Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 27/01/2024, 11:17 AM

Niềm vui học Phật

Trong kinh A Mi Đà, Đức Phật giới thiệu thế giới Cực lạc ở phương Tây, không có những điều khổ, chỉ có những điều vui, y báo và chánh báo đều trang nghiêm thanh tịnh.

Trong kinh Duy Ma, Đức Phật dạy xây dựng thế giới Cực lạc ngay tại uế độ này, trên nguyên tắc phải kiến tạo tâm trước. Tâm tịnh thế giới tịnh, tâm uế trược không thể nào sanh Tịnh độ, cho nên “Muốn thanh tịnh quốc độ, trước nên thanh tịnh tâm mình, khi tâm mình thanh tịnh rồi thì quốc độ tự nhiên tịnh”.

Tuy ở cùng một cõi, nhưng tùy theo tâm niệm và nghiệp lực thế nào thì thế giới tương ưng hiện ra. Ví như Ngài Xá Lợi Phất thấy “cõi này toàn là gò nỗng, hầm hố, sỏi sạn, đất đá, núi non nhơ nhớp đầy dẫy”[1], trong khi đó, Loa Kế Phạm Vương thấy “cõi Phật của Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như Tự Tại Thiên Cung”[2]. Hàng Thanh văn như ngài Xá Lợi Phất nhìn cuộc đời đầy chông gai, đầy phiền não, ngược lại Loa Kế Phạm Thiên là đấng tạo hóa nên thấy vạn vật xanh tươi. Kinh Hoa Nghiêm cũng có nói: “Nhất thiết pháp duy tâm tạo”. Với tâm Phật, thiền sư Phật Ấn thấy Tô Đông Pha ngồi thiền giống như Phật; ngược lại Tô Đông Pha, với tâm ganh ghét, nhìn thấy ngài Phật Ấn ngồi như đống phân bò.

Tuy nhiên, bản chất của tâm là vô thường nên không phải đợi đến chết mới thay đổi thế giới, mà trong từng niệm tâm, chúng ta luôn thay đổi cảnh giới Thánh (Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn) hay phàm (trời, người, atula, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục) mà mình đang sống. Khi chúng ta hoan hỷ là đang ở cõi trời, khi chúng ta đau khổ cùng cực là đang rơi vào địa ngục.

Vấn đề chính yếu là điều chỉnh tâm, tịnh hóa tâm. Trong kinh Duy Ma, Đức Phật dạy xây dựng Tịnh độ bằng trực tâm, thâm tâm và Bồ đề tâm. Sau đó, kết hợp ba tâm này với sáu pháp Ba la mật, mười tám pháp bất cộng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tứ nhiếp pháp, v.v...

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Mỗi người là một đơn vị trong pháp giới. Nếu mỗi người thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh. Hơn nữa, với tâm thanh tịnh, mỗi người lan tỏa sự thanh tịnh đó cho người xung quanh, góp phần làm cho thế giới thanh tịnh.

Như vậy, hàng Bồ tát xây dựng Tịnh độ ngay tại uế độ như hoa sen mọc từ bùn, không bị nhiễm bùn mà vươn lên tỏa ngát hương thơm.

Hàng sơ cơ ban đầu nuôi dưỡng tâm bằng pháp hỷ thực và thiền duyệt thực qua việc tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền... Với tâm an lạc, bản thân thấy cảnh vật và con người đều đáng yêu.

Bản thân thường không thể bỏ qua thời tọa thiền sáng sớm, lúc đó khí trời mát mẻ, môi trường xung quanh rất tĩnh lặng, thi vị với tiếng gà gáy xa xa, mùi sen thơm nhè nhẹ... còn thân tâm thì rất thoải mái, tỉnh táo và lắng đọng sau một đêm ngủ dài. Tất cả những yếu tố đó giúp tâm dễ tập trung, dễ đi vào niềm an định nhẹ nhàng. Mọi phiền não lắng xuống, nhường chỗ cho niềm hỷ lạc phát khởi, giúp đưa tâm thức vào cảnh giới an bình nội tại. Cắt tỉa vài cành lá, thay nước bình hoa, thành kính dâng lên cúng dường chư Phật mười phương, và bắt đầu thời kinh sáng. Chậm rãi đọc từng câu chữ, hình ảnh trong kinh hiện lên rõ nét và bản thân hòa vào dòng người đến dự hội Pháp Hoa, nghe Đức Phật thuyết pháp trên núi Linh Thứu. Trời sáng dần, bên ngoài tiếng chim hót rộn rã, gió nhẹ lay động cành lá... cảnh vật thật thanh bình, đáng yêu. Tất cả tạo nên niềm hưng phấn giúp bản thân bắt đầu một ngày mới đầy nhiệt huyết, mở rộng tấm lòng với muôn loài, lúc đó “Hồn tôi là một vườn hoa lá. Rất đậm hương và rộn tiếng chim” (Tố Hữu, Từ Ấy)

Khác với tâm trạng nhẹ nhàng buổi sáng, buổi chiều là thời gian mà thân tâm đã quá mệt mỏi sau một ngày làm việc với biết bao tính toán, vui buồn, những điều bằng lòng và không bằng lòng. Dành một ít thời gian cho việc tĩnh tâm buổi chiều, bản thân tận hưởng những giây phút thư giãn từ đầu đến chân, đặc biệt là cảm giác dễ chịu nơi cột sống, nơi đôi mắt khép lại sau hàng giờ căng mắt vào màn hình máy vi tính, các cơ được thả lỏng hoàn toàn. Bất chợt bản thân nhớ lại lời bài hát “Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở”. Khác với hơi thở dài, chậm, sâu lắng và nhẹ nhàng buổi sáng sớm, vào giờ này, thành phố thở dồn dập, hối hả, đầy khói bụi. Sau thời tọa thiền, cơ thể được nạp thêm năng lượng, thân tâm nhẹ nhàng, cảm giác đói biến mất. Mọi suy tư về công việc của công ty được gác lại, nhường chỗ cho giây phút ấm áp, hạnh phúc bên cạnh người thân.

Niềm vui nho nhỏ trong việc thực hành giáo pháp Đức Phật, giúp chúng ta tinh tấn tu tập, định lực từ từ tăng trưởng. Với tâm định tĩnh, chúng ta dần thấy bản chất của các pháp. Trên đường đến cơ quan, chúng ta nhận thấy Bồ tát không chỉ có mặt trong các chuyến từ thiện, mà ở khắp mọi nơi, mọi ngành nghề từ những người tầm thường nhất như bác phu làm đường xây dựng những con đường êm phẳng, chú cảnh sát giải quyết ách tắc giao thông để học sinh kịp đến trường, anh thợ sửa xe vỉa hè cứu xe bị tắt máy cán đinh... Liên hệ đến công việc của mình, chúng ta hạnh phúc khi được phục vụ 2.000-3.000 (lượt/1 ngày) truy cập website của công ty, và không quên gởi vào đó tình thương yêu, lời nguyện cầu cho khách hàng của mình luôn làm đúng chánh pháp và tất cả mau thấy Đức Phật Vô Lượng Quang. Ý thức được điều đó, chúng ta làm việc không biết mệt mỏi trong niềm vui được làm lợi ích cho số đông, không đùn đẩy công việc cho nhau, không tranh giành quyền lợi, vì thế mọi người đều hoan hỷ và nơi công ty đầy bon chen, đấu đá lẫn nhau, trở thành Tịnh độ.

Thế nhưng mọi phiền não dường như chỉ tạm thời lắng đọng, nằm ngủ im dưới đáy chờ cơ hội để trỗi dậy. Những lúc như thế, chúng con an trú vào Tịnh độ nơi chùa. Nụ cười hỷ xả của Đức Phật, tướng giải thoát của chư Tăng, sức mạnh của đại chúng, tiếng trống bát nhã trầm hùng... kéo tâm vọng động của chúng con trở về với thực tại.

Tóm lại, hàng thượng căn với tâm định tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi trần cảnh mà ngược lại biến uế độ thành tịnh độ. Với định lực còn yếu chưa đủ sức thỏng tay vào chợ, với đạo tâm còn thấp chưa đủ sức chuyển hóa người, hàng sơ cơ cần phải gần gũi các bậc thiện tri thức để học hỏi, cần phải nương vào chốn thanh tịnh để trưởng dưỡng tâm.

[1] HT. Thích Duy Lực, Chư Kinh tập yếu, Kinh Duy Ma Cật, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, 1997, tr. 267.

[2] Sđd., tr. 266. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tâm tham

Góc nhìn Phật tử 07:51 03/05/2024

Tâm tham là một trong những loại tâm bất thiện (Tâm chẳng lành, tâm xấu,…). Khi chưa là A La Hán thì tâm này vẫn chi phối chúng ta, khiến chúng ta tạo tác và luân hồi sinh tử trong nhiều kiếp. Tâm này do huân tập từ nhiều đời cho nên khi gặp cảnh tốt đẹp, hài lòng thì sinh ham muốn.

Niềm tin Phật Pháp hồi sinh tôi

Góc nhìn Phật tử 16:03 02/05/2024

Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin. Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình.

Hội luận: Sự cân bằng (3)

Góc nhìn Phật tử 11:45 02/05/2024

Tình cảm con người chính là sự biến dịch thiện ác mạnh mẽ nhất. Các luật sư của ba, tất cả các án mạng vợ giết chồng, chồng giết vợ, các đôi tình nhân giết nhau rồi thậm chí phân xác chỉ vì yêu, vì ghen…Đâu phải họ không thương nhau đâu...

Tự tại giữa khen chê

Góc nhìn Phật tử 10:46 02/05/2024

Thật sự nếu chúng ta không còn suy nghĩ về lời khen tiếng chê nữa thì chúng ta sẽ thấy nó thật sự chẳng có tí ti gì quan trọng cả. Có được tán dương hay chỉ trích đi chăng nữa cũng chẳng cần quan tâm.

Xem thêm