Pháp môn niệm Phật trong kinh A Di Đà
Phật giáo có nhiều pháp môn (1) tu để chuyển hóa khổ đau thành an lạc thật sự. Niệm Phật là một trong những pháp môn tu. Niệm Phật ở đây tức là niệm danh hiệu Phật A Di Đà, vị Giáo chủ cõi Cực lạc (Sukhāvatī, Great Happiness).
Trong kinh A Di Đà, cũng như nguyện thứ 18, một trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, Đức Phật A Di Đà phát nguyện tiếp dẫn những chúng sinh tinh tấn chuyên trì danh hiệu của Ngài trong cuộc sống, vãng sinh nước Cực lạc (nguyện 18). Cực lạc, như đối với nghĩa cực khổ, là thế giới cực kỳ hạnh phúc, trong đó mọi chúng sinh không còn kinh quá sự khổ não và chỉ hưởng trọn vẹn sự an vui.
Mặc dù nói là hưởng sự an vui, nhưng mục tiêu của người cầu vãng sinh Cực lạc không phải để hưởng sự an vui đó. Mục tiêu của người cầu vãng sinh Cực lạc là để được giác ngộ trọn vẹn hay thành Phật. Nói cách khác, cảnh giới Cực lạc chỉ là môi trường hay phương tiện tối thắng giúp cho mọi người được vãng sinh “không còn thối chuyển” trên con đường giác ngộ, hay không còn thối chuyển trên con đường đạt đến hạnh phúc thật sự.
1. Thế giới Cực lạc: Phương tiện tối thắng cho sự giác ngộ
Trước hết, được gọi là Cực lạc bởi vì môi trường sống ở đó hết sức tốt đẹp. Đất được làm bằng vàng ròng và tất cả mọi nơi đều được trang hoàng bằng bảy lớp lan can báu, bảy tầng lưới báu, và bảy hàng cây báu. Có vô lượng ao hồ được làm bằng những chất liệu quý giá như: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ…; và nước trong ao hồ tinh khiết, thơm tho. Trong mỗi ao hồ đều có hoa sen tỏa hương sắc vi diệu và rực rỡ. Bầu trời luôn luôn có hoa Mạn-đà-la (Mandarava) rơi xuống và ngày đêm sáu thời thường có nhạc trời hòa tấu. Trong không gian luôn luôn có các âm thanh hòa nhã từ các giống chim xinh đẹp, như Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ và Xá lợi (do Phật A Di Đà hóa thân), diễn nói các pháp như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát Thánh đạo (2).
Ngoài môi trường sống như được mô tả một cách khái quát ở trong kinh A Di Đà như được nêu ở trên, phần chính yếu tạo thành thế giới Cực lạc là sự hiện diện Phật A Di Đà - vị Giáo chủ, cùng vô lượng Thánh chúng và dân chúng. A Di Đà dịch âm từ tiếng Sanskrit Amita, nghĩa là vô lượng - ánh sáng vô lượng (Amitabha) và thọ mạng vô lượng (Amitayus). Đức Phật A Di Đà có hào quang chiếu khắp mười phương và thọ mạng vô biên. Ánh sáng vô lượng biểu tượng cho trí tuệ rộng lớn và thọ mạng vô lượng biểu tượng cho lòng từ bi, vì Phật A Di Đà muốn trụ thế dài lâu để cứu độ chúng sinh. Thánh chúng là những vị được sự giáo hóa và nhiếp thọ của Phật A Di Đà, bao gồm các vị Bồ tát (3) và những vị đã chứng một trong bốn quả Thánh (4).
Dân chúng là những người đang trên tiến trình tu tập, được sự giáo hóa và hướng dẫn của Phật A Di Đà và chư vị Bồ tát. Căn cứ trên 48 nguyện của Phật A Di Đà, mỗi người dân ở cảnh giới Cực lạc đều có 32 tướng tốt (nguyện 3), thân thể cường tráng, không bịnh tật (nguyện 32), thọ mạng vô lượng (nguyện 15), không còn phải lo lắng về đời sống vật chất như ẩm thực và y phục (nguyện 37), và quan trọng nhất là tâm trí của mỗi người dân đều hướng về mục tiêu đạt được giác ngộ (nguyện 12).
Nói tóm lại, thế giới Cực lạc là phương tiện tối thắng giúp cho hành giả “không còn thối chuyển” trên con đường giác ngộ. Phương tiện tối thắng đó là: môi trường tốt đẹp, kinh tế đầy đủ, thân thể khỏe mạnh, có trí tuệ và được thân cận học hỏi thực tập với các vị Thánh tức là Phật A Di Đà và Thánh chúng. Bất cứ ai với tâm trí nỗ lực hướng về một mục tiêu, được sống trong môi trường tốt đẹp, có sức khỏe điều kiện kinh tế ổn định, cùng với sự khích lệ khuyến tấn của bạn hiền, người đó không sớm thì muộn sẽ đạt được mục tiêu như được đề ra.
2. Tín (Saddhā, Confidence): Có thế giới Cực lạc hay không?
Thực có thế giới Cực lạc là phương tiện tối thắng cho sự giác ngộ không? Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca và mười phương chư Phật đã nhiều lần nhắc nhở thính chúng trong hội Liên Trì và tất cả chúng sinh nên “tin” có thế giới Cực lạc và những phương tiện tối thắng như đã được trình bày ở trên. Để minh chứng có thế giới Cực lạc, chúng ta phải hiểu rõ ràng ý nghĩa chữ “Tín”. Chữ “Tín” theo nghĩa đích thật nhất trong Phật giáo là tin Phật, tin Pháp và tin Tăng. Theo kinh Vīmamsaka, để xóa tan sự hoài nghi và để thiết lập niềm tin vững chãi trong việc tu tập, Đức Phật cho phép các vị Tỳ kheo nghi vấn và tìm hiểu một cách cẩn thận về sự giác ngộ trọn vẹn của Ngài. Sau đó, Đức Phật khuyên các vị Tỳ-kheo nên an trú niềm tin như sau: “Tôi đặt niềm tin ở Đấng Đạo Sư: Ngài là bậc đã giác ngộ trọn vẹn, Giáo pháp được Ngài khéo thuyết giảng và chư Tăng là những vị đang thực tập hạnh giải thoát” (5).
Và Đức Phật còn nhấn mạnh rằng niềm tin này phải dựa trên nhận thức và lý trí (6). Niềm tin như đã được Đức Phật dạy ở trên liên hệ như thế nào với niềm tin có thế giới Cực lạc? Tin có thế giới Cực lạc là dựa trên căn bản tin Pháp, tức là tin vào lời dạy của Phật và tin những lời Phật dạy tức là tin giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên sinh (hay Vô thường, Khổ và Vô ngã). Nói một cách khác, chúng ta tin vào giáo lý Tứ đế (7).
Dựa trên giáo lý Nhân quả và Nghiệp báo mà chúng ta tin hay biết được có thế giới Cực lạc. Luật Nhân quả là luật phổ biến, không những tác động trong nhiều giới mà còn trong lãnh vực đạo đức con người. Liên hệ đến lãnh vực đạo đức, nếu chúng ta tạo nghiệp ác, năng lực của nghiệp ác dẫn dắt chúng ta vào thế giới ác và ngược lại. Nếu chúng ta tạo nghiệp nhân cực ác thì thế giới chúng ta đến là thế giới cực khổ như địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; và ngược lại, nếu chúng ta tạo nhân cực thiện thì thế giới chúng ta đến là thế giới Cực lạc. Nhân cực thiện đây tức là tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cùng với hoạt động của thân và khẩu dựa trên căn bản lòng từ bi phù hợp với bản chất của Phật A Di Đà.
Như vậy, chúng ta tin hay biết được có thế giới Cực lạc là dựa trên luật Nhân quả và Nghiệp báo, và luật Nhân quả và Nghiệp báo là quy luật phổ biến mà tất cả chúng ta ai cũng có thể nhận thức và kinh nghiệm được trong đời sống. Đây chính là ý nghĩa chữ “Tín” - dựa trên nhận thức và lý trí - được Đức Phật nói trong kinh Vīmamsaka, như được trích dẫn ở trên.
Ở đây, có một câu hỏi quan trọng phải được nêu lên, đó là, nếu có thế giới Cực lạc dựa trên niềm tin, Nhân quả và Nghiệp báo rõ ràng và dễ hiểu như vậy, tại sao ở phần cuối trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca nói rằng đây là “Kinh pháp khó tin”? Chữ “khó tin” ở đây phải được hiểu là “không sống, hay không thực tập”.
Mặc dù chúng ta hiểu lý Nhân quả và Nghiệp báo bằng óc, nhưng chúng ta lại không chịu sống hay thực tập nó bằng trái tim. Những gì chúng ta biết, nhưng chúng ta không thích sống với sự hiểu biết đó, thì điều đó gọi là “khó tin”. Phần lớn chúng ta thích tin và sống ở những gì? Phần lớn chúng ta thích tin vào hạnh phúc vĩnh cửu từ tiền bạc, danh vọng, tiện nghi vật chất đem đến, và sống với chúng bằng trái tim. Trong thực tế, những thứ như tiền bạc, danh vọng, tiện nghi vật chất là vô thường và không thể mang lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người.
Một điều khác khá quan trọng cần phải được nêu lên ở đây là, phần đông Phật tử tu pháp môn Niệm Phật đã dựa vào một số lý luận và kinh nghiệm cá nhân để tin có sự hiện hữu của thế giới Cực lạc. Những lý luận và kinh nghiệm cá nhân này cần phải được giải thích và bổ túc(8) qua ánh sáng giáo lý Nhân quả và Nghiệp.
Đối với người có trí tuệ lớn, nếu siêng năng tinh tấn niệm Phật, họ sẽ có những sở đắc tâm linh – ví dụ, đạt được định lực hoặc niệm Phật tam muội (Samàdhi). Đối với những người bận rộn với công việc gia đình và những công việc sinh kế, nếu tinh tấn niệm Phật, họ sẽ được “đới nghiệp vãng sinh”.
3. Phát nguyện và Thực hành
Theo kinh A Di Đà, để được vãng sinh vào thế giới Cực lạc, ngoài sự thiết lập lòng tin có thế giới Cực lạc với những phương tiện tối thắng của nó, hành giả phải phát nguyện và thực hành niệm Phật. Phát nguyện đây tức là nguyện vãng sinh về cõi Cực lạc. Đây là điều hết sức quan trọng mà trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca và chư Phật mười phương đã nhiều lần khuyên chúng sinh phải thực hiện. Phát nguyện vãng sinh Cực lạc tức là xác định điểm đến và lý tưởng của mình. Điểm đến là thế giới Cực lạc và mục tiêu tức là thành Phật hay đạt được sự giác ngộ trọn vẹn.
Nếu có người niệm Phật A Di Đà mà không phát nguyện vãng sinh Cực lạc - mặc dù có phước đức lớn do niệm Phật - người đó sẽ không được vãng sinh nước Cực lạc. Điều này có thể ví như một người đang làm một công việc mà không biết mình làm công việc này để làm gì, hay một người đang đi trên con đường mà không biết mình sẽ đi về đâu.
Song song với sự thiết lập niềm tin và phát nguyện vãng sinh, hành giả phải thực hành niệm Phật A Di Đà. Niệm (Sati, Mindfulness) nghĩa là chú tâm theo dõi và ghi nhận. Hành giả chú tâm theo dõi và ghi nhận bằng cách niệm to, niệm nhỏ, niệm thầm, hoặc niệm trong tâm danh hiệu Phật A Di Đà. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca dạy rằng:
“Nếu có người con trai lành hoặc con gái lành nào muốn sinh về cõi Cực lạc, thì người ấy phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà với một lòng không tạp loạn, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hoặc bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm chung sẽ thấy được Phật A Di Đà và các vị Thánh chúng hiện ra trước mắt. Trong giờ phút ấy, tâm của người ấy được an trú trong định, không có điên đảo và tán loạn; do đó người ấy sẽ được vãng sinh ngay về nước Cực lạc”.
Như vậy, điều quan trọng trong sự thực hành niệm Phật A Di Đà để được vãng sinh đòi hỏi hành giả phải nhất tâm. Để có được kết quả là nhất tâm, hay một lòng không tạp loạn, hành giả phải tinh tấn nỗ lực niệm Phật và xem niệm Phật như là một sự nghiệp chính trong đời sống. Nói cách khác, tâm của hành giả phải thường niệm A Di Đà và thể hiện tâm niệm này qua hành động và lời nói bằng cách ăn chay, bố thí, cúng dường Tam bảo, ái ngữ, không tà hạnh và sống đời sống có tiết độ (giữ Năm giới hoặc Mười giới). Trong đoạn kinh trên nói rằng hành giả niệm Phật A Di Đà hoặc một ngày hoặc hai ngày v.v… đây chỉ là con số thời gian tiêu biểu.
Thực tế trong đời sống, rất hiếm có người suốt đời không niệm Phật mà có thể nhất tâm niệm Phật hoặc một ngày, hoặc hai ngày, trước khi lâm chung. Do vì xem niệm Phật A Di Đà như là sự nghiệp chính của đời sống, tâm của hành giả thấm đẫm với bản thể A Di Đà, tức từ bi và trí tuệ, và kết quả tất yếu là tâm này sẽ dẫn hành giả vãng sinh Cực lạc sau khi lâm chung. Điều này được xác quyết dựa trên giáo lý Nhân quả và Nghiệp. Cái được gọi “Đới nghiệp vãng sinh” hay mang nghiệp vãng sinh cũng được giải thích theo nguyên tắc này. Mang nghiệp vãng sinh nghĩa là tâm của hành giả niệm Phật vẫn còn những phiền não tham, sân, tật đố, ích kỷ, nhưng vẫn được vãng sinh Cực lạc, do vì hạt giống A Di Đà trong tâm hành giả đó quá mạnh. Nghiệp nào mạnh, nghiệp đó sẽ dẫn người tạo nghiệp vào thế giới tương ứng với nghiệp đó.
Lẽ dĩ nhiên, những hành giả đới nghiệp vãng sinh, so với những hành giả niệm Phật đã đạt được định (Samādhi, Concentration) phải bỏ thời gian dài hơn để tu tập Giới, Định, Tuệ (hay Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát Thánh đạo) để được giác ngộ.
4. Niệm Phật và Thiền
Chữ “Niệm” như được giải thích ở trên là chú tâm theo dõi và ghi nhận. Niệm Phật là chú tâm theo dõi, ghi nhận danh hiệu, hình tượng và đức tính của Phật. Niệm Phật A Di Đà là tưởng nhớ, chú tâm theo dõi và ghi nhận danh hiệu, hình tượng và đức tính của Phật A Di Đà. Mục đích của hành giả niệm Phật A Di Đà, theo pháp môn Niệm Phật, là để thành A Di Đà; hay nói cách khác, để đạt được giác ngộ với trí tuệ vô lượng và từ bi vô lượng như Phật A Di Đà.
Những ai được vãng sinh và sống trong cõi Cực lạc mà chưa được giác ngộ thì những người đó phải tinh tấn niệm Phật, hay nói cách khác họ phải thực tập Giới, Định, Tuệ cho đến khi được giác ngộ như Phật A Di Đà.
Thiền (Dhyāna, Meditation), theo đúng nghĩa trong Phật giáo là phương pháp huấn luyện hay thanh lọc tâm, bao gồm hai phần tương quan mật thiết; Định (Samādhi, Concentration) tức là tập trung tâm lại; và Niệm (Sati, Mindfulness) chú tâm theo dõi và ghi nhận trên đối tượng thiền quán.
Tập trung tâm lại và chú tâm theo dõi và ghi nhận trên đối tượng (là những chủ đề của thiền quán như hơi thở, quán thân bất tịnh, v.v…) để trực nhận được bản chất của đối tượng là duyên sinh, hay vô thường và vô ngã. Khi trực nhận được (khả năng của trí tuệ) bản chất của đối tượng là duyên sinh, hay vô thường và vô ngã, tâm của hành giả xả ly lòng tham ái và bám víu về những gì mình yêu thích và mong chúng được tồn tại vĩnh cửu. Những khổ đau, buồn rầu, lo âu, thất vọng và sợ hãi của con người trong cuộc sống là kết quả phát sinh từ lòng ước vọng về những gì mình yêu thích được vĩnh cửu.
Nhưng cuộc đời là vô thường; do đó, ước vọng về những gì mình yêu thích được vĩnh cửu sẽ không bao giờ đạt được. Hậu quả tất yếu của sự ước vọng vĩnh cửu này là sự thất vọng, buồn rầu, đau khổ và sầu muộn. Thấy được bản chất của đối tượng thiền quán là vô thường tức thấy được tính vô thường của con người và cuộc đời. Do thấy được như vậy, tâm của hành giả an lạc tự tại, không còn bị buồn rầu, khổ đau, lo âu và sợ hãi chi phối trong cuộc sống. Giác ngộ hay thành Phật, nói một cách đơn giản, là sự nhận chân (từ khả năng của trí tuệ) được bản chất duyên sinh, hay vô thường và vô ngã của con người và cuộc đời qua phương pháp thiền định.
Nhìn từ phương pháp thực tập và mục tiêu giữa pháp môn Niệm Phật và Thiền, chúng ta thấy cả hai đều giống nhau: dùng Định và Niệm như là phương pháp tu tập để đạt được mục tiêu giác ngộ. Ngoài ra, niệm Phật còn là một trong sáu chủ đề thiền quán (9), Nếu có sự khác biệt giữa pháp môn Niệm Phật và Thiền thì sự khác biệt này chỉ là sự khác biệt về “duyên” hay những điều kiện thuận lợi giúp cho sự tu tập.
So với hành giả tu pháp môn Thiền, hành giả niệm Phật có được thắng duyên là môi trường Cực lạc để giúp cho sự tiến tu bất thối, và tâm niệm của hành giả niệm Phật luôn luôn được an ổn vì có được Phật A Di Đà hộ niệm. Đây là một trong những lý do chính giải thích tại sao pháp môn niệm Phật A Di Đà phù hợp với tất cả mọi trình độ và được phổ biến tại các nước có Phật giáo Đại thừa như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc...
5. Cực lạc và Tịnh độ
Sau cùng có một điểm nhỏ cần phải được nêu lên ở đây là sự khác biệt tế nhị giữa hai từ ngữ, Cực lạc và Tịnh độ. Cực lạc (Sukhāvatī) là thế giới của Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ. Tịnh độ (Pure land) là từ ngữ được dịch thoáng từ chữ “Phật độ” (Buddhaksetra), hay là thế giới do một vị Phật làm Giáo chủ. Nếu hiểu theo nghĩa này, thì từ ngữ Cực lạc và Tịnh độ có thể dùng thay thế lẫn nhau, nghĩa là chúng ta có thể gọi cõi Cực lạc hay cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà.
Tuy nhiên, nếu hiểu ý nghĩa từ ngữ Tịnh độ là đất trong sạch do sự phản chiếu của tâm trong sạch “Tâm thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh” như trong kinh Duy Ma nói, thì có sự khác biệt tế nhị giữa hai từ ngữ. Trước hết, bất cứ ai đạt được giác ngộ, hay tâm được thanh tịnh, không còn tham, sân, si, thì chỗ ở hay thế giới của người đó được gọi là Tịnh độ. Hiểu theo nghĩa này, nếu có người ở cõi Ta bà, tức thế giới chúng ta đang sống (Ta bà được dịch âm từ chữ Sanskrit Saha, nghĩa là khổ đau hay kham nhẫn) tâm được thanh tịnh, không còn bị tham sân chi phối, thì cõi Ta bà tức Tịnh độ. Quan trọng hơn nữa, Cực lạc thế giới dù có tồn tại lâu bao nhiêu đi nữa, thì cũng là thế giới hữu hình. Đã hữu hình, lẽ tất nhiên, phải bị chi phối của vô thường.
Ngược lại, Tịnh độ là cõi thường hằng thanh tịnh, do sự phản chiếu của tâm thanh tịnh. Cụm từ “thường hằng thanh tịnh” ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là môi trường, hoàn cảnh hay cuộc sống không có khả năng chi phối, làm cho tâm hành giả tham đắm, vui buồn, sợ hãi, lo âu, v.v… vì tâm của hành giả đã được thanh tịnh hay giác ngộ.
Do đó, nếu có người nào ở cõi Ta bà tâm được thanh tịnh, hay đã đạt được giác ngộ, thì đây là cõi Tịnh độ. Vì sự khác biệt tế nhị giữa hai từ ngữ đó mà người viết cố ý dùng chủ đề là “Pháp môn Niệm Phật” thay vì “Pháp môn Tịnh độ”.
6. Lợi ích của pháp môn Niệm Phật
Pháp môn niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Cực lạc giúp hành giả không còn thối chuyển trên con đường giác ngộ. Thẳng tiến trên con đường giác ngộ tức là thẳng tiến trên con đường đạt đến hạnh phúc thật sự. Thối thất trên con đường giác ngộ đồng nghĩa với kinh nghiệm khổ đau, sầu muộn, lo âu và sợ hãi.
Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca đã biểu thị hai thế giới tương phản, thuận duyên và nghịch duyên cho chúng sinh trên con đường thực tập giác ngộ: Một bên là thế giới Cực lạc với những phương tiện tối thắng như đã trình bày ở đề mục 1 và một bên là thế giới Ta bà đầy khổ đau và nghịch cảnh: kiếp sống ô trược, nhận thức sai lạc, đầy phiền não tham, sân và si, vạn vật vô thường và mạng người ngắn ngủi (Ngũ trược). Nhìn vào bản chất của Ngũ trược thì chúng ta sẽ thấy sự lợi ích cấp thiết của thế giới Cực lạc cho người tu tập như thế nào rồi.
Kế đến, pháp môn niệm Phật A Di Đà là pháp môn phổ biến và bất cứ thành phần nào trong xã hội - từ nông dân, thương gia, cho đến giới trí thức - đều cũng có thể thực hiện được. Điều này nói lên được tính chất khế lý và khế cơ tuyệt diệu mà chúng ta thấy chỉ có pháp môn niệm Phật mới có được. Do tính phổ biến, cũng như khế lý và khế cơ của nó, pháp môn Niệm Phật mở cửa giác ngộ cho mọi thành phần.
Đối với người có trí tuệ lớn, nếu siêng năng tinh tấn niệm Phật, họ sẽ có những sở đắc tâm linh – ví dụ, đạt được định lực hoặc niệm Phật tam muội (Samàdhi). Đối với những người bận rộn với công việc gia đình và những công việc sinh kế, nếu tinh tấn niệm Phật, họ sẽ được “đới nghiệp vãng sinh”.
Cước chú:
(1) Pháp môn (Dharma-Door): Cửa đi vào Phật pháp, hay là phương pháp tu tập để đạt giác ngộ.
(2) Ngũ căn (five faculties): Căn nghĩa là gốc hay thành phần cơ bản, gồm có: Tín căn: nghĩa là tin Phật, Pháp và Tăng; Tấn căn: siêng năng; Niệm căn: chú tâm theo dõi và ghi nhận; Định căn: tập trung tâm lại và Huệ căn: khả năng thấy được bản chất của các pháp là vô thường và vô ngã. Khi năm căn này được khởi động tu tập thì gọi là Ngũ lực, vì nó sẽ tạo thành sức mạnh giúp hành giả tiến đến giác ngộ. Thất Bồ đề phần (The seven limbs of enlightenment): Bảy chi phần hay yếu tố giác ngộ, gồm có Niệm: nghĩa là chú tâm theo dõi và ghi nhận; Trạch pháp: truy tầm và tìm hiểu bản chất của các pháp; Tinh tấn: siêng năng; Hỷ: vui mừng; Khinh an: trạng thái thư thái của thân và tâm; Định: tập trung tâm lại và Xả: không bị tác động bởi những tâm lý vui, buồn. Bát Thánh đạo (The Noble Eightfold Path): Con đường bao gồm tám nhánh liên hệ được “bước qua” hay thực hành bởi các vị thánh. Nói cách khác, đây là con đường hay phương pháp đoạn tận khổ đau.
(i) Chánh kiến: Thấy rõ được bản chất của con người và cuộc đời là vô thường, khổ và vô ngã.
(ii) Chánh tư duy: Tâm không bị tham, sân và si chi phối.
(iii) Chánh ngữ: Không nói láo, không nói lời độc ác và thêu dệt.
(iv) Chánh nghiệp: Không giết hại, không trộm cắp và không tà dâm.
(v) Chánh mạng: Không làm những nghề độc ác để sinh sống.
(vi) Chánh tinh tấn: Tinh tấn đoạn trừ những việc ác đã sinh và ngăn ngừa những việc ác chưa sanh. Tinh tấn phát triển những điều thiện chưa sinh, và tinh tấn làm những điều thiện đã sinh.
(vii) Chánh định: Giữ tâm trí tập trung, không bị vọng niệm.
(viii) Chánh niệm: Chú tâm theo dõi và ghi nhận trên đối tượng thiền quán.
(3) Bồ tát (Bodhisattva): người phát tâm giác ngộ và trải qua nhiều đời kiếp tu tập để đạt được quả vị giác ngộ. Theo các kinh Đại thừa, Bồ tát là vị có mục đích là mong cầu giác ngộ để cứu giúp chúng sinh. Thông thường, Bồ tát được chia làm hai hạng, những vị đã giác ngộ và phân thân hóa độ chúng sinh như: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quan Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát... và những chúng sinh phát tâm giác ngộ - như chúng ta – đang tu tập để đạt được mục tiêu ấy.
(4) Bốn quả Thánh: (i) Tu đà hoàn (Sota- āpanna, stream – enterer): Dự vào dòng thánh để đạt được quả vị này, hành giả phải đoạn trừ thân kiến, nghi và giới cấm thủ và phải tái sinh lại bảy lần nữa trong cõi Người hoặc cõi trời Dục giới. (ii) Tư đà hàm (Sakad- āgāmin, once-returner): Quay trở lại một lần nữa. Ở quả vị này, tâm tham dục và sân của hành giả được hạ giảm và lắng dịu. Hành giả phải tái sinh một lần nữa trong cõi trời Dục giới. (iii) A na hàm (Anāgāmin, non-returner): Không còn quay trở lại. Trong giai đoạn này, hành giả đoạn trừ được thân kiến, giới cấm thủ, nghi, dục và sân. Hành giả không còn tái sinh nữa, mà chỉ an trụ trong cõi trời Sắc giới. (iv) A la hán (Arahant, the Enlightened One): Không còn bị nghiệp lực dẫn dắt tái sinh nữa. Ở quả vị này, hành giả đã đoạn tận tham ái về cõi trời sắc giới và vô sắc giới, lòng kiêu mạn và vô minh. Đây là quả vị giải thoát rốt ráo.
(5) “I placed confidence in the Teacher thus: “The Blessed One is fully enlighted, the Dhamma is well-claimed by the Blessed One, the Sangha is practicing the good way”. Majjhima Nikāya. Trans. Bhikkhu Nanamoli and Bhikkhu Bodhi. Boston: Wisdom Publications, 1995. P.418.
(6) “Bhikkhus, when anyone’s faith has been planted, rooted and established in the Tathagata through these reasons, terms and phrases, his faith is said to be supported by reasons, rooted in visions, firm”. (Như kinh đã dẫn ở trên).
(7) Tứ đế (Cattāri ariya-saccāni, the Four Noble Truths): Bốn chân lý chắc thật, cao cả: Dukkha; Nguyên nhân của Dukkha; Sự đoạn tận Dukkha; Con đường dẫn đến sự đoạn tận của Dukkha.
(8) Phần lớn những người tu pháp môn Niệm Phật A Di Đà tin có thế giới Cực lạc dựa trên lý luận rằng Đức Phật Thích Ca luôn luôn nói lời chân thật. Tin Đức Phật luôn luôn nói lời chân thật là tin vào nhân cách của Phật, và tin vào nhân cách của Phật, nghĩ cho kỹ, cũng là do phát xuất từ lòng tin Pháp, hay những lời dạy của Ngài. Do vậy, không có gì sai trái khi những người đó tin có Cực lạc dựa trên nhân cách của Đức Phật. Tuy nhiên, lý luận này chỉ phù hợp với những người cùng là Phật tử và cùng tu pháp môn niệm Phật A Di Đà. Đối với những người tu các pháp môn khác, và nhất là đối với những người không phải Phật tử, việc dựa vào nhân cách của Đức Phật để cho rằng có thế giới Cực lạc thì rất là khó thuyết phục. Do đó, chỉ có giáo lý Nhân quả và Nghiệp báo - tức là tin Pháp - là cơ sở lý luận vững chãi nhất để giúp cho tất cả mọi người biết được có thế giới Cực lạc. Có một số người khác tin có thế giới Cực lạc qua sự chứng kiến những hiện tượng cát tường của những người tu pháp môn Niệm Phật khi sắp lâm chung hoặc sau khi lâm chung, như hương thơm, hào quang, nhạc trời v.v… Đây là những hiện tượng kỳ diệu giúp tăng tín tâm cho những người tu tập pháp môn Niệm Phật; tuy nhiên, những hiện tượng kỳ diệu này chỉ là kinh nghiệm cá nhân, do đó chúng không thể được xem là nguyên tắc căn bản hay kinh nghiệm phổ biến để giúp cho mọi người biết có thế giới Cực lạc.
Ngoài ra, khoảng chừng 20 năm trở lại, ngành Thiên văn học đã phát triển một cách đáng kể. Theo bảng kê khai từ trang web Wikipedia.org/exoplanet, có khoảng 650 ngoại hành tinh (exoplanets) đã được phát hiện, trong đó có những hành tinh có bầu khí quyển và nhiệt độ như hành tinh của chúng ta; thí dụ như hành tinh Gliese 581e. Cũng theo trang web Wikipedia, trong thời gian gần đây, Giáo sư ngành Thiên văn Matthew Bailes tại Swinburne University of Technology ở Melbourne đã khám phá ra một hành tinh bằng kim cương (vốn do từ những phản ứng của hóa chất hữu cơ Carbon hình thành). Hành tinh quay chung quanh ngôi sao trung hòa tử (Neutron star) và cách hành tinh chúng ta khoảng 4.000 light years. Sự phát hiện về hành tinh kim cương này làm chúng ta liên tưởng đến thế giới Cực lạc với đất làm bằng vàng, kim cương và những chất báu khác. Mặc dầu những sự phát hiện về những ngoại hành tinh của các nhà thiên văn hiện đại giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn về sự hiện hữu vô lượng vô biên thế giới – điều mà Đức Phật Thích Ca đã nói cách đây hơn 2.500 năm – Điều này cũng không thể được xem là bằng chứng thuyết phục để kết luận rằng có thế giới Cực lạc.
(9) Lục niệm: Sáu đề mục thiền quán được Đức Phật dạy trong các Nikàya và được giải thích chi tiết trong “Thanh tịnh Đạo luận” (The Path of Purification). (i) Niệm Phật: Suy niệm về Phật là vị đã thấy được chân lý; xứng đáng được cúng dường bởi mọi loài chúng sinh; có trí hiểu biết cùng khắp; trí tuệ và đức hạnh vẹn toàn; đã đạt được hạnh phúc chân thật; biết giải tỏa những khúc mắc của thế gian; tối thượng; điều phục những kẻ đáng được điều phục; vị thầy của trời và người; vị giác ngộ trọn vẹn. (ii) Niệm Pháp: Suy niệm về lời dạy của Đức Phật, bao gồm giáo lý Nhân quả, Nghiệp, Duyên sinh hay Vô thường, Khổ và Vô ngã. Nói chung là giáo lý Tứ diệu đế. (iii) Niệm Tăng: Suy niệm về những vị thực hành lời dạy của Phật và giới luật để được giác ngộ. (iv) Niệm giới: Suy niệm về giới luật của Phật có khả năng ngăn chặn tội lỗi của thân và tâm. (v) Niệm thí: Suy niệm về sự bố thí để giúp đỡ những kẻ nghèo khó, và ngăn chặn lòng tham. (vi) Niệm thiên: Suy niệm về những điều kiện để sanh về cõi Trời như giữ giới, bố thí, tin Tam bảo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm