Những vần thơ Đạo
Tôi là một Phật tử, có vợ là người Công giáo. Lúc nhân duyên đưa đẩy chúng tôi mới gặp gỡ và thương mến nhau, có nhiều lời xầm xì đàm tiếu, phản đối. Đó là điều hiển nhiên.
Vì, tôi là con trong một gia đình có truyền thống tín Phật, song thân của tôi đều là những cư sĩ tài danh hết lòng phụng sự Tam Bảo, được chư tôn đức Tăng Ni và quý đạo hữu biết đến với lòng cảm mộ.
Vì, riêng tôi, từ năm 23 tuổi đã chuyên tâm học Phật, tụng kinh trì chú, hướng về nẻo thiện lành, tránh xa việc ác, từng tháng ngày trôi qua tu tâm sửa tánh dù đang trong hoàn cảnh túng thiếu đói nghèo, hay trong suốt cuộc lang bạt mưu sinh đầy gian khó vẫn giữ vững niềm tin vào Chánh pháp thật vững chãi.
Vì, người mà tôi gặp gỡ yêu thương trên bước đường tha hương cầu thực dầy u tối và ám chướng là con của một gia đình Công giáo cũng đã nhiều đời mà người ta thường dùng cụm từ là “Đạo nòi” ở một giáo xứ lớn của huyện ngoại thành.
Tôi không muốn nhắc lại, hay nói nhiều về chuyện quá khứ này, chỉ xin tóm lược lại là trước khi tiến đến hôn nhân, người tôi yêu thương đã xin được cải đạo, khát khao được làm một người con của Phật như tôi và được tu học Chánh pháp.
Tôi đã gửi gắm người yêu của mình vào chùa Hải Ấn của Ni trưởng Thích Nữ Tâm Hải, hiệu Chánh Lượng, để thử thách, ăn chay nằm đất, làm công quả ở nhà trù của ngôi Ni tự nghèo trong một thời gian ngắn. Sau đó, Ni trưởng đã nhận “cô gái con nhà Chúa” làm đệ tử, truyền Tam Quy Ngũ Giới, ban cho pháp danh là Nguyên Viên, rồi truyền gọi cho tôi qua chùa… chở “người con Phật” về.
Vậy là chúng tôi, hai đứa con của Phật, đã về ở chung nhà, nên duyên ba sinh hương lửa sau lễ thành hôn vô cùng đặc biệt, rất đặc biệt mà tôi thấy không cần phải kể lại nơi đây…
Phước duyên liên tiếp đến kể từ khi chúng tôi trở thành vợ chồng, có đứa con gái đầu lòng, tôi đã trở thành một cây bút sung sức trong làng báo - làng văn nước nhà, thời tới lên như diều gặp gió nên thừa khả năng giữ cho tổ ấm đầy đủ và an vui…
Tôi đã trút nỗi lòng thầm kín vào một bài thơ tự sự để dành tặng riêng cho người đạo hữu, cũng là người bạn trăm năm của mình, “Chong một ngọn đèn”:
Xin ngồi đưa đón chân em
Từ sâu hầm hố bước lên lối dài
Từ nhầy nhụa bước liên đài
Từ gai góc bước gấm hài êm chân
Chong đèn soi bóng tối tăm
Xin ngồi chong suốt tháng năm tôi còn
Chong lên đèn tỏ tâm hồn
Lung linh sóng sánh xin dồn cho em
Chong đèn chiếu tỏ lối đêm
Thênh thang hun hút đừng quên đường về
Trót xưa nặng một lời thề
Bây giờ tôi đó ngồi kề huyền đăng
Ngồi chong tôi mãi ngồi chong
Cho em bước khỏi long đong phận người
Tôi ngồi tôi cứ tôi ngồi
Chong đèn đêm tối đường đời em đi
Mai này em bước trên mây
Tôi ngồi dưới đất ôm cây đèn thần
"Án-ma-ni-bát-mê-hồng"
Lồm cồm đứng dậy tự chong cho mình.
Niềm tin vào Chánh pháp, nhất là tin sâu Nhân Quả, của tôi luôn vững vàng, không lay chuyển trong suốt quãng đường xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình, giáo dưỡng con cái trong nhà. Điều quan trọng nhất là không được lý thuyết suông, mà mình phải luôn làm gương, sống hằng ngày bằng những ứng dụng Chánh pháp để luôn biểu hiện là một người thiện lành với đầy đủ các loại “vũ khí hộ thân” như: nhẫn nhục, bao dung, từ ái, thiểu dục, tri túc, khiêm tốn… vân vân và vân vân… mà mình đã học được từ kinh sách nhà Phật.
An và Vui là hai tiếng ngắn gọn quen thuộc như tiếng chuông đã trở thành mục tiêu đặt ra để tổ ấm nhỏ của tôi hướng về và đạt đến hằng ngày, không cao siêu, không dài dòng luộm thuộm, cũng không hão huyền xa vời. Niềm vui tìm được từ Phật pháp khác lạ lắm, thiêng liêng lắm so với niềm vui của thế tục phàm phu. Tôi đã cảm tác một bài thơ khác dành tặng cho người bạn đời, đạo hữu gần gũi nhất, gửi gắm vào đó niềm vui kỳ diệu của mình, “Em quỳ”:
Em quỳ rạng rỡ nét vui
Như sen một đóa vừa ngoi khỏi bùn
Chấp tay tâm sáng diệu thường
Tàm quý hướng thiện giữa đường tôi qua
Em quỳ thanh khiết ngọc ngà
Nguyện xin bất tịnh nhạt nhòa phàm thân
Chấp tay tuệ giác bừng tâm
Nẻo phù hoa ấy lặng câm tôi nhìn
Em quỳ thanh thoát sắc hình
Tiếng lâm râm nhẹ chòng chành dòng trôi
Chấp tay ánh đạo tỏa ngời
Giữa đời tất bật tôi ngồi xuống theo
Em quỳ phướn lọng khẽ reo
Len qua tâm tưởng trong veo trắng ngần
Chấp tay gom hết nợ nần
Thả buông xào xạc giao phần tôi mang
Em quỳ nơi tối sáng choang
Soi ra một nẻo rẽ ngang tôi về
Ngoài kia gió lặng tứ bề
Gập ghềnh gai góc tôi thề dọn mau
Em quỳ đón lấy nhiệm mầu
Tôi về quên chuyện trầu cau xưa rồi
Em quỳ nơi đó. Tôi ngồi.
Mai cùng đứng dậy:
Cuộc đời vui sao!
Có một điều kỳ diệu không thể không kể là trên hai mươi năm viết văn, làm báo để nuôi sống bản thân cùng tổ ấm, tôi chưa hề dám làm một bài thơ trữ tình nào. Với rất nhiều bút danh ký khác nhau tung hoành trên khắp các mặt báo cả nước, tôi chỉ sáng tác truyện ngắn, ký sự, phóng sự, vẽ quẹt biếm hoạ, riêng mảng thơ thì chỉ chuyên về thể loại trào phúng, châm biếm, đả kích, cười cợt chế giễu…Cho đến khi tôi quyết định “rửa tay gác bút” báo Đời, dần dần chuyển hướng sang báo Đạo với tâm nguyện phụng sự, chấp nhận không có thu nhập thì tôi mới bắt đầu làm thơ… nghiêm túc, nghiêm chỉnh.
Từ năm 2012, tôi đã cảm tác rất nhiều bài thơ khi cộng tác với các báo, tạp chí, trang mạng Phật giáo qua các thể loại lục bát, ngũ ngôn và thất ngôn bát cú Đường luật, nay ngồi ngẫm nghĩ lại mới thấy mình trở thành một “nhà thơ Phật giáo” lúc nào mà mình cũng chẳng hay!
Những vần thơ Đạo vẫn đang tiếp tục theo tôi suốt cuộc trần, và xin kết thúc bài viết tham gia cuộc thi này bằng bài thơ “Tự tình với nghề”:
Đứng lên gắn bó với nghề
Gác vai ngọn bút chàng hề tung tăng
Ngủ vùi ác mộng bao năm
Chợt choàng mắt dậy vung văng với đời
Thênh thang đường rải tiếng cười
Mênh mang dòng sống khóc lời sẻ chia
Một mình thổn thức với khuya
Một mình rạo rực đi, về sớm mai
Bút đâm, cọ ngoáy miệt mài
Xưng danh, ký hiệu khoe tài hiên ngang
Say sưa múc ánh trăng vàng
Lên non xuống biển vênh vang lạc đường
Một chiều đầu đã điểm sương
Giật mình ngoảnh lại gẫm buồn nghiệp duyên
Đã từng hí hửng đứng lên
Thì nay ngồi xuống tịnh thiền soi tâm
Bút xưa tay vẫn nắm cầm
Bỏ thương vương tội, âm thầm niềm đau
Bàn hoàn thời thế bể dâu
Quay về nẻo Đạo nhiệm mầu mà đi
Đường xa ngoảnh lại làm gì
Từng giây tự tại, từng ngày an vui
Ta cùng với bút thảnh thơi
Tận khi giấy hết
Không lời gieo buông.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Vĩnh Hữu, địa chỉ: Tổ 1 đường Gò Găng, thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm