Vai trò của nữ giới trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử, những đóng góp thiết thực của Phật giáo cho đất nước từ những ngày đầu có mặt đến nay, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nữ giới Việt Nam luôn được xã hội trân trọng.
Lịch sử ghi nhận, kể từ thời Hai Bà Trưng, nữ giới đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước, nhiều vị nữ tướng sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử với dân tộc đã xuất gia và trở thành những bậc danh Ni tài đức vẹn toàn như Công chúa Bát Nàn, Bà Thiều Hoa, Bà Vĩnh Huy, Công chúa Phương Dung, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ; thời Lý có Ni sư Diệu Nhân, thời Trần có Ni sư Tuệ Thông, thời Trịnh Nguyễn có Ni sư Diệu Viên, Ni sư Diệu Tuệ, Ni sư Diệu Cơ. Từ đó cho đến thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, nhiều vị Tôn túc Ni tiêu biểu trên bước đường tu hành giác ngộ giải thoát và hoằng pháp độ sanh, đã viết nên những trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam như Ni trưởng: Đàm Thái, Đàm Thu, Đàm Soạn, Đàm Hữu, Đàm Tín, Đàm Xương, Đàm Nhung, Sư bà Hồng Nga, Sư bà Như Thanh, Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Trí Hải, Ni trưởng Huỳnh Liên.
Kể từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, nhất là sau ngày thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương trực thuộc Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 01 tháng 01 năm 2009, Chư Tôn đức Ni đã kế thừa và phát huy truyền thống tu hành mà Đức Thánh Tổ Ni - Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di đã soi sáng con đường giác ngộ giải thoát cho Ni giới nói riêng và nữ giới nói chung. Trong quá trình phát triển từ đó đến nay, nữ giới trong tổ chức Giáo hội ngày càng phát huy truyền thống tu tập, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên các lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp và từ thiện xã hội, trong hàng ngũ nữ Phật tử tại gia đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Giáo hội.
Nữ giới là một trong tứ chúng cùng cộng tu và thừa hành Phật sự trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bên cạnh vai trò hộ pháp, ngày nay, hàng nữ giới đã có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà, nhằm ghi nhận và tri ân công đức bao thế hệ nữ giới đã chung sống hòa hợp và chia sẻ trách nhiệm với Tăng già trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam, đồng thời nhân tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch, một bậc trưởng lão Ni lỗi lạc, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam”, trước tiên cho phép tôi xin thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ đạo hạnh sáng ngời nguồn tuệ giác của Ni sư Diệu Nhân và công đức của Chư Tôn Đức tiền bối Ni qua nhiều thế hệ, nhất là những đóng góp quý báu của hàng cận sự nữ vào sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi nhiệt liệt hưởng ứng việc làm vô cùng ý nghĩa này của Ban tổ chức và xin đóng góp vài ý kiến “Vai trò của nữ giới trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Hội thảo khoa học “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” nhân dịp tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch, trước hết đây là dịp để tất cả chúng ta khẳng định năng lực tu hành giác ngộ giải thoát của Nữ giới Việt Nam, đồng thời ghi nhận tôn vinh những đóng góp lớn lao, thiết thực của nữ giới trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua đó nêu bật lên vai trò vị trí, cũng như những đóng góp quý báu mà nữ giới đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hành trạng của nữ giới Việt Nam sẽ là những bài học sâu sắc về tinh thần hộ pháp, ý chí vươn lên trong tu học, sự tự nguyện dấn thân cùng chia sẻ trách nhiệm với Giáo hội trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giáo dục, hoằng pháp và nhất là công tác từ thiện xã hội, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị nhân văn, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, đây chính là những vai trò quan trọng của nữ giới trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên tinh thần này, tham luận sẽ đề cập đến một số đặc điểm nổi bật của nữ giới trong quá trình hộ pháp, tu hành, đồng hành cùng Giáo hội tham gia các hoạt động vì lợi ích nhân sinh.
Chúng tôi được biết, Hội thảo “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” đã được Ban Tổ chức chuẩn bị khá chu đáo trong thời gian chư Tăng, Ni tập trung kiết hạ mùa an cư Phật lịch 2563, đây cũng là khoảng thời gian quý báu mà hàng nữ Phật tử trên khắp mọi miền đất nước, bằng tín tâm, khả năng và tấm lòng thành đã tập trung và chu toàn bổn phận trách nhiệm hộ pháp của người nữ Phật tử tại gia, chăm lo cung phụng cúng dường tứ sự dâng lên chư Tăng, chư Ni trong suốt ba tháng an cư kiết hạ, và không chỉ trong ba tháng an cư, mà trong suốt cuộc đời, đặc biệt kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập đến nay, hàng nữ Phật tử đã thành kính cúng dường Tam Bảo cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để chư Tăng, Ni yên tâm tu học và hành đạo, có thể nói rằng, hộ pháp chính là vai trò then chốt, nổi bật và rất đáng trân trọng của nữ giới trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhân đây cho phép tôi bày tỏ lòng biết ân sâu sắc đến quý vị nữ Phật tử trên mọi miền đất nước đã hết lòng vì sự nghiệp xương minh Phật pháp và sự nghiệp phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, trong vai trò hộ pháp, nữ giới còn tích cực tham gia thực hiện chủ trương “Phật hóa gia đình” của Giáo hội, nhân đó làm thăng hoa những giá trị nhân bản và nhân văn trong đời sống gia đình, góp phần đẩy lùi những vấn nạn thời đại, cân bằng và tái tạo nền đạo đức xã hội; bên cạnh đó, những nữ huynh trưởng và nữ đoàn sinh trong các Phân ban gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh thành trong cả nước đã tận tụy ươm mầm Phật pháp cho tương lai, xây dựng nên một thế hệ thanh thiếu niên gương mẫu, sống có mục tiêu lý tưởng, sống lành mạnh và hữu ích cho đạo pháp và dân tộc, đơn cử như vậy để chứng minh rằng, với những đóng góp nhất định vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc, thì những việc làm đầy trách nhiệm này cho thấy nữ giới trong tổ chức Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong quá trình Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Trong suốt nhiều năm qua, công tác từ thiện xã hội với những kết quả khả quan đã đạt được khẳng định đây là thế mạnh của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, và thế mạnh này lại bắt nguồn từ tinh thần vị tha nhân ái, phụng sự vô điều kiện của một bộ phận nữ Phật tử, nhờ vào tiềm năng và nguồn lực dồi dào này, Giáo hội đã có điều kiện thực hiện nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa vào những dịp lễ hội truyền thống của Phật giáo và dân tộc như Đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu, Tết Trung thu, Tết nguyên Đán, hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học, tặng nhà tình nghĩa, xây nhà tình thương, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn, khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hình thành các bếp ăn từ thiện, tặng học bổng cho học sinh nghèo, phát xe lăn, xe đạp, tham gia chương trình quỹ vì người nghèo, xây cầu, khoan giếng, cứu trợ đồng bào khó khăn các tỉnh vùng sâu vùng xa, nhất là nhiệt tình tham gia cứu trợ mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai lũ lụt… Điều này cho thấy, nữ giới đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác từ thiện nhân đạo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương và hoạt động từ thiện xã hội tại các cơ sở tự viện trực thuộc Giáo hội các cấp khởi xướng hoặc do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đáng chú ý, trong đại bộ phận nữ giới tham gia các công tác từ thiện xã hội trong tổ chức Giáo hội, đến nay đã có nhiều nữ Phật tử là những doanh nhân thành đạt, hoặc những nghệ sĩ nổi danh làm đầu tàu cho các hoạt động từ thiện nhân đạo... Mặt khác, với những điều kiện thuận lợi hiện nay, thời gian qua đã có nhiều vị nữ Phật tử nhiệt thành đóng góp tài vật, cùng Tăng, Ni xây dựng chùa viện, mở rộng đạo tràng tu học tại hải ngoại do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, đặc biệt, đại bộ phận nữ giới là thành phần chủ yếu tích cực tham gia các khóa tu học tại các cơ sở tự viện trong cả nước, và đây là nền tảng quan trọng để một bộ phận nữ giới có nhận thức, có trình độ năng lực và lý tưởng giác ngộ giải thoát sẽ tiếp bước trên con đường xuất gia tu học. Kể từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 đến nay, số lượng cũng như chất lượng tu hành của Ni giới ngày một Tăng cao, nhất là chất lượng cống hiến trong các lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp của Ni giới đã được nâng cao rõ rệt, hiện nay đã có rất nhiều vị Ni có học vị thạc sĩ, tiến sĩ đứng trên bục giảng các giảng đường Phật Học Viện, họ là những nhà hoàng pháp có giới hạnh, tài năng và uy tín trong tổ chức Giáo hội, tất cả họ đều xuất thân từ những nữ Phật tử gương mẫu từng có quá trình cống hiến nhất định cho Giáo hội, điều này cho thấy, ngoài vai trò hộ pháp, nữ giới còn đóng vai trò là đội ngũ kế thừa nguồn nhân sự quý báu cho Ni giới nói riêng và cho tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.
Nói đến nữ giới trong tổ chức Giáo hội, trước hết họ là một phụ nữ Việt Nam, hàm tàng bốn đức tính cao quý “Công - Dung - Ngôn - Hạnh”, đây là bốn yếu tố căn bản để hình thành nên nhân cách, là thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Trong thời chiến, người phụ nữ Việt Nam khi ra tiền tuyến đều thể hiện bản lãnh “anh hùng, bất khuất”, còn ở hậu phương họ là mẫu người “trung hậu, đảm đang”, những đức tính này trở thành truyền thống cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Thời đại ngày nay, người phụ nữ Việt Nam đã dấn thân tham gia hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội bằng năng lực cùng với sự tự tin và lòng tự trọng vốn có của người phụ nữ, chính sự đóng góp thầm lặng, miệt mài và tích cực đó đã hình thành nhân cách diện mạo của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"; đây được xem là truyền thống của người Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập. Đặc biệt, trên căn bản, người phụ nữ Việt Nam còn có tâm hồn đôn hậu, hiền thục, dịu dàng, kham nhẫn, lòng chung thủy, tính cần cù, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội, giàu lòng vị tha nhân ái… những đức tính này đã hình thành nên phẩm hạnh cao quý tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại, cho đến khi người phụ nữ Việt Nam bén duyên với đạo Phật, được sinh hoạt trong môi trường đạo pháp, được hấp thụ nền giáo dục toàn diện của Phật giáo, được thấm nhuần tư tưởng giác ngộ giải thoát của giáo lý Phật Đà, trong quá trình sinh hoạt và phụng sự trong tổ chức Giáo hội, người phụ nữ Việt Nam nghiễn nhiên trở thành biểu tượng của hạnh nguyện lợi tha, chính hạnh nguyện cao quý và những đức tính ưu việt của nữ giới trong tổ chức Giáo hội đã nói lên vai trò vô cùng quan trọng của nữ giới trên tiến trình xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bất cứ việc làm nào trong Phật pháp cũng hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát của con người và vì lợi ích thiết thực của từng thành viên và của mọi tổ chức, Hội thảo “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” được tiến hanh nhân dịp tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch, một bậc trưởng lão Ni lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam đã liễu ngộ Phật pháp, an nhiên tự tại giữa cuộc đời vô thường dâu bể, điều này mang một ý nghĩa rất lớn, đó là ngoài việc ghi nhận, tôn vinh những đóng góp lớn lao của nữ giới đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Phật giáo nước nhà trong bối cảnh thời đại, Hội thảo còn nhấn mạnh đến tấm gương hành đạo của một bậc tiền bối Ni nhân xuất chúng, do vậy, chúng tôi kính mong nữ giới trong tổ chức Giáo hội dù tại gia hay xuất gia, bên cạnh việc phát huy những mặt tích cực để làm tốt vai trò hộ pháp, chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công phu tu học, thúc liễm thân tâm, tự chuyển hóa nghiệp lực hầu nối gót các bậc tiền nhân, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày cành vững mạnh, điều này sẽ làm Tăng thêm phần ý nghĩa cho Hội thảo, một lần nữa, tôi xin bày tỏ sự phấn khởi và niềm tin, nữ giới ngày nay sẽ là những tấm gương sáng trong vai trò hộ pháp và là người mẫu mực trong hành trì tu tập cho hàng hậu học noi theo.
Tham luận tại Hội thảo “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm