Phải chăng tu học đạo Phật là cô đơn đi ngược dòng đời?
Thưa Thầy, những lúc sức khỏe không tốt, con thấy mình yếu đuối quá, co thắt hết tâm can. Con rất cần một bàn tay ấm áp, cần một nơi bình yên, cần một chỗ dựa cho qua những ngày tháng, nhưng rồi chỉ còn cách duy nhất là vẫn cứ quan sát, quan sát.
Có lẽ người tu hành là người cô độc nhất trần đời. Nhưng con cũng lì đòn hơn, con biết.
Sao con vẫn thấy buồn bã vì cuộc đời này quá. Mọi thứ tiến hóa rất chậm đúng không Thầy? Một con vật tiến hóa rất chậm, không biết bao giờ mới có thể đổi thay. Đoạn hội thoại vô tình nghe được từ một bộ phim khiến cho con suy nghĩ mãi.
Trong phim đại ý có hai người nói chuyện trong đêm:
Một người nói: "Người Phật tử tin rằng cuộc đời chúng ta được quyết định bởi hành động của mình. Dù là con người hay con vật, những hành động tốt đẹp sẽ giúp cuộc sống của mình sau này tốt đẹp hơn."
Người kia trả lời: "Đó chính là lý do tôi không tin vào lý thuyết của người Phật tử. Một con ốc sên thì làm thế nào để làm những việc tốt? Nó sẽ cố gắng bò và vẽ nên những đường cong thật đẹp ư?"
Sao con thấy đời sống mênh mông và vô định quá vậy Thầy?
Trả lời:
Con thấy thời gian chuyển hoá quá chậm với những nỗi buồn lê thê, thế mà có người nghĩ ngược lại rằng thời gian trôi quá nhanh, ước gì chậm lại hơn để anh ta có thể tận hưởng từng khoảnh khắc quý báu quá ngắn ngủi của cuộc đời.
Chậm hay nhanh chính là gánh nặng đầy áp lực của thời gian tâm lý trong thái độ tư tưởng lạc quan hoặc bi quan của mỗi người. Cũng vậy, ít hay nhiều, lạc hay khổ, thành hay bại, được hay mất, vui hay buồn... chỉ là bánh vẽ của thái độ tư tưởng mà thôi.
Chậm như thế mà con còn chưa đủ thời gian để sống trọn vẹn với chính mình. Thật đáng tiếc!
Nếu con thật sự sống trọn vẹn trong sáng với thực tại thì mọi áp lực thời gian liền biến mất cùng với những vẽ vời huyễn hoặc của cái "Ta" ảo tưởng.
Giờ sao con thấy cuộc đời đảo điên đến vậy?... Con người ta sống vội, sống gấp, sống thủ đoạn, sống gian dối với nhau, rồi bon chen, đố kị. Người ta muốn một đứa trẻ sống thật thà, trung thực, nhưng chính người lớn lại không làm được việc đó. Cấp trên nói, cấp dưới không nghe, cha mẹ dạy con cái không nghe, thầy cô dạy học trò không nghe!
Vâng thưa Thầy, tự con cảm thấy mình không thuộc về thế giới này nữa hay sao nữa. Mọi người hối hả bon chen, quay cuồng, còn con lững thững đi ngược lại dòng đời đó, tâm nhẹ nhõm vắng lặng. Nhiều lúc con thấy mình ngây ngô, khờ khạo. Nhưng con biết con chưa đủ duyên để xuất gia.
Con xin Thầy chỉ bảo giúp con để con sống hòa nhập được với đời một cách an ổn nhất ạ.
Trả lời:
Đức Phật ví cuộc đời như một dòng lũ quét, sinh vật ở trong đó một là bị cuốn trôi hai là bị chìm đắm, cả hai đều sống cũng như chết.
Chỉ có ai thấy ra sự thật - thấy ra bản chất đời sống - thì mới biết sống tỉnh thức, không bị cuốn trôi, cũng không chìm đắm. Đó là điều hy hữu! Tuyệt vời!
Nếu con người biết sống giản dị thì có lẽ nhiều công việc độc hại sẽ không xuất hiện trên thế giới này. Con thật may mắn khi sinh ra trong thời hòa bình. Tâm con người quả là phức tạp, có lẽ tâm con người thiếu sự quân bình nên thế giới này cũng hiện khởi không quân bình. Tuy thế nhưng pháp vốn từ bi và hoàn hảo để giúp mọi người học hỏi và giác ngộ.
Nhưng con cũng tự hỏi tại sao pháp không sinh ra mọi người hoàn hảo biết sống quân bình? Con người vốn sinh ra từ đâu và tại sao lại khởi đầu bởi sự bất hoàn hảo để phải nhận lãnh đau khổ để học lấy sự hoàn hảo?
Trả lời:
Tất cả chúng sinh vốn sinh ra đều hoàn hảo, nhưng do vô minh nên không thấy được sự hoàn hảo đó mà khởi tâm đi tìm sự hoàn hảo theo ý mình, đó là ái dục, từ đó, qua bất như ý, học ra bài học khổ đau để dần thấy ra sự thật. Thế rồi khi giác ngộ mới thấy mọi sự đều hoàn hảo. Đó là một chu trình mầu nhiệm, không thể nghĩ bàn.
Con chỉ cần sống với tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt là được. Cuộc sống bên ngoài là trùng trùng duyên khởi, luôn tương đối, con không thể cầu toàn tuyệt đối được.
Mục đích của cuộc sống là giúp mọi người trở về nhận ra bản tâm cao quý vốn chói sáng nơi chính mình, chỉ ở đó con mới tìm thấy được tính tuyệt đối, còn khi hướng ra bên ngoài thì đừng quá câu chấp vì mọi hiện tướng đều là vô thường, tương đối và giả hợp mà thôi, làm sao tuyệt đối và hoàn hảo như ý con được đây?
Nếu con chỉ cứ lý luận logic kiểu đó thì không bao giờ tu học được.
Thầy ơi! Con ngu muội xin hỏi Thầy để sáng tỏ, rốt cuộc thì mình nắm giữ được gì trong cuộc đời này? Hạnh phúc lớn nhất trong đời là gì ạ?
Trả lời:
Không có gì để nắm giữ được mà cũng chẳng có gì mất đi cả. Được mất chỉ là khái niệm mà thôi.
Hạnh phúc lớn nhất trong đời là tâm tự tại vô ngại giữa các pháp thế gian được-mất, hơn-thua, thành-bại, vinh-hư, vui-khổ v.v...
Như Đức Phật đã dạy trong kinh Hạnh Phúc (Maṅgala Sutta):
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu,
Tự tại và vô nhiễm,
Là phúc lành cao thượng...
Nếu con xem cuộc đời là trường học thì sẽ học được nhiều điều, còn nếu chỉ mong đạt được như ý mình muốn thì... cứ để đó chờ xem hậu quả thế nào...!
Nguồn: trungtamhotong.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Có phải con đang né tránh bài học của pháp không?
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:00 22/11/2024Con thấy được những ràng buộc nơi tâm và thân trong đời sống gia đình, nên con không muốn kết hôn, không muốn bị ràng buộc. Những nhân duyên đến để con hình thành một mối quan hệ tình cảm thì con thường tìm cách thoát khỏi trước khi mối quan hệ có thể bắt đầu.
Tự tánh của tâm và biểu hiện của tâm
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 08:48 20/11/2024Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin Thầy hoan hỉ trả lời giúp con.
Hội đủ 5 yếu tố tạo nên nghiệp sát
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 19:40 19/11/2024Hỏi: Con muốn hỏi Thầy về giới, Thầy cho con hỏi sử dụng xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng hay bột giặt có phải là phạm giới sát sanh? Hồi xưa thời của đức Phật không có những thứ này nên các vị thời đó nếu muốn giữ giới đều có thể hoàn hảo có phải không Thầy?
Hiểu rõ hai chữ "căn tu"
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:46 16/11/2024Thưa Thầy, làm thế nào để nhận biết một người có “căn tu” ạ?
Xem thêm