Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 07/05/2016, 18:17 PM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P7)

Này các Tỳ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. 

(3) Thành phố cổ xưa

– Thuở xưa, này các Tỳ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ: “Thật sự thế giới này bị giam hãm trong khổ não, bị sinh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sinh; và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly khỏi già và chết. Từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến xuất ly khỏi già và chết?”

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì, già chết sinh khởi?”

Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do sinh có mặt nên già chết hiện hữu. Do duyên sinh, nên già chết sinh khởi”.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Do cái gì có mặt, sinh hiện hữu?... Hữu hiện hữu?... Thủ hiện hữu?... Ái hiện hữu?... Thọ hiện hữu?... Xúc hiện hữu?... Sáu xứ hiện hữu?... Danh sắc hiện hữu? Do duyên cái gì, danh sắc sinh khởi?”

Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thức có mặt nên danh sắc hiện hữu. Do duyên thức nên danh sắc sinh khởi”.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Do cái gì có mặt, thức hiện hữu. Do duyên cái gì, thức sinh khởi?”

Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do danh sắc có mặt nên thức hiện hữu. Do duyên danh sắc nên thức sinh khởi”.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Thức này trở lui, không đi xa hơn danh sắc. Xa đến như vậy, chúng ta bị sinh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, bị tái sinh, nghĩa là do duyên danh sắc, thức sinh khởi. Do duyên thức, danh sắc sinh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sinh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sinh khởi ...”. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

“Tập khởi, tập khởi”. Này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu? Do cái gì diệt, già chết diệt?”

Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do sinh không có mặt, nên già chết không hiện hữu. Do sinh diệt, nên già chết diệt”.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, sinh không hiện hữu? Hữu không hiện hữu? Thủ không hiện hữu? Ái không hiện hữu? Thọ không hiện hữu? Xúc không hiện hữu? Sáu xứ không hiện hữu? Danh sắc không hiện hữu? Do cái gì diệt, danh sắc diệt?”.

Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do thức diệt nên danh sắc diệt”.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên thức diệt ?”

Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do danh sắc không có mặt, thức không hiện hữu. Do danh sắc diệt nên thức diệt”.

Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: “Ta đã chứng đắc con đường này đưa đến giác ngộ, tức là do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt”.

“Ðoạn diệt, đoạn diệt”. Này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ví như, này các Tỳ-kheo, một người khi đi qua một khu rừng, một chặng núi, thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng đi qua. Người ấy đi theo con đường ấy, trong khi đi theo con đường ấy, người ấy thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao với thành lũy đẹp đẽ.

Rồi này các Tỳ-kheo, người ấy báo cáo với vua hay vị đại thần: “Chư tôn hãy biết, trong khi đi ngang một khu rừng, một chặng núi, tôi thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng đi qua. Tôi đã đi theo con đường ấy và thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao, với thành lũy đẹp đẽ. Thưa các tôn giả, hãy xây dựng lại ngôi thành ấy”. Vị vua hay vị đại thần cho xây dựng lại ngôi thành ấy. Và ngôi thành ấy, sau một thời gian lớn lên và trở thành một thành phố phồn vinh, thịnh vượng, đông đúc, tràn đầy người ở.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta đã thấy một con đường cũ, một đạo lộ cũ do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua. Thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là Bát Chi Thánh Đạo, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Con đường ấy, này các Tỳ-kheo, là con đường cũ, đạo lộ cũ do các bậc Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ già chết, thấy rõ già chết tập khởi, thấy rõ già chết đoạn diệt, thấy rõ con đường đưa đến già chết đoạn diệt.

Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ sinh... Ta thấy rõ hữu... Ta thấy rõ thủ... Ta thấy rõ ái... Ta thấy rõ thọ... Ta thấy rõ xúc... Ta thấy rõ sáu xứ... Ta thấy rõ danh sắc... Ta thấy rõ thức... Ta thấy rõ các hành; Ta thấy rõ các hành tập khởi; Ta thấy rõ các hành đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt.

Những gì được Ta biết rõ, Ta đã tuyên bố cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ được biết. Này các Tỳ-kheo, đó tức là phạm hạnh này, phồn vinh, thịnh vượng, quảng đại, phổ quát, truyền rộng và được khéo léo trình bày cho chư thiên và loài người. (SN 12:65)
 
4. QUYẾT ĐỊNH TRUYỀN GIẢNG

19. – Này các Tỳ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được lý duyên khởi (idapaccayatā patic- casamuppada, y tánh duyên khởi pháp). Sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!” Rồi những kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta:

Sao Ta nói Chánh pháp, Ðược chứng ngộ khó khăn? Những ai còn tham sân, Khó chứng ngộ Pháp này. Ði ngược dòng, thâm diệu, Khó thấy, thật tế nhị, Kẻ ái nhiễm vô minh, Không thấy được Pháp này. Với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.

Này các Tỳ-kheo, lúc bấy giờ Phạm thiên Sahampati khi biết được tâm tư của Ta; với tâm tư của mình, liền suy nghĩ: “Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bi hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp”. Rồi Phạm thiên Sahampati, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co hay co cánh tay đang duỗi, vị ấy biến mất từ thế giới phạm thiên và hiện ra trước mặt Ta. Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y một bên vai chắp tay hướng vái Ta và bạch với Ta: “Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sinh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu được nghe, những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp”. Sau khi nói như vậy, Phạm thiên Sahampati lại nói thêm như sau:

Xưa tại Magadha,
Hiện ra pháp bất tịnh,
Pháp do tâm cấu uế,
Do suy tư tác thành.
Hãy mở tung mở rộng,
Cánh cửa bất tử này.
Hãy để họ nghe Pháp,
Bậc Thanh Tịnh chứng ngộ.

Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi tột cao
Có người đứng nhìn xuống,
Ðám chúng sinh quây quần.
Cũng vậy, ôi Thiện Thệ,
Bậc Biến Nhãn cùng khắp,
Leo lên ngôi lâu đài,
Xây dựng bằng Chánh pháp
Bậc Thoát Ly sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sinh,
Bị sầu khổ áp bức,
Bị sinh già chi phối,

Ðứng lên vị Anh Hùng,
Bậc Chiến Thắng chiến trường.
Vị trưởng đoàn lữ khách,
Bậc Thoát Ly nợ nần.
Hãy đi khắp thế giới,
Bậc Thế Tôn Chánh Giác!
Hãy thuyết pháp vi diệu,
Người nghe sẽ thâm hiểu!

Sau khi biết được lời Phạm thiên yêu cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Ta nhìn quanh thế giới với Phật nhãn. Với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Rồi Ta nói lên bài kệ sau đây với Phạm thiên Sahampati:

Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm,
Không chính xác của mình.
Tự nghĩ đến phiền toái,
Ta đã không muốn giảng,
Tối thượng vi diệu pháp,
Giữa chúng sinh loài người.

(Ôi Phạm thiên)

Rồi Phạm thiên Sahampati suy nghĩ: “Ta đã tạo cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp”, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

Rồi Ta suy nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?” Rồi Ta lại nghĩ: “Nay có Ālāra Kāḷāma là bậc trí thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Ālāra Kāḷāma, vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này”. Rồi chư thiên đến và nói như sau: “Bạch Thế Tôn, Ālāra Kāḷāma đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: “Ālāra Kāḷāma đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Ta nghĩ: “Thật là một thiệt hại lớn cho Ālāra Kāḷāma. Nếu nghe Pháp này, Ālāra Kāḷāma sẽ mau thâm hiểu”.

Rồi Ta lại nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?” Rồi Ta lại nghĩ: “Nay có Uddaka Rāmaputta là bậc trí thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddaka Rāmaputta. Vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này”. Rồi chư thiên đến và nói như sau: “Bạch Thế Tôn Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung ngày hôm qua”. Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: “Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung hôm qua”. Ta nghĩ: “Thật là một thiệt hại lớn cho Uddaka Rāmaputta. Nếu nghe Pháp này, Uddaka Rāmaputta sẽ mau thâm hiểu”.

Rồi Ta suy nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?” Ta lại nghĩ: “Nhóm năm Tỳ-kheo này đã hầu hạ Ta khi Ta còn nỗ lực tinh cần, nhóm ấy thật giúp ích nhiều. Vậy ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho nhóm năm Tỳ-kheo”. Rồi Ta lại nghĩ: “Nay nhóm năm Tỳ-kheo ở tại đâu?” Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy nhóm năm Tỳ-kheo hiện ở Bārāṇasī (Ba-la-nại), tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi ở tại Uruvelā lâu cho đến khi mãn ý, Ta lên đường đi đến Bārāṇasī.

Này các Tỳ-kheo, một tà mạng ngoại đạo tên là Upaka, đã thấy Ta khi Ta còn đi trên con đường giữa Gayā và cây Bồ-đề. Sau khi thấy, vị ấy nói với Ta:

– Các căn của hiền giả thật sáng suốt. Da sắc của hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này hiền giả, vì mục đích gì, hiền giả xuất gia? Ai là bậc đạo sư của hiền giả? Hiền giả hoan hỷ thọ trì pháp của ai?

Này các Tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với tà mạng ngoại đạo Upaka bài kệ như sau:

“– Ta, bậc Thắng tất cả,
Ta, bậc Nhất Thiết Trí.
Hết thảy pháp, không nhiễm,
Hết thảy pháp, xả ly.
Ta sống chân giải thoát,
Ðoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác,
Còn phải y chỉ ai?

Ta không có Ðạo Sư,
Bậc như Ta không có.
Giữa thế giới nhơn, thiên,
Không có ai bằng Ta.
Bậc Ứng Cúng trên đời,
Bậc Ðạo Sư vô thượng.
Tự mình Chánh Ðẳng Giác,
Ta an tịnh, thanh thoát.
Ðể chuyển bánh xe Pháp.
Ta đến thành Kāsi.
Gióng lên trống bất tử,
Trong thế giới mù lòa”.

– Như hiền giả đã tự xưng hiền giả xứng đáng là bậc Chiến thắng Vô tận.

“– Như Ta, bậc Thắng giả,
Những ai chứng lậu tận,
Ác pháp, Ta nhiếp phục,
Do vậy, Ta vô địch”.

(Này Upaka)

Này các Tỳ-kheo, sau khi được nói vậy, tà mạng ngoại đạo Upaka nói với Ta:

“– Này hiền giả, mong rằng sự việc là vậy”.

Nói xong, Upaka lắc đầu rồi đi theo một ngã khác.

Này các Tỳ-kheo, rồi Ta tuần tự đi đến Bārāṇasī (Ba-la-nại), Isipatana (chư tiên đọa xứ), Lộc Uyển (vườn nai), đi đến chỗ nhóm năm Tỳ-kheo ở. Nhóm năm Tỳ-kheo khi thấy Ta từ xa đi đến, đã cùng nhau thỏa thuận như sau: “Này các hiền giả, nay sa-môn Gotama đang đi đến; vị này sống trong sự sung túc, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất. Chúng ta chớ có đảnh lễ, chớ có đứng dậy, chớ có lấy y bát. Hãy đặt một chỗ ngồi và nếu vị ấy muốn, vị ấy sẽ ngồi”. Nhưng khi Ta đi đến gần, năm Tỳ-kheo ấy không thể giữ đúng điều đã thỏa thuận với nhau. Có người đến đón Ta và cầm lấy y bát, có người sắp đặt chỗ ngồi, có người đem nước rửa chân đến. Nhưng các vị ấy gọi Ta bằng tên với danh từ “hiền giả” (āvuso).

Này các Tỳ-kheo khi ta nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỳ-kheo:

“– Này các Tỳ-kheo, chớ có gọi Ta bằng tên và dùng danh từ ‘hiền giả’. Này các Tỳ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các ông sẽ an trú. “

Này các Tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, nhóm năm Tỳ-kheo nói Ta:

“– Hiền giả Gotama, với nếp sống này, với đạo tu này, với khổ hạnh này, hiền giả đã không chứng được pháp siêu nhân, tri kiến, thù thắng xứng đáng bậc thánh, thì này làm sao hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần, với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được pháp siêu nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh?”

Khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỳ-kheo:

“– Này các Tỳ-kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỳ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỳ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các ông sẽ an trú”.

Này các Tỳ-kheo, lại lần thứ hai, nhóm năm Tỳ-kheo nói với Ta:

“– Hiền giả Gotama, với nếp sống này... tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh?”

Này các Tỳ-kheo, lần thứ hai, Ta nói với nhóm năm Tỳ-kheo: “– Này các Tỳ-kheo, Như Lai không sống sung túc ... các ông sẽ an trú”.

Này các Tỳ-kheo, lại lần thứ ba, nhóm năm Tỳ-kheo nói với Ta:

“– Hiền giả Gotama, với nếp sống này... tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh?”

Này các Tỳ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỳ-kheo:

“– Này các Tỳ-kheo, từ trước đến nay, các ông có chấp nhận là Ta chưa bao giờ nói như vậy chăng?”

“– Bạch Thế Tôn, chưa bao giờ như vậy. “

“– Này các Tỳ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các ông không bao lâu, sau khi tự tri, tư chứng, tự đạt được ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các ông sẽ an trú”.

Này các Tỳ-kheo, Ta đã làm cho nhóm năm Tỳ-kheo chấp nhận. Này các Tỳ-kheo, Ta thuyết giảng cho hai Tỳ-kheo. Ba Tỳ-kheo kia đi khất thực. Ðồ ăn mà ba Tỳ-kheo này khất thực mang về, đủ nuôi sống cho nhóm sáu người. Này các Tỳ-kheo, Ta thuyết giảng cho ba Tỳ-kheo. Hai Tỳ-kheo kia đi khất thực. Ðồ ăn mà hai Tỳ-kheo này khất thực mang về, đủ nuôi sống cho nhóm sáu người.

Này các Tỳ-kheo, chúng năm Tỳ-kheo, sau khi được Ta thuyết giảng, sau khi được Ta khuyến giáo, tự mình bị sinh, sau khi biết được sự nguy hại của cái bị sinh, tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn, thoát khỏi các khổ ách, chứng Niết bàn và đã chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn, thoát khỏi các khổ ách, chứng Niết bàn, tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái không chết... tự mình bi sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết được sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, thoát khỏi các khổ ách, chứng Niết bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, thoát khỏi các khổ ách, chứng Niết bàn.

Tri và kiến khởi lên nơi họ: “Sự giải thoát của chúng ta không bị dao động, đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sinh nữa”. (MN 26, Kinh thánh cầu)

5. BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Bārāṇasī (Ba-la- nại), tại Isipatana (chư tiên đọa xứ), chỗ vườn nai. Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỳ-kheo:

– Có hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục (kāmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỳ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn? Chính là Bát Chi Thánh Đạo, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỳ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ-kheo. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỳ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có tàn dư khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.

Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, chính là Bát Chi Thánh Đạo, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sinh, trí sinh, tuệ sinh, minh sinh, quang sinh.

Cho đến khi nào, này các Tỳ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thì cho đến khi ấy, trong thế giới này với thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người, Ta không chứng tri được chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và cho đến khi nào, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, trong thế giới này với thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và loài người, Ta mới chứng tri được chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sinh nữa”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỳ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Koṇdañña (Kiều-trần-như) khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt”.

Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư tiên đọa xứ, tại vườn nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời”. Sau khi được nghe tiếng chư thiên ở cõi đất, Tứ đại thiên vương thiên lên tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư tiên đọa xứ, tại vườn nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời”.

18) Sau khi được nghe tiếng của chư thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba... chư thiên Yāma... chư thiên Tusita... chư Hóa lạc thiên... chư Tha hóa tự tại thiên... chư thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư tiên đọa xứ, tại vườn nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời”.

Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư thiên.

Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: “Koṇdañña chắc chắn đã giác hiểu! Koṇdañña chắc chắn đã giác hiểu!” Do đó, Tôn giả Koṇdañña được gọi là Aññā Koṇdañña (A-nhã Kiều- trần-như, Kiều-trần-như đã giác hiểu). (SN 56:11)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm