Phật giáo Nam tông Khmer trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam
Phật giáo Nam tông Khmer tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để cùng chung vai sát cánh bên nhau đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích và mục đích chung là an lạc, giải thoát, hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và cho thế giới trong thế kỷ XXI.
Theo truyền sử, đồng bào Khmer Nam Bộ đã định cư lâu đời trên phần đất cổ này, trước nhất là quần cư ở những gò đất cao, giồng cát, cuối cùng là vùng đất trũng. Trong đó, những thế kỷ đầu, đồng bào thờ cúng các vị thần dân gian, như Ông Tà (Arach), Bình Vôi, Ông Táo. Những thế kỷ tiếp theo, Bà La Môn giáo do các thương nhân Ấn Độ mang đến, xâm nhập vào các tỉnh ven biển như Hà Tiên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Mỹ Tho, Gia Định,v.v... Những thế kỷ kế tiếp, Phật giáo Thượng Tọa Bộ xuất phát từ nam Ấn Độ dọc theo ven biển đến Việt Nam.
Phật phái Thượng Tọa Bộ truyền vào Campuchia từ Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan vào thế kỷ XIV (1307) dưới thời Vua Thất Lị Nhân Đà La Bạt Ma. Tuy nhiên, tại Thái Lan, vào năm 1829, Sãi cả Preah Saukon từ bỏ phái Mahanikaya, thành lập phái Thommayutt, được sự ủng hộ của Hoàng gia Mong Kut Ramma IV, truyền sang Campuchia vào năm 1864. Đến năm 1890, Hoàng tộc Campuchia phái một số sư sãi phái Thommayutt sang truyền đạo ở Việt Nam, chủ yếu là tỉnh An Giang, hình thành chùa Prey Veng ở huyện Tri Tôn và một số chùa khác. Mở đầu cho Phật giáo Nam tông Khmer có hai phái: Mahanikaya và Thommayutt. Phái Mahanikaya chiếm đa số tại Việt Nam.
Năm 1957, Cư sĩ Sơn Thái Nguyên, một sãi cả tu xuất năm 1954 làm công chức cho chính quyền, đã đứng ra xin phép Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập phái Phật giáo Theraveda (Phật giáo Nguyên thủy). Như vậy, các sư sãi người Việt Nam gốc Khmer và cả Khmer nguyên thủy đều nằm trong tổ chức Phật giáo này. Tuy nhiên, lòng quy hướng về Vua Sãi Campuchia ở Phnom Penh vẫn là chính, cụ thể là thời Vua Sãi Huôn Tat và Chuôn Natt (1920 - 1950). Nói khác đi, tùy thuộc vào Vua Sãi và Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Do đó, để tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Phật giáo Nguyên thủy với Phật giáo Vương quốc Campuchia, được sự đỡ đầu của Vua Sãi và sự hỗ trợ của Chính phủ Hoàng gia, nên tại Việt Nam các tỉnh đều thành lập Hội đồng Kỷ luật (Mekon), gồm sáu vị:
Mekon: Sãi cả quản lý một tỉnh thành, có nhiệm vụ phổ biến giáo lý, quyết định công việc của chư tăng, các chùa trong tỉnh thành hoặc với chính quyền địa phương của tỉnh thành và Vua sãi, Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Một hay hai Balakon: Phó sãi, phụ tá với Sãi cả, có nhiệm vụ xây dựng giáo lý, giảng dạy cho Tỳ kheo, Sa di, học sinh Phật tử, sắp xếp tổ chức các lễ hội của chùa và đồng bào Khmer, kiến thiết chùa chiền,v.v…
Vineytharkon: Sãi cả phụ trách về luật (giám luật).
Samouhakon: Sãi cả phụ trách về văn khố.
Lekhathika: Thư ký.
Một hay hai Anonkon: Sãi cả phụ trách một quận hay một huyện.
Những tỉnh thành, quận huyện có nhiều chùa, mỗi chùa thành lập một Ban Quản trị, giúp việc cho chư tăng, hộ trì Tam Bảo.
Ban Quản trị có từ năm vị hay nhiều hơn, gồm: Trưởng ban (Chủ tịch), hai Phó ban (Phó Chủ tịch), Tổng Thư ký, hai Phó Tổng Thư ký, Thủ quỹ, Phó Thủ quỹ, hai Kiểm soát, một phụ trách Nghi lễ, một phụ trách Hoằng pháp, một Tổ chức và nhiều cố vấn. Do đó, chư tăng khi thụ giới đều phải sang Phnom Penh tu học. Sau khi hoàn tất chương trình thì trở về Việt Nam hành đạo. Khi xây dựng chùa chiền đều phải trình Vua Sãi Campuchia cho phép và thỉnh Vua Sãi hoặc Phó Vua Sãi sang Việt Nam làm Lễ Sima và đặt tên chùa mới hợp pháp.
Năm 1960, khi quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Vương quốc Campuchia bị cắt đứt, sự trợ giúp trực tiếp giữa Vua Sãi và Chính phủ Hoàng gia không còn. Tuy nhiên, các tổ chức Mekon tại một số tỉnh thành ở Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì để sinh hoạt tăng sự được hanh thông và có hiệu quả cho đến năm 1975. Để bù đắp lại khoảng trống này, đồng thời giảm bớt ảnh hưởng quan hệ quá tùy thuộc trước đây, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã giúp đỡ Hội Phật giáo Theravada (Mekon Nam Bộ) thành lập Trường Cao đẳng Pali, gồm hai cấp: Trung đẳng và Cao đẳng tại chùa Ông Mẹt (Wattkompong) tỉnh lỵ Phú Vinh - Vĩnh Bình, nay là thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Trường hoạt động đến năm 1975 thì ngưng.
Một điều đáng nói là, ngày 22/12/1960, tại khu căn cứ Dương Minh Châu biên giới tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, thì Hòa thượng Sơn Vọng người Trà Vinh là hàng giáo phẩm cấp cao của Phật giáo Nam tông Khmer tham gia với chức vụ Phó Chủ tịch. Sau khi Hòa thượng viên tịch, Hòa thượng Hữu Nhem trú xứ tại Cà Mau thay thế.
Như vậy, vào thời điểm này, Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động trong hai giới tuyến vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng cũng như vùng xôi đậu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1975), thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976).
Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam, Phật giáo Nam tông Khmer đã tích cực tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, bao gồm các giáo phái Phật giáo tại miền Nam đương thời, do Hòa thượng Thích Tâm Châu, Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam làm Chủ tịch. Hòa thượng Lâm Em Tăng trưởng Phật giáo Nam tông Khmer, trú xứ chùa Chatarangsay, quận 3, Sài Gòn tham gia cố vấn cho Ủy ban. Cư sĩ Sơn Thái Nguyên đại diện Phật tử Nam tông Khmer làm Ủy viên Thường trực của Ủy ban.
Tại các tỉnh, thông qua sự lãnh đạo của các Mekon, hưởng ứng phong trào theo sự chỉ đạo của Trung ương. Một điểm thuận lợi khác, bên trong và phía sau còn được sự ủng hộ và chỉ đạo của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước, do Hòa thượng Thạch Som trú xứ tỉnh Trà Vinh làm Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khu Tây Nam Bộ làm Chủ tịch; Hòa thượng Sơn Vọng, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch danh dự, góp phần thành công cho phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam, đưa đến chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Tự do tôn giáo được tôn trọng và phát triển trong tinh thần bình đẳng các tôn giáo tại miền Nam Việt Nam.
Tiến thêm một bước, để tạo thành một khối Phật giáo thống nhất hai hệ phái Nam tông, Bắc tông và các đoàn thể Phật giáo khác tại miền Nam, Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam ngày 04/01/1964 được tổ chức tại chùa Xá Lợi, quận 3, Sài Gòn do Hòa thượng Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo làm Trưởng ban Tổ chức. Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thông qua Hiến chương và suy cử Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo cùng các Tổng vụ.
Tham dự Đại hội, đoàn Phật giáo Nam tông Khmer có: Hòa thượng Lâm Em, các Đại đức Thạch Gồng, Thạch Reach, Kim Sang, Kien Phum, Danh Bao, Danh Srum, Thạch Pêch, Thạch Suông, Sơn Sương, Châu Lun, Tăng Kim, Sơn Sun, và Cư sĩ Sơn Thái Nguyên. Hòa thượng Lâm Em được suy tôn làm Trưởng lão Viện Tăng thống, Đại đức Thạch Gồng được suy cử làm Phó Thư ký Viện Tăng thống, Đại đức Kim Sang làm Vụ trưởng Tăng bộ Nam tông vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự, cư sĩ Sơn Thái Nguyên làm Vụ trưởng Thiện tín Nam tông vụ thuộc Tổng vụ Cư sĩ.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, các tổ chức chính trị xã hội đều thống nhất thành một mối. Đấy là cơ duyên để Phật giáo cả nước thống nhất thành một tổ chức duy nhất. Năm 1980, sau nhiều phiên họp hiệp thương tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả một Ban Vận động do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm Trưởng ban Vận động; Hòa thượng Châu Mum, Hội trưởng Hội Sư sãi Yêu nước Miền Tây Nam Bộ làm Phó ban Vận động.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 07/11/1981, tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, Đại hội Thống nhất Phật giáo đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ, Hòa thượng Lâm Em làm Phó Pháp chủ; suy cử Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Châu Mum làm Phó Chủ tịch. Tại Đại hội, Hòa thượng Dương Nhơn đại diện Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ trình bày tham luận, trong đó có đoạn: “Vô cùng phấn khởi đến dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, thay mặt Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ, trên 10 ngàn Đại đức, chư Tăng và hơn một triệu tín đồ Phật tử, xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Hội nghị của chúng ta hôm nay là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với Phật giáo Việt Nam và cũng là lần đầu tiên đại diện các Hệ phái Phật giáo chúng ta ngồi lại cùng nhau bàn bạc để đi đến thống nhất giềng mối Phật giáo nước nhà, được thể hiện qua bản Hiến chương và Thông bạch của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam… Do đó, Phật giáo Nam tông Khmer chúng tôi xin giới thiệu các vị đại diện vào trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để tăng thêm sức mạnh tổng hợp của Phật giáo cả nước. Phật giáo Việt Nam nói chung đã có truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, chắc chắn khi được thống nhất về một tổ chức, về ý chí và hành động sẽ có nhiều điều kiện góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa…”.
Với tư cách là thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua hơn 30 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo Nam tông Khmer tham gia đầy đủ các cơ quan như của Giáo hội. Hội đồng Chứng minh có HT. Lâm Em, HT. Thạch Som, HT. Mahasaray, HT. Danh Nhưỡng, HT. Dương Nhơn - Phó Pháp chủ; HT. Cả Bi, HT. Chau Ty, HT. Chau Tinh, HT. Thạch Hạnh, HT. Kim Sa Rinh, HT. Lý Liêu, HT. Diệp Thương, HT. Sơn Khune, HT. Thạch Hu, HT. Danh Pol, HT. Lý Sân, HT. Thạc Chương, HT. Sơn Pen, HT. Trần Phiên - Thành viên Hội đồng Chứng minh. Hội đồng Trị sự có: HT. Châu Mum, HT. Dương Nhơn, HT. Thạch Sok Xane - Phó Chủ tịch; HT. Đào Như - Ủy viên Thư ký; HT. Thạch Huônl, HT. Danh Đổng, TT. Danh Lung - Ủy viên Thường trực; HT. Lý Xa Muoth, HT. Thạch On, HT. Tăng Nô, HT. Lâm Pậu, HT. Thạch Sên, HT. Danh Lân, HT. Thạch Oai, HT. Danh Thiệp, HT. Diệp Tươi, HT. Chau Sơn Hy, HT. Thạch Hà, HT. Trần Kiến Quốc, TT. Sơn Ngọc Huynh, TT. Lý Hùng, TT. Lý Vệ, TT. Quách Thành Sattha, TT. Trần Văn Tha, ĐĐ. Danh Phản, ĐĐ. Trần Phương, ĐĐ. Châu Hoài Thái, ĐĐ. Thạch Nê, ĐĐ. Danh Nâng. Trong 13 ban, viện Trung ương Giáo hội đều có sự tham gia của chư tôn Đức Phật giáo Nam tông Khmer. Tại 34 tỉnh thành Phật giáo phía Nam, nhất là 13 tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer đều tham gia Ban Thường trực Ban Trị sự với chức vụ Trưởng ban, Phó ban, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Ban Trị sự phụ trách Phật giáo Nam tông Khmer tại địa phương. Đồng thời, có sự kết hợp với Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các tỉnh thành, là thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần đẩy mạnh công tác Phật sự của Hệ phái nói riêng, các tỉnh thành Phật giáo nói chung đạt kết quả tốt đẹp, thực hiện phương châm hoạt động của Giáo hội: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.
Trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer có Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (đặt tạm tại chùa Pothisomrom, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), đã và đang đào tạo hai khóa; trên 35 tăng sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học, 36 tăng sinh đang theo học Cử nhân Phật học, nhiều tăng sinh được cử đi du học tại Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ,v.v…
Với hệ thống sáu Trường Trung cấp Phật học, trong đó có Trường Trung cấp Pali Nam Bộ đặt tại chùa Khleang, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng và 73 Lớp Sơ cấp Pali, Vini đã giúp cho hơn 2.700 tăng sĩ có trình độ Trung cấp Phật học và hơn 2.750 tăng sĩ đang theo học các chương trình. Nhất là chương trình đại học quốc dân tại Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh,v.v…
Với sự giúp đỡ của Chính phủ, đã in 35 đầu sách hơn 1.150.000 ngàn bản, cùng 350 bộ Đại Tạng Kinh phân bố cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong khu vực có tài liệu nghiên cứu, đọc tụng và học tập.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập và phát triển ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự đối tác ngoại giao với các nước trong khu vực, nhất là các nước có Phật giáo Nguyên thủy như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ,v.v... Do đó, Phật giáo Nam tông Khmer trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một nối kết quan trọng trên trường quốc tế. Qua đó cho thế giới thấy được tính đặc thù của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức gồm các truyền thống, hệ phái Phật giáo đoàn kết hòa hợp trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam.
Các pháp môn truyền thống tu học biệt truyền đúng chánh pháp của các hệ phái Phật giáo được duy trì và phát triển ổn định như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quy định, góp phần phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam, văn hóa người Khmer tại Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong tinh thần Phật giáo, xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ trong thời kỳ hội nhập thế giới thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo của Phật giáo Việt Nam, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer, thành viên sáng lập, hoạt động hài hòa, đoàn kết, thống nhất trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại và tương lai. Tóm lại, hơn 40 năm đồng hành cùng dân tộc, gần 1.000 năm hiện hữu trên đất nước Việt Nam, với tinh thần cộng cư sinh tồn, đoàn kết hòa hợp với 54 dân tộc anh em, nhất là các dân tộc Khmer, Việt, Hoa, Chăm ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo Nam tông Khmer đã thể hiện trọn vẹn tinh thần lục hòa cộng trụ như Đức Phật dạy: “Mỗi người mỗi nước mỗi non/ Khi vào cửa Phật như con một nhà/ Cùng nhau thực hiện Lục hòa/ Chúng sanh lợi lạc, chan hòa tình thương”.
Với tinh thần và ý nghĩa ấy, Phật giáo Nam tông Khmer sẽ tích cực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer và văn hóa người Khmer, để cùng chung vai sát cánh bên nhau đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích và mục đích chung là an lạc, giải thoát, hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và cho thế giới trong thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm