Những ngày cơn bão đi qua
Cơn bão đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt tâm linh của các tôn giáo. Những ngày cơn bão đi qua, biết bao xáo trộn đã diễn ra.
Chấp hành chủ trương của Chính phủ, với tiêu chí hàng đầu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn việc tạm dừng các nghi thức sinh hoạt tôn giáo theo hướng tập trung.
Các tự viện đóng cửa, các chương trình thuyết giảng, các khóa tu thường lệ ở các đạo tràng được hủy bỏ… làm mùa Phật đản, một lễ hội có ý nghĩa quan trọng với người con Phật, năm nay cũng diễn ra trong một không khí khác hẳn mọi năm. Không có những lễ đài trang trọng, không có các chương trình văn nghệ đậm chất Phật giáo, không có xe hoa diễu hành trên đường phố…
Cơn bão đại dịch đã mang đến một dấu lặng, một khoảng trống suốt hơn ba tháng cho mọi sinh hoạt tôn giáo trên cả nước. Một điều nghịch lý là, lẽ ra, trong cơn khủng hoảng của đời sống kinh tế - xã hội, hơn bao giờ hết, điểm tựa tâm linh sẽ là nơi quay về nương tựa vững chắc cho tín đồ.
Thế nhưng, do tính chất siêu lây nhiễm của căn bệnh này, nên chủ trương giãn cách xã hội lại là một trong những biện pháp phòng chống hiệu quả được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới, trong tất cả các lĩnh vực. Sinh hoạt tôn giáo cũng không thể đi ngoài chủ trương chung ấy.
Với những Phật tử thuần thành, hàng ngày đến tu tập ở các đạo tràng, những ngày đầu không được về ngôi nhà tâm linh quen thuộc, đây quả là sự thiếu vắng không hề nhỏ, một sự hụt hẫng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế đó đã làm rõ hơn cách sống tùy duyên trong giáo lý nhà Phật.
Thế giới đã ghi nhận trên 502,2 triệu ca mắc COVID-19
Nhiều Phật tử đã duy trì đều đặn và nghiêm túc các thời khóa công phu tại nhà. Việc đọc kinh sách, nghe pháp, cầu nguyện mỗi ngày cũng được quý vị thực hiện tinh tấn. Đây cũng là duyên để mọi người tu tập theo hướng quay vào bên trong của chính mình, một trong những điểm cốt yếu của pháp hành, điều mà hầu hết mọi người khó thực hiện được trong cuộc sống đời thường vốn nhiều lo toan, bận rộn.
Để trợ duyên cho Phật tử, những buổi lễ cầu nguyện, các chương trình pháp thoại online, những thời khóa tụng kinh online, cũng được các kênh truyền thông Phật giáo và một số tự viện tổ chức thường xuyên, theo giờ cố định để Phật tử khắp nơi được thính pháp, niệm Phật và tụng kinh từ xa. Sáng kiến thiết kế vườn Lâm-tỳ-ni tại tư gia nhân mùa Phật đản, chương trình tắm Phật online….là những sáng kiến hết sức ấn tượng, đặc sắc, đáp ứng tâm đạo chí thành của những người con Phật trong những ngày giãn cách xã hội.
Có thể nói, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được vận dụng một cách sáng tạo trong sự nghiệp hoằng pháp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Những người con Phật, kiên định với lý tưởng giải thoát, thấm nhuần cách sống tùy duyên thuận pháp, đã biến nghịch duyên thành cảnh thuận, để Tam Bảo luôn thường hằng trong tâm, thể hiện thiết thực nhất trong việc tinh tấn tu tập, dù trong hoàn cảnh nào.
Thêm vào đó, trong bối cảnh đại dịch, người Phật tử, do đã có quá trình tu tập, nên sẽ có được những lợi thế nhất định, so với những ai chưa từng học Phật. Trước hết, do thường xuyên tu tập trong môi trường thanh tịnh, nên việc phải ở yên một chỗ, hạn chế giao tiếp và đi lại, không phải là những việc quá khó làm.
Vẫn nhớ những ngày tu chánh niệm trong im lặng từng được tổ chức ở Tịnh xá. Sức mạnh hùng tráng của chánh niệm, sự thực tập chánh niệm liên tục, miên mật ít nhiều cũng gieo vào tâm thức hành giả những khoảng lặng cần thiết, là chất liệu tu tập cho những ngày giãn cách xã hội trong cơn bão.
Là Phật tử, tin sâu nhân quả, hiểu lẽ vô thường, nên khi phải đối diện với những khủng hoảng trong cuộc sống, độ bình tâm nơi những người con Phật cũng sẽ ổn hơn so với những người khác. Hơn thế nữa, cơn bão đại dịch cũng chính là cơn bão vô thường, là cơ hội để mỗi người càng tự nhắc mình: tinh tấn hơn, dũng mãnh hơn trên con đường tu học.
Xét ở góc độ tích cực, bằng cách nhìn của người học Phật, đại dịch Covid- 19 cũng có một vai trò không nhỏ trong việc thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan, chuyển tâm con người theo cách sống hướng thiện và hướng thượng.
Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, việc tu tập qua các phương tiện truyền thông vẫn có những hạn chế nhất định. Khi cơn bão dần đi qua, đây chỉ có thể được xem là biện pháp hỗ trợ, bên cạnh việc hoằng pháp bằng con đường truyền thống.
Trong những ngày tu học tại gia, nhiều Phật tử vẫn hằng mong mỏi ngày được trở về đạo tràng tu tập dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, quý Sư, được cùng chúng bạn đồng tu.
Những cuộc trò chuyện qua điện thoại, qua tin nhắn là những lời hỏi han, mong đợi: nhớ tịnh xá lắm, bao giờ được về lại Tịnh xá? Đó là tâm trạng chung của nhiều Phật tử trong những ngày này. Vâng, nhu cầu tâm linh chính đáng ấy là điều rất thật. Qua đó, cũng dễ dàng nhận ra tâm Bồ-đề nơi mỗi người ở trong tâm bão.
Ngay sau khi đọc được thông báo ở Tịnh xá Trung Tâm (TP HCM), về quyết định của Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép mở lại các sinh hoạt tôn giáo, một Phật tử đã rất hoan hỷ: Mô Phật, con được về lại Tịnh xá rồi ! Đọc dòng trạng thái ấy, mà lòng cũng hoan hỷ theo.
Ngày thọ bát đầu tiên được tổ chức trở lại. Tịnh xá giống như ngôi trường mở cửa đón học sinh sau kỳ nghỉ dịch. Vâng, ngôi trường dạy đạo, đón những Phật tử luôn một lòng hướng về Tam Bảo.
Vẫn những gương mặt quen thuộc, những ánh mắt thân thiện, những cái chắp tay xá chào nhau thắm tình đạo vị… Quen lắm, mà sao vẫn thấy vẹn nguyên sự nồng ấm buổi ban đầu? Thương lắm khi nhìn những bà cụ lưng còng, gối mỏi, vẫn trông hết dịch từng ngày để được đi tu ! Nét hân hoan, tâm thành kính hiện rõ trên từng gương mặt.
Có lẽ, virus Corona không đủ sức tiêu diệt những hạt giống Bồ-đề trong tâm thức những người con Phật? Phải chăng, niềm khát khao học Phật, nỗi nhớ Tịnh xá, dù hãy còn nhuốm màu đời thường, nhưng sâu thẳm bên trong, là kết quả của những tháng ngày tu học an lạc bên thầy, bên bạn? Đó cũng chính là cội rễ vững chắc, giúp mỗi người tinh tấn học đạo, vượt qua những thử thách trên đường tu.
Cơn bão nào rồi cũng qua. Trong tâm chấn của bão, vỡ ra biết bao bài học, bao trải nghiệm quí báu cho cuộc đời. Với những người con Phật, bài học về nhân quả, về vô thường luôn là những bài học nằm lòng, là chân lý vượt thời gian, vượt cả không gian. Từ những bài học đó, mỗi người luôn nhắc mình tỉnh thức trong từng phút giây, để sống, để học và hành trì theo lời Phật dạy, đem lại lợi lạc cho mình và cho người !
Nguyện mong cho thế giới an lành, bệnh tật tiêu trừ, chúng sinh hữu duyên tìm về nẻo đạo.
TX. Ngọc Tường, tháng 4 (nhuần) năm Canh Tý.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm