Phật giáo Nguyên thủy trong kỷ nguyên toàn cầu hóa
Nhánh Phật giáo là đối tượng nghiên cứu của cuộc Hội thảo này có nhiều danh xưng đồng nghĩa thường được dùng thay thế cho nhau: Phật giáo Nam tông, Phật giáo Thanh văn thừa, Phật giáo Theravãda, Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Nguyên thủy.
Về mặt từ ngữ, Phật giáo Nguyên thủy được hiểu là Phật giáo nguyên gốc, Phật giáo từ thời Đức Phật, Phật giáo Cổ thời. Thế nhưng, từ thời Đức Phật, không có sự phân chia tông phái. Lần kiết tập thứ nhất, ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, tại Ma-kiệt-đà do Trưởng lão Ca Diếp chủ trì, chủ yếu kết tập Kinh do ngài A-nan đọc và Luật do ngài Ưu-ba-li đọc, vẫn không có sự phân chia tông phái.
Sang kỳ kết tập thứ hai, một trăm năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, được tổ chức tại Vesali với 700 vị Tỳ kheo do ngài Da Xá và một số Đại lão khác bàn về mười điều do nhóm Tỳ-kheo trẻ đề nghị nên thay đổi.
Kết quả là Đại hội không tán thành đề nghị ấy. Nhóm Tỳ-kheo trẻ lại tổ chức một hội nghị gồm mười ngàn người để tán đồng đề nghị trên. Do vì đa số nên hội nghị này được gọi là Đại chúng bộ (Mahasanghika). Trong khi đó, từ sau khi Phật nhập diệt, các Tỳ-kheo được gọi là Sthavira, đồng nghĩa với Thera, tức là bậc Thượng tọa. Sthaviravada hay Theravãda có nghĩa như sau: Sthavira hay Thera là người lớn tuổi, người có chức phận, người con cả, người cao tuổi, bậc thượng tọa..., vada nghĩa là học thuyết, giáo lý. Do đó, Theravãda có thể được hiểu là Giáo lý của người lớn tuổi, của người xưa. Có lẽ từ đây, Theravãda được hiểu là Thượng tọa bộ, sau này được dịch là Phật giáo Nguyên thủy (Earliest System of Buddhist Doctrine hay Primitive Buddhism).
Phật giáo Tiểu thừa (Hinayana) hiển nhiên là do Phật giáo Đại thừa (Mahayana) đặt tên cho Thượng tọa bộ. Tiểu thừa tức chiếc xe nhỏ, chở một người hay ít người, trong khi Đại thừa là chiếc xe lớn, chở tất cả chúng sinh đến giác ngộ, niết bàn. Theo Từ điển Phạn ngữ (Sanskrit Dictionary for Spoken Sanskrit) thì từ Hina có 49 nghĩa, hầu hết đều mang ý nghĩa không tốt: nhỏ, kém, thấp, thiếu, tụt hậu. Gọi Tiểu thừa là không đúng, tự hào là độ hết thảy chúng sinh cũng không đúng. Giáo lý Không dạy rằng không chấp, kể cả không chấp việc tự độ, độ tha, độ được nhiều hay ít chúng sinh. Theo tinh thần Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa thì độ cho hết thảy chúng sinh mà không thấy có chúng sinh nào được độ thì mới gọi là độ. Do đó, mà một Hội nghị Thế giới được Hội Ái hữu Phật tử Thế giới (World Fellowship of Buddhists) tổ chức vào năm 1951 tại Colombo (Tích Lan) đã tuyên bố phải bỏ hẳn việc dùng từ Tiểu thừa.
Nhánh Phật giáo này còn được gọi là Thanh văn thừa cũng có thể do Đại thừa nêu ra vì Đại thừa chủ trương Bồ-tát (trí tuệ cao vời) hơn A-la-hán là mục tiêu của hàng Thanh văn (những người nghe Pháp).
Phật giáo Nam tông là chỉ cho nhánh Phật giáo được truyền về phía Nam, đến Sri Lanka rồi qua các nước Đông Nam Á; trong khi Phật giáo Bắc tông chỉ cho Phật giáo được truyền sang phía Bắc, đến Tây Tạng, rồi qua Trung Quốc, qua các nước châu Á. Nhưng Phật giáo gọi là Phật giáo Bắc tông cũng đồng thời truyền xuống phía Nam, đến Indonesia và Malaysia. Như vậy, gọi Phật giáo Nam tông hay Bắc tông đều không hợp lý.
Dù từ Nam tông không chính xác, ta hãy tạm hiểu nó là Tông phái Phật giáo Nguyên thủy, căn cứ vào năm bộ kinh Nikaya viết bằng Pãli ngữ có căn bản là ngôn ngữ Magadhi, là ngôn ngữ của Đức Phật dùng để giảng Pháp.
Nam tông Việt Nam thì gồm Nam tông Kinh và Nam tông Khmer. Ta hãy xét qua lịch sử truyền bá của Phật giáo Nam tông vào Việt Nam.
Cầu nguyện cho người đã khuất theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy
Theo Mahavamsa, vào thế kỷ III tr. TL, vua Asoka (A-dục) phái một giáo đoàn Phật giáo đến Suvannabhumi, tức vùng Đông Nam Á. Vào thời vua nước Phù Nam (Campuchia cổ) là Kaundinya Jayavarman (478-514) Phật giáo Nam tông Khmer đã phát triển mạnh, vua đã cử phái đoàn đến Trung Quốc truyền giáo, do ngài Nagasena (Na-tiên, người Ấn Độ) dẫn đầu. Đến thế kỷ IV, Nam tông Khmer đã có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long. Tại Trà Vinh, chùa Sangamangala được xây dựng cách đây hơn 600 năm và chùa Samrông Ek được xây dựng từ năm 1642. Về Nam tông Kinh thì từ năm 1939, quý Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm. từ Campuchia đưa Phật giáo Nam tông vào các tỉnh phía Nam Việt Nam, cùng các cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương, Cụ Quyến... tìm đất lập chùa. Từ năm 1940-1945, Nam tông Kinh phát triển khá rộng rãi. Năm 1950 chùa Kỳ Viên được thành lập, làm Trung tâm của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy. Giáo hội này được Bộ Nội vụ của Chính phủ miền Nam thời ấy công nhận ngày 15/12/1957.
Như vậy, Phật giáo Nam tông Việt Nam gồm hai hệ phái, một của người Kinh và một của người Khmer tại Việt Nam. Cho đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, hai hệ phái mới có ngôi nhà chung là Giáo hội để cùng sát cánh hoạt động Phật sự. Theo báo cáo tại Hội nghị thường niên của Giáo hội cuối năm 2012 của Ban Thư ký Hội đồng Trị sự, hiện nay, Phật giáo Nam tông Kinh có 805 Tăng và Nữ tu, trong đó có 350 Nữ tu và 73 chùa. Nam tông Khmer có 8.574 vị sư và 454 chùa. Ba mươi hai năm qua, Nam tông Việt Nam đã có những bước phát triển tốt, những thành tựu khả quan. Tuy vậy, với những con số Tăng, Nữ tu và tự viện như trên, Phật giáo Nam tông Việt Nam vẫn có số lượng quá ít so với tổng số Tăng Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là 44.418 vị và số tự viện là 14.775. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Phật giáo Nam tông Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, có thể làm đà tiến đến những thành tựu tốt đẹp. Ví dụ việc trùng tu tự viện, tổ chức thuyết pháp, phát triển giáo dục (các trường lớp của Nam tông Khmer, đặc biệt là Học viện Phật giáo). Nam tông Kinh cũng đã có Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy rất thuận lợi cho việc phổ biến tin tức, cho việc hoằng pháp.
Từ kỷ nguyên (era) được hiểu là thời đại mới. Toàn cầu hóa (Globalization) được hiểu là sự thực hiện tính chất tổng thể, đồng nhất của các sinh hoạt của con người ở mọi quốc gia trên toàn thế giới. Khoảng ba thập kỷ trước, từ Toàn cầu hóa chưa được dùng phổ biến, dần dần theo với đà phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là kinh tế, thương mại ngân hàng. từ này được sử dụng rộng rãi, nhất là do các nhà kinh tế, nhằm đề nghị một chương trình mở rộng các hoạt động nói trên. Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến mọi lãnh vực hoạt động của nhiều quốc gia, tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.Tuy vậy, Toàn cầu hóa cũng gặp những phản ứng quyết liệt, bằng các sách báo, hội nghị, mít tinh phản đối, nói chung là phong trào chống Toàn cầu hóa (Anti- globalization movement).
Theo quan điểm của những người chống Toàn cầu hóa thì các quốc gia mạnh sẽ áp đặt những chương trình biện pháp có lợi cho mình và các quốc gia yếu sẽ bị thiệt thòi. Do đó, mỗi quốc gia, cần giữ bản sắc riêng của mình khi tham dự vào các chương trình toàn cầu hóa. Thuật ngữ Hội nhập (Integrate) được khuyến khích thực hiện. Về ngôn ngữ hội nhập là một hình thức trung gian (intermediate form) và động từ Hội nhập có nguyên nghĩa là sự hòa nhập dần dần thông qua một loạt các hình thức trung gian liên tục. Hội nhập ở đây nghĩa là hòa nhập vào các chương trình Toàn cầu hóa. Hòa nhập thế nào để có lợi, để không mất bản sắc là vấn đề của mọi quốc gia, mọi vùng, mọi ngành hoạt động.
Toàn cầu hóa hiển nhiên có ảnh hưởng đến văn hóa; và trong ý nghĩa văn hóa, tôn giáo có thể bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng lớn hay nhỏ, hoặc tôn giáo không bị ảnh hưởng bởi Toàn cầu hóa? Thực ra khó xác định vấn đề này. David Skinner đã viết: Thực tế mà xét, Toàn cầu hóa có mang khía cạnh tôn giáo hay không, không ai có thể kiểm nghiệm trước được (International Business and Economies Research Journal, 2011, journals.cluteonline.com). Như thế có nghĩa là Toàn cầu hóa chưa chắc đã có ảnh hưởng đến tôn giáo. Có thể có sự giao lưu tôn giáo, có thể có sự cải đạo nhưng không thể gọi đó là do ảnh hưởng của Toàn cầu hóa vì từ xa xưa đến thế kỷ XX, giao lưu tôn giáo, việc cải đạo, việc du nhập giáo lý giữa các tôn giáo vẫn thường thấy.
Lý tưởng giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa
Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam đã không còn danh nghĩa pháp lý. Vì thế Nguyên thủy trong chủ đề của Hội thảo chúng ta cùng cảm nhận Nguyên thủy đây là Nam tông, mà Nam tông Việt Nam thì gồm: Nam tông Kinh và Nam tông Khmer với số lượng tín đồ chỉ trên dưới một triệu so với khoảng hơn sáu mươi triệu đồng bào có tôn giáo thì đủ biết phạm vi hoạt động vẫn rất khiêm tốn. Hội nghị bàn đến Toàn cầu hóa, quá trình hội nhập, phát triển, liên hệ với các vấn đề xã hội hóa trong kinh tế, giáo dục, từ thiện, với đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Sự liên hệ như thế là đã và đang xảy ra, là có triển vọng chặt chẽ và rộng rãi hơn nhưng được đặt trong chủ đề và nội dung thảo luận của Hội thảo thì chúng ta còn phải vượt qua những đỉnh điểm của công tác nghiên cứu để có thể rút ra được những kết luận quan trọng, cụ thể.
Tuy nhiên, ngày nay một thực tế hiển nhiên trên thế giới là Phật giáo Nam tông Nguyên thủy ngày càng phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu. Điều này, trong tận cùng của tâm thức tôi tin rằng cộng đồng Phật giáo thế giới nói chung, Phật giáo Nam tông Nguyên thủy nói riêng. chúng ta đang thọ hưởng ân đức của Tam bảo, ân đức của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni ban tặng. Suốt một cuộc đời hành đạo hoằng hóa độ sinh, từ khi thị hiện vào đời, xuất gia tu tập khổ hạnh, thành đạo, hoằng hóa. Đức Phật đã để lại tam tạng giáo điển Kinh - Luật - Luận bằng 2 hệ thống ngôn ngữ văn tự Pãli và Sanskrit. Do vậy, trên quả đất này nơi nào có hình bóng Tăng già hoặc Phật tử tại gia hiện diện thì pháp bảo Kinh - Luật - Luận cũng hiện diện, và điều hiển nhiên là vầng hào quang ánh sáng giáo lý Đức Phật cũng hiển lộ.
Tôi thành kính cầu nguyện hồng ân chư Phật gia hộ cho tất cả chúng ta với niềm tin Phật giáo Nam Tông Nguyên Thủy Việt Nam, bao gồm Nam tông kinh và Nam tông Khmer... với hình bóng Ánh đạo vàng sẽ luôn mãi lan tỏa long lanh hiền đẹp, thánh thiện bất tận trước dòng thời gian và cuộc sống nhân sinh.
Tài liệu tham khảo:
1. M.O'C'. Walshe, Buddhist Path, Buddhist Publication Society, 1967
2. Dr. V.A. Gunasekara, What is Theravada Buddhisim, Urban Dharma.org
3. Ven. Dr. W. Rahula, Germs of Buddhist Wisdom, Buddha Missionary Society, Kuala Lumpur, Malaysia, 1996.
4. Alexander Berzin, The Terms Hinayana and Mahayana- www.berzinachives.com, 24/2/2002.
5. Maung Kyauk Seinn, What is Theravada, Nibbana.com.
6. Nalinaksha Dutt, Buddhist Sects in India, Motilal Banarsidass Publications, 1997; Thích Nguyên Tạng dịch.
7. Cambodia Buddhism- trang web của Manjushri Buddhist Community
8. Trang web của Campuchean Buddhist Study.
9.Tan Swee Eng, A Comparative Study of the Schools, buddhanet.net
10. Trang web Phật giáo Nguyên thủy
11. Trang web Ban Tôn giáo Chính phủ
12. Báo cáo Tổng kết Năm 2012 của Ban Thư ký HĐTS, GHPGVN
13. Webster's Ninth New Collegiate Dictionary Sanskrit Dictionary for Spoken Sanskrit; spokensanskrit.de.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm