Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 23/04/2016, 11:43 AM

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P3)

Đứng trước cõi tối tăm ấy, những người con Phật làm sao không tránh khỏi bị lạc đường khi quay lưng xem thường kinh tạng gốc Nikāya, nơi còn lưu giữ rất nhiều những lời khuyến giáo chí tình như thế này của bậc Ân Sư.

Nikāya và khoa học
3. Tối tăm của vô minh hắc ám hơn nhiều lần tối tăm của biển cả

Nãy giờ nói chuyện trên trời, đến đây nhắc việc dưới biển. Như được biết, ánh sáng mặt trời chỉ chiếu sáng tới độ sâu không quá 300 mét dưới mặt nước. Con người trần trụi cũng chỉ dám quẩn quanh trong giới hạn này, thậm chí muốn lặn sâu dưới vài chục mét đã phải luyện tập cẩn thận, cố mình lao xuống nước sâu hơn mà không có các thiết bị lặn đặc biệt chẳng khác nào tự tử.

Trong khi đó, đại dương có độ sâu trung bình khoảng 4 - 5 ngàn mét, nơi sâu nhất tại vùng biển Mariana thuộc Thái Bình Dương đến tận 11 km. Vì thế trong vực thẳm biển cả, phần lớn là những cõi giới tối đen như mực và trong một thời gian rất lâu nó hoàn toàn bí ẩn đối với con người. Phải mãi tới những năm cuối thế kỷ 19 với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, con người mới bắt đầu khám phá dần thế giới sâu thẳm của đại dương.

Thế nhưng, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, các Tỳ-kheo Thanh Văn trong thời Phật đã biết được giữa thế gian này còn có những cảnh giới tối tăm u ám dưới biển sâu cùng với các sinh vật đang sinh sống tại đó, và họ còn biết được nhiều điều hy hữu khác nữa. Một đoạn kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, thông qua lời tường thuật của ngài Ānanda, đã chứng minh điều này:

“- Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ānanda, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm Thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa- môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sinh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sinh khác sống ở đây”.

Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn” (Trung Bộ 3, số 123 = [Ab.1.10])

Dĩ nhiên các Tỳ-kheo Thanh Văn không thể nghĩ rằng cõi giới ‘tối tăm, u ám’ ấy ở dưới lòng đất, bởi lẽ dưới lòng đất là nơi có nền tảng chứ không phải ‘không có nền tảng.’ Vả lại đối với lòng đất mà nói ‘những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu’ là điều quá thừa, không có gì hy hữu. Thêm nữa trong lòng đất mà nói ‘một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra’ lại trở thành quá ư vọng ngữ.

Đối với Đấng Như Lai A La Hán Chánh Đẳng Giác: “- Này các Tỳ-kheo, cái gì trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được ý tư sát, tất cả Ta đều biết.

Này các Tỳ-kheo, cái gì trong toàn thế giới này được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được ý tư sát, Ta đã được biết rõ như sau: ‘Tất cả đều được Như Lai biết đến. Như Lai không có dựng đứng lên’” (Kinh Kāḷaka, TC1, C4, số 24, tr.594 = [I.4.24]).

Do vậy, chỉ với những kiến thức khoa học ngày nay con người mới biết được ‘thế giới ở giữa các thế giới’ tối tăm u ám kia chính là thế giới đại dương sâu thẳm cùng với các sinh vật đang sinh sống tại đấy. Đây là một cảnh giới có thực và vì vậy có cơ sở để tin rằng những điều hy hữu trong bài kinh nói trên cũng hoàn toàn có thực.

Một sự thực từ một vị vua dám từ bỏ cung vàng điện ngọc, ôm bình bát gieo duyên hoá độ từng người từ trong Hoàng tộc đến cả muôn dân, đây đã là điều hy hữu hiếm có. Ấy thế mà Ngài còn soi sáng được cả thế giới tối tăm u ám dưới biển sâu, quả thật lại càng hy hữu hơn nữa!

Những hy hữu từ một bậc Đạo Sư cả đời nêu gương sống thiện, làm thiện; trước sau chỉ răn dạy con người ăn hiền ở lành, đối xử tốt với nhau, thật cũng đáng cho những người có trí tín phục.

Sẽ rơi vào ấu trĩ khi nghĩ rằng qua lời nói của ngài Ānanda, Bồ-tát muốn tự đề cao bản thân mình. Đối với đấng Thế Tôn A La Hán, việc thấy và biết được cõi giới tăm tối của đại dương, kể cả những “lỗ đen” tối tăm trong vũ trụ, vẫn chưa phải là điều hy hữu nhất.

Bởi lẽ, ngay trong thời Phật, các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử của Ngài cũng đã biết được có những ‘lỗ đen thật là to lớn’ giữa các thế giới ‘không có trần che’ trong vũ trụ.

Hơn thế nữa, họ còn biết được có một thế giới khác tối tăm hơn, hắc ám hơn, kinh khủng hơn mà con người cần phải thấy, cần phải soi sáng, cần phải tự mình giải thoát khỏi nó. Và chính vì thế nên đấng Bồ-tát đã phải nêu gương giáo hoá, nhập thai dòng hoàng tộc rồi tự mình bước xuống ngai vàng, dấn thân làm khất sĩ để cứu thoát cho loài người.

Cõi giới tối tăm khốn khổ ấy đã được bậc A La Hán Minh Hạnh Túc chiếu rọi trong bài kinh ‘Hắc Ám:’

“...- Có một hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.

Ðược nghe nói như vậy, một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

- Này Tỳ-kheo, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy.

- Bạch Thế Tôn, sự tối tăm khác ấy là gì, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

- Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà- la-môn nào không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ”, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Tập”, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt”, không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sinh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sinh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não; họ tạo dựng các hành đưa đến sinh, họ tạo dựng các hành đưa đến già... đưa đến chết,... do họ tạo dựng các hành đưa đến sinh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não; nên họ rơi vào tối tăm sinh, họ rơi vào tối tăm già, họ rơi vào tối tăm chết, họ rơi vào tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sinh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.

Và này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà- la-môn nào như thật rõ biết: "Ðây là Khổ", như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Tập”, như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt”, như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sinh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vì họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sinh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không tạo dựng các hành đưa đến sinh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Do họ không tạo dựng các hành đưa đến sinh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không rơi vào tối tăm sinh; họ không rơi vào tối tăm già; họ không rơi vào tối tăm chết; họ không rơi vào tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não.

Họ liễu thoát khỏi sinh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ liễu thoát khỏi đau khổ.

Do vậy, này Tỳ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ Tập”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt" (S.v,454 = [Ve.4.46])

Hoá ra, những ‘lỗ đen không có trần che, thật là to lớn’ trong vũ trụ kia cũng đã được bậc A La Hán Thế Gian Giải và các đệ tử Thanh Văn của Ngài biết đến từ lâu, ngay cho dù ‘ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.’

Phải chăng, niềm tự hào của khoa học khi phát hiện ra những ‘lỗ đen’ bí ẩn của thế giới, giờ đây phải biến thành nỗi mặc cảm tự ti trước những khổ đau bởi những ‘lỗ đen’ còn hắc ám hơn, kinh khủng hơn của tối tăm sinh, tối tăm già, tối tăm bệnh, tối tăm chết, tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não?

Phải chăng, dưới mắt Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, khi con người còn chìm đắm trong bóng đêm của vô minh, họ cũng chẳng khác nào các chúng sinh đang quờ quạng trong tối tăm của biển cả?

Đứng trước cõi tối tăm ấy, những người con Phật làm sao không tránh khỏi bị lạc đường khi quay lưng xem thường kinh tạng gốc Nikāya, nơi còn lưu giữ rất nhiều những lời khuyến giáo chí tình như thế này của bậc Ân Sư:

“Này các Tỳ-kheo, điều gì bậc Ðạo Sư cần phải làm cho các đệ tử vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ khởi lên, các điều ấy, Ta đã làm cho các Thầy. Này các Tỳ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỳ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau sẽ phải hối tiếc. Ðấy là lời giáo giới của Ta cho các Thầy” (Kinh Nikāya).
 
4. Hy hữu trong biển lớn

Từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, trong kinh Nikāya và Luật Pātimokkha nhiều thế giới quan và nhân sinh quan đã được đức Thế Tôn và các vị Thánh tăng A La Hán lý giải, chỉ bày rất chính xác, đến độ nhiều trường hợp phải vận dụng những kiến thức khoa học ngày nay mới hiểu được. Do vậy mang danh là đệ tử Phật nhưng không coi trọng Kinh - Luật Pāli nguyên thuỷ là một sai lầm tai hại, là nguyên nhân khiến rơi vào tâm hoang vu mịt mờ.

Người học Phật hãy đọc kỹ một vài trích lược dưới đây để nhận thức rõ hơn đặc tính khoa học của Kinh và Luật Pāli chánh gốc, nhờ vậy sẽ phải trân trọng nhiều hơn Thánh tài sản vô giá này.

Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường Bộ 1, đức A La Hán Chánh Biến Tri đã giải thích: “Này Ānanda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Này Ānanda, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động” [Ab.7.74]

Những phật tử nào cho rằng kinh Nikāya là sơ khai thấp kém, hãy giải thích xem vì sao thông thường gió ở trên nước, nước thiết lập trên mặt đất, thế nhưng bậc A La Hán Minh Hạnh Túc lại dạy ngược lại ‘đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không?’ Và vì sao điều này là nhân duyên khiến ‘quả đất rung động,’ ‘đại địa chấn động?’

Nếu họ không giải thích được điều này, họ hãy tìm hiểu các tài liệu nói về cấu tạo của quả đất, hoặc hỏi các nhà địa vật lý ‘nhìn thấu’ được ruột gan trái đất sẽ rõ. Thậm chí các nhà địa vật lý còn có thể chỉ cho họ vùng nào dưới lòng đất có những dòng chảy ngầm, những hồ nước ngầm, những túi dầu ngầm, những túi khí ngầm và cả những chuyển động phức tạp trong thế giới ngầm đó theo kiểu ‘đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không.’

Cũng theo nhiều tài liệu mô tả cấu trúc trái đất, những người không coi trọng kinh gốc có thể biết thêm, bên trong ‘đại địa’ này có nhiều lớp, trong đó có những tầng nóng chảy với những chuyển dịch rất đa dạng. Dòng dung nham cùng với khí nén trong các tầng này theo các vết nứt hoặc lỗ hổng của vỏ trái đất phun trào ra bên ngoài tạo nên núi lửa.

Do cấu tạo của vỏ trái đất không đồng nhất cùng với những hoạt động phức tạp trong lòng của nó, nên những khối ‘đại địa’ có lúc phải lên cơn rung chuyển tạo nên những trận động đất. Những trận động đất ngoài đại dương thường kèm theo sóng thần; và đã là sóng thần thì mặt đất cũng phải lên cơn chấn động vì nó. Chính vì vậy mới có chuyện ‘đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.’

Một lời giải thích về tự nhiên cách đây hàng ngàn năm, phải nhờ những tri thức khoa học ngày nay mới hiểu được, hẳn đã khiến những người biết tư duy thận trọng phải giật mình kinh động, không thể xem thường.

Thế nhưng, đối với kinh tạng Nikāya cấp 1, không phải chỉ có những chuyện hy hữu theo kiểu ‘kinh thiên động địa’ như trên mới cần phải chú trọng, mà trái lại, ngay cả những ví dụ có vẻ như hết sức ‘bình thường’ cũng cần phải lưu ý. Chẳng hạn như ví dụ này, ‘Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước...’. (Bài kinh Lỗ Khóa, S.v,456 = [Ve.4.48]).

Cho đến nay, con người đã đo được diện tích bề mặt trái đất vào khoảng 510.072.000 km², trong đó diện tích mặt nước chiếm tới 361.132.000 km² tương đương 70,8 %. Như vậy ví dụ ‘quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước’ là một ví dụ hoàn toàn có cơ sở thực tế của nó.

Hơn thế nữa, theo bài kinh Lỗ khoá, ví dụ ‘bãi nước’ được dùng để mô tả chuyện một con rùa mù cứ mỗi trăm năm từ dưới đáy biển nổi lên một lần, và việc nó chui đầu được vào lỗ hổng của khúc cây trôi dạt trên bãi nước mênh mông ấy khó khăn như thế nào, thì được làm người và làm người con Phật còn khó hơn thế nữa.

Bãi nước mênh mông tượng trưng cho vô số vô lượng các chúng sinh đang có mặt trên thế gian này, bọng gỗ nhỏ bé tượng trưng cho khả năng được tái sinh làm người và con rùa mù chính là hành nghiệp luân hồi của một chúng sinh vô minh. Theo đó, thật hy hữu thay, xác suất được làm Người gần như một con số không tuyệt đối!

Nhận thức được điều này, mỗi người phải trân trọng sinh mạng của bản thân mình và của những người khác, phải trân quý từng phút giây được làm người và sử dụng nó sao cho có lợi ích nhất cho chính mình và cho cả mọi người.

Cũng giống như ví dụ về ‘quả nước’ ở trên, một người nghiên cứu kỹ kinh tạng Nikāya và luật Pātimokkha đều dễ dàng nhận thấy: tất cả các ví dụ đưa ra trong Kinh - Luật Pāli cấp 1 đều có cơ sở thực tế của nó, không có bất kỳ một ví dụ nào là vô lý hoặc thiếu căn cứ thực tiễn. Hơn thế nữa, những ví dụ này đều giúp cụ thể hoá một ý nghĩa Phật pháp nào đó.

Nhận định rõ được đặc điểm này, người học Phật sẽ dễ dàng loại suy những kinh văn giả tạo với đầy dẫy những ví dụ vô lý, không có cơ sở thực tế và chỉ nhằm mục đích tô vẽ cho một ý tưởng chủ quan nào đó của người bịa đặt. Chính vì thế, như đã nói ở trên, đối với kinh tạng Nikāya, ngay cho dù là những ví dụ hoặc những chi tiết tưởng như bình dị cũng cần phải được thọ trì cẩn trọng, huống hồ là cả một tạng kinh vô giá này.

Có một chi tiết cần lưu ý thêm, đó là trong bản dịch kinh Pāli tiếng Việt, HT.Thích Minh Châu sử dụng rất nhiều lần khái niệm ‘quả đất,’ ‘trái đất.’ Có thể danh từ ‘quả đất’ hoặc ‘trái đất’ chỉ là lối dịch thoát chứ không phải cách dịch sát nghĩa từ kinh tạng gốc Pāli, nếu không, đây lại là một ‘xì-căng-đan’ cho khoa học.

Trong thời đại ngày nay, vì con người đã quá quen thuộc với chân dung tròn trịa của quả đất, cho nên chi tiết này là bình thường, chứ nếu trở lui khoảng vài thế kỷ trước, cứ dịch thoát kiểu này chắc khó thoát khỏi rầy rà.

Thật vậy, trong ngôn ngữ Việt, trừ các trường hợp ngoại lệ, thông thường từ ‘quả’ và ‘trái’ dễ khiến người nghe liên tưởng đến khối hình cầu (như quả banh, quả cam, trái táo...) hoặc dạng tròn (như quả trứng, quả lắc, trái sầu riêng...) Do vậy các Tỳ-kheo Thanh Văn thời Phật mà cũng hình dung ‘trái đất’ như trái táo của Newton, hoặc ‘quả đất’ như quả banh của các dịch giả thời nay, e rằng không phải chỉ có các nhà khoa học của mấy thế kỷ trước mới là những người đầu tiên biết được trái đất hình tròn.

Đối với một bậc A La Hán Thế Gian Giải đã thấu suốt được cả vũ trụ này, chuyện biết rõ quả đất tròn hay méo có gì là quá đáng?

Thế nhưng, dù Kinh - Luật Pāli gốc có ghi nhận quả đất này tròn hay không, người phật tử cũng chẳng vì thế tranh công với các nhà khoa học. Bởi, làm như vậy sẽ chẳng giúp cho bên nào bớt khổ, vả lại khoa học càng khám phá được chân lý khách quan bao nhiêu, càng giúp khẳng định giá trị của kinh tạng Nikāya bấy nhiêu. Kinh tạng Nikāya còn quá nhiều những giá trị khác cần được nhận thức. Một trong số đó là bí mật về ‘cơn mưa lớn cuối cùng khắp bốn châu lục’ chẳng hạn.

Nhưng trước khi tìm hiểu sự việc cụ thể cần nói cho rõ, không phải chỉ có con người thời nay nhờ mô hình địa cầu mới biết được trái đất này có các châu lục. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước bậc A La Hán Chánh Biến Tri và các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử của Ngài đã biết rồi! Thật vậy, đơn cử một trường hợp điển hình trong chương Y Phục, Đại Phẩm, thuộc tạng Luật Pātimokkha có ghi rõ:
 
“(153)... Vào lúc bấy giờ, khi trải qua đêm ấy có đám mây lớn khắp cả bốn châu đã đổ mưa xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các Tỳ-kheo rằng:

- Này các Tỳ-kheo, trời mưa ở Jetavana như thế nào thì trời mưa ở bốn châu cũng như thế ấy. Này các Tỳ-kheo, hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng” (Theo bản dịch của Tỳ-kheo Nguyệt Thiên).

Người học Phật nghiên cứu kỹ Kinh và Luật Pāli nguyên thuỷ đều thấy danh từ ‘bốn châu’ được nhắc đến rất nhiều lần, chứ không phải chỉ có trong một đoạn luật nêu trên. Và họ cũng hiểu rằng phải là những sự kiện hy hữu lắm đức Thế Tôn mới bảo các Tỳ-kheo ‘hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.’

Không hy hữu sao được, vì ‘bốn châu’ trong kinh luật gốc chính là Bắc-cô-lưu-châu, Nam-thiên-bộ-châu, Đông-thắng-thần-châu và Tây-ngưu-hoá-châu. Các châu này thường được mô tả là những vùng đất rất rộng lớn, có nhiều quốc gia khác nhau, ví như Bắc-cô-lưu-châu (Uttarakura) được nhắc đến trong kinh A-sá-nang-chi (Trường Bộ 2, số 32 = [Sd.7]) chẳng hạn. Do vậy, ‘bốn châu’ trong Kinh - Luật Pāli gốc có thể được xem như tương đương với các châu lục hoặc lục địa của địa lý học ngày nay.

Và vì thế, dưới mắt bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, Bắc-cô-lưu-châu chính là lục địa Á - Âu, Nam-thiên-bộ-châu chính là Châu Đại Dương, Đông-thắng-thần-châu là châu Mỹ và Tây-ngưu-hoá-châu là châu Phi. Riêng châu Nam Cực vì quá lạnh không có người ở, nhiệt độ mùa hè cũng âm 30°C nên lúc ấy không thể có mưa nên không được tính đến.

Nhưng dù Nam Cực có được tính chung với Châu Úc và Châu Đại Dương hay không, chuyện mưa khắp cả bốn châu lần cuối cùng vẫn là điều hy hữu đáng để cho các Tỳ-kheo thời Phật ‘thân thể ướt đẫm nước mưa.’ Để rồi từ đây mới có truyền thống các cư sĩ cúng dường trang phục tránh mưa cùng các thiện sự khác cho các Tỳ- kheo, Tỳ-kheo-ni. Còn con người thời nay cũng phải cẩn thận suy nghiệm cho tường tận mới hiểu được ý nghĩa điềm báo dị thường này.

Tất nhiên người học Phật không mất công tranh luận chuyện quả đất có bốn châu hay sáu châu, hoặc trận mưa lớn khắp bốn châu lần cuối cùng ấy là do ‘đám mây lớn đổ mưa xuống’ hay là do Thần Mưa. Điều quan trọng hơn mọi người cần phải biết là vì sao Đấng A La Hán Chánh Biến Tri lại cảnh báo ‘đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng?’

Trong đoạn kinh ‘Mưa’ được trích dẫn ở dưới, bậc A La Hán Thế Gian Giải đã nêu rõ một trong những nguyên nhân gây ra chướng ngại cho mưa. Giá như mọi người đều nhận thức rõ và ngăn ngừa điều này, chắc chắn môi trường tự nhiên đã không bị trả giá mắc như hiện nay. Muốn biết được lý do cụ thể, cứ bình tĩnh đọc hết hồi sau sẽ rõ!

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm