Phân tâm học Freud và Phật giáo: Sự tương đồng đến kinh ngạc
Những điều Freud phân tích và khám phá gần như trùng khớp với những khái niệm cơ bản nhất của Phật giáo, chỉ có điều tất cả đều được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ khác.
Cho đến hôm nay, có thể nói nhân loại đã có 3 lần nhận ra mình bị “hớ”, đến mức nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, thậm chí nhiều niềm tin bị sụp đổ sau 3 cuộc “cách mạng” ấy: Đầu tiên là thuyết nhật tâm, khi cả nhân loại đều tin một cách vững chắc rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, trên đó, cả vũ trụ quay quanh mình thì Copecnic bảo không phải vậy, mặt trời mới là trung tâm.
Lần thứ hai là Darwin với học thuyết tiến hóa; khi ai cũng tin rằng con người ta là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên, của Thượng Đế, không có một mối quan hệ nào với động vật cấp thấp thì Darwin bảo không phải vậy, con người là từ khỉ mà thành, chính xác hơn là một nhánh nào đó của động vật linh trưởng mà thành.
Và lần thứ ba là Freud với Phân tâm học; khi ai cũng chắc như đinh đóng cột rằng ý thức của con người ta (trong đó có trí tuệ, nhận thức và sự hiểu biết) là thiêng liêng và mạnh mẽ, nó quyết định mọi hành vi của con người ta, là điểm khác biệt giữa con người và động vật khác; thế nhưng Freud, với sự phân tích tâm lý của con người ta một cách xuất sắc và trung thực của mình đã bảo rằng: Không phải vậy! Vô thức và bản năng, những thứ rất gần, nếu không nói là giống hệt với động vật, mới là những điều quyết định rất nhiều đến hành vi của con người!
Thống đốc Hawaii ảnh hưởng bởi "kiên trì, tập trung và không bị phân tâm" trong giáo lý Phật đà
Có thể ví von để dễ hình dung, ý thức như cái con rối mà vô thức và bản năng là kẻ đứng sau giật dây, điều khiển mọi chuyện. Điều này thì “khó chịu” chẳng khác gì khi nghe Darwin bảo con người ta vốn là từ con khỉ mà thành. Nó khó chịu đến mức con người thường ngụy tạo nên những cái vỏ, cái áo mỹ miều để khoác lên cái động lực rất bản năng chẳng khác với con khỉ, con chó là mấy.
Mặc cảm Oedipe, cái mặc cảm của kẻ giết cha và lấy mẹ của con người thời bầy đàn kéo dài hàng triệu năm (cần nhớ rằng con người văn minh mới chỉ có chừng 20.000, nếu không nói là chỉ 10.000 năm trở lại đây thôi) đến giờ vẫn còn ám ảnh đâu đó trong vô thức con người và tạo nên những hành vi, căn bệnh tâm thần mà chỉ có nhờ Freud với sự Phân tâm mới có thể chữa hết được.
Rồi bản năng tính dục, cái chuyện vặt mà ai cũng xấu hổ khi nói đến ấy thì Freud lại bảo rằng chính nó đã khiến cái thế giới này hình thành, nó khiến cái xã hội con người này cứ như sôi lên sùng sục suốt mấy ngàn năm qua; bao cuộc chiến tranh, bao kẻ tội đồ, bao thánh nhân, bao triết gia, bao nhà thơ, bao của cải… là cũng từ cái nguồn năng lượng vĩnh viễn không bao giờ chịu vơi cạn ấy mà hình thành. Đè nén nó là như lấy giấy mà gói lửa. Không tin ư? Bạn hãy cứ hỏi con mắt bạn khắc biết, tại sao cái bóng hồng giữa đám đông kia lại hút ánh nhìn của bạn đến vậy?
Rồi bản năng sống, bản năng sinh tồn, bản năng chết, bản năng sợ hãi, bản năng giận dữ nữa, ý thức chẳng bao giờ điều khiển được nó. Tại sao nói trước đám đông tim bạn cứ đập liên hồi vậy? Tại sao con người ta lại sợ rắn, đỉa, chuột, gián? Tại sao đèn đỏ ở ngã tư lại làm ta cồn cào bất an? Và tại sao con người ta lại không thể kìm chế được sự giận dữ, nhiều khi qua rồi mới thấy là vô cớ và kỳ cục? Vâng, đời sống tinh thần của con người, mặc dù đã được Freud phân tích khá kỹ từ gần 100 năm trước nhưng cho đến nay vẫn còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn, không phải là không nhìn thấy mà giống như là con người đã không chịu nhìn nhận, mặc dù ai cũng có thể nhìn thấy.
