Nói với Bồ-tát nói với chính mình
Người gần gũi và luôn lắng nghe tôi trong mọi hoàn cảnh chính là Quán Thế Âm Bồ-tát. Hồi tôi còn bé, ông bà ngoại dạy tôi cách niệm danh hiệu Ngài và tôi làm điều đó trong suốt cuộc đời mình.
Thoạt đầu chỉ đơn thuần là niệm Phật hồn nhiên. Trưởng thành hơn chút nữa, tôi thường cầu nguyện khi gặp khó khăn. Nhưng khi rơi vào những tháng ngày của kiếp nạn nhân sinh, mà hầu như tôi không thể chia sẻ cùng ai, thì tôi chỉ biết tâm tình mọi sự với Bồ-tát.
Nhiều luồng ý kiến dấy lên rằng có nên cầu nguyện Phật, Thánh không, cầu nguyện có thật sự linh nghiệm không. Nhiều nghi vấn đã được đặt ra về vấn đề cầu nguyện. Tâm linh là vấn đề từ sâu bên trong của mỗi cá nhân, khó để bàn đến cùng. Riêng tôi, cầu nguyện là một phần nhu cầu tất yếu trong cuộc sống của mình. Chưa bao giờ tôi thôi cầu nguyện. Đó là một trong những biểu hiện của tinh thần tu tập tinh tấn và được chuyển hóa theo từng cấp độ.
Trước đây, tôi chỉ cầu nguyện khi mình gặp khó khăn. Sinh con, gặp trục trặc trong công việc, đi đường trong đêm tối… tôi thường niệm Quán Thế Âm Bồ-tát. Tôi cảm nhận được Ngài trợ lực rất nhiều. Nhưng nếu không có việc gì, tôi lại xao nhãng. Điều đó cho thấy, tôi cầu nguyện Bồ-tát rất thực dụng, chỉ muốn những chuyện có lợi cho bản thân.
Tu tập thêm chút nữa, trải qua nhiều cái khổ, tôi chỉ cầu bình an. Mỗi khi quỳ dưới chân Phật Bà, tôi cầu cho tôi bình an, con cái ngoan ngoãn, gia đình vui vẻ, người thân bạn bè đều khỏe mạnh. Tôi đã hiểu biết thêm rằng, chỉ cần có tâm bình an, là cuộc sống sẽ nương theo đó mà tốt hơn. Tôi cũng được trợ duyên, có lúc lòng an lạc lắm nhưng cũng không hiếm khi lòng dậy sóng tham nên không được bình an nhiều cho lắm. Thế nhưng, ít ra tôi hiểu rằng, tâm tham cũng đã giảm đi nhiều, không mong gì ngoài một cuộc sống nhẹ nhàng.
Nhưng, khi tu tập sâu hơn, tôi nhận ra rằng, cầu bình an thái quá cũng là một dạng tham của tâm. Ai cũng muốn được an ổn, nên khi gặp khổ đau lại quá yếu đuối để vượt qua, càng thấy cuộc đời phù hoa nhiễu nhương. Ở một mặt khác, con người trở nên quá an phận, thờ ơ với thế thái nhân tình, như vậy cũng chưa hẳn là một Phật tử đầy đủ bi trí dũng. Tôi nhận ra rằng, không phải là cầu nguyện Phật, Bồ-tát cho mình bình an, mà bình an là cách sống từng giây từng phút, là điều cần thiết phải thực hành trong đời sống hàng ngày chứ không phải là ngồi chờ các đấng vô hình trợ giúp. Thế là, tôi chuyển hướng, không cầu nguyện cho mình đừng gặp khó khăn, chỉ mong có được sự định tâm, lòng kiên trì để thong dong vượt qua những khổ ải cõi Ta-bà. Rồi tôi thấy có lúc mình cũng tĩnh tâm an định trước khó khăn, nhưng cũng nhiều khi chao đảo gục ngã.
Tôi đã từng đặt ra một câu hỏi rất nhiều lần: Thật sự Phật và Bồ-tát có trợ duyên trợ lực cho mình không?
Khi tôi hiểu rằng Phật tánh ở trong tâm, có Phật ở trong ta, thì tôi ngộ rằng cầu nguyện với Phật hay Bồ-tát chính là nói chuyện với tâm của mình, là thủ thỉ với thân của mình, thì lúc đó tôi cảm nhận trọn vẹn hai chữ cầu nguyện. Mỗi ngày tôi đều cố gắng dâng hương niệm Phật là để dọn rửa tâm hồn, như cách quét nhà mỗi ngày vậy. Tôi gần như tâm sự với Đức Quán Thế Âm mọi việc trong cuộc đời mình. Từ chuyện công ăn việc làm, chuyện con cái gia đình, chuyện quan hệ xã hội, chuyện thầm kín nhất mà không biết chia sẻ cùng ai thì tôi cũng kể cho Ngài nghe. Và Đức Quán Thế Âm Bồ-tát luôn từ bi lắng nghe mọi điều tôi nói. Có một nơi để tôi kể lể, sẻ chia, khóc cười một cách hoàn hảo nhất. Khi ngồi thiền tập trước ảnh Ngài, tôi sẽ tâm tình với Ngài việc gì tôi đang quan tâm nhất vào thời điểm đó. Nói ra rồi tôi an tâm ghê lắm, trí tôi sáng ghê lắm, có nhiều lúc sau khi tham thiền xong là tôi có ngay giải pháp cho vấn đề của mình. Tôi còn nhớ có một lần, sau nhiều ngày đối diện với nỗi khổ lớn lao, bất lực quá tôi ngồi với Bồ-tát suốt mấy tiếng đồng hồ. Rất lâu. Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình xong, tôi bỗng nhiên khóc dữ dội, khóc như chưa từng được khóc trong cuộc đời mình, nhưng khóc trong hoan hỷ. Tôi có cảm giác đó là những giọt nước cam lồ đang chảy xuống để giúp gột rửa cho thân tâm của tôi. Tôi tự nhủ, này người, người cứ phụ tôi, nhưng Phật thì không bỏ loài người, không bỏ mặc tôi.
Nói với Bồ-tát là nói với chính mình, nói với chính mình là nói với Bồ-tát. Tâm sự với Ngài xong, tôi thấy đầu óc trống rỗng ra, thân nhẹ nhàng như mây. Nhờ thế, lòng tôi có được sự an định. Nhưng, an lành nhất là có những lần tôi chỉ ngồi yên đó, niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát mà không cầu bất cứ điều gì. Đó chính là những lần cầu nguyện ở mức cao nhất. Tôi nhận thấy mình được trợ duyên trợ lực lớn nhất khi thân tâm ở trạng thái trống rỗng như thế, không mong cầu, cũng không từ bỏ. Bài học mà Đức Quán Thế Âm dạy tôi qua làn khói hương trầm đó chính là hãy dựa vào bản thân mình, và do đó, cần phải tu tập cho tinh tấn để chỗ dựa đó thật sự vững chãi. Trong cuốn Đạo Bụt nguyên chất, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết “Khi đã đi tới tuệ giác rồi, mình không còn lẽo đẽo đi theo một ai để mà nương tựa nữa”.
Há chẳng phải cầu nguyện chư Phật và Bồ-tát chính là tự trò chuyện với bản thân mình sao. Tha lực và tự lực lúc này là một, do đó mà sự linh nghiệm tất nhiên quy tụ về. Tôi may mắn có Đức Bồ-tát Quán Thế Âm ngự trị trong tâm mình, tôi sống theo hạnh của Ngài và nhờ đó, nhiều lời cầu nguyện của tôi được nghe thấu và yểm trợ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất
Góc nhìn Phật tử 13:50 14/11/2024Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.
Mẹ là chính một kỳ quan
Góc nhìn Phật tử 16:30 13/11/2024Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...
Tu tập đúng mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình
Góc nhìn Phật tử 11:20 13/11/2024Sự tu tập đòi hỏi một trái tim sâu sắc và ý thức nhạy bén để hiểu rõ về cân bằng giữa gia đình và phụng sự. Sự cân bằng này sẽ giúp người chồng và người vợ cảm nhận được sự liên kết mạnh mẽ giữa việc phục vụ xã hội và hạnh phúc gia đình.
Nhàn hạ đích thực
Góc nhìn Phật tử 20:08 12/11/2024Trong một buổi chiều mùa thu yên ả, khi ánh mặt trời dịu dàng rải xuống từng tia nắng ấm, tôi ngồi dưới bóng cây bồ đề trong sân chùa, lặng lẽ quan sát những chiếc lá rụng lác đác trên mặt đất.
Xem thêm