Những sai lầm của một số Phật tử về Phật giáo (3)

Có hai thái độ về Phật giáo: Một bên nặng phần tín ngưỡng, thiên về hình thức cung kính, quên lãng phần tự tu, không chịu học hỏi giáo lý. Một bên thiên về triết lý, chú mục vào triết lý, bỏ sót phần tín ngưỡng.

Bài liên quan

Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay là do bao trùm cả triết lý và tín ngưỡng. Nếu bỏ mất một trong hai phần thì Phật giáo không còn là Phật giáo nữa. Cho nên những người chấp một cách cực đoan trong hai thái độ trên đều là sai lầm.

Sai lầm của những người nặng tín ngưỡng

Người tu theo đạo Phật phải có sức mạnh tinh thần để cải đổi những tâm niệm, hành vi, ngôn ngữ sai lầm trở thành chân chánh. Chính khi đứng chắp tay tụng kinh hay lễ Phật, chúng ta cũng thấy biểu lộ đầy đủ ý nghĩa này. Người phật tử đứng trong điện Phật, hai tay chắp lại theo hình hoa sen búp, gọi là Liên hoa ấn, để ngay giữa ngực, ngay quả tim, nói lên tâm tư thanh tịnh. Mắt nhìn xuống cốt phản tỉnh, tự quán sát nội tâm mình. Thân ngay thẳng trang nghiêm, miệng tụng kinh, niệm Phật, để biểu lộ thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh.

di le chua an mac the nao
Bài liên quan

Hình thức nghi lễ ấy không có nghĩa là cầu xin, ỷ lại vào đức Phật, mà chỉ cần yếu giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh. Bởi thiếu khung cảnh trang nghiêm, chúng ta muốn kềm thúc thân tâm thanh tịnh rất khó khăn, nên hình thức nghi lễ là phương tiện giúp chúng ta thực hiện được điều ấy. Đừng lầm rằng Phật ban cho ta sự thanh tịnh.

Chính Phật đã dạy:

Làm dữ bởi ta mà nhiễm ô cũng bởi ta, làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chớ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.

(Kinh Pháp Cú, bài 165, Thượng tọa Trí Đức dịch)

Lại làm lành làm dữ cũng tại ta thì Phật đâu ban phước, giáng họa cho ta được. Cho nên quan niệm Phật như vị thần linh thật là sai lầm. Người phật tử phải nhằm vào tự lực nhiều hơn. Kinh Pháp Cú chép:

Chính tự mình làm chỗ nương cho mình, chớ người khác làm sao nương được? Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu.

(Kinh Pháp Cú, bài 160)

Tuy nhiên, người phật tử vẫn phải cúng dường, lễ bái Phật, nhưng cúng dường Phật là để phát thiện tâm, lễ bái Phật là tỏ lòng khát khao giải thoát giác ngộ. Không nên có quan niệm cúng dường Phật cầu Phật ban ơn, lễ bái Phật cầu Ngài tha tội. Dù cho lễ Phật sám hối cũng không có nghĩa cầu tha tội. Đó chẳng qua nhờ Phật làm đối tượng để phát tâm ăn năn chừa cải và hổ thẹn. Có biết như thế thì sám hối mới hết tội. Chúng ta hãy trả đức Phật trở về vị trí của Ngài là bậc “Đạo sư”. Chúng ta cũng phải tu tập đúng với tinh thần Phật tử là tự độ, độ tha. Đừng bao giờ xem đức Phật đủ cả quyền năng ban phước, giáng họa. Cũng không nên ỷ lại, gởi gắm cả đời mình vào quyền năng của Ngài. Nếu có tư cách đó là phản bội đức Phật và cũng không phải là người phật tử.

Sai lầm của Phật tử nặng về triết lý

Người trí thức thiên trọng phần triết lý nên thấy sự lễ bái, cúng dường, cầu nguyện… đều không chấp nhận, mà lại phản đối. Cho rằng Phật giáo hoàn toàn tự lực, không bao giờ nương tựa vào cái gì bên ngoài. Nếu Phật giáo chỉ dạy một bề như thế thì những người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực mới tu được, còn những người thiếu ý chí, kém nghị lực không thể tu theo đạo Phật sao? Như thế, Phật giáo không có ý nghĩa khế cơ rồi. Vì hạng người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực rất hiếm trong xã hội này. Cho nên, cái nhìn cực đoan như vậy đưa Phật giáo đến chỗ khô khan, cô quạnh.

Hơn nữa, nơi mỗi con người chúng ta đều có hai phần, tình cảm và lý trí. Nếu có người chỉ thuần tình cảm, không có lý trí thì họ chìm đắm trong biển thương yêu mê hoặc. Ngược lại có người ròng rặt lý trí, không có tình cảm thì họ khô khan cô độc. Con người ví như cây trồng xuống đất, tình cảm là chất nước, lý trí như ánh nắng. Thiếu một trong hai thứ ấy, cây nhất định không sanh trưởng được mà phải khô héo lần. Một tôn giáo cũng thế, triết lý và tín ngưỡng không thể thiếu một được. Nếu thiếu một, tôn giáo ấy sẽ chết mòn. Cho nên, chủ trương cực đoan về triết lý của giới trí thức này cũng là tai họa của Phật giáo.

Lại, chúng ta thử xét ý nghĩa cúng dường, cầu nguyện có sai tinh thần Phật giáo hay không? Người Phật tử ai cũng biết lý nhân quả, thuyết vô ngã, vô trước là nền tảng của Phật giáo. Như thế, sự cúng dường được phước đức có phản bội lý nhân quả chăng? Người này cầu nguyện, người kia được siêu độ, có trái vô ngã hay không?

– Thưa không!

Bởi vì lý nhân quả tế nhị lắm, không thể đơn giản rằng “mình làm mình chịu”, có khi không làm lại có chịu, mà vẫn không trái lý nhân quả. Ví như ông A là người chủ sở giàu có, anh B là người làm công nghèo khổ. Một hôm vì một chuyện không đâu, ông A nóng giận đánh anh B. Lý đáng anh B phải trả thù bằng cách đánh lại. Nhưng sau khi qua cơn nóng giận, ông hối hận hành động vô ý thức của mình. Ông không can đảm đến xin lỗi B, phải nhờ người thân của B xin lỗi hộ, và ông cho B một số tiền khá hậu. Vì thế, cái quả của anh B phải trả lại ông A có thể không còn nữa. Lại gia đình kia có hai anh em là Xoài và Mít. Anh Xoài hiền lành dễ thương, nhưng Mít lại hung dữ đáng ghét. Một hôm Xoài đi làm ngoài đồng, Mít ở nhà đánh lộn với người hàng xóm. Đang cơn ẩu đả nhau, rủi Xoài về tới, tuy Xoài không định tâm bênh em, nhưng người kia sợ Xoài bênh nên vội vàng đập Xoài một gậy. Trường hợp này Xoài thật vô tội mà vẫn ăn đòn. Thế nên, việc đó không phải tự mình gây, rồi tự mình chịu. Có khi người khác gây mà mình chịu, như trường hợp Xoài và Mít. Có khi tự mình gây mà không chịu như trường hợp A và B. Nhưng nói như thế không phải ngoài lý nhân quả.

Vì nhân quả có chánh nhân, trợ nhân, thuận nhân, nghịch nhân… Tuy chánh nhân đã gieo mà gặp nghịch nhân phá hoại thì không thể nào kết quả. Như ta gieo hạt lúa xuống đất nhất định lên cây lúa, nhưng bị dế cắn khi mới nảy mầm thì làm sao sanh cây lúa? Đó là có chánh nhân đánh người của ông A, mà quả người đánh lại không có. Hoặc có khi chánh nhân này mà do trợ nhân biến thành cái khác. Như chúng ta trồng cây cam ngọt, đến lớn lên có người lén cắt nhánh chanh tháp vào, khi kết quả không được cam ngọt, mà chỉ có chanh chua. Đây là không gây nhân đánh đập mà bị quả đánh đập của anh Xoài vậy. (Còn tiếp),

Hoà thượng Thích Thanh Từ

Trích trong Phật giáo trong mạch sống dân tộc.

Hòa thượng Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Độc giả có thể đọc cả 3 bài trước đó trong mục Tin liên quan dưới bài này. Hãy đọc Phatgiao.org.vn khi bạn cần TIN MỚI NHẤT về Phật giáo.

 (*) BBT đặt lại tiêu đề

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ông già bán bài học ngàn vàng

Nghiên cứu 10:23 01/01/2025

Ngày xưa, xưa lắm, ở vùng Tân Cương thuộc Trung Á, có một nước nằm giữa biên giớì Trung và Ấn Ðộ, gọi là Nhục Chi. Tuy là một tiểu quốc, nằm giữa hai đại cường quốc, nhưng Nhục Chi là một nước có một nền văn hóa tiến bộ và một nền kinh tế phồn thịnh.

Tứ sinh và Tứ đế

Nghiên cứu 21:00 31/12/2024

Theo luận Câu-xá, trong Tứ sinh, hóa sinh là cách sinh tối thắng nhất, cũng là cách có nhiều chúng sinh nhất. Vì nó bao gồm toàn bộ địa ngục, toàn bộ các cõi trời, tất cả trung hữu, cộng thêm một phần các cõi khác.

Mẹ và con trai

Nghiên cứu 17:30 30/12/2024

Kiếp trước họ không thành chồng vợ, đời này lại thành mẹ con. Do thân phận bất đồng làm thay đổi mối duyên tình đời trước. Nhờ Bồ tát Quan Thế Âm gia trì, Quả Công đã giúp mẹ con bọn họ đi vào con đường học Phật...

Niệm Phật Dược Sư được vô lượng phước báu, tiêu trừ bệnh khổ

Nghiên cứu 11:01 30/12/2024

Niệm danh hiệu Ngài, Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh và niệm đến nhất tâm, người niệm sẽ được phước báo vô lượng, tiêu trừ tất cả bệnh khổ, thân tâm an lạc...

Xem thêm