Nghi lễ đời người theo Phật giáo
Và thật kỳ lạ, những điều Freud phân tích và khám phá ở trên gần như trùng khớp với những khái niệm cơ bản nhất của Phật giáo, chỉ có điều tất cả đều được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ khác.
Này nhé, bản năng thì tăm tối và hình thành từ thuở con người còn là những động vật bầy đàn hú hét trong rừng sâu. Nhà Phật cũng có khái niệm Vô minh hình thành từ Vô thủy, thường được gọi chung là Vô thủy Vô minh. Thật kỳ lạ, tại sao nhà Phật lại có cái khái niệm và sự diễn đạt chính xác đến vậy về cái tối tăm trong đời sống tinh thần của mình hình thành từ thời con người chưa là NGƯỜI, những điều mà khoa học đã tốn rất nhiều công sức mới dần nhận ra cái phần tâm lý bí ẩn mà Freud gọi là vô thức, bản năng. Mà Freud có được những suy nghĩ ấy chính lại nhờ vào sự quyết liệt và dũng khí của Darwin.
Từ hơn 2000 năm trước Phật Thích Ca và các vị tổ sau này nhìn thấy điều gì trong tâm hồn con người rồi gọi tên nó là “cái hầm sâu vô thủy vô minh”? “Cái hầm sâu này” dường như Freud cũng chỉ mới bắt đầu cảm thấy chứ chưa thực sự hiểu cặn kẽ về nó, thậm chí đã tìm ra phương pháp để “phá tan” cái hầm sâu vô thủy vô minh ấy như Phật và các thiền sư nhà Phật đã làm để có được một cái nụ cười tự nhiên, thanh thản, an lạc như thấm đẫm đến từng tế bào như vậy.
Không cần đến cái mục đích cuối cùng là sự giải thoát, giác ngộ, và cũng khó mà yêu cầu Freud “đạt” đến chỗ mục đích cuối cùng như nhà Phật hay nêu; chỉ với những khái niệm cơ bản, những mục đích đạt tới, những cách diễn đạt, những phương pháp sử dụng để khảo sát đời sống tinh thần con người… chúng ta đã thấy Freud và Phật giáo nhiều chỗ tương đồng đến mức kinh ngạc.
Này nhé, nhà Phật không ai không biết đến các khái niệm vạn pháp do tâm tạo và tu là chuyển nghiệp. Freud cũng nói đến rất nhiều khái niệm số phận của mỗi người là do chính người đó, qua sự điều khiển của vô thức mà hình thành nên số phận của anh ta. Có người sống với người vợ nào rồi cũng ly dị, chơi với bạn nào rồi cũng bị bạn phản. Freud đã phân tích khá kỹ rằng chính vô thức đã thôi thúc ở bên trong anh ta để cuộc ly dị xảy ra, cuộc phản bội của bạn hình thành thì anh ta mới thỏa mãn mà không hề tự biết điều đó. Thì ra ta đi đâu cũng gặp người khó tính, người ích kỷ, người thủ đoạn là do chính bởi ta tạo nên họ chứ không phải họ có sẵn đó và ta chỉ gặp. Những khái niệm này là vô cùng gần với Phật giáo, số phận của ta là do chính nhân duyên nghiệp chướng ta tạo nên mà thành.
Nhà Phật hay kể một câu chuyện rất hay để minh hoạ là: Có một cô con dâu không chịu nổi bà mẹ chồng khó tính, mới quyết định xin thầy cho loại thuốc nào đó cho bà chết đi. Vị thầy bảo, để cô không phải bị truy tố, ông sẽ cho một loại thuốc uống hằng ngày mà bà mẹ chồng sẽ chết sau một năm không để lại một dấu vết nào, chỉ với một điều kiện, đừng làm cho bà giận, bà chỉ cần giận một lần thôi là thuốc sẽ không hiệu quả. Cô con dâu từ đó cho bà uống thuốc và cố không làm bà giận, mà khi con người ta không giận thì chỉ có vui trở lên. Sau một năm cô con dâu đến gặp thầy và khóc xin sao cho mẹ chồng đừng chết nữa, vì cô đã rất yêu mến mẹ chồng và bà mẹ chồng cũng rất yêu mến cô. Vị thầy cười bảo, thuốc đó là củ sâm, chỉ có tốt chứ không độc, và báo cho cô biết mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi chính cô thay đổi cách sống, thay đổi thái độ của cô với bà mẹ chồng.
Tu là chuyển nghiệp, tức sửa chữa mình thì sẽ thay đổi số phận. Đi đến cùng của khái niệm này ta sẽ thấy quả thật là “Vạn pháp do tâm tạo”. Thế giới này xét cho cùng là thế giới ở trong ta, thế giới ta nhận thức. Thế giới được ta quan sát là quan trọng hơn rất nhiều cái thế giới thực mà con người khó có thể nắm bắt. Cái tâm ta đối diện với mặt trăng quan trọng hơn rất nhiều bản thân cái mặt trăng khô khốc bụi đất, hoặc mặt trăng có chị Hằng chú Cuội ở trên. Thượng Đế có thật hay không không quan trọng bằng thái độ của chúng ta khi đối diện với một Thượng Đế thật hoặc không có một Thượng Đế nào cả.
Có nghĩa là, với Phật giáo, thì cái tâm của mình là một thế giới cần được khám phá hơn bất cứ điều gì khác. Các tầng mức giác ngộ, các tầng thánh quả, chính là các tầng mức hiểu biết về cái tâm của mình.
Và Freud cũng vậy, cả sự nghiệp của ông là sự nghiệp khám phá những góc khuất sâu kín, tối tăm thậm chí bỉ ổi, thối tha nhất mà không ai dám thừa nhận trong tâm hồn con người. Kéo con người đừng nhìn ra ngoài nữa mà hãy nhìn vào cái động lực, trên đó từng mỗi hành vi hình thành là mục đích của cả Freud và Phật giáo. Quán nhân duyên, biết mỗi sự việc xảy ra (quả) là từ cái nguyên nhân (nhân) nào đưa đến là trí tuệ cao nhất mà mỗi Phật tử đều mưu cầu.
Làm chủ sanh tử há không phải là làm chủ bản năng đấy sao? Các tổ Thiền tông cũng thường bảo, phá tan được cái hầm sâu vô thủy vô minh ấy thì kiến tánh thành Phật! Có một điều cần chú ý là, nhà Phật hay nói lìa tri kiến, sở tri chướng, tức những hiểu biết, kiến thức, nhận thức luôn là những trở ngại trên con đường đạt đến sự giác ngộ. Chỗ này thì Lão Tử và Đạo Đức Kinh lại có một tương đồng khác nữa.
Nếu hiểu bản năng chính là Vô minh thì ta sẽ hiểu một tầng nghĩa khác của nó, đó chính là sự hiểu biết không bao giờ, và sẽ không bao giờ, chế ngự được bản năng. Chỉ có sự không biết, thiền định ở mức độ “vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý” (không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý-Bát Nhã Tâm Kinh); hoặc “tâm như tường bích” (tường đá) (Bồ Đề Đạt Ma); hoặc Vô Sở trụ (kinh Kim Cang); tức ở cái chỗ mà tâm con người ta không đứng, không dựa trên bất cứ điều gì cả, tức chỗ không biết cái gì cả, không ý thức cái gì cả, thì hầm sâu vô minh sẽ bị phá, đó là lúc mà Bản Năng sẽ không còn “quấy rầy” con người nữa, con người thực sự mất đi phần CON để trở thành một NGƯỜI đúng nghĩa.
Đó là nói phần khác nhau trong giải quyết vấn đề, giữa Freud và Phật giáo, sau khi nhìn thấy sự tác động mạnh mẽ của bản năng đến đời sống tinh thần của con người. Freud thì lôi nó ra đặt nó trên mặt bàn của ý thức, và ông đã chữa được nhiều bệnh tâm thần cho con người. Phật giáo thì không vậy, thật ra lôi tất cả ra dưới ánh sáng của ý thức cũng là đường lối của nhiều tông phái Phật giáo, tuy nhiên, cái mục đích cuối cùng của Phật giáo thì phải phá tan cái hầm sâu “Vô thủy vô minh” ấy. Làm sao phá, đó là một chuyện vô cùng lớn và không thể bàn trong một bài báo.
Ở đây, chỉ với những cái nhìn ban đầu, chỉ với những bước đi đầu tiên nhằm tìm thấy những góc khuất trong đời sống tinh thần con người chúng ta đã thấy với công cụ “Phân tâm học” do Freud lập nên, có lẽ sẽ là điều kiện tốt nhất để mỗi Phật tử, và để mỗi người có thể nhận ra những động cơ sâu kín nhất trong mình, vẫn thường thôi thúc mình hành động thế này chứ không phải thế khác, tạo nên “quả” này chứ không phải “quả” khác. Để rồi từ đó hình thành nên một con người thực sự thông tuệ, không còn bị những bản năng tăm tối hoặc vô thức vớ vẩn nào đó điều khiển nữa. Đó há không phải là mục đích cao nhất mà nhân loại vẫn mưu cầu từ hàng chục ngàn năm qua đấy sao?
Theo: Tạp chí Tia Sáng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm