bố của các người bà-la- môn rằng họ cao thượng hơn, đức Phật và các vị đệ tử đều tranh luận mạnh mẽ chống lại họ.

Như kinh văn cho thấy, đức Phật cho rằng lời tuyên bố đó là vô căn cứ. Ngài nói rằng sự thanh tịnh là kết quả của giới hạnh, không phải do sinh ra mà có và như thế có thể áp dụng cho tất cả bốn giai cấp. đức Phật thậm chí tước bỏ tính di truyền của danh từ “Bà-la-môn”, và đem danh từ đó trở về ý nghĩa ban đầu của một người thánh thiện, xác định một người Bà-la-môn thật sự chính là vị A-la-hán (xem kinh số 98, Trung bộ, không bao gồm trong tập sách này).

Hai kinh văn kế tiếp đưa ra các hướng dẫn về quản lý chính trị. Trong thời đức Phật, có hai dạng chính thể áp dụng cho các quốc gia miền bắc Ấn Độ, trong vùng Ngài di chuyển và truyền giảng. Đó là thể chế quân chủ và thể chế bộ lạc cộng hòa. Là một đạo sư tâm linh, đức Phật không bênh vực bất cứ thể chế nào và Ngài cũng không tích cực can dự vào công việc của nhà nước. Nhưng trong hàng đệ tử cư sĩ, có những người lãnh đạo trong cả hai thể chế chính trị và như thế, thỉnh thoảng, Ngài cũng cho họ các lời hướng dẫn để họ có thể quản lý xứ sở phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.

Trong phần mở đầu của Đại kinh Bát-niết-bàn (Mahā- parinibbāna Sutta), ghi lại những ngày cuối cùng khi đức Phật còn tại thế – Kinh văn IV,6(4) – chúng ta thấy thoáng qua về giai đoạn biến động của lịch sử Ấn Độ khi vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha), ngôi sao đang lên của các chế độ quân chủ miền bắc Ấn, đang mở rộng và thôn tính các bộ lạc cộng hòa láng giềng. Trong đoạn kinh trích ra ở đây, chúng ta thấy A-xà-thế (Ajātasattu), vua của Ma-kiệt-đà, có ý định thôn tính liên minh Vajjī (Bạt-kỳ), bộ lạc cộng hòa lớn nhất và có tổ chức tốt nhất.

Trong phần đầu bài kinh, nhà vua phái một vị đại thần đến gặp đức Phật, hỏi ý kiến Ngài xem nếu nhà vua có thể thành công khi tiến hành chiến tranh chống lại người Vajjī. đức Phật hỏi ngài Ānanda về bảy điều kiện tạo ổn định xã hội mà trước đó, Ngài đã dạy người dân xứ Vajjī và Ngài kết luận: “Khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”. Sau đó, Ngài triệu tập tất cả các Tỳ-kheo và dạy họ bảy nguyên tắc tương tự để ổn định tăng đoàn.

Khi nhìn thấy cuối cùng rồi loại thể chế quân chủ dường như sẽ thắng, không thể tránh khỏi, đức Phật tìm cách tạo một mô hình vương quyền để có thể hạn chế quyền lực độc đoán của nhà vua, đưa nhà vua lệ thuộc vào một thẩm quyền cao hơn. Ngài đưa ra lý tưởng vị “Chuyển Luân Vương”, vị vua anh minh cai trị theo Chánh Pháp, là luật khách quan của công bằng – Kinh văn IV,1(1). Chánh pháp mà nhà vua phải tuân theo là căn bản đạo đức cho sự cai trị. Được biểu tượng như một bánh xe báu thiêng liêng, Chánh Pháp giúp nhà vua thống trị tất cả các xứ sở trên thế giới mà không cần đến sức mạnh và thiết lập một triều đại hòa bình và đạo đức toàn cầu, dựa trên sự tuân giữ năm điều giới – Kinh văn IV,6(5).

Vị Chuyển Luân Vương cai trị để mang lại an vui và hạnh phúc cho dân chúng và mở rộng sự bảo hộ che chở đến tất cả mọi chúng sinh trong vương quốc, kể cả các loài chim và loài thú. Nhà vua có nhiệm vụ kiểm soát không cho tội phạm bùng nổ trong vương quốc. Để vương quốc được an ninh, không tội phạm, nhà vua phải mang tài sản phân chia đồng đều đến những ai cần đến, vì qua cái nhìn của kinh tạng Nikāya, nghèo khó là vùng đất nuôi dưỡng tội phạm. Chủ đề này, được nói đến trong các nhiệm vụ của Chuyển Luân Vương trong Kinh văn IV,6(5) và được nói thêm chi tiết trong Kinh văn IV,6(6). Ở đây, chúng ta thấy một vị giáo sĩ khôn ngoan tư vấn nhà vua rằng phương cách đúng để chấm dứt trộm cướp trong vương quốc, không phải chỉ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc và nặng nề, mà là làm sao giúp cho các công dân có phương tiện sinh nhai. Khi người dân vui hưởng một mức sống thỏa đáng, họ sẽ không còn quan tâm làm hại người khác và xứ sở sẽ được hòa bình, an vui.

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

"Đường xưa mây trắng" giúp diễn viên Trương Ngọc Ánh tìm được bình yên

Sách Phật giáo 10:56 13/11/2024

Trương Ngọc Ánh kể khi ly hôn, chị chơi vơi. Thông điệp cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh giúp chị tìm được bình yên trong lòng.

Sách là một công cụ giúp con người thiền định

Sách Phật giáo 15:27 12/11/2024

Theo Niel Seligman (Diễn giả quốc tế về thiền định và kỹ năng sống), thiền và đọc sách có điểm chung là giúp con người tiến vào sự tập trung cao độ.

Cuốn sách giá trị về cuộc đời Đại sư Huyền Trang

Sách Phật giáo 17:03 07/11/2024

“Cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư Huyền Trang” của Thích Tuệ Lập và Thích Ngạn Tông, do Nguyễn Phố dịch, NXB Dân Trí ấn hành là tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm đến Phật giáo, lịch sử và văn hóa nhà thiền.

TS Trần Hữu Đức chia sẻ cách ngừng khổ và tạo phúc

Sách Phật giáo 11:32 05/11/2024

“Hạnh phúc không mọc trên cây” là một tác phẩm đặc biệt được chấp bút bởi TS Trần Hữu Đức dành cho những ai đang gặp bế tắc, đau khổ, loay hoay trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Xem thêm