Pháp quán mười hai nhân duyên có ý nghĩa gì?
Hành giả sau khi thành tựu pháp quán mười hai nhân duyên thì sẽ trừ được tâm si mê là nguyên nhân chính của khổ đau và luân hồi của chúng sinh.
Ðức Phật thường bảo: “Sự khổ ở tam đồ chưa hẳn là khổ, chỉ có người thiếu trí huệ mới là khổ thôi“. Xem thế thì đủ biết trừ được tâm si mê và làm cho trí huệ được phát chiếu là một điều quan trọng bậc nhất của kẻ tu hành.
Hơn nữa, hành giả còn nhờ pháp quán mười hai nhân duyên này mà sẽ chứng được quả Duyên giác. Khi Phật chưa giáng sinh, cũng có nhiều vị tu hành nhờ quán sát sự sanh hóa của vũ trụ mà được ngộ đạo. Những vị ấy người ta thường gọi là Ðộc giác, nghĩa là tự nghiên cứu một mình mà được giác ngộ. Ðến khi Phật giáng sinh, chỉ dạy pháp quán nhân duyên nhiều người y theo pháp quán này tu hành mà được giác ngộ, nên gọi là “Duyên giác” (nghĩa là những vị giác ngộ nhờ quán mười hai nhân duyên).
Chỗ giải thoát của quả vị Duyên giác và A-la-hán đều giống nhau, nhưng về trí huệ và thần thông thì quả Duyên giác cao hơn quả A-la-hán.
Sau đây là một thí dụ về sự thành tựu pháp quán mười hai nhân duyên của hai vị đại đệ tử của đức Phật Thích-Ca, là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, lược thuật theo kinh Nhân quả:
Ở thành Vương-xá, có hai người Bà-la-môn rất thông minh trí huệ, một người tên là Xá Lợi Phất và một người tên là Mục Kiền Liên. Hai người đều tu theo ngoại đạo, có trên một trăm đệ tử, và có hứa hẹn với nhau rằng, nếu ai nghe được pháp mầu trước, thì phải chỉ dạy lại cho người kia.
Một hôm, ông Xá Lợi Phất đi đường, được nghe một vị đệ tử của Phật là Thầy Tỳ kheo A Xá Bà Kỳ, giảng giải về đạo lý nhân duyên và tóm tắt lại trong một bài kệ như sau: “Cội gốc của tất cả pháp là nhân duyên sinh, không ai làm chủ, nếu ai hiểu được pháp này, thì chứng được đạo chân thật” (1).
Khi nghe xong, ông Xá Lợi Phất liền xa lìa trần cấu, chứng được đạo quả thanh tịnh.
Lức trở về, ông Xá Lợi Phất giảng nói lại cho ông Mục Kiền Liên nghe. Ông này nghe xong, cũng chứng được đạo quả. Hai ông liền đem 200 đệ tử của mình, đến xin Phật cho xuất gia làm đệ tử.
Ðể độc giả có một ý niệm chung về bài giảng này và dễ nhớ, chúng tôi xin tóm tắt những yếu điểm sau đây:
A. Tất cả sự vật không một vật nào riêng biệt mà tồn tại được. Chúng phải nương tựa vào nhau mới thành vật này hay vật khác. Ðó là lý nhân duyên sanh, hay trùng trùng duyên khởi. Riêng về loài hữu tình như kiếp người chẳng hạn, thì do mười hai nhân duyên nương nhau mà thành một chuỗi sanh tử dài vô hạn, nối tiếp từ quá khứ đến hiện tại và vị lai. Tùy theo cái tác dụng của nó mà mười hai nhân duyên ấy có thể chia làm ba nhóm là: hoặc (mê mờ), nghiệp (tạo tác) và khổ (kết quả).
B. Muốn dứt trừ chuỗi sanh tử kéo dài trong biển khổ đau của cõi tục, phải quán mười hai nhân duyên. Pháp quán này có hai phần là quán lưu chuyển và quán hoàn diệt:
1. Quán lưu chuyển. Là quán hiện tượng sanh khởi và tiến triển của mười hai nhân duyên từ vô minh, hành, thức… đến lão, tử. Trong khi quán lưu chuyển, hành giả có thể chỉ quán sát sự sanh khởi và tiến triển của mười hai nhân duyên trong quá khứ, trong hiện tại hay cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
2. Quán hoàn diệt. Là quán theo phương pháp làm cho mười hai nhân duyên phải tiêu diệt. Có hai pháp quán hoàn diệt:
a) Một pháp dành cho những bậc đại căn trí, như hạng Ðại thừa Bồ tát, đó là pháp “diệt căn bản vô minh”.
b) Một pháp dành cho những người căn cơ thấp thỏi như chúng ta, đó là pháp “diệt chi mạt vô minh”.
Pháp quán sau đây lại chia ra làm hai là quán lý và quán sự:
– Quán lý: là quán các pháp không thật có (hữu) nên không chấp thủ (thủ); bởi không chấp thủ nên không tham ái (ái).
– Quán sự: là áp dụng cái lý đã quán ở trên trong hoàn cảnh thực tại: Hành giả phải cố gắng thực hiện sao cho khi đối cảnh không khởi tâm tham ái (ái), nhờ không tham ái mới không tạo tác tìm cầu (thủ); do không tìm cầu nên không có (hữu) thọ quả sanh tử về sau.
Hành giả thành tựu được pháp quán mười hai nhân duyên này thì sẽ dứt trừ được vô minh, thoát khỏi sanh tử và chứng được quả vị Duyên giác.
Cầu mong cho quí vị độc giả thấu hiểu được chân giá trị của pháp quán này và tinh tấn tu hành để đạt được quả vị qúy báu nói trên.
(1) Có chỗ nói bài kệ như vầy:
“Chư pháp tùng duyên sinh, diệc tùng nhân-duyên diệt,
Ngã Phật Ðại Sa môn, thường tác như thị thuyết”.
Dịch nghĩa:
Các pháp do nhân duyên sanh, cũng do nhân duyên diệt,
Ðức Phật của chúng ta, thường dạy nói như vậy.
Theo Ðại thừa thì bài kệ về nhân-duyên như vầy:
“Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết túc thị không,
Diệc danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa”
Dịch nghĩa:
Các pháp do nhân duyên sanh, nên ta nói là không,
Chỉ là giả danh, cũng gọi nghĩa trung đạo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phước cao nhất là vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống
Kiến thức 05:57 30/12/2024Không phải mình tu học hay làm phước với hy vọng sẽ được gặp toàn chuyện tốt đẹp, hay để trở thành con người hoàn hảo, mà là để mình có đủ sức mạnh, đủ trí tuệ, đủ đạo đức để vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Bảy ý nghĩa ngày Phật thành đạo
Kiến thức 12:40 29/12/2024Sự kiện Phật Thành đạo có ý nghĩa lớn lao, là ngày trọng đại trong niềm hân hoan của Phật tử nói riêng và đạo Phật nói chung: Ngài chính thức Chuyển pháp luân bánh xe Chánh pháp, đem đạo từ bi, trí tuệ và giải thoát để dẫn dắt chúng sanh hướng về nẻo giác.
Mỗi ngày ăn cái gì?
Kiến thức 14:02 28/12/2024Ăn được cũng chưa phải là thực ăn, vì có ăn hay không ăn đều là vấn đề sanh diệt. Nếu không ăn mà ăn, ăn mà không ăn, đó là từ hữu vi đạt đến vô vi, từ có tướng đạt đến vô tướng, từ sanh diệt đạt đến không sanh diệt.
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Xem thêm