Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 23/04/2017, 09:12 AM

Phật dạy Chánh tư duy thẩm thấu kiếp nhân sinh

Chánh tư duy là chi thứ hai trong Bát Chánh Đạo, có nghĩa là suy nghĩ, nghiệm xét, suy tư, bằng sự ý thức của mình. Chánh tư duy là sự suy nghĩ hợp lý. Suy nghĩ hợp lý có nghĩa là, tất cả mọi hiện tượng sự vật như thế nào thì chúng ta suy nghĩ như thế ấy, tức là suy nghĩ của mình và thực tế cuộc sống phù hợp nhau.

Chánh tư duy là suy nghĩ chân chính, đúng với lẽ phải, do có nghiệm xét, có nghĩa là suy tư phù hợp với nguyên lý duyên khởi, vô thường, vô ngã, như việc mình muốn có một cái nhìn chính xác về tình trạng xã hội hiện giờ đang tiến bộ hay bị tha hóa về mặt đạo đức tâm linh.

Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chính. Muốn vậy ta phải xem xét, soi rọi, quán chiếu, chiêm nghiệm, không trái với sự thật mà vẫn phù hợp chân lý và đem áp dụng vào trong đời sống hằng ngày có lợi ích thiết thực cho mình và người khác. Chúng ta thường suy tư, quán chiếu tại sao con người phải chịu nhiều phiền muộn, đau khổ, bất hạnh trong đời, nguyên nhân vì sao?

Nhờ thường xuyên suy nghiệm như vậy, ta biết do chấp ngã là ta, là của ta, nên muốn chiếm hữu và tham-sân-si từ đó phát sinh, làm cho người khác phiền muộn, khổ đau. Nhờ có chánh tư duy, ta mới sáng suốt, biết phân biệt những điều hay lẽ phải trong cuộc đời.

Tâm linh là lĩnh vực tiềm ẩn bên trong mọi người rất khó diễn đạt, nhưng lại là vấn đề vô cùng quan trọng. Mọi hành động của con người, mọi phát minh hay cống hiến của nhân loại, đều xuất phát từ biết cách tư duy, nghiền ngẫm, nghiệm xét lâu dài của tâm trí.

Tôn giả Ca Chiên Diên là bậc luận nghị đệ nhất, một trong mười vị đệ tử xuất cách của Phật. Lần đầu tiên, Ngài đến xin Phật được xuất gia tu hành.

Phật hỏi, “nhà ngươi do nguyên nhân gì mà muốn xuất gia?”

Ông trả lời, “vì thấy đức Thế Tôn có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nên con muốn bắt chước tu theo”.

“Ông nói như vậy, nếu sau này thân Như Lai già yếu, bệnh hoạn, chắc ông sẽ không còn phát tâm nữa”.

Nghe nói vậy, ông đớ lưỡi, đành thất tha, thất thểu quay trở về nhà, trong lòng buồn vô hạn.

Nuôi ý chí xuất gia, lần thứ hai ông đến. Phật lại hỏi như lần trước, ông nói, “con lần này tôn trọng và kính cẩn lời dạy vàng ngọc bằng pháp âm vi diệu không thể nghĩ bàn của Phật”.

“Nếu sau này Như Lai không còn giảng dạy nữa thì ngươi sẽ mất hết tín tâm mà bỏ cuộc” .

Lần thứ ba, ông đã chuẩn bị đầy đủ nghĩa lý cần thiết cho người xuất gia và tin chắc rằng lần này sẽ được. Phật hỏi tiếp, ông trả lời, “do con kính phục chư Tăng tu hành nghiêm túc và dám xả bỏ hết mọi lạc thú trên đời”.

“Như vậy, sau này có chúng Tăng nào bê bối, chễnh mãng trong việc tu hành, ông sẽ thoái Bồ Đề tâm hay sao?”

Ba lần mong muốn được xuất gia đều không được toại nguyện, nhưng ông không thất chí, nản lòng, vẫn giữ chí xuất trần thượng sĩ để chờ cơ hội khác, xin Phật được xuất gia và tu học theo các bậc hiền Thánh.

Sau cùng, ông đến bạch Phật, “từ lâu nay, con đã được nghe lời dạy của Như Lai Thế Tôn, con đã suy nghĩ, xem xét, quán chiếu, chiêm nghiệm nghĩa lý một cách thấu đáo, tường tận, rõ ràng. Sau đó, con đem áp dụng cho bản thân và cảm nhận được an lạc, hạnh phúc, do biết buông xả tâm chấp trước dính mắc vào cái ta và của ta. Nay con đã thấy biết như thế, nên con muốn xuất gia để hành trì rốt ráo đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, nhằm hoàn thiện bản thân và giúp đỡ, sẻ chia cùng với tất cả mọi người”.

Qua câu nói này, Phật vui vẻ chấp nhận và chỉ dạy pháp tu rốt ráo, nhờ vậy tôn giả đã chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát.

Lời tác bạch chân thành của tôn giả Ca Chiên Diên đúng như sự mong mỏi của đức Phật, ai muốn thành tựu đạo quả thì phải bắt đầu từ văn-tư-tu.

Mới đầu, ta nghe lời Phật dạy, có nghĩa là nghiên cứu, học hỏi cho tường tận, sau đó suy nghĩ, quán chiếu, tìm tòi nghĩa lý, rồi đem ứng dụng vào thực tế cuộc sống, chuyển mê thành ngộ, chuyển xấu thành tốt, cuối cùng thể nhập chân lý, giác ngộ, giải thoát.

Người tu theo phương pháp chánh tư duy thường biết xét nét lại từ ý nghĩ, lời nói và hành động, để làm sao không xảy ra lầm lỗi. Ta phải biết xét nét từng ý nghĩ xấu ác có hại cho người vật. Nhờ quán chiếu, chiêm nghiệm, ta biết được nguyên nhân phiền muộn, khổ đau là do ngu si, chấp trước mê muội, để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuôc đời.

Muốn vậy, ta phải thường xuyên nghiệm xét nguyên lý duyên khởi của các pháp mà tìm ra nguyên nhân sâu xa của nó, nhờ quán chiếu soi rọi, ta mới có thể đạt tới cái nhìn chính xác mọi vật đều không cố định.

Cho nên, ta suy nghĩ đúng, suy tư tốt, để nói lời chân thật và an ủi, sẻ chia, giúp đỡ mọi người bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Nếu ta chỉ tùy theo thói quen, phong tục, tập quán, thành kiến khi xưa thì vô tình mình sẽ không thấy được đúng vấn đề chính xác.

Do đó, vì không có chánh tư duy đúng đắn, nên ta nói và làm không phù hợp với chân lý, mình sẽ không đạt tới được chánh kiến thấy đúng như thật. 

Khi chúng ta biết suy tư về thực tại nhiệm mầu của cuộc sống một cách hợp lý, thì nó giúp ta biết cách giải quyết sáng suốt bất cứ mọi vấn đề gì. Nhờ vậy, mình làm việc gì cũng được lợi ích thiết thực, không mang lại khổ đau cho người khác, và còn đem đến an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.

Suy nghĩ đúng đắn luôn có chánh kiến soi rọi, không thể mang lại phiền muộn, khổ đau cho ai, đó là mối quan hệ nhân quả về mặt tâm lý. Nếu trong hiện tại, ta có phiền não gì là do ta không biết chánh tư duy, nay mình đã có suy nghĩ đúng đắn rồi, thì những phiền não, khổ đau từ đây về sau sẽ không còn bám vào gốc rễ chánh kiến của mình được nữa.

Như vậy, nếu như giáo lý Bát Chánh Đạo được xem như là một quá trình nhận thức với thế giới bên ngoài, thì chánh tri kiến được xem như cơ quan đầu não trọng yếu của người tu, làm cơ sở dẫn dắt cho tư duy chân chính, và phát xuất ra lời nói chân chính, hay giúp đỡ, an ủi người, cho đến chi cuối cùng là chánh định.

Chánh tư duy có trách nhiệm gạn lọc, chuyển giao, bằng cách suy nghĩ đúng đắn cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế, làm cho lời nói, hay hành động được lợi ích mình- người với tấm lòng vô ngã, vị tha. 

Nói tóm lại, tư duy chân chính là những nếp suy nghĩ đúng đắn, vượt khỏi sự ràng buộc của tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, oán giận, thù hằn, ngu si, mê muội, không tồn tại trong ta. Khi ta có tư duy chân chính, việc làm của mình sẽ được thăng tiến tốt đẹp, đem lại lợi ích cho mình và người khác. 

Trong Phật giáo có nhiều phương pháp tu hành, nói gọn lại còn hai thứ là Thiền Chỉ và Thiền Quán. Hai phương pháp này làm nhân cho nhau để dẫn đến kết quả viên mãn.

Thiền Chỉ là mỗi hành giả phải chú tâm vào một chỗ, ròng rặc, tinh cần, chuyên nhất như niệm Phật, Bồ Tát, quán sổ tức, quán hơi thở. Nhờ chuyên nhất vào một chỗ nên ta phát sinh định lực, tuy được định nhưng chưa có trí tuệ thấy biết đúng mọi hiện tượng, sự vật, do đó ta phải chuyển qua Thiền Quán để xem xét, soi sáng, chiêm nghiệm từ thân mình cho đến mọi hiện tượng, sự vật.

Thiền Quán đồng nghĩa với chánh tư duy, như ta quán thấy thân này do đất-nước- gió-lửa hợp thành, bản chất của nó không thật có, nên phải sinh-già-bệnh-chết. Vạn sự, vạn vật cũng không có gì cố định, nó hằng biến chuyển, thay đổi theo thời gian; chính vì vậy thế giới này luôn thành-trụ-hoại-không.

Ta quán biết rõ ràng từng sự vật duyên khởi, vô thường, vô ngã, vì không có thực thể cố định, nên ta luôn đóng góp, sẻ chia vì tình người trong cuộc sống mà không chấp trước, bám víu vào những thứ được mất, hơn thua, nên hư, thành bại.

Ta muốn sống được an lạc, hạnh phúc thì hãy nên thường xuyên chiêm nghiệm, quán sát từ thân mình cho đến muôn loài vật, để thấu rõ bản chất thật của chúng, nhằm làm lợi lạc cho mình và người khác. Ai cũng mong muốn mình được hạnh phúc, có tiền tài, danh vọng, vợ đẹp, con ngoan, và mọi nhu cầu tiện nghi vật chất, nhưng ta lại không tin sâu nhân quả, không tin tưởng chính mình mà cố gắng gieo trồng phước đức như bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia.

Ta không muốn gieo nhân tốt mà muốn được gặt quả tốt là điều không thể có. Tu mà không tư duy, quán chiếu thì làm sao phát sinh được trí tuệ, có trí tuệ ta mới soi sáng được mọi sự vật, nhờ vậy biết cách buông xả tham lam, sân giận, si mê mà chuyển hóa chúng thành vô lượng trí huệ từ bi rộng lớn. Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải để mang lợi ích thiết thực vào đời sống xã hội.

Những thói quen xấu và các tư tưởng thấp hèn là những phẩm chất luôn luôn ngầm chứa bên trong con người chúng ta. Ngày nào ta còn tham-sân-si thì ngày đó, những chất độc này còn có thể trỗi dậy, làm mất đi nhân cách đạo đức của mình.

Do đó, sự từ bỏ cũng là một trong những phương cách giải độc cho lòng tham và triệu chứng thèm muốn của nó. 

Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh ở chỗ loại trừ dứt khoát, chứ không đè nén những trạng thái tâm bất thiện và thay thế bằng những trạng thái tâm thiện.

Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh ở chỗ mở lòng nhân ái và từ bi, để có thể đạt được một hạnh phúc vô điều kiện trong sự từ bỏ.

Chánh tư duy cùng với chánh kiến giúp người học Phật thường xét nghĩ đạo lý, suy tìm thể tánh nhiệm mầu của từ, bi, hỷ, xả, biết xét nét những hành vi lầm lỗi để sám hối chừa bỏ. Biết nhìn thấu vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ, là nguồn gốc của tội ác, và cố gắng tìm phương pháp đúng đắn để tu hành, hầu giải thoát cho mình và những người chung quanh.

Tóm lại, chánh tư duy và chánh kiến là hai yếu tố quan trọng trong phần tu trí huệ của Bát Chánh Đạo, vì chúng có thể đặt thẳng đứng lên những gì đã bị đảo ngược và để lộ những gì đang bị ẩn khuất trong bóng tối.

Tôn giả Ca Chiên Diên nhờ sự chỉ dạy tường tận của đức Phật mà sau này trở thành bậc luận nghị nổi tiếng, bằng cách thức lý luận sắc bén nhờ biết tư duy, chiêm nghiệm, quan sát rõ ràng mọi hiện tượng, sự vật, và biết quay lại chính mình, sống với Phật tính sáng suốt.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm